DMagazine

"U" Tuyết - Người mang món nộm hoa chuối thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia

(Dân trí) - Lần đầu tiên mang món ăn Việt đi quốc tế, bà Tuyết nói "chẳng cần cải biến gì". Việt Nam phải có bề dày văn hóa thế nào, mới có được những món ăn truyền thống ấy. Theo nữ nghệ nhân, đó là một tầm cao.

Lời tòa soạn: Việt Nam có bề dày lịch sử và kho tàng di sản văn hóa phong phú. Những tinh hoa không nơi nào có được ấy đã đem đến bản sắc Việt Nam, hình thành cốt cách dân tộc và là cầu nối Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, cùng với dòng chảy thời gian và sự phát triển của nhịp sống hiện đại, không ít di sản đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên, mai một…

Với niềm đam mê bất tận với những giá trị tinh hoa văn hóa, nhiều cá nhân trong các lĩnh vực từ hội họa, ẩm thực, âm nhạc, thời trang… đang miệt mài bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tìm tòi những phương pháp, cách làm mới mẻ để phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ hôm nay cũng như bạn bè và cộng đồng quốc tế.

Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài "Những người gìn giữ, phát triển và lan tỏa tinh hoa dân tộc" kể về những cá nhân người Việt ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề đang cùng chung tay bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.

Đầu bếp Anthony Bourdain, người từng dẫn cựu tổng thống Mỹ đi ăn bún chả ở Hà Nội, đến nhà nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết vào một ngày hè năm 2017. 

"Đãi" đầu bếp quốc tế đến chơi nhà, bà Tuyết xì xụp nấu nồi cá trắm kho tộ với thịt ba chỉ béo ngậy, xào thêm một đĩa rau muống ngọn nhỏ. Sau đó, bà mua tặng ông Anthony một ly cà phê sữa đá. 

Ăn bữa cơm gia đình giản dị, vị đầu bếp người Mỹ xúc động khi thấy bà Tuyết kỳ công đun nồi cá cả ngày trời, kỹ lưỡng lựa chọn từng ngọn rau muống xào với mắm tôm thay vì xào tỏi.

Khi về nước, Anthony Bourdain đã trả lời trên một tờ báo quốc tế: "Bà Ánh Tuyết là cuốn tài liệu sống về ẩm thực truyền thống của Việt Nam".

Mang món nộm hoa chuối vào quốc yến Hội nghị APEC

Xuất thân là một thiếu nữ Hà thành, nghệ nhân Ánh Tuyết lên 8 tuổi đã xách làn đi chợ cùng bà ngoại. Cô bé khi đó đã được bà hướng dẫn cách chọn cà chua sao bên trong nhiều bột, chọn đậu hà lan để khi luộc trông bóng đẹp, trời mát thì ăn rau muống ngọn nhỏ, trời nóng ăn rau muống nước, ngọn đỏ…

"Nghiệp ẩm thực" của bà được nuôi dưỡng tỉ mỉ như thế trong những ngày thơ ấu, nên từ lần đầu tiên mang món ăn đi quốc tế, bà tự hào "tôi chẳng cần cải biến gì, chỉ mang đúng những vị truyền thống của Việt Nam".

Năm 2017, quốc yến tại Hội nghị APEC diễn ra ở Đà Nẵng, bà Tuyết và hai con gái của mình được chọn làm đầu bếp chính với yêu cầu "phải phục vụ 100% các món ăn của Việt Nam".

APEC 2017 có sự hiện diện của 21 nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới. Trong đó có Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump…

21 con người đứng đầu các quốc gia, với 21 nền văn hóa, phong cách ẩm thực khác nhau… điều này đã khiến người nghệ nhân Hà thành "nhiều đêm mất ngủ".

"Món ăn truyền thống không phải đề bài khó với tôi, nhưng cái khó ở đây là làm sao để lan tỏa với những thượng khách phương xa: "Văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam đẹp đến nhường nào", bà Tuyết nhớ lại.

U Tuyết - Người mang món nộm hoa chuối thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia - 1
U Tuyết - Người mang món nộm hoa chuối thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia - 2

Nghệ nhân Ánh Tuyết và hai con gái được chọn làm đầu bếp chính tại quốc yến APEC 2017, với yêu cầu thực đơn 100% là món Việt Nam.

Để giới thiệu ẩm thực truyền thống Việt Nam, việc quan trọng nhất là tìm được "mẫu số chung" thực đơn cho 21 vị nguyên thủ quốc gia. Bà Tuyết đã dành nhiều tháng tìm hiểu kỹ về văn hóa, tôn giáo, phong tục, sở thích... của từng nhà lãnh đạo. 

Hàng trăm món cao lương mĩ vị lần lượt được gạch tên cho đến khi chỉ còn lại 12 thực đơn phù hợp. Từ đó, bà tiếp tục sàng lọc 6 món ăn đậm bản sắc truyền thống nhất là: Nộm hoa chuối, cá vược hấp ngũ vị, nem cua bể, nem cuốn tươi, vịt quay da giòn và chè khoai tím tráng miệng. 

"Tôi muốn khi các vị khách thưởng thức món ăn, sẽ nếm được gia vị truyền thống Việt Nam và hiểu chúng ta là một xứ sở nhiệt đới với nông, lâm sản trù phú và không thua kém bất cứ quốc gia nào", nghệ nhân nói.

U Tuyết - Người mang món nộm hoa chuối thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia - 3

Nhiều người nghĩ phải cao lương mỹ vị mới có thể hội nhập, nhưng từ những lần đầu tiên mang ẩm thực ra thế giới, nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết "chẳng cải biến gì", toàn những món ăn thân thuộc của người Việt.

Hay khi nghệ nhân lên thực đơn cho các nguyên thủ APEC, người ta cũng hỏi bà sao không đưa nguyên liệu cao cấp vào cho sang trọng, ví dụ như tôm hùm. Nhưng bà lại chọn món vịt quay. 

21 vị nguyên thủ đều ăn hết phần ăn, không ai để thừa lại. Sau quốc yến, có hai thành viên an ninh của đoàn được ăn thử món ăn, họ lập tức thốt lên: "Sao món này ngon thế". Bà Tuyết vừa thở phào nhẹ nhõm, vừa có chút tự hào. Món vịt quay ở nước họ được miêu tả như bìa quyển vở, còn con vịt Việt Nam bé mà rất ngon.

"Nhiều người cứ nghĩ phải cao lương mỹ vị. Nhưng nguyên thủ quốc gia làm gì có món sơn hào hải vị nào chưa từng nếm qua, đâu cần phải thêm cái gì sang trọng nữa, cho nên họ thích những món ăn đơn giản của người Việt. 

Chỉ cần có trong tay quả chuối, tôi đã làm được thương hiệu món tráng miệng của riêng mình", bà Tuyết nói.

"Món ăn sẽ làm nên hồn đất nước"

"Mỗi năm Michelin Guide ghé qua Việt Nam, chúng tôi tự tin sẽ có nhiều hơn một món ăn, hoặc quán ăn giành được ngôi sao của các bạn", nghệ nhân Ánh Tuyết khẳng định. 

Theo bà Tuyết, ẩm thực Việt Nam là một kho tàng quý giá, song chúng ta chưa có nhiều cơ hội tốt quảng bá và xây dựng thương hiệu. 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm marketing ẩm thực rất giỏi. Ví dụ, Hàn Quốc có món kim chi, chỉ là món rau dưa bình thường nhưng họ nâng tầm thành thương hiệu. Chúng ta có phở và nem cũng nổi tiếng, nhiều người biết đến nhưng lại chưa nổi bật tới mức nhắc là nhớ.

Không hiếm nhà hàng ở Việt Nam có những món ăn truyền thống giữ được hồn của món ăn, vị thanh, nhẹ nhàng mà lại ấn tượng.

U Tuyết - Người mang món nộm hoa chuối thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia - 4
U Tuyết - Người mang món nộm hoa chuối thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia - 5

Bát phở bò truyền thống của Việt Nam được nấu bởi công thức của nghệ nhân Ánh Tuyết, từng khiến thành viên của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink phải "húp đến giọt cuối cùng".

Đầu tháng 8/2023, Rosé - thành viên nhóm nhạc Blackpink từng "gây sốt" với hàng nghìn khán giả quốc tế bằng hành động đáng yêu, miêu tả động tác "húp đến giọt nước cuối cùng" khi thưởng thức một bát phở bò Hà Nội. 

Bát phở bò này được nấu bởi nhà hàng Backstage (trong khuôn viên khách sạn Capella Hanoi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Công thức của bát phở được làm theo tiêu chuẩn của nghệ nhân Ánh Tuyết.

Bà Tuyết tự nhận mình là người khó tính nên việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cho nhà hàng cực kỳ khắt khe. Trong bát phở, một cọng hành lá cũng phải là loại nguyên liệu tốt nhất, gừng không thơm đúng ý thì coi như bỏ. 

Chỉ với những nguyên liệu đơn giản, bà Tuyết tạo ra công thức món "phở thần tượng" nổi tiếng khắp thế giới. 

Nữ nghệ nhân cho rằng, bản thân không sính ngoại, bà đã gìn giữ nguyên vẹn tinh thần này hàng chục năm nay và mang niềm tự tôn dân tộc vào nhưng món ăn Việt, mang đến bàn ăn của thực khách khắp năm châu.

Bà đội một chiếc nón lá trong hội chợ ẩm thực ở Thái Lan; mời tỷ phú Nga, đầu bếp Mỹ ăn cá kho tộ; mang nộm hoa chuối phục vụ quốc yến… Ai thưởng thức món ăn của bà cũng tấm tắc khen ngon, và bất ngờ vì ẩm thực Việt Nam giản dị mà độc đáo đến vậy.

Nhiều món ngon Hà Nội mang thương hiệu "nghệ nhân Ánh Tuyết" hay thân mật hơn là "U Tuyết" dần hiện diện trong nhiều nhà hàng tại các thành phố lớn trên thế giới.

Hình ảnh nữ nghệ nhân Ánh Tuyết và các món đặc sản truyền thống Việt Nam cũng đã trở nên quen thuộc với công chúng nước Mỹ, nước Nga… qua kênh truyền hình Discovery Channel, BBC, SRG, New York hay truyền hình các nước Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

"Tôi chỉ mang các món ăn cha sinh mẹ đẻ, các cụ để lại. Việt Nam phải có bề dày văn hóa như thế nào mới có được những món ăn đó. Không phải cứ ngồi bàn ghế mạ vàng, món ăn cao lương mỹ vị, đắt tiền mới tốt.", bà Tuyết khẳng định.

U Tuyết - Người mang món nộm hoa chuối thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia - 6

Gần 80 tuổi, nghệ nhân Ánh Tuyết vẫn miệt mài đưa ẩm thực truyền thống của Việt Nam ra thế giới.

Giữa lòng Hà Nội với nhiều đổi mới, nơi ẩm thực đã khoác thêm cho mình các lớp áo sặc sỡ bằng sự du nhập, hòa trộn với nhiều nền ẩm thực phong phú khắp năm châu, bà Tuyết vẫn cố giữ cho mình một căn bếp truyền thống, nơi tạo ra những mâm cơm đúng chuẩn đất Kinh kỳ xưa.

Với nghệ nhân Ánh Tuyết, ẩm thực thượng hạng phải xuất phát từ những món ăn đời thường, được nấu với cái tâm của người đầu bếp. 

Nếu nấu ăn là nghệ thuật, món ăn sẽ làm nên hồn đất nước, lưu lại những ký ức tốt đẹp cho những người luôn hướng về quê hương. Người nấu ăn cũng là người truyền tải văn hóa và lưu giữ tinh hoa ẩm thực xứ sở mình. 

Gần 80 tuổi, nữ nghệ nhân vẫn hì hụi nấu mâm cơm cúng, gói nồi bánh chưng mỗi khi Tết đến xuân về. Được ngắm người khác dùng bữa ngon miệng, đối với bà, là niềm hạnh phúc khó diễn tả thành lời.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết được biết tới như một "đại sứ" ẩm thực, "người được chọn" mang sứ mệnh đưa ẩm thực truyền thống Việt Nam ra quốc tế.

Bà là đầu bếp chính, nấu ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng 2017 và được đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain giới thiệu trên CNN.

Với nhiều năm kinh nghiệm, bà chia sẻ về cái "tầm" của ẩm thực Việt và cách tìm kiếm cơ hội để khẳng định vị trí của Việt Nam ở quốc tế.

Bài 4: Nhà thiết kế "hồi sinh" cổ phục Việt, mang mạch nguồn di sản đi năm châu

Ảnh: Toàn Vũ; nhân vật cung cấp.

Nội dung: Thanh Thúy