Trường học hạnh phúc không phải là những khẩu hiệu lớn lao

CTV

(Dân trí) - Hành trình đến với trường học hạnh phúc, ngỡ xa mà gần, nó không phải là những khẩu hiệu lớn lao mà bắt đầu từ những thay đổi bên trong chúng ta, những việc làm thường ngày, những sự quan tâm nhỏ bé.

Áp lực là nguyên nhân dẫn tới bệnh thành tích

Trường học hạnh phúc là một nội dung rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Nó được quan tâm không chỉ bởi sức hút của hai tiếng hạnh phúc mà còn thu hút bởi mong muốn bớt đi những áp lực, của các thầy cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Đó là mong muốn mỗi ngày tới trường thực sự trở thành một ngày vui để thầy cô, học sinh được sáng tạo và hiệu quả hơn.

Hành trình để hướng tới trường học được hạnh phúc phải chăng là một hành trình xa vời đối với các nhà trường hiện nay khi mà áp lực dường như chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ngày càng tăng cùng với những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới.

Các thầy cô giáo hiện nay không chỉ chịu áp lực từ nhiệm vụ chuyên môn của mình, từ rất nhiều công việc " không tên" ngoài chuyên môn mà còn từ phía các bậc phụ huynh, của cộng đồng xã hội…. Các nhà trường mà đại diện ở đây là hiệu trưởng hàng ngày cũng đang hứng chịu vô vàn áp lực từ nhiều phía cả bên ngoài lẫn bên trong ngôi trường của mình.

Giữa ngổn ngang bộn bề những công việc nhiệm vụ ấy thì việc nhắc tới hạnh phúc thôi đã là xa xỉ rồi chứ chưa nói đến việc tận hưởng nó. Đó là điều mà chúng ta nhìn thấy, nghe thấy khi tìm hiểu về các nhà trường.

Đôi khi họ quá quan tâm tới việc làm thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ đã là tốt rồi chứ nói gì đến hạnh phúc. Vấn đề là rất nhiều khi chỉ để " làm tốt nhiệm vụ" mà áp lực được dồn lên giáo viên rồi học sinh, phụ huynh theo một cấp số nhân.

Nếu để ý chút thôi ta không khó để nhận ra dòng chảy của áp lực giống như dãy quân bài domino từ đâu đó đến Hiệu trưởng đến Ban giám hiệu rồi đến thầy cô giáo. Rồi lại từ thầy cô giáo đến em học sinh thậm chí nó được các em đem từ trường về nhà mỗi buổi tối và như thế hạnh phúc không những không được lan tỏa mà còn trở nên xa xôi vời vợi.

Trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của Covid- 19 khi mà hoạt động giáo dục liên tục phải chuyển trạng thái, thầy cô giáo phải thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây chưa từng được hướng dẫn. Việc dạy học từ bốn bức tường lớp học nay thực hiện trên không gian mạng internet.

Việc học của học sinh cũng chịu những tác động tương tự. Lúc đến trường; lúc dừng tới trường….. những điều ấy khiến áp lực dường như ngày càng tăng và khiến cho việc xây dựng trường học hạnh phúc chỉ như là " những giấc mơ".

Áp lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục, là nguyên nhân của các hành vi bạo lực học đường, là nguyên nhân của các triệu chứng hoảng loạn, sợ hãi hay trầm cảm…. Rõ ràng khi áp lực quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của giáo viên, học sinh từ đó ảnh hưởng tới năng suất lao động sư phạm và hiệu quả học tập.

Chúng ta có thể tìm ra rất nhiều lý do để lý giải rằng việc xây dựng trường học hạnh phúc là rất khó khăn nhưng có một điều chắc chắn là vẫn có những điều thật gần gũi chúng ta có thể làm vì một môi trường hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc không phải là những khẩu hiệu lớn lao - 1

Mong muốn mỗi ngày tới trường thực sự trở thành một ngày vui để thầy cô, học sinh được sáng tạo và hiệu quả hơn (Ảnh: NVCC).

Tất nhiên chúng ta không thể có một sản phẩm mới dựa trên cách làm cũ do vậy đầu tiên là phải thay đổi. Trong rất nhiều thứ có thể thay đổi ở một nhà trường dưới đây tôi xin nêu ra hai thay đổi mà tôi thấy quan trọng nhất:

Một là thay đổi mục tiêu giáo dục: Chuyển từ việc dạy học chú trọng phát triển kiến thức kỹ năng sang chú trọng phát triển năng lực phẩm chất. Việc chuyển đổi này khiến nhà trường, thầy cô linh hoạt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, có nhiều không gian để sáng tạo hơn và đem lại cho học sinh, giáo viên nhiều giá trị hơn, thầy cô, học sinh, nhà trường và gia đình có thêm nhiều cơ hội được hạnh phúc hơn.

Hai là thay đổi trong việc xây dựng văn hóa nhà trường: Khi văn hóa nhà trường được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: Được yêu thương; được tôn trọng; được an toàn; được hiểu và được có giá trị sẽ giúp cho việc xây dựng các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

Vai trò kiến tạo của Hiệu trưởng là rất quan trọng

Mệnh lệnh khô cứng chỉ có thể đem lại hiệu quả nhất thời, khó để tạo động lực và đam mê làm việc, học tập cho thầy cô và học sinh do đó chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới việc tưới tẩm thêm thật nhiều năng lượng và cảm xúc tích cực cho thầy cô, học sinh trong quá trình học tập, giảng dạy bởi bản thân việc truyền thụ và tiếp thu kiến thức đã là rất khó khăn rồi. Giúp cho các thành viên trong nhà trường hiểu được công thức cơ bản để tạo nên mối đoàn kết là trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và quan tâm lẫn nhau là việc làm rất cần thiết để mọi người luôn soi vào đó để thấy mình trong mối quan hệ với tập thể.

Trên hành trình xây dựng trường học hạnh phúc thì vai trò kiến tạo của Hiệu trưởng là rất quan trọng. Hiệu trưởng không chỉ cần phải là tự thay đổi, chuyển hóa bên trong mình mà còn sẵn sàng là người dẫn dắt, hướng dẫn thầy cô thay đổi khi cần. Trong những công việc khó khăn, những nhiệm vụ mới Hiệu trưởng, Ban giám hiệu phải là người hướng dẫn thầy cô biết làm; tạo điều kiện để thầy cô làm và tạo động lực để họ làm.

Hành trình đến với trường học hạnh phúc, ngỡ xa mà gần, nó không phải là những khẩu hiệu lớn lao mà bắt đầu từ những thay đổi bên trong chúng ta, gắn với những việc làm thường ngày, những sự quan tâm nhỏ bé.

Chúng ta không thể đem hạnh phúc cho các em học sinh nếu chúng ta không hạnh phúc vậy trước tiên cần làm thế nào để thầy cô được hạnh phúc, được có giá trị cống hiến trong môi trường làm việc của mình, được cảm thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng…. từ đó hạnh phúc sẽ được lan tỏa qua mỗi giờ lên lớp và cảm nhận hạnh phúc ngay trong tầm tay của chính mình.

Ths. Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B - Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm