4 năm áp dụng luật, vẫn không biết ai là người đứng đầu trường đại học

Hoàng Hồng Mỹ Hà

(Dân trí) - "Ai là người đứng đầu trường đại học? Lên Bộ Nội vụ mà không ai trả lời chúng tôi một câu", đại diện Trường Đại học Y Hà Nội hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường, ai to hơn?

Câu hỏi này đã từng được đặt ra sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật giáo dục đại học) có hiệu lực.

Tại buổi đối thoại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đại diện Trường Đại học Y Hà Nội một lần nữa thắc mắc về vấn đề này sau hơn 4 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học, họ vẫn không biết ai là người "to nhất", người đứng đầu của một trường đại học.

"Ai là người đứng đầu trường? Tranh cãi mãi. Lên Bộ Nội vụ mà không ai trả lời chúng tôi một câu", PGS.TS. Phạm Ngọc Minh - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội - hỏi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

4 năm áp dụng luật, vẫn không biết ai là người đứng đầu trường đại học - 1

PGS.TS. Phạm Ngọc Minh - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội - hỏi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Ông Nguyễn Kim Sơn xác nhận, Bộ Nội vụ chưa có câu trả lời chính thức với câu hỏi này. Nhưng ở khía cạnh cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, ông Sơn khẳng định người đó là hiệu trưởng.

"Người nào cầm con dấu, phụ trách tài khoản thì đó là người chịu trách nhiệm cao nhất trong trường đại học. Đó là hiệu trưởng", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

Ông Sơn cũng giải thích thêm, hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất và quyền lực của hội đồng là quyền lực tập thể. Chủ tịch hội đồng trường chỉ là 1 phiếu trong cơ chế quyền lực đó. Còn hiệu trưởng, xét về phương diện vai trò cá nhân, là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi mặt của trường đại học. 

Trước đó, trong quá trình dự thảo Nghị định 99 hướng dẫn thực thi Luật Giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn bày tỏ quan điểm với báo chí rằng hội đồng trường không nên "nổi bật" so với hiệu trưởng. 

Theo đó, hội đồng trường làm việc trên nguyên tắc tập thể, quyết định những vấn đề chung, không can thiệp vào công việc điều hành hoạt động giáo dục của hiệu trưởng, đồng thời có phân cấp rõ ràng để giám sát lẫn nhau.

Giáo viên đại học ngoài công lập cũng cần được Bộ Giáo dục và đào tạo vinh danh như trường công

Cũng tại sự kiện gặp gỡ đối thoại Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa - kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách để tạo cơ hội hoạt động bình đẳng cho các trường đại học ngoài công lập và đội ngũ giảng viên, nhà khoa học làm việc tại đây.

Ông Huy cho rằng, mặc dù có sự đầu tư của doanh nghiệp, hệ thống các trường ngoài công lập vẫn gặp nhiều khó khăn về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất. Các chính sách thi đua khen thưởng, vinh danh nhà giáo... chưa có, dẫn tới nhiều sự thiệt thòi, phân biệt.

Ông Huy đề xuất Bộ trưởng cho phép các giảng viên, nhà khoa học đại học ngoài công lập được tham gia vào hệ thống thi đua khen thưởng của Bộ, được xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú bình đẳng như giảng viên, nhà khoa học của đại học công lập, được tham gia đấu thầu các đề tài đặt hàng nghiên cứu khoa học của Bộ.

4 năm áp dụng luật, vẫn không biết ai là người đứng đầu trường đại học - 2

GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa - tại sự kiện gặp gỡ, đối thoại với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Trả lời kiến nghị của Trường Đại học Phenikaa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định từ trước tới nay, giảng viên trường đại học ngoài công lập được vinh danh, xét thi đua khen thưởng như giảng viên đại học công lập, hoàn toàn không có sự phân biệt nào. Các trường cần lưu ý quy định này để nộp hồ sơ đảm bảo quyền lợi cho giảng viên của mình.

Với việc phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, danh sách xét duyệt do các địa phương tổng hợp, bình xét gửi lên. Trường thuộc tỉnh thành phố nào sẽ nộp hồ sơ qua tỉnh, thành phố đó. 

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, Bộ GD&ĐT cho phép giảng viên các trường ngoài công lập được phép tham gia đấu thầu các đề tài của Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết đã nhiều lần gửi ý kiến cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan soạn thảo luật liên quan tới luật đất đai sửa đổi để có chính sách về ưu đãi đất cho giáo dục.

Nếu những đề xuất này được thông qua, trường đại học ngoài công lập sẽ được hưởng các ưu đãi về mặt bằng, địa điểm để phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng.