Nghệ sĩ mặc trang phục nặng 8kg diễn cải lương ở sân khấu chật chội và nóng

Lạc Thành

(Dân trí) - Đi xem vở "Mặt trời đêm thế kỷ" do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng mới thấy nỗ lực của các nghệ sĩ thuật truyền thống khi làm việc tại cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội.

Mới đây, Nhà hát Cải Lương Việt Nam đã công diễn vở cải lương Mặt trời đêm thế kỷ - vở kịch về Hoàng đế Quang Trung của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn.

Nghệ sĩ mặc trang phục nặng 8kg diễn cải lương ở sân khấu chật chội và nóng - 1

"Mặt trời đêm thế kỷ" ca ngợi công lao Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (Ảnh: Ban Tổ chức).

Mặt trời đêm thế kỷ ca ngợi công lao của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người đã đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời tôn vinh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm và khát vọng bảo vệ hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Những nét đột phá trong tâm hồn, suy tưởng lo âu và day dứt bi thương giữa nghĩa nước tình nhà trong sâu thẳm trái tim của vị tướng cầm quân Quang Trung - Nguyễn Huệ được tác giả và đạo diễn khai thác triệt để và công phu.

Vở diễn được dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ: Văn Thuân (Nguyễn Huệ), Văn Tuấn (Nguyễn Nhạc), Trung Tuấn (Nguyễn Lữ), NSƯT Hồng Hạnh (Ngọc Hân), NSƯT Thiên Hoa (Thứ Phi), Tuấn Thanh (Vũ Văn Nhậm), Nguyễn Thủy (Thọ Hương)…

Chia sẻ về những nét mới trong vở diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, khi đọc kịch bản của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, bà thấy được triết lý ẩn sâu trong từng câu thoại, từng nhân vật của tác phẩm. Bà đã xử lý vở diễn với tiết tấu nhanh hơn để phù hợp với khán giả hiện đại.

"Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng tiếng kèn tuồng Bình Định, lời hát ru bài chòi và tiếng trống trận để làm nổi bật âm hưởng Tây Sơn trong vở diễn. Sân khấu được thiết kế tối giản với duy nhất chiếc ngai vàng bao quanh là vầng mặt trời.

Tôi muốn truyền thông điệp về tâm trong sáng của người ngồi ở ngôi vị cao nhất: Tâm tốt luôn tỏa ánh dương. Ê-kíp đã mất 4 tháng để tập luyện và dàn dựng trước khi chính thức công diễn...", NSND Hoàng Quỳnh Mai cho hay.

Nghệ sĩ mặc trang phục nặng 8kg diễn cải lương ở sân khấu chật chội và nóng - 2

Nhiều người bất ngờ khi bước lên cầu thang chật hẹp dẫn lên khán phòng tại tầng 2 (Ảnh: Lê Tình).

Tại buổi biểu diễn, có khoảng hơn 100 khán giả tới xem nhưng ai cũng bất ngờ trước cơ sở vật chất thiếu thốn của nhà hát tại 164 Hồng Mai (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với sân khấu được trang trí đơn sơ, giản tiện nhất.

Khán phòng với hơn 140 ghế ngồi được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn tiếp đón khán giả, khiến cho người này vào phải né người kia mới đủ diện tích. 

Để lên tầng 2 xem vở diễn, khán giả phải đi qua một cầu thang hẹp và tối, hai bên cầu thang để nhiều đạo cụ, bên cạnh còn để những chiếc xe đi lưu diễn của nhà hát. Hôm nào có vở diễn, xe máy để la liệt ngoài khoảng sân chật chội khiến cho ai muốn về sớm cũng phải khó khăn lắm mới lấy được xe.

Bên trong khán phòng, tường đã ẩm mốc, vôi tróc ra, quạt trần treo cao, hoạt động không ổn định. Nhiều nghệ sĩ cải lương đã phải khoác trên mình trang phục biểu diễn nặng 8-10kg khiến mồ hôi túa ra liên tục khi diễn.

Phòng hóa trang của nhà hát chỉ rộng khoảng 7- 8m2 khiến cho các nghệ sĩ khi trang điểm phải nhường nhau chỗ ngồi, chiếc quạt cũ hoạt động cầm chừng khiến không gian càng oi nóng. Có nghệ sĩ vừa trang điểm xong, bị mồ hôi thấm trôi lớp phấn lại phải quay vào hóa trang lại.

Nhiều khán giả nhận xét, phải yêu nghề lắm, các nghệ sĩ mới trụ vững và dành tình yêu với cải lương như vậy.

Nghệ sĩ mặc trang phục nặng 8kg diễn cải lương ở sân khấu chật chội và nóng - 3

Hôm nào diễn vở, sân của Nhà hát để la liệt xe máy khiến không gian càng chật chội hơn (Ảnh: Lê Tình).

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho biết, việc cơ sở vật chất thiếu thốn, việc không có rạp đã ảnh hưởng đến tính chất chuyên nghiệp cao của đơn vị, gây khó khăn cho hoạt động biểu diễn.

Anh nói, việc đi thuê rạp làm tăng chi phí đêm diễn (30 - 50 triệu đồng/đêm diễn), khó cân đối thu chi, hạn chế tần suất biểu diễn phục vụ khán giả.

"Hiện tại, chúng tôi vẫn lo kinh phí từng vở diễn, đời sống của anh em nghệ sĩ cũng  ảnh hưởng nhưng vì đam mê với nghệ thuật truyền thống, chúng tôi vẫn cố gắng trụ vững, yêu nghề...", NSND Triệu Trung Kiên cho biết.