1. Dòng sự kiện:
  2. Diễn viên Từ Hy Viên qua đời

Thơ ba câu của Mai Văn Phấn bùng nổ tranh cãi, tác giả nói gì?

Hương Hồ

(Dân trí) - Mới đây, một số bài trong tập thơ "thả" của nhà thơ Mai Văn Phấn bùng nổ tranh cãi trên mạng xã hội. Tác giả đã có những phản hồi với phóng viên Dân trí trước những ý kiến trái chiều.

Các tác phẩm trong tập thơ thả của nhà thơ Mai Văn Phấn mỗi bài gồm ba câu, ghi lại những khoảnh khắc đời thường, tên tác phẩm nối liền với nội dung bài.

Ví dụ: "Người người chúc tụng/ Biển ngoài kia/ Chưa biết ''(Đón giao thừa); "Nghe con đi qua/ Vạt cỏ non biến mất/ Làm đổ mật ong" (Thoáng); ''Thắp hương xong/ Dựa lưng/ Vào ngôi mộ bên cạnh'' (Viếng mộ bà) hay "Tát nước/ Từng gàu/ Ruộng cạn" (Lập xuân); "Vàng mã bén lửa / Gió giật vội / Mang đi" (Nơi đầu gió)...

Tranh cãi về thơ ba câu

Thơ ba câu của Mai Văn Phấn bùng nổ tranh cãi, tác giả nói gì? - 1

Bìa tập thơ "thả" của tác giả Mai Văn Phấn (Ảnh: NXB Hội Nhà văn Việt Nam).

Không ít độc giả sau khi đọc những câu thơ trên nói thơ như thế này "không xứng đáng được gọi là thơ", "thơ này ai cũng làm được". Bạn T.L nói: "Tôi nghĩ việc sáng tạo trong văn học rất đáng hoan nghênh nhưng mong rằng các tác giả có thể làm nên những bài thơ đúng nghĩa''.

Bạn B.H còn cho rằng: "Đây là hậu quả của tình trạng một mét vuông có 5 nhà thơ và là dấu hiệu khủng hoảng thừa trong ngành công nghiệp giấy".

Một số còn "nhại" hoặc chê bai, bỉ bôi tác giả bằng những bình luận ngắt dòng thành ba câu như: "Thơ với thẩn/ Nhà thơ dám viết/ Nhà sách dám in".

Tuy nhiên, có nhiều độc giả chia sẻ, họ thích thơ của Mai Văn Phấn, nói thơ ông có sự sáng tạo, gợi nhiều liên tưởng và cho rằng những đánh giá trên là thiển cận, thiếu công bằng với tác giả.

Bạn H.N bình luận: "Lời thơ tuy ngắn nhưng hàm ý sâu xa, mình đọc thấy hay. Sao mọi người chê dữ vậy".

Cảm nhận thơ của Mai Văn Phấn, độc giả Tùng Lâm bày tỏ: "Thơ của Mai Văn Phấn có "cảnh". Để dễ hình dung, nếu bạn từng say sưa đọc một cuốn sách và trong đầu hiện ra những hình ảnh tưởng tượng về nhân vật, về khung cảnh, cảm xúc bị dắt đi theo câu chữ thì đó chính là đang đi cảnh trong văn.

Đọc Harry Potter và thấy thế giới phù thủy, đọc Kim Dung thấy thế giới võ hiệp, đọc Thiên Hạ Bá Xướng thấy thế giới kỳ quái của dân trộm mộ, đọc Nguyễn Nhật Ánh thấy thế giới cảm xúc của học trò, đó chính là cảnh của Văn".

Theo độc giả này, cảnh trong thơ Mai Văn Phấn khó cảm hơn, bởi giới hạn của ba câu thơ là rất ngắn. Nhét được cảnh vào trong từng đó câu chữ thì đó là việc của một thi nhân. Anh cho rằng, độc giả đừng đọc thơ bằng mắt hoặc bằng cách đánh vần. Với những thể loại thơ này, hãy đọc nó cùng với trí tưởng tượng.

Vũ Ánh Dương (TPHCM) là giảng viên ngành điện ảnh và truyền thông tại một số trường đại học, đứng dạy biên kịch bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân: "Ý vị nhẹ bẫng của những bài thơ trong tập thả của Mai Văn Phấn, một tập thơ yêu thích, bao giờ cũng đọc trong lớp biên kịch của mình".

"Thơ Mai Văn Phấn thực ra có rất nhiều ý nghĩa sâu xa, mà muốn hiểu thì là cả một chặng dài cảm nhận và phân tích từ ngữ… Thơ ông mang nhiều suy tư mà không phải ai cũng luận ra được.

Ở thời điểm hiện tại thì thơ Mai Văn Phấn vẫn được nhiều độc giả, dịch giả và nhà phê bình văn học quan tâm vì yếu tố cách tân trong thơ ông, mà thơ cách tân, hay nghệ thuật cách tân thì kén người đọc, người xem.

Dẫu biết tiếp nhận văn học là chủ quan, vậy nhưng xin đừng thể hiện mình là người nông cạn khi cố gắng chế giễu một tác phẩm có ý nghĩa đối với nhiều người", một khán giả bình luận dưới bài đăng "bạn nghĩ gì khi thấy những tác phẩm "thơ ba câu" của tác giả Mai Văn Phấn ?" hôm 20/12.

Thơ ba câu của Mai Văn Phấn bùng nổ tranh cãi, tác giả nói gì? - 2

Những bài thơ ba câu của nhà thơ Mai Văn Phấn gây tranh cãi trên mạng xã hội (Ảnh: Facebook Kiến không ngủ).

Tác giả không bận tâm ý kiến chê bai

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà thơ Mai Văn Phấn chia sẻ, chuyện khán giả đọc thơ ông hay bất kỳ tác phẩm nào rồi có tranh luận khen chê là điều bình thường. Ông nói "không bận tâm hay nao núng trước những ý kiến phê bình, chê bai".

Mai Văn Phấn quan niệm, thơ là nghệ thuật ngôn từ, có rất nhiều cung bậc và thể loại như bác học, dân gian, bình dân… Mọi người không nên đánh đồng dòng nọ với dòng kia, người yêu thơ bác học thì không thích thơ dân gian, bình dân… và ngược lại.

"Mỗi bài thơ là một không gian nghệ thuật, có rất nhiều lối vào, mỗi người sẽ tìm cho mình chìa khóa để bước vào không gian đó.

Và nếu người đọc không nhìn ra thế giới khác lạ trong văn bản thơ, họ sẽ không tìm thấy giá trị của thi ca. Cũng như cái cây có linh hồn mà con người không nhìn ra", nhà thơ Mai Văn Phấn bộc bạch.

Trước một số ý kiến cho rằng, thơ Mai Văn Phấn có hình thức với thơ Haiku, ông cho rằng, thơ Haiku khi dịch ra tiếng nước ngoài nó sẽ không còn mang tính niêm luật của thơ Haiku Nhật Bản nữa. Thơ Haiku có 12 âm tiết, chủ yếu gợi chứ không tả.

"Có chăng, tôi ảnh hưởng tính tối giản của Nhật Bản thôi, thơ của tôi không tuân thủ niêm luật, tinh thần sáng tác một số trụ cột của dòng Haiku cổ điển như: Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa...

Trong tác phẩm của tôi, tăng khả năng biểu đạt của tiếng Việt, thể hiện những khuynh hướng nghệ thuật thị giác và âm nhạc'', ông nói.

Với nhà thơ Mai Văn Phấn, công việc sáng tác thơ rất khó và không đơn giản chỉ là ngẫu hứng, tức cảnh sinh tình mà phải dựa trên nền tảng triết học, mỹ học vững vàng.

Bởi vậy, theo ông, có những tác phẩm vừa ra đời đã được yêu thích ngay, nhưng cũng có tác phẩm cần sự thử thách của thời gian. 

Thơ ba câu của Mai Văn Phấn bùng nổ tranh cãi, tác giả nói gì? - 3

Nhà thơ Mai Văn Phấn (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam).

Trước luồng dư luận trái chiều, nhà thơ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Cảm nhận thơ của mỗi người là dân chủ, mỗi người sẽ có sự đánh giá khác nhau, có thể tôi thích nhưng người khác không thích đó là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, cảm thụ thơ văn, nghệ thuật cũng cần có sự hiểu biết, năng lực cảm thụ. Tương tự như hội họa, âm nhạc hay bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác.

Đọc thơ Mai Văn Phấn tôi thấy được chiều sâu, ý nghĩa ở đó. Không phải thấy thơ đơn giản thế mà nghĩ rằng ai cũng làm được, ai cũng viết được là không đúng".

Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên đánh giá: "Mai Văn Phấn là nhà thơ cách tân quan trọng của thơ Việt hiện đại. Nhà thơ nhiều năm qua đã miệt mài tìm tòi đổi mới thơ. Với tập thơ thả, khoảng trống giữa những đoạn ba câu là dành cho trí tưởng tượng cho độc giả".

Nhà thơ Hoàng Thụy Anh từng viết: ''Mỗi bài trong tập thả là một bức họa. Chỉ vài nét phác thảo mà ghi lại, chụp lại nhịp sống, khoảnh khắc luân chuyển nguyên sơ, tự nhiên, trong khiết, tươi ròng của thiên nhiên bốn mùa cũng như vẻ đẹp tâm hồn thánh thiện, nồng hậu của con người''.

Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Kim Sơn, Ninh Bình. Năm 1974, ông nhập ngũ, rồi xuất ngũ năm 1981 và theo học Khoa Phiên dịch tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Năm 1983, ông tiếp tục tu nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Maxim Gorky, Minsk (thủ đô của CHXHCN Xô Viết Byelorussia bấy giờ, nay là Trường Đại học Sư phạm Belarus, mang tên nhà văn Maxim Tank.

Ở Việt Nam, nhà thơ Mai Văn Phấn đã xuất bản 19 cuốn sách, gồm các tập thơ, sách phê bình và tiểu luận, sách dịch (tính đến năm 2024). Ông cũng là một trong số ít nhà thơ Việt Nam được giới thiệu rộng rãi ra quốc tế, với 27 tập thơ xuất bản ở nước ngoài và được dịch ra 40 ngôn ngữ.

Mai Văn Phấn từng giành giải thưởng văn học Cikada 2017 của Thụy Điển. Giải Cikada được sáng lập năm 2004 và được trao cho các nhà thơ Đông Á.

Tập thơ thả Mai Văn Phấn gồm 1.017 bài, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, đã được dịch sang ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha, Hindi, một số bài được chuyển ngữ qua tiếng Hàn Quốc, Thụy Điển. Nhà thơ đặt tên thả bởi ''tính đa nghĩa của nó trong tiếng Việt'', cho rằng dù trong hoàn cảnh nào, chữ này vẫn thể hiện sự an nhiên, tự tại.