(Dân trí) - Nếu bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo, có lẽ bạn đã tận mắt chứng kiến mức độ khó khăn của việc này.
Nhiều người hẳn đã từng nghe một bậc cha mẹ tự hào nói về con mình rằng: "Con tôi đã thức cả đêm để hoàn thành tốt dự án khoa học của nó. Cậu nhóc là người hơi cầu toàn". Có bà mẹ thì nói: "Con gái tôi đi học chả bao giờ chịu thua ai. Nó luôn xếp thứ nhất trong suốt 12 năm học".
Sự thật thì rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo là một biểu tượng cho sự thành công. Họ không hiểu rằng người quá cầu toàn, thích sự hoàn hảo tuyệt đối có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Nếu bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo, có lẽ bạn đã tận mắt chứng kiến mức độ khó khăn của việc này. Trẻ thức khuya, khóc lóc, vứt sách vở khi mọi chuyện không như ý... chỉ là một vài hành vi mà bạn có thể chứng kiến ở một người cầu toàn khi còn nhỏ tuổi.
Sự thật thì chủ nghĩa hoàn hảo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người bất kể là trẻ con hay người lớn. Khi nó không được kiểm soát, nó có thể gây ra những hậu quả lâu dài.
Parker Huston, tiến sĩ, nhà tâm lý học nhi khoa tại Đại học California, Mỹ, cho biết: "Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo không có nghĩa là người xuất sắc trong mọi lĩnh vực mà đó là niềm tin rằng họ cần phải trở thành và đang cực kỳ cố gắng để biến điều đó thành hiện thực.
Đặc điểm này thường trở nên dễ nhận biết ở trẻ em ở độ tuổi tiểu học, khi chúng có thể hiểu rằng chúng đang bị so sánh với những người khác. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chủ nghĩa hoàn hảo phổ biến hơn một chút ở các bé gái".
Trong một chừng mực, phấn đấu cho sự hoàn hảo là điều được xã hội chấp nhận, thậm chí đáng ngưỡng mộ bởi bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng sẽ tự hào nếu con họ mang về nhà một bảng điểm tốt hoặc lập một kỷ lục mới khi chơi thể thao.
Tuy nhiên, Kirsten Gilbert, tiến sĩ, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Washington, Mỹ, cho biết: "Khi đạt đến mức cực đoan, chủ nghĩa cầu toàn là yếu tố gây ra chứng bệnh lo lắng, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn ăn uống".
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Vì thế, việc cha mẹ phải nắm bắt rằng hành vi của một đứa trẻ có vượt qua ranh giới từ hữu ích sang có hại hay không càng trở nên quan trọng hơn.
Trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo là như thế nào?
Trẻ em đặt kỳ vọng cao về bản thân là điều tốt. Nhưng nếu chúng mong đợi tất cả mọi thứ phải hoàn hảo, chúng sẽ không bao giờ hài lòng với thành tích của mình.
Những người cầu toàn thiết lập những mục tiêu nhiều khi không thực tế cho chính họ. Sau đó, họ đặt áp lực rất lớn lên bản thân để cố gắng đạt được mục tiêu của mình.
Họ thường có những suy nghĩ kiểu như: Hoặc là có tất cả hoặc không có gì. Cho dù họ đạt 99 điểm thay vì 100 điểm trong bài kiểm tra thì người theo chủ nghĩa hoàn hảo vẫn cảm thấy điểm số của họ là một thất bại thảm hại khi họ không đạt được mục tiêu đề ra.
Khi họ thành công, họ không dễ dàng để tận hưởng thành quả của mình. Họ thường nghĩ thành tích họ có được là nhờ vào sự may mắn và lo lắng rằng họ sẽ không thể lặp lại kết quả tương tự hoặc duy trì mức độ thành công của mình.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được ba kiểu chủ nghĩa hoàn hảo, đó là những người đặt ra những tiêu chuẩn không thực tế cho người khác; những người giữ kỳ vọng không thực tế cho bản thân và những người nghĩ rằng người khác đang đặt "siêu kỳ vọng" vào họ. Cả ba kiểu cầu toàn này đều có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của một đứa trẻ.
Dấu hiệu của trẻ đòi hỏi sự hoàn hảo thái quá
Các dấu hiệu cảnh báo về tính cầu toàn sẽ khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn. Tuy nhiên, nhìn chung, các triệu chứng của chủ nghĩa hoàn hảo có thể bao gồm:
Luôn lo lắng về việc sẽ thất bại.
Nhạy cảm cao với những lời chỉ trích.
Khả năng chịu đựng thấp khi phạm sai lầm.
Trì hoãn để trốn tránh những nhiệm vụ khó khăn.
Tự phê bình, hay nghi ngờ bản thân và dễ xấu hổ.
Gặp khó khăn khi phải đưa ra quyết định hoặc thứ tự ưu tiên.
Rất thích chỉ trích người khác.
Các nhân tố góp phần hình thành tính cầu toàn ở trẻ em
Áp lực học tập: Trẻ em có thể sợ điểm phẩy dưới mức hoàn hảo hoặc điểm kiểm tra dưới mức hoàn hảo sẽ phá hỏng nỗ lực vào một trường đại học tốt của chúng.
Một số học sinh khác thì cố gắng trở nên hoàn hảo để nhận được học bổng. Những áp lực học tập đó có thể khiến trẻ em cảm thấy mình cần phải trở nên hoàn hảo để đạt được bất cứ điều gì trong cuộc sống.
Yếu tố sinh học: Các nghiên cứu cho thấy chủ nghĩa cầu toàn có liên quan mật thiết đến một số bệnh tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn ăn uống.
Mong muốn làm hài lòng: Một số trẻ muốn có được sự ngưỡng mộ và yêu mến bằng cách cho người khác thấy chúng hoàn hảo về mọi mặt. Điều này có thể xuất phát từ mong muốn giảm căng thẳng cho cha mẹ hoặc đó có thể là cách duy nhất mà một đứa trẻ có thể làm để thu hút sự chú ý.
Thiếu tự tin: Những đứa trẻ cảm thấy tồi tệ về bản thân có thể nghĩ rằng chúng chỉ thật sự trở nên tốt đẹp khi gặt hái được thành tích. Tuy nhiên, những người cầu toàn có xu hướng thường tập trung vào những sai lầm của họ và ít hài lòng với thành tích của họ, điều này khiến họ không bao giờ cảm thấy mình đủ tốt.
Ảnh hưởng của cha mẹ: Việc khen ngợi con bạn là đứa trẻ thông minh nhất trường hoặc giỏi nhất trên sân đấu thể thao dễ khiến con bạn tin rằng, phạm sai lầm là không thể chấp nhận. Chúng có thể nghĩ rằng chúng phải thành công bằng mọi giá.
Cha mẹ cầu toàn: Cha mẹ cầu toàn có nhiều khả năng sẽ nuôi dạy nên những đứa con cầu toàn. Điều này có thể phản ánh khuynh hướng di truyền hoặc đơn giản là hàng ngày trẻ đều chứng kiến cha mẹ nỗ lực hết sức để đạt được sự hoàn hảo trong cuộc sống.
Tiến sĩ Gilbert cho biết thêm: "Ngay cả những bậc cha mẹ có thiện chí nhất cũng có thể vô tình góp phần vào chủ nghĩa hoàn hảo bằng cách khuyến khích con cái họ hãy cố gắng hết sức trong mọi lĩnh vực".
Trải nghiệm đau thương: Những trải nghiệm đau thương có thể khiến trẻ cảm thấy như chúng không được yêu thương hoặc chúng sẽ không được chấp nhận trừ khi chúng hoàn hảo.
Nguy cơ tiềm ẩn của chủ nghĩa hoàn hảo
Trở thành một người cầu toàn sẽ không khiến con bạn vươn lên dẫn đầu. Trên thực tế, chủ nghĩa hoàn hảo có thể có tác dụng ngược lại.
Lo lắng về việc phạm sai lầm ngăn cản một số người cầu toàn thành công. Nỗi sợ thất bại ngăn cản họ thử những điều mới.
Những đứa trẻ cầu toàn thường cố gắng che giấu nỗi đau và sự hỗn loạn của chúng. Chúng cảm thấy bắt buộc phải tỏ ra hoàn hảo ở bên ngoài và hậu quả là nhiều người trong số đó phải âm thầm chịu đựng mọi thứ một mình khi có vấn đề phát sinh.
Những người cầu toàn có mức độ căng thẳng cao hơn. Vì những người cầu toàn cảm thấy bắt buộc phải tránh những sai lầm, nên họ luôn ở trong tình trạng căng thẳng cao độ. Cuộc sống quá nhiều căng thẳng sẽ gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của một người.
Chủ nghĩa hoàn hảo có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần. Những người cầu toàn có nguy cơ cao bị trầm cảm, lo lắng và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Tiến sĩ Gilbert nói: "Khi một đứa trẻ không bao giờ đạt được thành tích như mong đợi, không có gì ngạc nhiên khi chúng có thể coi mình là kẻ thất bại và điều đó có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng.
Tuy nhiên, nếu bạn xác định được xu hướng cầu toàn của con từ khi chúng còn nhỏ, bạn có thể giúp chúng học cách bớt tự phê bình về những sai lầm của mình và điều này sẽ giúp giảm khả năng mắc chứng rối loạn tâm thần".
Làm thế nào để giải quyết vấn đề?
Nếu bạn thấy những dấu hiệu cảnh báo rằng con bạn đang bắt đầu theo chủ nghĩa cầu toàn, bạn có thể làm một số việc để giúp đỡ con của mình.
Anisa Khaliq, bác sĩ tâm lý trẻ em ở Edmonton, Canada, nói: "Bản năng làm cha mẹ sẽ cho bạn biết có điều gì đó không ổn về con bạn. Nếu bạn lo lắng về con, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình hoặc cố vấn học đường. Họ có thể giới thiệu bạn đến một nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Cho dù con bạn đôi khi quá khắt khe với bản thân hay có suy nghĩ là mọi việc con làm không bao giờ đủ tốt. Bạn có thể thực hiện một số chiến lược nhất định giúp chúng phát triển một thái độ lành mạnh hơn.
Giúp con bạn phát triển sự tự tin
Khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động giúp chúng cảm thấy hài lòng về bản thân con người của chúng chứ không chỉ về những gì chúng đạt được. Tham gia hoạt động tình nguyện, học hỏi những điều mới và học thêm về nghệ thuật là một số cách giúp con bạn phát triển sự tự tin lành mạnh hơn.
Giúp con hiểu những gì chúng có thể kiểm soát và những gì không thể
Cho dù con bạn muốn trở thành cầu thủ bóng rổ giỏi nhất toàn trường hay đứng đầu mọi kỳ thi, hãy nói rõ với con rằng: "Con không thể kiểm soát được tất cả các tình huống ảnh hưởng đến thành công, chẳng hạn như giáo viên sẽ ra đề như thế nào, bạn bè sẽ làm bài ra sao. Điều mà con có thể kiểm soát là nỗ lực của chính mình".
Đồng cảm với sự thất vọng của con
Nói với một đứa trẻ không thành công rằng chúng đang làm rất tốt là điều không hữu ích, và trách mắng chúng vì đã thất bại cũng không có ích gì. Trấn an hoặc trừng phạt cho sai lầm có khả năng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.
Bác sĩ tâm lý Khaliq nói: "Bạn có thể nói với con rằng: "Hãy để mẹ ôm con. Đôi khi thua cuộc cũng không sao, rồi con sẽ ổn thôi". Một phần công việc của bạn với tư cách làm cha mẹ là giúp con bạn học cách chịu đựng những cảm xúc tồi tệ và hiểu rằng những cảm xúc dù tệ đến đâu thì cũng sẽ qua đi".
Mô hình tự nói chuyện lành mạnh
Dạy con bạn sử dụng lòng trắc ẩn thay vì tự phê bình. Nói to với chính mình để cho con bạn thấy rằng bạn đối xử tử tế với bản thân ngay cả khi bạn mắc lỗi.
Ví dụ bạn có thể nói: "Hôm nay tôi quên đến ngân hàng trước khi họ đóng cửa. Tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn vào ngày mai" hoặc "tôi đã làm cháy bữa tối nhưng không sao cả, tôi sẽ tìm món khác để ăn".
Không đặt kỳ vọng quá cao cho con
Hãy đảm bảo rằng bạn không gây áp lực buộc con phải trở nên hoàn hảo. Bạn có thể tạo ra những kỳ vọng hợp lý để đảm bảo rằng bạn không mong đợi quá nhiều từ con mình. Nếu chúng không đạt được mục tiêu của bạn hoặc muốn ngừng cố gắng đạt được những mục tiêu này, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mong đợi quá nhiều ở con mình.
Khen ngợi những nỗ lực của con hơn là kết quả
Đừng khen khi con đạt điểm 10 trong bài kiểm tra. Thay vào đó, hãy khen ngợi chúng vì đã học tập chăm chỉ. Ngoài ra, hãy khen ngợi con vì đã đối xử tử tế với người khác và là một người bạn tốt. Hãy nói rõ rằng thành tích không phải là điều quan trọng duy nhất trong cuộc sống.
Đặt mục tiêu thực tế
Nói chuyện với con bạn về những mục tiêu mà chúng muốn đạt được. Nếu những mục tiêu này đòi hỏi sự hoàn hảo, hãy nói về sự nguy hiểm của việc đặt ra những mục tiêu cao tới mức phi thực tế và giúp con thiết lập những mục tiêu thực tế hơn.
Chia sẻ với con những câu chuyện của bạn
Hãy nói rõ với con bạn rằng bố mẹ cũng không hoàn hảo. Nói với con về những thất bại mà bạn từng trải qua và giải thích cho con cách bạn đương đầu với thất bại của mình.
Tiến sĩ Gilbert nói thêm: "Steve Jobs đã thất bại nhiều lần. Ông ấy đã bỏ học đại học và từng mất cả công ty. Ông ấy là một người tuyệt vời khi nói rằng: "Nếu tôi không có những kinh nghiệm đó, tôi đã không thể phát triển Apple. Tôi cần những sai lầm đó để có được vị trí của mình".
Dạy con kỹ năng đối phó lành mạnh
Mặc dù thất bại là không thoải mái, nhưng đó không phải là việc không thể chịu đựng được. Dạy con bạn cách đối phó với sự thất vọng, bị từ chối và sai lầm một cách lành mạnh. Nói chuyện với một người bạn, viết nhật ký hoặc vẽ một bức tranh chỉ là một vài kỹ năng có thể giúp con đối phó với cảm xúc của mình.
Chia sẻ những thông điệp tích cực
Dạy con bạn lặp lại những câu nói đáng khích lệ có thể giúp chống lại những lời độc thoại tiêu cực của chúng. Parker Huston, tiến sĩ, nhà tâm lý học nhi khoa ở Columbus, Ohio, Mỹ, gợi ý bố mẹ viết ra những cụm từ như: "Không ai hoàn hảo cả", "Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng hết sức và thế là đủ", "Luyện tập sẽ giúp tôi trở nên giỏi hơn" và gửi cho của con bạn.
Sau đó, trước khi chúng làm việc gì đó khó khăn, hãy để chúng luyện nói điều đó với chính mình để chúng luôn nhớ rõ điều đó. Nếu con thất bại trong việc gì đó hoặc phạm sai lầm, hãy nhắc nhở chúng sử dụng những câu nói này.
Cũng có thể hữu ích nếu bạn nói to những câu nói tích cực này với chính mình trước mặt con bạn khi bạn mắc lỗi, vì điều này có thể trở thành hình mẫu cho chúng về cách đối phó vấn đề và cho con thấy rằng mọi người đều mắc lỗi.
Nhà tâm lý học Renee Goff ở Cincinnati, Ohio, Mỹ, chia sẻ một câu nói mà mẹ cô đã dạy cô khi cô đấu tranh với chủ nghĩa hoàn hảo. Renee Goff kể: "Mẹ tôi thường nói: "Nghệ thuật không phải là sự hoàn hảo nhưng vẫn rất đẹp. Hãy nhìn xung quanh con, cuộc sống luôn ẩn chứa vẻ đẹp trong tất cả những khuyết điểm". Đôi khi tôi nghe thấy giọng nói của bà khi tôi rơi vào tình trạng quá cầu toàn và sau đó tôi bỏ qua vấn đề của mình".
Thu Hằng