NSND Quốc Hưng: ""Tổ quốc gọi tên mình" mang lại cho tôi thành quả bất ngờ"
(Dân trí) - "Mỗi khi có chương trình ngợi ca đất nước, lịch sử và truyền thống dân tộc, tôi lại được mời hát "Tổ quốc gọi tên mình". Đây là ca khúc thành công nhất với tôi...", NSND Quốc Hưng chia sẻ.
NSND Quốc Hưng là ca sĩ opera sở hữu giọng bass hiếm. Người yêu nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam hẳn sẽ không thể quên giọng hát của NSND Quốc Hưng khi thể hiện aria Vousqui Taites L'sendo Rmie trích trong Opera Faust (Tiếng cười con quỷ) của nhà soạn nhạc lừng danh Charler Gound, Aria Figaro trích trong Opera Đám cưới Figaro của thiên tài âm nhạc Mozart...
Bên cạnh đó, anh cũng thể hiện ấn tượng những ca khúc nhạc đỏ mang âm hưởng hùng tráng như Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn - Nguyễn Phan Quế Mai)...
Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, NSND Quốc Hưng đã chia sẻ nhiều hơn với phóng viên Dân trí về con đường âm nhạc nói chung, mối lương duyên đến với dòng nhạc đỏ nói riêng cùng những tâm tư, dự định trong thời gian tới.
NSND Quốc Hưng chia sẻ về con đường âm nhạc và dự định thời gian tới.
NSND Quốc Hưng không chỉ là ca sĩ opera hàng đầu, sở hữu giọng bass hiếm của Việt Nam, tên tuổi anh còn gắn liền với những ca khúc cách mạng nổi tiếng, cơ duyên anh đến với dòng nhạc này?
- Tôi là người được đào tạo theo giáo trình cổ điển châu Âu, nên giữa kỹ thuật hát cổ điển châu Âu với hát nhạc đỏ Việt Nam rất phù hợp.
Trong suốt cả quá trình học, tôi rất đầu tư vào học cơ bản nhất. Sau đó, làm giảng viên, dạy các thế hệ học sinh gần 30 năm, tất cả tác phẩm nhạc cách mạng hay những tác phẩm trong giáo trình tôi đều giải thích cho học sinh kỹ về nội dung và tuyến giai điệu của bài hát.
Để giảng dạy cho học sinh bản thân tôi cũng phải tìm hiểu sâu và rõ. Chính vì thế, khi tôi thể hiện tác phẩm nào thì nó đã ngấm vào con người mình rồi.
Trước đây, theo học chuyên sâu về opera, tôi ít đi diễn nhưng sau này, cuộc sống thay đổi, cũng cần nguồn kinh tế đảm bảo cuộc sống, tôi đã chuyển sang hát những ca khúc cách mạng và tôi bắt nhịp được ngay với các nghệ sĩ.
Lúc đó, những ca khúc tôi thể hiện đều có chiều sâu, nội lực trong giọng hát, xử lý sắc thái to nhỏ đều rõ ràng… và mang sự thổn thức của trái tim mình đặt vào trong đó.
Vì vậy, các chương trình lớn kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước nói chung hay Quốc khánh 2/9 nói riêng trong nhiều năm nay, tôi là người thể hiện các tác phẩm kinh điển của dòng nhạc cách mạng Việt Nam.
NSND Quốc Hưng là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Anh có thể chia sẻ kỷ niệm về lần đầu tiên đứng trên sân khấu hát nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9?
- Đó là ngày 1/9 cách đây hơn 10 năm. Tôi đứng hát ở sân khấu ngoài trời - trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày đó, tôi hát 2 bài: Ca ngợi Tổ quốc và Lá cờ Đảng, phía dưới sân khấu là một biển người còn phía sau tôi là một dàn hợp xướng rất hào hùng. Khoảnh khắc lúc đó vô cùng thiêng liêng và tự hào, tôi không bao giờ quên được.
Trong số những ca khúc về dòng nhạc đỏ từng thể hiện, anh thấy tâm đắc với bài nào?
- Tổ quốc gọi tên mình của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn là ca khúc thành công nhất với tôi. Mỗi khi có chương trình lớn ngợi ca quê hương, đất nước, lịch sử và truyền thống dân tộc đặc biệt là về biển đảo, kể cả trong Nam hay ngoài Bắc đều mời tôi hát ca khúc này. Có tuần, tôi hát 2-3 lần.
Cát-xê ban tổ chức hay các đơn vị trả cho tôi với bài này tương đối… khá. Cũng nhờ ca khúc này mà tôi mua được xe ô tô. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng không thu tiền bản quyền bài hát nữa, để tác phẩm có thể lan tỏa và sống mãi trong lòng nhân dân.
NSND Quốc Hưng chia sẻ, trong số những ca khúc về dòng nhạc cách mạng anh từng thể hiện thì bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" với anh là thành công nhất.
Nói đến âm nhạc cách mạng, âm nhạc về Bác Hồ, có rất nhiều "tượng đài ca khúc", nhạc sĩ. Anh ấn tượng ai nhất?
- Viết về Bác Hồ, tôi rất ấn tượng và trân trọng nhạc sĩ Thuận Yến. Ông là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam viết rất nhiều và rất hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể kể đến một số ca khúc vượt thời gian như: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Miền Trung nhớ Bác, Vầng trăng Ba Đình (thơ Phạm Ngọc Cảnh), Người về thăm quê...
Không chỉ những khúc về Bác Hồ mà cả những ca khúc viết về người lính, về cách mạng hay những bản tình ca đượm chất thơ, âm nhạc Thuận Yến vẫn neo vào lòng người bởi lời ca đầy cảm xúc và giai điệu đẹp, mộc mạc mà sâu lắng, nồng nàn và thiết tha.
Một nhạc sĩ khác, dù sáng tác không nhiều nhưng có tác phẩm kinh điển, bất hủ về Bác Hồ là nhạc sĩ Chu Minh với ca khúc Người là niềm tin tất thắng.
Đây là một khúc tráng ca hay và đầy xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca khúc đã đem lại niềm dâng trào cảm xúc đặc biệt ấn tượng trong lòng người yêu nhạc hơn 5 thập kỷ qua. Đây là tác phẩm khó, nếu không phải được đào tạo bài bản thì rất khó thể hiện.
Sáng tác khác của Chu Minh rất hay và ấn tượng là Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam. Đây cũng là một trong những ca khúc được đánh giá là tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam.
Với những ca sĩ trẻ hiện nay, anh đánh giá ca sĩ nào hát dòng nhạc cách mạng xuất sắc và chạm đến trái tim khán giả?
- Về thế hệ trẻ, tôi thấy Tùng Dương là một ngôi sao hạng A có sự cháy bỏng trong âm nhạc. Tôi đánh giá Tùng Dương rất cao khi xử lý tác phẩm, cách hát dòng nhạc cách mạng.
Ngoài ra, còn có Đào Tố Loan, Khánh Ngọc,… các bạn trẻ được đào tạo cơ bản từ các học viện và rất thành công trong nhạc cổ điển.
Và còn khá nhiều bạn trẻ bây giờ như 4 bạn Cảnh Trần, Hà My, Quốc Đạt, Đỗ Vũ Lan Nhung - đoạt giải nhất trong dòng nhạc cổ điển thính phòng mới được tổ chức. Họ được đào tạo và có tố chất rất tốt.
Anh cảm nhận sức sống trường tồn của lịch sử dân tộc hào hùng nói chung và Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 nói riêng thể hiện qua âm nhạc thế nào?
- Thật ra, trong mỗi ca khúc cách mạng, những cuộc trường chinh của đất nước đều gắn với hình ảnh Bác Hồ. Mỗi nhạc phẩm ở những khoảng thời gian đó, các nhạc sĩ Việt Nam đều viết rất hay và đúng thực tế của đất nước, của các cuộc chiến tranh… Đến bây giờ, âm nhạc đó vẫn trường tồn cùng đất nước.
Còn nói riêng về Cách mạng Tháng Tám thì âm nhạc Việt Nam có rất nhiều thành tựu nổi bật.
Những ca khúc "đi cùng năm tháng" có thể kể đến như: 19 tháng 8 của Xuân Oanh; Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Phất cờ Nam Tiến của Hoàng Văn Thái, Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Đoàn Vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu…
Về Quốc khánh 2/9/1945, ca khúc Ba Đình nắng của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch vẫn luôn được đánh giá là ca khúc hay và "trực diện" nhất về chủ đề này.
Có thể nói, opera hay cách mạng là dòng nhạc khó và cát-xê cho nghệ sĩ theo dòng nhạc này cũng không cao ở Việt Nam. Vậy, theo anh, đam mê có ý nghĩa như thế nào trong nghệ thuật nói chung và dòng nhạc này nói riêng. Anh có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ?
- Tôi từng chia sẻ, những người nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc opera ở Việt Nam là những nghệ sĩ nghèo nhất. Tôi là một trong số đó (cười).
Có một điều, tôi luôn tâm niệm, trong âm nhạc, trái tim là yếu tố cốt lõi, trái tim phải thổn thức, phải rung động mới trở thành người nghệ sĩ thực thụ.
Còn đam mê thì đương nhiên rồi, đó là điều không thể thiếu và quan trọng khi đã chọn theo đuổi nghệ thuật, âm nhạc và thanh nhạc.
Nếu không đủ đam mê mà chỉ yêu và thích thôi sẽ không đủ. Nếu thực sự đam mê đến mức ngay cả trong giấc mơ các bạn cũng mơ đến nó, thì mới nên nghĩ tới chuyện đi học.
Nhưng nếu chỉ thích và hy vọng trở thành ngôi sao ngay tức thì, đừng chọn học nhạc, bởi nghề này không hề đơn giản và lấp lánh như mọi người nghĩ.
Anh có dự định gì trong thời gian tới?
- Tôi mong muốn sẽ hát lại những ca khúc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà chưa thể hiện, tôi nghĩ mình hát tốt và hay.
Tuyển tập album Gửi dĩ vãng, tôi đã thu được 40 bài, trước đây, đã phát hành 10 bài và còn 30 bài đã thu thanh xong. Tới đây, tôi sẽ hoàn thành xong album Gửi dĩ vãng 2, 3, 4 được ghi hình trong TPHCM.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!