NSND Quốc Hưng: "Tôi giàu bạn và học trò, Tết chỉ muốn về với mẹ"
(Dân trí) - "Những năm gần đây, tôi không nhận show Tết vì muốn được về với mẹ. Giờ tôi cũng lớn tuổi, Tết chỉ muốn về nhà, về quê sắm sửa, trang trí nhà cửa", NSND Quốc Hưng chia sẻ.
NSND Quốc Hưng là ca sĩ opera sở hữu giọng bass hiếm. Người yêu nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam hẳn sẽ không thể quên giọng hát của NSND Quốc Hưng khi thể hiện aria Vousqui Taites L'sendo Rmie trích trong Opera Faust (Tiếng cười con quỷ) của nhà soạn nhạc lừng danh Charler Gound, Aria Figaro trích trong Opera Đám cưới Figaro của thiên tài âm nhạc Mozart... hay những ca khúc nhạc đỏ mang âm hưởng hùng tráng như Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn - Nguyễn Phan Quế Mai)...
Anh cũng là người thầy đào tạo nhiều thế hệ học sinh âm nhạc tài năng và nổi tiếng. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí nhân dịp Xuân Giáp Thìn, NSND Quốc Hưng đã chia sẻ cảm xúc về một năm qua với nhiều dấu mốc, thành tựu và cả những dự định sắp tới.
Nhắc đến NSND Quốc Hưng, khán giả luôn ưu ái gọi anh với danh xưng "nghệ sĩ có giọng bass hiếm nhất Việt Nam", anh cảm thấy may mắn hay cũng từng áp lực?
- Tôi không áp lực vì đó là chất giọng vốn có của mình. Không chỉ tại khu vực Đông Nam Á, mà xét ở toàn châu Á, giọng bass luôn hiếm. Chính vì vậy, tôi nhận rất nhiều lời mời từ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM và các đoàn nghệ thuật trong TPHCM. Mình giúp với tinh thần tương trợ, tất cả vì mục đích phát triển nền nghệ thuật ở cả 2 miền Bắc - Nam.
Tôi không vì chất giọng hiếm mà đòi hỏi bất cứ điều gì nên mọi người rất quý. Có những khi tôi bận, không tham gia, họ mời người nước ngoài về thay thế, nhưng kết quả đôi lúc không được như kỳ vọng. Ở châu Âu, họ hơn mình ở các độ xuống tone, rất đầy và dầy.
Nhưng tại việt Nam, chưa có nhiều người luyện thành thạo các quãng nhạc này, do kết cấu vòm họng đặc trưng. Chính vì vậy, bất cứ khi nào có dịp hỗ trợ mọi người, tôi đều cố gắng hết sức.
Đi qua 53 mùa xuân và nhìn lại một năm đã qua, anh thấy mình được gì và có gì còn nuối tiếc?
- Cuộc đời tôi cho đến bây giờ, tôi thấy mình được nhiều lắm và cũng không còn gì phải nuối tiếc cả. Năm 2023 với tôi và gia đình có nhiều thành tựu cũng như dấu mốc đáng nhớ.
Sau thời gian dịch bệnh, mọi thứ được trở lại bình thường và nghệ thuật cũng vậy. Từ đầu năm, tôi đã làm tổng đạo diễn 7-8 chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, đó là dấu mốc quan trọng.
Ngày 19/5, tôi nhận quyết định được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đào tạo và Nghiên cứu khoa học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây là dấu mốc và thành công rất quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp âm nhạc của tôi. Ngoài chức danh này, tôi vẫn đào tạo những thế hệ học sinh và sinh viên học cao học.
Bên cạnh đó, tôi phát hành album Gửi dĩ vãng - dự án nhạc tình. Trước giờ ai cũng nghĩ Quốc Hưng chỉ hát nhạc opera, thính phòng. Sau thời gian học tập và mọi thứ ổn định rồi, tôi quay lại thể loại này để cống hiến cho khán giả những ca khúc ngày xưa mình từng hát.
Cuối năm vừa qua, trong Cuộc thi hát Thính phòng, Nhạc kịch, Hợp xướng toàn quốc năm 2023, 3 học trò của tôi đều giành giải Nhất thể loại Thính phòng đó là Cảnh Trần (giải Nhất bảng A), Trần Quốc Đạt và Nguyễn Hà My (giải Nhất bảng B).
Có thể nói, đây là chuyện khá hi hữu, bởi việc giành được giải thưởng ở cuộc thi đòi hỏi chuyên môn cao nhất trong làng âm nhạc chuyên nghiệp không hề dễ dàng. Đây là niềm vui và tự hào rất lớn với một người thầy như tôi.
Cũng trong năm 2023, em trai út của tôi là biên đạo múa Đỗ Hiền được phong tặng danh hiệu NSND. Như vậy, gia đình tôi vinh dự khi có hai người nhận được danh hiệu cao quý, mẹ tôi là người hạnh phúc nhất.
Bố tôi đi chiến trường Quảng Trị - Khe Sanh 20 năm. Khi xuất ngũ, ông làm việc đến năm 1983 đổ bệnh và mất. Mẹ tôi lúc đó nghỉ việc công nhân, đi làm thuê, làm nông để nuôi bốn người con. Mẹ tôi rất vất vả, nhưng đến giờ chúng tôi đều thành đạt, khiến mẹ tự hào.
Nhiều nghệ sĩ tâm sự, có hậu phương vững chắc mới có được thành công và có sức "phiêu" với âm nhạc? Với anh thì sao?
- Hậu phương vững chắc là điều chắc chắn rồi. Tôi may mắn khi có vợ cùng nghề. Chúng tôi học cùng nhiều năm, yêu nhau từ trường nhạc 8 năm rồi kết hôn nên tôi lựa chọn âm nhạc thế nào hay làm bất cứ điều gì đều được vợ dõi theo ủng hộ. Đó là điều tuyệt vời.
Nhưng các cụ nói, có thực mới vực được đạo. Trong thực tế, tôi theo con đường hát nhạc kịch nhiều năm, muốn phiêu theo âm nhạc cũng tùy ý nhưng đến khi lập gia đình, có vợ con thì tôi buộc phải tìm một cách khác để kiếm tiền.
Ví dụ, tôi bắt đầu bước vào showbiz. Thay vì chỉ hát dòng nhạc cổ điển, opera thì tôi xoay sang hát các ca khúc Việt Nam để biểu diễn trong các chương trình lớn của Nhà nước hay các hội nghị. Sau này cát-xê có thay đổi, khá cao nên đời sống tôi không vất vả nữa.
Đào tạo nhiều thế hệ học trò, cho tới giờ anh đã tìm được những viên "ngọc" để mài giũa và tiếp bước mình chưa?
- Trong TPHCM tôi có một bạn, ngoài này tôi đào tạo 3-4 bạn. Năm vừa rồi, chúng tôi tuyển được 30 em cho hệ trung cấp. Việc đào tạo ở nhạc viện giống như "đãi cát tìm vàng". 30 em của một khóa sẽ tìm được 3 ngôi sao, ít thì chỉ được 1. Nhưng khóa nào cũng có những em đạt giải Nhất, giải Nhì Sao Mai và giải quốc tế.
Đã là sinh viên của khoa thanh nhạc, các em rất giỏi. Có những em về các trường chuyên nghiệp dạy, hay về làm ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, rồi mở trung tâm dạy nhạc.
Một NSND hào hoa lịch lãm trên sân khấu khác gì với một thầy giáo Quốc Hưng trên giảng đường và Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc?
- Vai trò nào cũng quan trọng nhưng với tôi, nghề làm thầy là quan trọng nhất. Tôi rất may mắn được học NSND Trần Hiếu ngay từ khi bước vào trường nhạc, với tôi, thầy là người vĩ đại, giỏi về chuyên ngành.
Thầy truyền đạt cho tôi lối sống, tình cảm yêu thương, đạo đức con người. Rất nhiều nghệ sĩ như tôi, Tấn Minh, Trọng Tấn, Trần Thu Hà… được thầy chỉ dạy về học thuật, trau dồi đạo đức.
Sự ảnh hưởng của thầy cô giáo lên các em sinh viên rất lớn. Vì vậy người thầy, cô giáo cần chú trọng cách ứng xử. Đó là điều tôi rất chú trọng.
Tôi luôn mong những học trò có đủ tố chất theo opera của mình sẽ không chệch khỏi con đường âm nhạc chính thống, bởi lẽ làng opera Việt rất khan hiếm những giọng ca.
Thính phòng là dòng nhạc khó, phải có năng khiếu, ý chí rèn luyện, sức khỏe, sự hiểu biết… nhưng mức lương và thù lao của nghệ sĩ nhận được lại còn hạn chế. Nếu không có đam mê, tình yêu lớn thì nghệ sĩ hát thính phòng khó mà theo đuổi đường dài.
Chính vì thế, những nghệ sĩ trẻ như Cảnh Trần, Hà My, Trần Quốc Đạt… là những "hạt giống" cần được động viên, tạo điều kiện để phát huy tài năng, góp phần vào sự phát triển của âm nhạc Việt.
Anh nghĩ sao khi có thông tin anh rất giàu, là đại gia?
- Giàu thì rất nhiều kiểu. Đối với tôi, tôi giàu về bạn và học trò. Đấy là điều tôi cảm thấy tự hào nhất. Bạn bè, học trò hay tất cả mọi người đã biết tôi, chơi với tôi đều dành tình cảm quý mến, trân trọng.
Còn kinh tế "nay có mai không" là chuyện bình thường, quan trọng là tình cảm con người với nhau.
Những năm gần đây, anh có chạy show Tết?
- Trước kia còn nghèo khổ, tôi hay nhận show Tết. Có những đêm rét buốt, tôi vẫn phải đi diễn để có tiền. Mỗi buổi hát, tôi được vài trăm nghìn. Từ đêm 26-30 Tết, tôi gần như đi diễn kín lịch để có tiền tiêu.
Những năm gần đây, tôi không nhận show Tết vì muốn được về với mẹ. Mẹ tôi đã gần 80 tuổi nên sau khi ăn tết quê vợ, tôi sẽ về lại Đông Anh. Giờ tôi cũng lớn tuổi, Tết chỉ muốn về nhà, về quê sắm sửa, trang trí nhà cửa.
Vợ tôi có lần bảo gia đình đón Tết ở Hà Nội hoặc đi du lịch nước ngoài nhưng tôi nói mình chỉ muốn về quê. Từ ngoài 20 tháng Chạp, tôi đã háo hức và chuyển đồ dần về với mẹ. Còn mẹ, còn anh em thì gia đình mới đoàn kết.
Tôi biết như vậy vợ con cũng sẽ thiệt thòi nhưng sẽ bù đắp cho vợ dịp khác. Tôi là người muốn hài hòa tất cả. Ví dụ học trò của tôi bị thiệt thòi vấn đề gì hay đi show được ít tiền, tôi cũng sẽ tìm cho các bạn show khác tốt hơn.
Anh có dự định gì trong năm 2024? Có dự án tình ca hoặc một sản phẩm nào để "nịnh" hậu phương của mình?
- Tôi vẫn còn 3 album nhạc tình (gồm 30 ca khúc) nữa đang đợi thời điểm hợp lý sẽ phát hành (cười).
Xin cảm ơn NSND Quốc Hưng vì những chia sẻ!
NSND Quốc Hưng sinh năm 1970 tại Hà Nội. Quốc Hưng từng theo học chèo trong 3 năm rồi tham gia công tác tại Đoàn chèo Hà Nội trước khi tham gia học opera tại Nhạc viện Hà Nội dưới sự khuyến khích của NSND Quý Dương.
Năm 2000, anh đoạt giải Nhất cuộc thi Hát thính phòng Nhạc kịch toàn quốc lần II. Năm 2004 anh được cúp Vàng Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Mùa Xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Với chất giọng được cho là "đặc biệt", Quốc Hưng được Nhà hát Opera Hanover mời ở lại làm việc nhưng anh vẫn muốn ở lại Việt Nam.
Ở tuổi 40, Quốc Hưng ra đĩa đầu tay với chủ đề Hà Nội mang tên Hà Nội ơi! Thầm hát… Năm 2013, Quốc Hưng làm album tưởng nhớ cha mình mang tên Những bản tình ca đỏ gồm 10 ca khúc nhạc đỏ.
Năm 2017, Quốc Hưng làm Tiến sĩ và là Trưởng khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2018, sau một thời gian vắng bóng trong các sản phẩm âm nhạc, album Biển tình là sản phẩm âm nhạc ghi dấu ấn sự xuất hiện trở lại của Quốc Hưng trong việc biểu diễn các bản tình ca.
Năm 2019, anh được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu NSND.
Cuối năm 2022, Quốc Hưng cho ra mắt album Gửi dĩ vãng.
Ngày 19/5/2023, NSND Quốc Hưng nhận quyết định được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đào tạo và Nghiên cứu khoa học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ảnh: Toàn Vũ