(Dân trí) - Trẻ nhỏ cần biết cách đánh giá những gì chúng nghe và nhìn thấy để đưa ra quan điểm cá nhân. Đó là lý do bố mẹ nên sớm dạy con để trở thành một người có tư duy phản biện.
Bác sĩ chuyên khoa thần kinh nổi tiếng nước Mỹ Sarah Rahal vừa có bài viết thú vị về vấn đề tư duy phản biện. Theo bác sĩ, trẻ em hàng ngày cập nhật liên tục lượng thông tin và hình ảnh mới mẻ, đa chiều. Vì thế, cho dù trẻ đang học ở trường, lên mạng hay nói chuyện với bạn bè, chúng cần biết cách đánh giá những gì chúng nghe và nhìn thấy để hình thành quan điểm và niềm tin của riêng mình.
Theo bác sĩ Sarah Rahal, kỹ năng tư duy phản biện là nền tảng của giáo dục cũng như một kỹ năng sống quan trọng. Nếu không có khả năng về tư duy phản biện, trẻ em sẽ gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt là khi chúng lớn hơn.
Bác sĩ Sarah Rahal nói: "Trên thực tế, bất kể con bạn định làm gì trong ngày, chúng sẽ cần biết cách suy nghĩ chín chắn, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định.
Là cha mẹ, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo rằng con bạn có thể tự suy nghĩ và phát triển tư duy phản biện lành mạnh trước khi chúng trưởng thành và có cuộc sống độc lập.
Phát triển tư duy phản biện sẽ giúp trẻ thành công cả trên con đường học hành và nghề nghiệp cũng như có lợi cho các mối quan hệ trong tương lai của con bạn. Dưới đây là những gì bạn cần biết về tư duy phản biện, bao gồm cả cách dạy con bạn trở thành những người có tư duy phản biện".
Tư duy phản biện là gì?
Kỹ năng tư duy phản biện là khả năng tưởng tượng, phân tích và đánh giá thông tin để xác định tính toàn vẹn và giá trị của nó, chẳng hạn như điều gì là thực tế và điều gì không. Những kỹ năng này giúp mọi người hình thành quan điểm và ý tưởng cũng như giúp họ biết ai là bạn tốt và ai không.
Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý - tác giả của những cuốn sách bán chạy mang tên "13 điều những người có tinh thần mạnh mẽ không làm" và "13 điều mà những bậc cha mẹ có tinh thần mạnh mẽ không làm" cho biết: "Tư duy phản biện có thể liên quan đến việc xử lý một vấn đề phức tạp và đưa ra các giải pháp rõ ràng".
Trên thực tế, tư duy phản biện là một phần thiết yếu trong quá trình giải quyết vấn đề, ra quyết định và đặt mục tiêu. Nó cũng là cơ sở của giáo dục, đặc biệt là khi kết hợp với đọc hiểu. Hai kỹ năng này sẽ cho phép trẻ nắm vững và làm chủ thông tin mà chúng tiếp cận.
Tại sao kỹ năng tư duy phản biện lại quan trọng?
Theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), đánh giá trẻ em 15 tuổi ở 44 quốc gia khác nhau, cứ sáu học sinh ở Mỹ thì có hơn một em không thể giải quyết các vấn đề về tư duy phản biện.
Hơn nữa, nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ thiếu kỹ năng tư duy phản biện sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi cao hơn.
Tiến sĩ Amanda Pickerill, người đang làm việc tại trường dành cho người mù ở Columbus, Ohio, Mỹ cho biết: "Không suy nghĩ một cách cẩn thận và nghiêm túc có thể dẫn đến hiểu sai thông tin và khi thông tin được hiểu sai, người đó có thể gặp vấn đề ở trường học, công việc và các mối quan hệ".
Tư duy phản biện cũng cho phép trẻ hiểu sâu hơn về thế giới bao gồm cả cách chúng nhìn nhận bản thân trong thế giới đó. Ngoài ra, những đứa trẻ học cách suy nghĩ chín chắn có xu hướng biết cách quan sát và cởi mở.
Lợi ích của kỹ năng tư duy phản biện
Tiến sĩ Pickerill nói rằng kỹ năng tư duy phản biện có thể mang lại nhiều lợi ích cho con bạn. Từ việc có thể giải quyết các vấn đề phức tạp ở trường và xác định cách chúng cảm nhận về các vấn đề cụ thể liên quan đến việc xây dựng các mối quan hệ và đối phó với áp lực từ bạn bè.
Kỹ năng này sau đó sẽ giúp trẻ trưởng thành dễ dàng đối phó với những thách thức và trở ngại trong cuộc sống.
Tiến sĩ Pickerill nói: "Kỹ năng tư duy phản biện rất có lợi khi giải một bài toán, khi so sánh và đối chiếu mọi thứ và khi hình thành một lập luận.
Là một nhà tâm lý học, tôi thấy các kỹ năng tư duy phản biện cũng hữu ích trong việc tự nhìn nhận bản thân. Khi một cá nhân đang đấu tranh để đạt được mục tiêu cá nhân hoặc để duy trì một mối quan hệ, việc áp dụng tư duy phản biện là rất hữu ích".
Tư duy phản biện cũng thúc đẩy tính độc lập, nâng cao tính sáng tạo và khuyến khích sự tò mò. Những đứa trẻ được dạy sử dụng các kỹ năng tư duy phản biện sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi và không bao giờ nhìn nhận mọi thứ theo vẻ bề ngoài. Chúng luôn đặt câu hỏi: "Tại sao".
Nhà trị liệu tâm lý Morin nói: "Kỹ năng tư duy phản biện tốt cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ tốt hơn, giảm thiểu stress và cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống.
Một người có thể giải quyết các vấn đề hàng ngày có khả năng cảm thấy tự tin hơn vào khả năng giải quyết khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống".
Mặc dù dạy con tư duy phản biện trong các chủ đề, lĩnh vực cụ thể không phải điều đơn giản.
Tuy nhiên, có những điều cha mẹ có thể làm để giúp trẻ hình thành tư duy phản biện lành mạnh và từ đó, trẻ phát triển mong muốn tìm kiếm kiến thức chuyên sâu hơn để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Điều quan trọng là trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ cần dạy con cách phát triển tư duy bậc cao hơn trong bất kỳ tình huống nào đòi hỏi kỹ năng ra quyết định của chúng.
Làm thế nào để dạy trẻ trở thành những người có tư duy phản biện?
Dạy trẻ suy nghĩ chín chắn, đa chiều, có tư duy phản biện là một phần quan trọng trong quá trình nuôi dạy con cái. Trên thực tế, khi chúng ta dạy trẻ trở thành những người có tư duy phản biện, chúng ta cũng đang dạy chúng tính độc lập.
Trẻ có tư duy phản biện sẽ học được cách hình thành ý kiến của riêng mình và đi đến kết luận của riêng mình mà không chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể dạy con mình trở thành những người có tư duy phản biện.
Trở thành một hình mẫu tốt
Đôi khi cách tốt nhất để dạy con bạn một kỹ năng sống quan trọng chỉ đơn giản là bố mẹ làm mẫu và con noi theo bởi trẻ em có xu hướng bắt chước các hành vi mà chúng thấy ở cha mẹ.
Hãy chắc chắn rằng bạn đang là người có tư duy phản biện trong cuộc sống của chính mình bằng cách tìm hiểu về những việc không đúng sự thật, những việc làm không tốt hoặc không công bằng, hai mặt của một vấn đề.
Tiến sĩ Pickerill nói: "Thật tuyệt khi trẻ em được nghe cha mẹ bày tỏ suy nghĩ thấu đáo về mọi vấn đề. Khi trẻ quan sát quá trình suy nghĩ của cha mẹ thì chúng sẽ bắt chước những gì chúng quan sát được".
Chơi với con
Tiến sĩ Pickerill cho biết trẻ em không ngừng học hỏi bằng cách thử làm việc này, việc kia. Trên thực tế, bố mẹ thường xuyên chơi với con từ khi con còn nhỏ sẽ tạo nền tảng cho tư duy phản biện và chiều sâu của các kỹ năng tư duy phản biện của trẻ.
"Bạn sẽ thấy suy nghĩ của con bạn ở mức độ cụ thể trong những năm đầu đời và khi chúng lớn lên, suy nghĩ cũng sẽ trở nên trừu tượng hơn. Trẻ chơi cùng bạn bè cũng hữu ích trong việc phát triển các kỹ năng tư duy phản biện.
Khi con bạn lớn hơn, bạn và con có thể chơi trò chơi cờ bàn (một loại trò chơi gồm hai hoặc nhiều người tương tác trực tiếp với nhau thông qua một bàn cờ) hoặc đơn giản là dành thời gian nói với con về vấn đề mà chúng quan tâm.
Điều quan trọng là bố mẹ và con cái phải dành thời gian cho nhau. Việc này cho phép bạn và con thảo luận mọi vấn đề ở mức độ sâu hơn và xem xét các vấn đề một cách nghiêm túc", tiến sĩ Pickerill nói.
Dạy con giải quyết vấn đề
Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, cho biết, một cách để dạy trẻ tư duy phản biện là dạy chúng cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, yêu cầu con động não ít nhất năm cách khác nhau để giải quyết một vấn đề cụ thể.
Amy Morin nói: "Bạn có thể yêu cầu con di chuyển một đồ vật từ bên này sang bên kia của căn phòng mà không cần dùng tay. Lúc đầu, con có thể nghĩ rằng điều đó là không thể nhưng với một chút hỗ trợ từ bạn, con có thể thấy có hàng tá giải pháp, chẳng hạn như sử dụng chân hoặc đeo găng tay.
Theo thời gian, bạn có thể giúp con mình thấy rằng có nhiều cách để xem xét và giải
Khi trẻ được dạy từ nhỏ cách đặt các loại câu hỏi khác nhau và hình thành phán đoán dựa trên bằng chứng khách quan và phân tích logic, chúng sẽ lớn lên, tự tin vào khả năng đặt câu hỏi về các giả định và lý luận bằng logic hơn là cảm xúc của chính mình.
Bố mẹ hãy giải thích mọi thứ cho con từ khi con còn nhỏ. Khi bạn không thể trả lời một số câu hỏi nhất định, bạn có thể nói: "Đó là một câu hỏi hay và bố/mẹ cũng muốn biết câu trả lời".
quyết cùng một vấn đề".
Khuyến khích con đặt câu hỏi
Bố mẹ nên khuyến khích con mình đặt câu hỏi về mọi thứ. Đặt câu hỏi là nền tảng của tư duy phản biện và thời gian bạn đầu tư để trả lời các câu hỏi của con mình hoặc cùng con tìm ra câu trả lời sẽ mang lại tác dụng rất tốt cho con của bạn.
Con bạn sẽ không chỉ học cách diễn đạt mà còn ngày càng giỏi hơn trong việc xác định thông tin không đúng sự thật hoặc gây hiểu nhầm từ người khác. Bạn cũng có thể "mô hình hóa" thói quen này bằng cách cho con thấy bạn cũng đặt câu hỏi về mọi thứ.
Để con đưa ra lựa chọn
Một phần của việc học để trở thành một người có tư duy phản biện liên quan đến việc đưa ra quyết định.
Bố mẹ có thể cho con một khoản tiền và hỏi con rằng: "Con sẽ làm gì với số tiền đó?". Tình huống này yêu cầu con bạn phải suy nghĩ chín chắn về các lựa chọn của mình và những hậu quả có thể xảy ra khi chúng đưa ra quyết định.
Khi con lớn hơn, hãy nói chuyện với chúng về cách giải quyết các vấn đề như bắt nạt và áp lực từ bạn bè. Hướng dẫn con cách đưa ra những lựa chọn lành mạnh liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Tất cả những tình huống này đòi hỏi tư duy phản biện từ phía con bạn.
Khuyến khích tư duy cởi mở
Mặc dù đôi khi, dạy về con về tư duy cởi mở có thể là khó khăn nhưng đó là một khái niệm quan trọng. Một phần của việc trở thành một người có tư duy phản biện là khả năng nhìn nhận khách quan, đánh giá mọi vấn đề mà không có sự thiên vị.
Hãy dạy con bạn rằng, để nhìn mọi thứ với một tâm hồn cởi mở, chúng cần gạt bỏ những đánh giá và giả định của bản thân sang một bên. Một số khái niệm mà bạn nên đề cập để khuyến khích tư duy cởi mở bao gồm tính đa dạng, tính toàn diện và tính công bằng.
Phát triển tư duy phản biện là một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất mà bạn có thể truyền đạt cho con mình. Trên thực tế, trong thế giới bão hòa thông tin ngày nay, con trẻ cần những kỹ năng này để phát triển và tồn tại. Những kỹ năng này sẽ giúp chúng đưa ra quyết định tốt hơn, hình thành các mối quan hệ lành mạnh và xác định những gì con bạn coi trọng và tin tưởng.
Ngoài ra, khi bạn dạy con mình xem xét thế giới xung quanh một cách nghiêm túc, bạn đang cung cấp cho chúng một lợi thế sẽ "phục vụ" cuộc sống của chúng trong nhiều năm tới. Một lợi thế sẽ có ích cho con trẻ không chỉ trong sự nghiệp đèn sách mà còn là nghề nghiệp và các mối quan hệ. Cuối cùng, con bạn sẽ không chỉ có thể tự suy nghĩ mà còn trở thành những người trưởng thành có năng lực hơn khi chúng bước ra cuộc sống.
Tư duy phản biện quan trọng không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với người lớn. Đó là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta phải dạy con cái, không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động.
Bố mẹ hãy làm mẫu cách sử dụng kỹ năng sống quý giá này trong cuộc sống hàng ngày. Sử dụng tư duy phản biện cũng sẽ giúp bố mẹ nuôi dạy con cái hợp lý và đúng cách hơn.
Thu Hằng