Phim chiến tranh "Địa đạo" có nên dán nhãn T13 thay vì T16?
(Dân trí) - "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" - phim chiến tranh lấy bối cảnh Củ Chi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới chuyên môn và khán giả nhiều thế hệ.
Tính đến tối 8/4, bộ phim đã đạt doanh thu gần 90 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày công chiếu (theo dữ liệu từ Box Office Vietnam).
Bên cạnh những đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và lịch sử, việc bộ phim được dán nhãn T16 (phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên) đã dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi về tính phù hợp của nhãn này.
Đặc biệt, khi so sánh với mong muốn tiếp cận lịch sử của học sinh hay thế hệ trẻ.
Một số ý kiến băn khoăn và bày tỏ: "Liệu Địa đạo có nên được cân nhắc để dán nhãn T13 (phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên), mở rộng cơ hội tiếp cận cho đối tượng khán giả, khi tuổi 13, 14 cũng có thể và nên xem Địa đạo?".

Phim 16+ "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đang gây sốt và là phim chiến tranh ăn khách nhất của điện ảnh Việt (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
"Địa đạo" dán nhãn T16 là hợp lý, phim cần sự trưởng thành để thấu hiểu
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn bày tỏ sự đồng tình với quyết định dán nhãn T16 cho phim Địa đạo. Ông cho rằng, đây là mức phân loại "chính xác và phù hợp" với nội dung cũng như tinh thần mà bộ phim truyền tải.
Thậm chí, ông cho biết, nếu là một thành viên của Hội đồng thẩm định, phân loại phim, ông cũng sẽ "ủng hộ nhãn T16".
Lý giải cho quan điểm của mình, đạo diễn Hữu Tuấn chỉ ra rằng, lý do không chỉ nằm ở những thước phim tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh, mà còn ở "yếu tố tình dục được lồng ghép trong Địa đạo".
Theo đạo diễn, những khía cạnh này đòi hỏi một tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng và nghiêm ngặt cho từng mức rating (đơn vị dùng để đánh giá sự quan tâm theo dõi của khán giả, khách hàng đối với một chương trình hay một sản phẩm cụ thể nào đó).
Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định, Địa đạo không phải là một tác phẩm điện ảnh hướng đến đối tượng khán giả quá trẻ.
Kinh nghiệm xem nhiều tác phẩm điện ảnh, đặc biệt là phim chiến tranh, đã cho ông thấy rằng, thực tế, phim chiến tranh hiếm khi được gắn nhãn T13. Thường phải từ 16 tuổi, thậm chí 18 tuổi trở lên mới phù hợp, vì tính chất khốc liệt của nó.
"Tôi tin tưởng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không đặt mục tiêu nhắm đến đối tượng khán giả nhỏ tuổi khi thực hiện Địa đạo. Thay vào đó, nhà làm phim muốn tái hiện chân thực cuộc chiến qua những góc nhìn vừa khốc liệt vừa đậm chất nhân tính. Bởi vậy, bộ phim dành cho người trưởng thành, để họ trải nghiệm và cảm nhận hết giá trị", ông nhấn mạnh.
Về vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước hay lòng tự hào dân tộc, đạo diễn Hữu Tuấn bày tỏ quan điểm rằng, những giá trị này đã được lan tỏa ở nhiều nơi và "không nhất thiết phải gò ép vào Địa đạo".
NSND Lý Thái Dũng - một nhà quay phim kỳ cựu với bề dày kinh nghiệm trong ngành điện ảnh Việt Nam - cũng hoàn toàn ủng hộ dán nhãn T16 dành cho Địa đạo.
Ông khẳng định, quá trình phân loại phim được thực hiện một cách bài bản và nghiêm túc, dựa trên một "bộ luật cụ thể" với những "tiêu chí rõ ràng".
"Họ luôn có cuốn luật kè kè bên cạnh, cân đo đong đếm từng yếu tố: Bao nhiêu cảnh bạo lực, bao nhiêu cảnh "nóng", tất cả đều theo định lượng, không cảm tính chút nào", NSND Lý Thái Dũng giải thích về quy trình làm việc của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.
Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, ông tin tưởng rằng, nhãn T16 ở Địa đạo đã "phản ánh đúng mức độ" của bộ phim.
Theo nhà quay phim Đừng đốt, việc kết hợp giữa "những cảnh chiến tranh khốc liệt" và "yếu tố nhạy cảm như tình dục" đòi hỏi một sự "đánh giá nghiêm túc" từ phía Hội đồng thẩm định, phân loại phim.
Ông tin rằng, các thành viên đã làm việc dựa trên những "nguyên tắc" đã được quy định để đảm bảo rằng, bộ phim "phù hợp với đối tượng khán giả từ 16 tuổi trở lên".

Một cảnh trong phim "Địa đạo" (Ảnh: Nhà phát hành Galaxy).
Trẻ em nên được tiếp cận lịch sử như thế nào trong kỷ nguyên số?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đã đưa ra một góc nhìn sâu sắc và mang tính gợi mở về vấn đề này.
Ông cho rằng, đây là một "câu hỏi rất đáng suy ngẫm", bởi nó không chỉ liên quan đến một con số tuổi tác 16 hay 14 mà còn chạm đến một vấn đề sâu xa hơn: "Trẻ em nên được tiếp cận lịch sử như thế nào trong kỷ nguyên số?".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối không phải là một bộ phim "bạo lực giật gân hay mang tính giải trí đơn thuần".
Ông đánh giá đây là một "bộ phim lịch sử có chiều sâu", nơi mà "từng tiếng nổ, từng giọt mồ hôi và máu chảy dưới lòng đất Củ Chi đều là những lát cắt chân thật của một thời khói lửa".
Chuyên gia văn hóa bày tỏ: "Nhãn 16+ có thể được đưa ra dựa trên một vài yếu tố như bối cảnh chiến tranh, hình ảnh thương tích hoặc cảm xúc căng thẳng, hay 2 cảnh "nóng" - mà theo tôi cũng rất kín đáo - thậm chí còn kín hơn nhiều so với những bộ phim truyền hình vốn phổ biến cho mọi khán giả.
Song nếu hỏi tôi rằng, liệu trẻ em 13, 14 tuổi có thể xem và nên xem không? Dù rất tôn trọng tiêu chí và cách xem xét của Hội đồng thẩm định, phân loại phim, tôi vẫn nghĩ câu trả lời là "rất nên".
Lý giải cho quan điểm này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, 14 tuổi không còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của lòng dũng cảm, của sự hy sinh. Cũng chính ở độ tuổi ấy, cảm xúc về lòng yêu nước, về căn cước dân tộc bắt đầu hình thành mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Diễn viên Quang Tuấn vai Tư Đạp và Hồ Thu Anh vai Ba Hương có một cảnh "nóng" nhiều người xem đánh giá là nhẹ, rất nghệ thuật trong phim (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Theo ông Sơn, một bộ phim như Địa đạo có thể không chỉ gieo vào lòng các em sự xúc động, mà còn là ngọn lửa đánh thức niềm tự hào và trách nhiệm - điều mà không phải sách giáo khoa nào cũng dễ dàng truyền tải.
Thay vì "đóng khung bằng con số", PGS.TS Bùi Hoài Sơn tin rằng, điều quan trọng hơn là cách người lớn đồng hành với các em khi xem phim.
Ông khuyến khích việc "xem cùng con, cùng trò chuyện sau đó cùng đặt ra những câu hỏi và lắng nghe cách các em nhìn về lịch sử" và cho rằng, có thể chính chúng ta sẽ bất ngờ vì chiều sâu cảm nhận của thế hệ trẻ, của các em nhỏ.
"Trong thời đại mà Gen Z đang ngày càng tìm kiếm sự thật, lòng chính trực và cảm hứng từ quá khứ để định hình tương lai, thì những bộ phim như Địa đạo không chỉ là trải nghiệm điện ảnh mà còn là một bài học sống động, cần thiết và nhân văn. Và nếu một đứa trẻ 14 tuổi sẵn sàng cảm nhận điều đó, thì sao chúng ta lại ngăn cản?", ông Sơn bộc bạch.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV, đơn vị phát hành và phổ biến phim lớn tại Việt Nam - đồng tình với việc Hội đồng kiểm định, phân loại phim có cơ sở khi phân loại Địa đạo ở mức T16.
Ông chỉ ra rằng, những cảnh "nóng", súng đạn, chết chóc là các yếu tố có thể hạn chế với trẻ 13 tuổi.
Theo ông, đây là những chi tiết "nhạy cảm" và đòi hỏi sự "cân nhắc kỹ lưỡng" để bảo vệ khán giả nhỏ tuổi khỏi những nội dung "chưa phù hợp" với lứa tuổi của các em.
Tuy nhiên, với vai trò là người làm công tác phát hành, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng bày tỏ một góc nhìn khác, đặc biệt khi đề cập đến các tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử và chiến tranh.
"Với những tác phẩm như thế này, đối tượng khán giả càng rộng càng tốt", ông Hải chia sẻ.
Theo ông, việc sử dụng điện ảnh như một phương tiện để "tiếp cận lịch sử dân tộc là một cách nhanh chóng và trực quan để học sinh và các bạn trẻ có thể hiểu thêm về quá khứ của đất nước".
Mặc dù đồng ý với nhãn T16 từ góc độ các yếu tố nội dung, ông Nguyễn Hoàng Hải vẫn bày tỏ mong muốn tìm ra một "cách dung hòa" để bộ phim có thể "đến được với nhiều khán giả hơn".
Đặc biệt là thế hệ trẻ - những người mà ông tin rằng cần được truyền cảm hứng từ các giá trị lịch sử đã tái hiện trong phim.