DNews

Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt

Hương Hồ

(Dân trí) - Không chỉ có tác phẩm của Mai Văn Phấn, thơ ba câu hay đa số gọi là thơ Haiku đã phổ biến trên thế giới từ lâu. Các nhà thơ, chuyên gia phê bình thơ chia sẻ với phóng viên Dân trí một số góc nhìn.

Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt

Từ thể thơ nổi tiếng Nhật Bản trở thành "thể thơ thế giới"

Thơ ba câu - đa số gọi là thơ Haiku (hai-cư) - là thể thơ ra đời vào thế kỷ 17 và phát triển mạnh vào thời kỳ Edo (1603-1867). Lúc sơ khởi, Haiku mang sắc thái trào phúng nhưng dần chuyển sang mang âm hưởng lắng tịnh của Thiền tông.

Thiền giả thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho được thừa nhận là người khai sinh ra Haiku, sau đó Yosa Buson, Masaoka Shiki đã phát triển thể thơ này thêm hoàn thiện, cho nó có diện mạo và tên gọi như ngày nay.

Haiku là thể thơ nổi tiếng, cực ngắn của Nhật và được mệnh danh là "thể thơ nhỏ gọn nhất thế giới". Bởi, mỗi bài Haiku, mặc dù đôi khi vẫn thấy có những hình thức khác, nhưng thường chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu ngắt thành 5-7-5. Thơ Haiku không đề, không chấm câu, nội dung thường đề cập thiên nhiên hay nội tâm cá nhân.

Trong thơ Haiku cổ điển, bắt buộc phải có kigo (quý ngữ) để miêu tả một mùa nào đó trong năm. Từ này có thể trực tiếp chỉ bốn mùa hoặc gián tiếp thông qua hình ảnh hoa, cây cỏ, động vật, các lễ hội.

Vào thế kỷ 19, thế kỷ 20, khi Nhật Bản mở cửa với phương Tây, thơ Haiku bắt đầu được các nhà thơ quốc tế chú ý. Nhà thơ Anh Ezra Pound và nhà thơ Pháp Paul Claudel là những người tiên phong đưa Haiku vào văn học phương Tây.

Thế kỷ 20, thơ Haiku trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu, đặc biệt trong phong trào thơ hiện đại. Haiku được Harold Henderson, R.H.Blyth và Alan Watts giới thiệu vào Mỹ cùng với tư tưởng thiền.

Sau đó, các nhà thơ thế hệ Beat (1955-1964) tiêu biểu như Allen Ginsberg, Jack Kerouac, Gary Snyder… dưới ảnh hưởng của thiền đã giúp Haiku có sức sống mạnh mẽ ngoài biên giới Nhật Bản.

Ngày nay, Haiku được sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha đến Việt Nam và phổ biến trên toàn cầu, như một "thể thơ thế giới". Các cuộc thi Haiku quốc tế, các tạp chí chuyên đề và các hội nhóm sáng tác đã giúp thể thơ này trở thành một phần không thể thiếu của thơ ca thế giới.

Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt - 1

Thiền sư thi sĩ lỗi lạc Nhật Bản Matsuo Basho (Ảnh: Nippon).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà thơ Hàm Anh (tên thật là Phan Thanh Thủy) nhận định, Haiku là một thể thơ đặc biệt và được ưa chuộng trên thế giới, rất nhiều nước có câu lạc bộ của những người làm thơ hoặc yêu thích Haiku.

"Ở Việt Nam, không nhiều người thích Haiku nhưng cũng có Câu lạc bộ Haiku Việt Nam. Khi đã trở nên một "thể thơ quốc tế" như thế, đến mỗi nước, Haiku lại có một chút biến thể vì thực sự rất khó để giữ đúng nguyên tắc của Haiku cổ điển ở những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật.

Ngay ở Nhật Bản cũng phát triển Haiku hiện đại, các đề tài được mở rộng, số chữ và cách sắp xếp, yêu cầu "quý ngữ" cũng ngày càng mềm dẻo hơn", nhà thơ sinh năm 1970 nói.

Nhà thơ Mai Văn Phấn cũng cho hay, thơ ba câu không chỉ giới hạn trong Haiku mà còn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau ở nhiều nền văn hóa.

Ông dẫn chứng: Tanka (Nhật Bản) là thơ dài hơn Haiku (31 âm tiết) nhưng có ảnh hưởng đến sự phát triển của thơ ba câu. Senryu (Nhật Bản) thì giống Haiku nhưng thiên về trào phúng, châm biếm cuộc sống con người.

Với lục bát ba câu (Việt Nam), một số nhà thơ Việt Nam thử nghiệm dạng lục bát rút gọn ba câu để tạo nhịp điệu mới. Còn Ghazal (Ba Tư) là dạng thơ ngắn tương tự với cấu trúc khổ hai câu nhưng có biến thể ngắn gọn hơn.

Tác giả của tập thơ thả chia sẻ thêm, ngoài các nhà thơ Nhật, ông thích thơ Haiku và ba câu của Zlatka Timenova (Bồ Đào Nha), Romano Zeraschi (Italy), Jean Antonini (Pháp), Freddy Nanez (Venezuela)....

Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt - 2

Nhà thơ Mai Văn Phấn (Ảnh: Facebook nhân vật).

Thơ ba câu, thơ Haiku: Vẻ đẹp hiện hữu trong sự tinh gọn, giản đơn

Chia sẻ với phóng viên Dân trí lý do đến với việc sáng tác thơ ba câu, nhà thơ Mai Văn Phấn nói rằng ông cũng yêu thích hầu hết thể thơ dân gian và hiện đại.

Vì vậy, sau một thời gian sáng tác trường ca và liên khúc - có thể ví như sử dụng "trường đao" trong thi ca - ông đã chuyển sang thơ ngắn ("đoản đao") để rèn luyện tâm và thần trong khoảnh khắc, đồng thời trau dồi sự tinh gọn, sắc bén trong câu chữ.

"Thơ ba câu, với tôi, là một vẻ đẹp bất chợt ta nhận ra, hoặc vô tình nhặt lên từ những điều bình dị quanh mình. Nhà thơ người Anh Susan Blanshard gọi đó là "những bí mật của ánh sáng".

Nếu như Haiku chỉ gợi mà không tả, thường gắn với một nguyên cớ, thì thơ ba câu của tôi là một bài thơ ngắn hoàn chỉnh, có tiêu đề, có chủ đích, như một bài thơ tự do", Mai Văn Phấn nói.

Nhà thơ cho hay, ngôn ngữ trong thơ ông được tối giản và nén chặt đến mức không thể rút gọn hơn, đôi khi tạo sinh những lớp nghĩa mới và mở rộng khả năng biểu đạt của tiếng Việt. Đặc biệt, tiêu đề của mỗi bài thơ ba câu chính là "con mắt", góp phần tạo nên sức mạnh nội tại của bài thơ.

Ông nói, bản thân không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bất kỳ tác giả nào, kể cả những nhà thơ trụ cột của Haiku Nhật Bản.

"Tuy nhiên, tôi yêu thích tinh thần tối giản trong văn hóa Nhật Bản, một tinh thần không chỉ là lối sống, mà còn là triết lý thẩm mỹ, nơi vẻ đẹp hiện hữu trong sự giản đơn, tĩnh lặng và khoảng trống đầy ý nghĩa.

Đó là sự tiết chế để chạm đến bản chất, là cách lược bỏ cái không cần thiết để làm nổi bật cái cốt lõi, giúp từng câu chữ, từng hình ảnh trong thơ chạm sâu vào trực giác người đọc", nhà thơ Mai Văn Phấn bộc bạch.

Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt - 3

Bìa tập thơ "thả" của tác giả Mai Văn Phấn (Ảnh: NXB Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhà thơ Hàm Anh nhận xét, Haiku cũng là một thể thơ không dễ để cảm thụ, chính vì tính cô đọng và hàm ý cao. Song, nếu đã thích thì thường mê, bởi để "giải mã" Haiku, bạn đọc cần đạt gần với trạng thái như "giác ngộ" một điều gì đó, một vẻ đẹp nào đó.

Theo nhà thơ, thơ Haiku đòi hỏi tiết chế cảm xúc, mà kết quả sau khi đọc một bài thơ lại phải gợi lên trong người đọc cảm xúc mạnh mẽ, ám ảnh thì mới là thơ hay.

"Chính điều này đòi hỏi nhà thơ khi viết phải có cảm xúc, tư duy mạnh mẽ và sâu sắc, có tài năng để nén nhỏ nó lại. Và với sự cộng hưởng của "người đọc tri kỷ", bài thơ Haiku được giải mã sẽ như một "phát nổ" trong tâm trí người đọc. Đây cũng là lý do Haiku được nhiều nơi nhiều người trên thế giới say mê đọc, tìm hiểu và sáng tác", nhà thơ Hàm Anh bày tỏ.

Trong bài Giọng thơ khác, cảnh giới khác (Otras voces, Otros Ámbitos) nói về tập thơ ba câu Lời con dê (Esto dijo una cabra) của Mai Văn Phấn (xuất bản ở Barcelona, Tây Ban Nha, năm 2024), nhà thơ José Luis Morante đã chia sẻ những cảm nhận của ông về thơ Haiku.

Nhà thơ người Tây Ban Nha viết, ông thuộc thế hệ nhà thơ, mà ở đó thể thơ Haiku đã trở thành con đường tự nhiên nhất hướng đến thói quen đọc thơ, khiến cho độc giả định hình thiên hướng cảm xúc bắt nguồn từ những thể loại văn học tối giản, với sự tích lũy sâu rộng giữa các thế hệ.

"Song những tứ thơ và sự phong phú của ngôn từ đã nuôi dưỡng những câu thơ đa tầng cũng như sự cương nở của ngữ nghĩa thường lớn gấp nhiều lần ý nghĩa thông thường của nó.

Chính vì thế, việc xuất bản một tập thơ để những thành tựu và cống hiến của nhà thơ tới gần độc giả hơn, và âu cũng là việc cần thiết lúc này", José Luis Morante viết (được dịch bởi Hoàng Thị Kim Thoa từ tiếng Tây Ban Nha).

Nhà thơ, dịch giả Neetta Porwal khi viết Lời ngỏ tập thơ tiếng Hin-đi Và trái tim bay đi của Mai Văn Phấn (Nhà Xuất bản Notion Press, Ấn Độ, ấn hành 10/2020) cũng cho rằng, văn học vốn là tấm gương phản chiếu những khoảnh khắc với đa dạng cung bậc cảm xúc.

"Nếu như thể loại truyện ngắn có khả năng miêu tả cuộc sống bằng những tình huống, ngôn ngữ súc tích, ngắn gọn thì các bài thơ ngắn lại miêu tả những khoảnh khắc đáng nhớ, thú vị về vẻ đẹp và ý nghĩa tuyệt vời của nó rất hiệu quả.

Nhà tư tưởng phương Tây Taplada đã nói: "Thà viết một tác phẩm ngắn để chúng ta có thể tìm thấy ở nơi nào đó còn hơn viết những bài thơ dài dòng vô giá trị", Neetta Porwal viết (dịch bởi Nguyễn Xuân Tuấn).

Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt - 4
Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt - 5

Nhà thơ, dịch giả Neetta Porwal (trái) và nhà thơ José Luis Morante người Tây Ban Nha (Ảnh: Chụp màn hình). 

"Thay đổi cách cảm thụ đã quen để làm phong phú hơn nền thơ Việt"

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về luồng ý kiến trái chiều xung quanh những bài thơ ba câu của nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Hàm Anh bộc bạch, chị cũng là người yêu thích thơ Haiku, khó tính trong việc thẩm thơ nhưng rất hạn chế giễu cợt, chê bai.

Nhà thơ Hàm Anh nói, khi đọc thơ Haiku, chị thường đánh dấu lại những câu mình thích. Bởi với chị, khác với các thể loại thơ khác, Haiku là "tinh thể muối, không thể nuốt chửng mà phải nhấm nháp".

Theo chị, bạn đọc cũng nên mở rộng, thay đổi cách cảm thụ mà mình đã quen để làm phong phú hơn nền thơ Việt. Với nhà thơ, việc đổi mới rất quan trọng, bạn đọc càng quan trọng hơn vì cần có sự giao thoa, đồng cảm và tri kỷ giữa hai bên.

Nhà thơ Hàm Anh cũng cho rằng, không phải sự đổi mới nào cũng "tới", và không phải sự "tới" nào cũng dễ được tiếp nhận. Như thế nào là "hay" phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mỗi một dạng thơ, mỗi một nhà thơ sẽ có một số bạn đọc của riêng mình.

Chị bày tỏ, trong những bài thơ của Mai Văn Phấn mà mọi người đang trích dẫn và tranh cãi trên mạng xã hội, chị thích hai bài: ''Thắp hương xong/ Dựa lưng/ Vào ngôi mộ bên cạnh'' (Viếng mộ bà) và "Vàng mã bén lửa/ Gió giật vội/ Mang đi" (Nơi đầu gió).

Thơ ba câu như Mai Văn Phấn phổ biến thế giới: Tối giản nhưng không dễ nuốt - 6

Nhà thơ Hàm Anh (Ảnh: Facebook nhân vật).

"Đối với tôi, hai bài thơ này đạt được tinh thần cô đọng và hàm ý của Haiku mà không bị quá khô khan. Hình ảnh gợi liên tưởng và đủ gợi mở chứ không quá chuộng ý mà quên lời.

Hai bài thơ ba câu này là hai cuộc nói chuyện, giao thoa giữa hai cõi âm - dương, hai khoảnh khắc ngắn ngủi được nhà thơ chớp lấy, cận tả. Chỉ tả thực vậy thôi nhưng người đọc có thể cảm thấy được tính vô thường của đời sống và mối quan hệ giữa con người với thế giới tâm linh nhờ cách lựa chọn và kết nối hình ảnh", Hàm Anh nhận xét.

Còn nhà thơ Phạm Văn Vũ nhận định, nhà thơ Mai Văn Phấn là một trường hợp độc đáo của thơ ca đương đại Việt Nam khi không ngừng nỗ lực để tự vượt thoát qua nhiều khúc rẽ trên hành trình sáng tạo, cách tân.

Mỗi tập thơ mới ra mắt là một lần tác giả đem đến những ngạc nhiên cho bạn đọc. Tập thơ thả là một ngạc nhiên mới.

Nhà thơ, dịch giả Neetta Porwal viết trong Lời ngỏ tập thơ tiếng Hin-đi Và trái tim bay đi của Mai Văn Phấn: "Tôi tin rằng, việc sáng tác những bài thơ ngắn đòi hỏi nhà thơ cần có kỹ năng đặc biệt với những năm tháng chiêm nghiệm tựa một nhà hiền triết. Trong khi đó, người đọc cũng phải mở "chiếc khóa" cảm nhận của mình bằng "chiếc chìa" thiền định để hiểu được ý nghĩa và ý niệm của tác phẩm".

Nhà thơ này nhận xét, ở tập thơ của Mai Văn Phấn, điều cần thiết để biểu đạt cảm xúc thường không thông qua phương thức khêu gợi như thơ Haiku, không bị bó buộc trong khuôn khổ bài thơ.

Mỗi bài thơ của ông là một bài thơ tự do hoàn chỉnh, viết cho từng bối cảnh cụ thể với những cảm nhận đa dạng về thế giới. Mỗi bài thơ chỉ có ba dòng, hành trình của người đọc bắt đầu từ chữ đầu tiên và đi đến dòng thơ cuối cùng.

Khi đọc các bài thơ ấy, độc giả như vượt qua, chìm vào ba luồng ánh sáng, ba sắc thái tuyệt mỹ, ba tiếng động, những giai điệu của giai điệu, nhịp điệu của nhịp điệu.

Nhà phê bình văn học Thụy Điển Sebastian Lönnlöv từng viết: "Những trạng huống trong thơ Mai Văn Phấn đôi khi biểu lộ sự u sầu, có lúc bàng hoàng khiếp sợ, hoặc lặng lẽ ngơ ngác.

Đặc biệt là những bài thơ ba câu - thực tế là thơ bốn câu - vì nó được bắt đầu từ tiêu đề bài thơ ở đây, chứa đựng những vần thái tĩnh lặng, khiến ta liên tưởng đến thơ Haiku của các đại thi hào Nhật Bản như Basho (Matsuo Basho, 1644 -1694) hay Issa (Kobayashi Issa, 1763-1827). Ở đây những khoảnh khắc vũ trụ và toàn cảnh chân dung được phác vẽ bằng đường nét tối giản".