(Dân trí) - Học sinh tự tử, cô bắt học sinh tát bạn…, là những câu chuyện buồn trong giáo dục. Vậy điều gì đang xảy ra ở các nhà trường, nơi được xem là "thánh đường" giáo dục?
Những ngày gần đây, liên tiếp các vụ học sinh tự tử xảy ra khiến nhiều người bàng hoàng, chấn động.
Chúng ta không khoét sâu thêm vào nỗi đau và sự bất hạnh quá lớn mà bản thân cháu bé và gia đình cháu phải gánh chịu nhưng nhiều người tự hỏi, làm thế nào để những sự việc tương tự không lặp lại?
Làm thế nào để trường học trở nên hạnh phúc và trẻ con không phải chịu những tổn thương tâm lý, những áp lực vô hình đè nặng lên cuộc sống để xảy ra những chuyện đau lòng, đáng tiếc?
Tôi còn nhớ câu chuyện một cô giáo ở một trường cấp 2 tại Quảng Bình bắt học sinh tát bạn cùng lớp 230 cái và sau này cô giáo bị khởi tố, chuyện nữ giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng, vụ việc học sinh xông lên bục giảng tát giáo viên ở Hà Nội… cùng nhiều vụ bạo lực học đường khác xảy ra liên tục trong vài năm trở lại đây.
Đành rằng mỗi câu chuyện đều ẩn giấu đằng sau nó những nỗi ẩn ức khác nhau nhưng tựu trung lại, đều là câu chuyện buồn, đáng lẽ không nên xảy ra trong môi trường giáo dục. Thế nhưng, hiện tượng này vẫn xảy ra, không ít vụ để lại hậu quả nghiêm trọng.
"Chuyện gì đang xảy ra ở các trường học- nơi được xem là 'thánh đường' của giáo dục? Tại sao học sinh ở nhà học online thì không sao nhưng cứ đến trường là xảy ra chuyện? Liệu những sự việc này có chấm dứt không hay nó sẽ biến tướng sang câu chuyện khác"?, TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch công đoàn Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi.
Chuyên gia này cũng cho rằng, vấn đề là ở phẩm chất năng lực nghề nghiệp của những người làm công tác giáo dục trong nhà trường. Làm sao hướng dẫn giáo viên có cách thức, không đao to búa lớn, các trường học không cần hô khẩu hiệu hay chăng cờ hoa biểu ngữ rầm rộ mà bằng những quan tâm nhỏ bé, hãy khiến cho họ hạnh phúc. Giáo viên hạnh phúc thì có những giờ học vui vẻ khiến học sinh hạnh phúc, từ đó lớp học hạnh phúc và nhà trường hạnh phúc.
Lấy hình ảnh ẩn dụ một giáo viên đi chênh vênh trên một thanh gỗ, phía dưới là áp lực từ thành tích giảng dạy, từ các hội thi và thông tư nghị định, TS Lê Thị Quỳnh Nga (Trưởng phòng nghiên cứu Giáo dục học, Trung tâm nghiên cứu Tâm lí học & Giáo dục học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, các thầy cô giáo hiện nay không chỉ chịu áp lực từ nhiệm vụ chuyên môn của mình, từ rất nhiều công việc "không tên" ngoài chuyên môn mà còn từ phía các bậc phụ huynh, của cộng đồng xã hội…
Các nhà trường mà đại diện ở đây là hiệu trưởng hàng ngày cũng đang hứng chịu vô vàn áp lực từ nhiều phía cả bên ngoài lẫn bên trong ngôi trường của mình.
Giữa ngổn ngang bộn bề những công việc nhiệm vụ ấy thì việc nhắc tới hạnh phúc thôi đã là xa xỉ rồi chứ chưa nói đến việc tận hưởng nó. Chính các áp lực này, khiến giáo viên thiếu kiểm soát với chính mình và khó có thời gian, tâm huyết để có nhiều tiết dạy vui vẻ hạnh phúc.
Trong năm học 2019-2020, "trường học hạnh phúc" đã trở thành một từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành giáo dục và có nhiều cắt nghĩa liên quan đến cụm từ này.
UNESCO xác định 22 tiêu chí để tạo ra những gì là Trường học hạnh phúc. 22 tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P, trong đó có mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên…
Còn theo Bộ GD-ĐT, ba yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng có công văn về việc hướng dẫn công đoàn các trường học tổ chức và tham gia xây dựng trường học hạnh phúc.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Ân, để trả lời câu hỏi "Trường học hạnh phúc là gì", nhiều trường tự mày mò, tìm kiếm, đọc, mở hội thảo rồi báo cáo rầm rộ, thậm chí treo nhiều cờ hoa biểu ngữ và họ nghĩ rằng đấy là trường học hạnh phúc. Nhiều trường học cũng có các câu khẩu hiệu rất "kêu" nhưng liệu đó có phải hạnh phúc thực sự hay chỉ là hô hào?
"Rất nhiều sở GD-ĐT khi chúng tôi đến, sau một hồi trao đổi mới ngỡ ngàng, hóa ra trường học hạnh phúc đơn giản hơn việc chăng cờ hoa hay treo biểu ngữ rầm rộ", TS. Ngọc Ân nói.
Còn TS. Quỳnh Nga khẳng định, cho dù quan niệm của ai và tiếp cận theo hướng nào, tất cả đều có điểm tương đồng, đó là có cá nhân hạnh phúc thì lớp học mới hạnh phúc và từ đó mới có trường học hạnh phúc. Ở trường thầy cô dạy điều hay lẽ phải, truyền đạt những điều tốt đẹp giữa con người với con người, tạo môi trường học tập tích cực.
Cùng với cách tiếp cận đó, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, "Trường học hạnh phúc" trước hết là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.
Đặc biệt, "Trường học hạnh phúc" phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức.
Bên cạnh truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu.
Ths. Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B - Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc, một trong những hiệu trưởng luôn trăn trở về vấn đề này cũng chia sẻ, thầy cô không thể đem hạnh phúc cho các em học sinh nếu bản thân giáo viên không hạnh phúc.
Vậy nên trước tiên, cần làm thế nào để thầy cô được giảm áp lực trong giảng dạy, học sinh giảm áp lực trong học tập. Một khi đội ngũ thầy cô hạnh phúc, được có giá trị cống hiến trong môi trường làm việc của mình, được cảm thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng…. từ đó hạnh phúc sẽ được lan tỏa qua mỗi giờ lên lớp và cảm nhận hạnh phúc ngay trong tầm tay của chính mình.
Theo nhiều nhà giáo, khái niệm "Trường học hạnh phúc" được quan tâm không chỉ bởi sức hút của hai tiếng hạnh phúc mà còn thu hút bởi mong muốn bớt đi những áp lực, của các thầy cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.
Vậy hành trình để hướng tới trường học được hạnh phúc phải chăng là một hành trình xa vời đối với các nhà trường hiện nay khi mà áp lực dường như chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ngày càng tăng cùng với những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, khái niệm "Trường học hạnh phúc" sẽ không thành phong trào nếu chúng ta bắt tay vào hành động, thực hiện mục tiêu giáo dục liên quan đến cả gia đình, xã hội; không chỉ là của nhà trường, mỗi nhận thức, mỗi hành động của từng người sẽ quyết định ý nghĩa, thành công của nó.
"Bản thân tôi là người mẹ, tôi phải thay đổi thói quen trong cách nuôi dạy để con mình hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc là khó đo lường, nhưng chúng ta dễ cảm nhận, vì nó biến chuyển hàng ngày, chúng ta cần hành động để tạo nên điều đó", PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Chuyên gia này nói rằng, an toàn là điều kiện cần, là tiêu chí đầu tiên cho hạnh phúc trong trường học. Ngoài sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để có đứa trẻ ngoan, các chế độ chính sách cho nhà giáo để họ an tâm công tác cũng cần được các địa phương cam kết thực hiện.
Trong nhà trường, giáo viên cần được tôn trọng, được đặt niềm tin. Khi đó đội ngũ này sẽ có các phương pháp dạy học tích cực, biến bài học như một câu chuyện, một trò chơi, thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, học sinh cảm thấy được an toàn, quan tâm và yêu thương trong lớp học
Còn theo Ths. Đào Chí Mạnh, chúng ta có thể tìm ra rất nhiều lý do để lý giải rằng việc xây dựng trường học hạnh phúc là rất khó khăn nhưng có một điều chắc chắn là vẫn có những điều thật gần gũi chúng ta có thể làm vì một môi trường hạnh phúc.
Một trong những giải pháp trước mắt mà thầy Mạnh đưa ra để có "Trường học hạnh phúc": Thay đổi mục tiêu giáo dục: Chuyển từ việc dạy học chú trọng phát triển kiến thức kỹ năng sang chú trọng phát triển năng lực phẩm chất.
Việc chuyển đổi này khiến nhà trường, thầy cô linh hoạt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, có nhiều không gian để sáng tạo hơn và đem lại cho học sinh, giáo viên nhiều giá trị hơn, thầy cô, học sinh, nhà trường và gia đình có thêm nhiều cơ hội được hạnh phúc hơn.
Hai là thay đổi trong việc xây dựng văn hóa nhà trường: Khi văn hóa nhà trường được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: Được yêu thương; được tôn trọng; được an toàn; được hiểu và được có giá trị sẽ giúp cho việc xây dựng các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
Có thể nói, để trường học thân thiện, hạnh phúc, xứng đáng là ngôi nhà, gia đình, tổ ấm thứ hai với mỗi người học thì những giá trị yêu thương, quan tâm, sẻ chia cần được thực hành tốt trong mỗi nhà trường.
Giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, quan tâm sâu sắc đến mỗi con người. Giáo dục phải vì con người, vì sự tiến bộ của học trò. Giáo dục phải cảm hóa, giúp người học nhận ra những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để không ngừng vươn lên hoàn thiện mình. Nhưng yêu thương phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, với nếp sống văn minh, tiến bộ.
Có như vậy, hành trình đến với "Trường học hạnh phúc" nhiều lúc ngỡ xa mà lại gần, nó không phải là những khẩu hiệu lớn lao mà bắt đầu từ những thay đổi bên trong chúng ta, những việc làm thường ngày, những sự quan tâm nhỏ bé.