DNews

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem

Lạc Thành

(Dân trí) - Ít ai biết, nhiều NSND, NSƯT của nghệ thuật Tuồng dù sắp nghỉ hưu cũng chỉ nhận lương 4 triệu đồng. Họ phải vất vả mưu sinh đủ nghề để trang trải cuộc sống.

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem

"Nhiều diễn viên vào biên chế vẫn bỏ nghề, về quê sinh sống"

"Tuồng", "hát bộ" hay "hát bội" là những cách gọi khác nhau chỉ một loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống độc đáo của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm, Tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn…

Một thời, nghệ thuật Tuồng từng "làm mưa, làm gió" trong đời sống tinh thần của khán giả Việt với những đêm diễn "đỏ đèn", khán giả vỗ tay không dứt...

Thế nhưng, những năm gần đây, nghệ sĩ Tuồng đang "kêu cứu" vì cuộc sống khó khăn, nhiều nghệ sĩ rất vất vả khi lựa chọn giữa đam mê hay bỏ nghề mưu sinh...

Dù đã vào biên chế, nhiều người vẫn bỏ nghề về quê làm công việc khác khiến cho việc tuyển nhân sự mới vào các Nhà hát Tuồng rơi vào bế tắc, khó khăn.

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 1

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho biết, từ việc phục vụ miễn phí trong thời gian dài, đến năm 2023, Nhà hát tuyển chọn được người làm marketing có kiến thức, kỹ năng nên đã tổ chức bán vé vở diễn với giá 150.000/vé, nhằm nâng cao đời sống vật chất cho nghệ sĩ của Nhà hát.

"Tuồng là loại hình nghệ thuật khó xem, khó thưởng thức vì nó có sự bi hùng, hào sảng, ước lệ nhiều. Từ khi chuyển sang bán vé, cũng có khán giả tới xem nhưng không nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mạnh dạn tiếp cận để tạo thói quen cho khán giả tới xem.

Rạp Hồng Hà có 359 ghế, có buổi Nhà hát bán được 100 vé, có đêm được 50 vé… nhưng có còn hơn không...", ông Ngọc Tuấn thành thật.

Ông Tuấn cho biết, Nhà hát mới thử nghiệm một số vở tuồng mang tính chất vui vẻ, hài hước như Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Nhiều khán giả trẻ cũng bắt đầu biết đến nghệ thuật Tuồng và mua vé vào xem.

Theo ông Tuấn, đây là tín hiệu đáng mừng vì trước kia khán giả trẻ hầu như không mua vé xem Tuồng mà Nhà hát chỉ bán được cho khách nước ngoài theo các tour du lịch.

"Hiện tại chúng tôi chưa có khách nước ngoài, vì sau dịch Covid-19, Nhà hát chưa có kế hoạch quảng bá vở diễn. Khách nước ngoài thích các trích đoạn được dịch ra tiếng Anh nên có thể trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ làm các công tác truyền thông để bán vé như trước…", ông Tuấn giãi bày.

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 2

Một cảnh trong vở "Nghêu, Sò Ốc, Hến" của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Khi được hỏi, ông có thấy mạo hiểm không khi quyết tâm bán vé Tuồng trong khi các loại hình giải trí khác hiện nay cũng rất phong phú, đa dạng? Ông Phạm Ngọc Tuấn nói: "Tôi tin tưởng sẽ bán được vé, vì khán giả đã dần thích môn nghệ thuật này. Tuy rằng, Tuồng không hot như Chèo, Kịch nói… nhưng ai hiểu thì sẽ dần yêu Tuồng".

Ông Tuấn có 40 năm làm việc ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông từng làm diễn viên, lãnh đạo Đoàn đến Phó giám đốc và năm 2010 ông nhận chức Giám đốc Nhà hát. Điều ông băn khoăn nhất hiện nay là việc đào tạo nhân sự, đời sống của anh chị em nghệ sĩ Nhà hát gặp nhiều khó khăn.

Ông cho hay: "Tôi rất trăn trở về nghề. Các nghệ sĩ Tuồng đều được học từ bé, thường là học truyền nghề. Nếu lớn hơn học cũng được nhưng việc tiếp thu không tốt bằng việc tiếp xúc từ nhỏ. Hiện nay, các môn nghệ thuật đều được "bỏ chung vào một rọ", nghệ thuật Tuồng khác hẳn với Chèo, Cải lương nhưng lại được xem như các loại hình khác".

Cái khác ở đây theo ông Tuấn là Khoa Kịch hát dân tộc của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chỉ đào tạo Chèo, Cải lương, Múa rối trình độ Đại học mà không có Tuồng.

Từ năm 2018, các trường Trung cấp, Cao đẳng được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Vì thế, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không có chức năng đào tạo nghệ thuật Tuồng nữa. Ở Hà Nội cũng không có trường Trung cấp, Cao đẳng nào đào tạo về Tuồng, vì thế Nhà hát Tuồng Việt Nam đang thiếu trầm trọng diễn viên. Khoảng 6 năm nay, Nhà hát không tuyển được diễn viên Tuồng.

"Thiếu nhân sự đã đành nhưng lương, các chế độ cho diễn viên cũng rất thấp. Có nghệ sĩ được vinh danh NSND, NSƯT nhiều năm, thậm chí gần nghỉ hưu cũng chỉ nhận mức lương 4-5 triệu tương đương với bậc 3 - tốt nghiệp trung cấp. Nếu muốn được tăng lương, họ phải học lên Đại học với chuyên ngành khác như: Đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa… Đây là một bất cập với các nghệ sĩ Tuồng", ông Tuấn nêu vấn đề.

Thu nhập thấp nên các diễn viên Tuồng ra trường chỉ nhận lương khoảng 4-6 triệu. Nhiều diễn viên bỏ nghề, một số diễn viên đã được vào biên chế vẫn bỏ hẳn nghề về quê sinh sống. Một số nghệ sĩ trẻ khác thì làm MC đám cưới, sự kiện, hát văn, chơi nhạc... Một số khác kinh doanh thêm như bán quần áo, đồ ăn, làm shipper quanh Hà Nội.

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 3
Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 4

Dù mỗi buổi diễn chỉ bán được 50 vé nhưng Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn tin tưởng vào thị hiếu của khán giả với nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn nói: "Đã có diễn viên vào biên chế lên gặp tôi nói "cháu xin nghỉ chú ạ", tôi khuyên cháu là cố gắng đừng bỏ nghề nhưng cháu vẫn viết đơn xin nghỉ vì cuộc sống vẫn khó khăn, chấp nhận về quê làm lại từ đầu.

Vì vẫn phải lo cơm áo gạo tiền nên nhiều diễn viên không toàn tâm, toàn ý với nghệ thuật. Đây là thực tế đau đớn của nghệ thuật Tuồng chúng tôi...".

"Diễn viên Tuồng mặc trang phục 10kg diễn dưới trời nóng 39 độ"

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ thêm, để giảm bớt những khó khăn cho các diễn viên, Nhà hát cũng hỗ trợ những nghệ sĩ trẻ chưa có nhà có thể ở nhà công vụ của Nhà hát tại khu Mai Dịch (Hà Nội).

Ông Tuấn nói, dù việc này là "lách luật" nhưng ông vẫn muốn giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ gắn bó với nghệ thuật truyền thống.

"Chúng tôi cố gắng hỗ trợ để các bạn trẻ không phải đi thuê nhà nhằm để các em, các cháu gắn bó, đam mê nghề, giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Nếu lương có 4 -5 triệu đồng mà còn thuê nhà, còn ăn uống nữa, họ sống ra sao?", ông tâm sự.

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 5
Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 6

Các nghệ sĩ Tuồng phải mặc trang phục nặng 10 kg trong thời tiết nắng nóng để diễn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

NSƯT Hải Vân - diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho biết, ông đã có gần 40 năm làm việc ở Nhà hát Tuồng Việt Nam. Bố mẹ ông từng công tác ở Đoàn Chèo Thanh Hóa, nhưng sau đó, bố ông ra Hà Nội làm việc.

Do nhiều cơ duyên và gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ông đã thi tuyển và đỗ vào Nhà hát Tuồng Việt Nam và gắn bó đến nay. Khoảng gần một năm nữa nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia các vở diễn trên sân khấu.

Ông Hải Vân nói, mình từng trải qua những thời kỳ khó khăn của đất nước, của nghệ thuật nên ông thương và thấu hiểu những nghệ sĩ như mình. Nếu không có đam mê kéo lại, họ đã đi làm nghề khác từ lâu.

"Đời sống của nghệ sĩ Tuồng rất vất vả. Tôi nhận danh hiệu NSƯT hơn 10 năm nhưng lương giờ chỉ 6 triệu đồng. Hồi trẻ, chúng tôi cũng được ở khu tập thể của Nhà hát, cứ 4-5 người chung nhau 1 phòng.

Vì không có tiền nên chúng tôi phải làm thêm nhiều nghề. Sau này, có gia đình riêng thì vợ chồng cùng cố gắng vậy thôi. Tôi từng nhiều năm đạp xe đi làm, sau đó mới mua được xe máy di chuyển để đi diễn…", NSƯT Hải Vân nói.

Nghệ sĩ Hải Vân cho biết, nếu các cơ quan quản lý không có đãi ngộ cho văn nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ Tuồng thì nghề sẽ bị mai một vì không ai sống được với đồng lương eo hẹp trong thời kinh tế thị trường như vậy.

"Tuồng vất vả hơn Chèo, Kịch nói… Nghệ sĩ Tuồng phải học thêm múa, hình thể, thanh nhạc. Diễn viên cũng phải học cách lấy hơi nhả chữ… Với những vở lịch sử đóng Vua, tướng, diễn viên phải mặc hơn 10 kg trang phục, trang điểm đậm, diễn dưới trời nóng 38-39 độ, mồ hôi túa ra như tắm đúng như… cực hình.

Nhiều người đã bị ốm, sốt vì diễn trên sân khấu như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn hy sinh vì nghệ thuật", nghệ sĩ Hải Vân chia sẻ.

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 7
Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 8
Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 9

Nghệ sĩ Tuồng phải học thêm múa, hình thể, thanh nhạc và cách lấy hơi nhả chữ.

Diễn viên Nguyễn Thị Quyên cho biết, chị học nghề từ năm 1999, vào Nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 2003. Chị nói, học nghệ thuật Tuồng rất vất vả. Thời trẻ, chị đã từng có ý nghĩ  tạm dừng làm nghề để chuyển sang công việc khác, nhưng sau đó, đam mê lại cuốn chị tiếp tục đứng trên sân khấu.

"Thời trẻ, ai cũng từng muốn thay đổi, nhất là khi mới có gia đình, nhiều thứ phải lo nhưng tôi cũng trụ lại được với nghề. Tôi và chồng học cùng lớp, cùng nghề với nhau nên thấu hiểu công việc. Ông xã ngoài việc ở Nhà hát còn làm nhiều nghề như tổ chức đám cưới, chạy sự kiện... nên hai vợ chồng cũng tiết kiệm để chăm lo cho con cái".

Sau nhiều năm, hai vợ chồng chị cũng mua được một căn nhà nhỏ với sự giúp đỡ của hai bên gia đình. Chị nói, dù có nhiều vất vả nhưng chị vẫn luôn động viên chồng kiên trì với nghề.

Diễn viên Nguyễn Xuân Vũ vào nhà hát được 6 năm và thu nhập cũng không cao. Anh nói Nhà hát cũng không có nhiều buổi diễn, vai chính thì 200.000 đồng/buổi, vai phụ thì ít hơn nên đời sống của anh em nghệ sĩ cũng khó khăn, nhưng ai đã đam mê với nghề thì không muốn bỏ.

"Bố tôi cũng làm ở Nhà hát nên từ nhỏ tôi đã thích Tuồng. Cái nghề đã ngấm vào máu rồi nên không thể bỏ được.Vì chỉ có bằng Trung cấp và Cao đẳng nên mới đây, 20 diễn viên của Nhà hát đã xin đi học thêm Đại học để có bằng mới được tăng ngạch lương.

Chúng tôi mong muốn được Nhà nước và khán giả quan tâm hơn đến một bộ môn nghệ thuật Tuồng, để thu nhập tăng lên, đảm bảo cuộc sống để giữ vững đam mê với nghề", Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ.

Nghệ sĩ Tuồng làm MC đám cưới, bán đồ ăn, rạp chỉ có 50 khán giả đến xem - 10

Diễn viên Nguyễn Xuân Vũ chuẩn bị hóa trang để lên sân khấu.

Ảnh: Thành Đông