Khán giả mặc áo cờ đỏ sao vàng, cổ vũ xiếc "Non sông ngày thống nhất"
(Dân trí) - Hơn 1.000 khán giả có mặt ở chương trình "Non sông ngày thống nhất" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hào hứng khi xem các tiết mục biểu diễn, có khán giả rơm rớm nước mắt vì xúc động...

Mới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức chương trình nghệ thuật Non sông ngày thống nhất tại Rạp Xiếc Trung ương. Sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

20h15 chương trình mới bắt đầu nhưng khán giả đã đến rất sớm. Tại chương trình, NSND Lâm Tùng và con trai (bên trái) mặc áo cờ đỏ sao vàng đi xem, ủng hộ chương trình. Lâm Tùng hội ngộ nghệ sĩ Hồ Liên, đồng nghiệp công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam.

Gần đến giờ diễn, 1.200 chỗ ngồi của Rạp Xiếc Trung ương kín chỗ. Nhiều em nhỏ được bố mẹ cho cầm cờ đỏ sao vàng đi cổ vũ các nghệ sĩ.

Non sông ngày thống nhất được chia thành 3 phần, gồm: Quê hương 3 miền, Xẻ dọc Trường Sơn, Ngày hội non sông. Chương trình hội tụ nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật như: Múa, kịch, ảo thuật, xiếc…
Thông qua ngôn ngữ xiếc, các nghệ sĩ đã tái hiện và khắc họa hình ảnh bộ đội Cụ Hồ với những năm tháng hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Vợ chồng NSND Ngọc Thư và NSƯT Minh Tuấn được mời tham gia vào hoạt cảnh của chương trình. Hai nghệ sĩ đóng vai cựu chiến binh, kể lại chuyện năm xưa cho các cháu của mình nghe.

Chương trình có sử dụng một số ca khúc đi cùng năm tháng như: Cô gái mở đường, Cúc ơi!, Dáng đứng Việt Nam, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiến về Sài Gòn, Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác trong ngày đại thắng... khiến khán giả xúc động.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết, chương trình quy tụ gần 100 người, trong đó có hơn 70 nghệ sĩ xiếc và các ca sĩ.
"Tất cả các tiết mục đều xây dựng theo hoạt cảnh. Điểm nhấn của chương trình được đẩy lên cao trào khi có sự hy sinh của các chiến sĩ. Nhờ đó, chúng ta mới có hòa bình hôm nay", ông Tống Toàn Thắng nói.

Trong chương trình, hoạt cảnh Cúc ơi!, các nghệ sĩ tái hiện sự hy sinh của 10 cô gái ở ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh) khiến nhiều người nghẹn ngào, bật khóc.

Trên sân khấu, với không gian 4 chiều, các nghệ sĩ xiếc phối hợp nhịp nhàng với các đồng nghiệp. Khi ca sĩ, nghệ sĩ kịch biểu diễn, các nghệ sĩ xiếc có sự xử lý nhịp nhàng trong việc chuyển cảnh, biểu diễn.

"Cách xử lý trên sân khấu khiến khán giả ngạc nhiên, giúp thay đổi cái nhìn của mọi người trong sân khấu xiếc truyền thống", NSND Tống Toàn Thắng tâm sự.

Gần 100 nghệ sĩ đã chuẩn bị luyện tập gần 2 tháng để có 10 tiết mục chỉn chu nhất.

Sự kiện cũng tôn vinh các Mẹ Việt Nam anh hùng - những người có nhiều mất mát trong chiến tranh.

Các nghệ sĩ xiếc cũng khiến nhiều người thót tim khi biểu diễn những động tác trên không. Để có buổi biểu diễn thuần thục trên sân khấu, họ phải có 5-7 năm học và 1-2 năm khổ luyện cơ bản.

Bà Hoàng Thị Minh Thu (88 tuổi, thứ 2, từ trái sang) được con gái Tống Minh Xuân (ngồi đầu) đưa đi xem xiếc. Khán giả tuổi gần 90 rất xúc động khi xem những tiết mục trên sân khấu. "Nếu khỏe mạnh, hầu như buổi biểu diễn nào tôi cũng đi xem để ủng hộ các nghệ sĩ xiếc", bà Thu nói.

Chương trình kết thúc vào lúc 21h45 trong tiếng vỗ tay của khán giả. Cuối chương trình, các cựu chiến binh lên hòa cùng lời ca, tặng hoa cho các nghệ sĩ.