GS Trần Hồng Quân: Đổi mới giáo dục phải xóa bỏ cầm tay chỉ việc!
(Dân trí) - Đổi mới giáo dục phải xóa bỏ cơ chế chủ quản, xóa bỏ cơ chế xin cho, xóa bỏ cầm tay chỉ việc; học phải trả tiền… trong trường hợp đó đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới - GS Trần Hồng Quân khẳng định.
GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí về bản dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mới nhất mà Bộ GD-ĐT đưa ra.
GS Trần Hồng Quân.
Đề án có tiến bộ nhưng tư duy chưa dứt khoát!
Từng là người đứng đầu ngành giáo dục, GS nhận định Dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo lần này thế nào?
Tôi đánh giá cao dự thảo Đề án lần này so với dự thảo trước đây, đề án tiến bộ hơn nhiều nhưng tư duy chưa dứt khoát. Ví dụ: Đề án nêu phát triển song song loại hình trường công lập và ngoài công lập; tăng cường vai trò trường ngoài công lập… tuy có chú trọng tới vai trò trường ngoài công lập hơn trước nhưng cũng chỉ nói đến chừng đó thôi chứ đề án không coi phát triển hệ thống ngoài công lập như giải pháp đột phá phát triển giáo dục đại học như các nước khác. Ở Hàn Quốc, sinh viên học ở các trường NCL chiếm đến 67%, ở Malaysia còn cao hơn, trong khi đó ở Việt Nam chỉ có 12,7% rất thấp, thậm chí thấp hơn cả Lào và Campuchia.
Lâu nay chúng ta ít khi bàn rốt ráo về giải pháp, nhất là cơ chế. Có đi sâu vào giải pháp mới thấy hết những khó khăn để đạt được mục tiêu, có khi phải có những giải pháp phi truyền thống mới giải quyết được vấn đề. Và, trong trường hợp đó đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, không có cách nào khác.
Điều mà nhiều nhà giáo dục băn khoăn nhất là nếu Đề án được thông qua thì sẽ đổi mới ngay phương thức tuyển sinh là chấm dứt thi đại học nhưng liệu lúc đó chất lượng giáo dục phổ thông có đảm bảo được không hay phải chờ đổi mới phổ thông xong mới đổi mới đại học. Ý kiến của GS thế nào?
Nếu đề án được thông qua là điều tốt, chúng ta phải chờ đợi xem triển khai như thế nào vì kinh nghiệm của tôi thấy từ một văn bản tốt vận dụng nó thông qua nhận thức tư duy của người quản lý trực tiếp. Giống như xã hội hóa, Đảng và Nhà nước có quyết định từ lâu nhưng mãi chưa làm được, vấn đề chính là người điều hành cụ thể.
Không nên chờ đổi mới giáo dục phổ thông xong mới đổi mới giáo dục đại học mà trao ngay quyền tự chủ cho các trường. Thực ra, hiện nay , chúng ta đã cho các trường quốc tế tại Việt Nam tuyển sinh trên kết quả phổ thông chứ không phụ thuộc vào “3 chung” mà họ vẫn đào tạo tốt tại sao các trường Việt Nam không được thực hiện như vậy.
Luật Giáo dục đại học đã quy định cho các trường quyền tự chủ và Bộ GD-ĐT đã để cho các trường quyền tự chủ?
Trong quyền tự chủ nói chung nhưng rất tiếc trong Luật Giáo dục đại học lại có câu: “Tự chủ theo quy định của Bộ GD-ĐT trên cơ sở đánh giá và xếp hạng”. Cái đó không đúng, Bộ vẫn nắm quyền.
Theo tôi đã là trường đại học phải được tự chủ toàn diện vì khi cho phép mở trường đại học có nghĩa đã thừa nhận quyền tự chủ đầy đủ của nhà trường, chỉ khi nào có sai phạm thì có chế tài xử lý một số quyền tự chủ. Phải xây dựng pháp luật và pháp quy không gò bó, tạo ra một hành lang nghiêm mà rộng để các trường hoạt động tự cảm thấy tự do. Phải xóa bỏ cơ chế chủ quản, xóa bỏ cơ chế xin cho, xóa bỏ cầm tay chỉ việc. Khuyến khích sáng tạo. Khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế, đó là giải pháp đi tắt công nghệ đào tạo tiên tiến.
Sinh viên được vay vốn để học tập trong toàn khóa học.
Học phải trả tiền!
Ngân sách chi cho giáo dục nước ta lên đến 20% nhưng chi phí bình quân trên đầu người về giáo dục thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Trong khung tài chính eo hẹp đó, nhiều người khuyên nên giảm quy mô đào tạo để nâng cao chất lượng, GS nghĩ sao?
Khuynh hướng đó dường như đang trở lại việc đào tạo đại học tinh hoa. Nhưng thiếu một trong hai hoặc quy mô hoặc chất lượng đều không thể tạo ra được sức mạnh trí tuệ của quốc gia để phát triển đất nước, để bảo vệ chủ quyền, để duy trì và phát triển nền văn hóa có bản sắc dân tộc. Dứt khoát chúng ta không thể hy sinh một trong hai vấn đề trên.
Vậy bài toán này phải giải thế nào thưa GS?
Bài toán tài chính giáo dục phải được đặt trên bàn của Quốc hội, không thể né tránh. Trước đây cũng có lúc ta nêu vấn đề này nhưng vấp phải 2 trở ngại lớn: một là hạn chế của ngân sách nhà nước, hai là, phát sinh ra những vấn đề xã hội. Do đó phải dừng, không suy nghĩ để có thể đổi mới tư duy để giải quyết vấn đề này và giáo dục phổ thông về cơ bản phải do nhà nước chăm lo để đào tạo ra các lớp công dân tốt cho xã hội.
Riêng về giáo dục nghề nghiệp bao gồm từ dạy nghề đến đại học được coi là thứ dịch vụ cung ứng sự đầu tư cá nhân để nâng cao năng lực của từng người, chuẩn bị bước vào thị trường lao động sau này. Như vậy, học phải trả tiền, phải trả đầy đủ chi phí đào tạo. Chúng ta rất khó thừa nhận đây như một dịch vụ. Trong khi đó Nhà nước đã kí hiệp định WTO, trong đó coi dịch vụ đào tạo như là một sản phẩm.
Mặt khác trên thực tế ở Việt Nam đang có tồn tại cái tương tự như là thị trường dịch vụ giáo dục. Vấn đề ở chỗ làm thế nào để ta quản lý một cách hợp lý, đúng đắn để nó phát triển đúng quỹ đạo.
Trong trường hợp đó thì ngân sách nhà nước phải đảm đương điều gì, thưa GS?
Như trên tôi đã nói, trước hết ngân sách nhà nước đảm đương về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Nhà nước còn phải gánh việc đào tạo nhân tài ở các trường trọng điểm chất lượng cao.
Trong trường hợp ngân sách dồi dào, nhà nước có thể gánh một phần chi phí đào tạo cho các sinh viên ở các ngành học đại trà khác. Hiện nay ở nước ta số trường phục vụ cho đào tạo công ích, công quyền cũng không phải là nhỏ chiếm 1/5 trên tổng số hơn 500 trường ĐH, CĐ ở Việt Nam. Trong đó, chỉ có 83 trường ĐH, CĐ NCL. Cho đến nay, nhà nước không chi đồng nào, thậm chí kể cả đầu tư mồi cũng không có. Nhà nước đang đầu tư dàn trải cả một hệ thống trường công rộng lớn như vậy cho nên khó đủ sức đầu tư thỏa đáng cho từng trường.
Theo tôi, cần phải sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ, trên cơ sở sứ mạng, đồng thời phải làm rõ vấn đề tài chính của từng loại trường này. Trong trường hợp như vậy gánh nặng trên vai ngân sách nhà nước sẽ giảm đi.
Khi xây dựng hệ thống như vậy và chấp nhận một cơ chế dịch vụ đào tạo có trả tiền thi vấn đề xã hội được đặt ra là những người nghèo làm thế nào để học được?
Dân ta còn nghèo, nhiều nơi, nhất là ở nông thôn khó có điều kiện để trả chi phí ấy cho nên Nhà nước phải cho vay. Lâu nay Nhà nước đã mở rộng cho vay nhưng số lượng cho vay, số người được vay cần phải nhiều hơn mới thỏa mãn được yêu cầu.
GS cho biết, trong 20 năm qua, hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL làm được những gì?
Tài sản mà các trường ngoài công lập đem lại cho xã hội khoảng chừng 40.000 nghìn tỷ về cở vật chất,chưa tính đến đội ngũ giáo viên sinh viên, trong khi đó nhà nước không tốn đồng xu nào.
Nhưng rất tiếc, đến nay các trường này vẫn chưa được cơ quan quản lý vui vẻ thừa nhận, xã hội chưa vui vẻ hoan nghênh.
Trong tổng số 83 trường ĐH, CĐ NCL chỉ có khoảng 15 trường đã mang lại tiếng xấu cho hệ thống NCL như xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi nảy sinh mất đoàn kết… Đó là vì nhiều lý do, lý do chủ yếu nhất là vì mô hình chưa rõ ràng ngay trong văn bản pháp quy lẫn sự chỉ đạo định hướng hình thành trong thực tế.
Tuy nhiên, những trường bị “tiếng xấu”này lại bị nói đi nói lại mãi, tạo ra cách nhìn xã hội về hệ thống các trường ĐH NCL giống các trường đó. Cái đó không đúng. Tôi khẳng định, nhiều trường ĐH NCL hiện nay rất năng động thành công khi nhà nước không hỗ trợ và không cổ vũ, mặc dù tỷ lệ không lớn nhưng đó là sự cố gắng cần phải ghi nhận.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
GS Trần Hồng Quân: “38 năm giải phóng mà nền giáo dục đại học của chúng ta mới phát triển thế này là quá thấp so với sứ mạng của nó, quá thấp so với yêu cầu xây dựng đất nước, so với yêu cầu và điều kiện hội nhập. Do vậy, phải giải quyết nhận thức về sứ mạng giáo dục, phải khẳng định trên thực tế “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, phải xây dựng một kế hoạch chiến lược quốc gia, phải có sự chỉ đạo ở tầm cao, tầm vĩ mô, tầm Bộ Chính trị, Quốc hội. Phải xây dựng Bộ tư lệnh tiền phương đủ mạnh và thực sự có tư duy mới; Cần có Hội đồng giáo dục quốc gia có quyền lực và không nên chỉ bao gồm các thành viên của Chính phủ. Phải xây dựng các quyết tâm của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương và sự đồng thuận của toàn xã hội”. |
Hồng Hạnh (thực hiện)