(Dân trí) - Nhiều kiều bào ở Mỹ, châu Âu bày tỏ sự xúc động khi nghe các MV của Hà Myo ở nơi xa xứ. Âm nhạc dân tộc pha chút hiện đại giúp họ cảm nhận thấy văn hóa, tinh thần Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.
Lời tòa soạn: Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài "Những "đại sứ" lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới" kể về những cá nhân người Việt ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề đang cùng chung tay bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi cá nhân như những "đại sứ" văn hóa suốt nhiều năm đã góp phần gìn giữ, đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng và bạn bè quốc tế khắp năm châu.
"Như động tiên sa/ Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ thắp hết đèn xa, đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân…", giai điệu xẩm cùng tiếng đàn nhị trong bài "Xẩm Hà Nội" ngân vang giữa Liên hoan Thanh niên thế giới 2024 tại Sochi (vùng Krasnodar, miền Nam nước Nga) khiến Hà Myo không giấu nổi niềm tự hào.
Là ca sĩ trẻ gắn bó với dòng nhạc dân gian, cô luôn khao khát được mang âm nhạc của Việt Nam ra thế giới.
Những bạn trẻ tham gia Liên hoan Thanh niên thế giới 2024 đã cùng nhún nhẩy theo giai điệu âm nhạc Việt Nam. Họ vỗ tay không ngớt khi giọng ca của nữ ca sĩ mặc áo yếm duyên dáng vừa kết thúc.
Ca sĩ Hà Myo (áo dài xanh) tại Liên hoan Thanh niên thế giới năm 2024.
"Tôi cảm thấy rất hãnh diện và xúc động. Qua những giai điệu ấy, bạn bè quốc tế phần nào hiểu được về một Việt Nam đa sắc màu trong văn hóa nghệ thuật", nữ ca sĩ cho hay.
Trước khi lên đường tham dự Liên hoan Thanh niên thế giới 2024, Hà Myo đã chuẩn bị nhiều bài hát để tặng bạn bè quốc tế, trong đó không thể thiếu giai điệu của "Xẩm Hà Nội" và hát văn "Cô đôi thượng ngàn". Để những làn điệu truyền thống của dân tộc dễ dàng tiếp cận người nghe, Hà Myo đã kết hợp giữa xẩm, rap và nhạc điện tử (EDM).
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, ca sĩ Hà Myo (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chia sẻ nhiều hơn về cơ duyên đến với âm nhạc truyền thống, ước mơ quảng bá âm nhạc Việt Nam tới bạn bè quốc tế và kỷ niệm về những lần tham gia các sự kiện giao lưu văn hóa trong và ngoài nước.
Hà Myo đưa xẩm lên sân khấu hiện đại.
Nhờ "mối duyên" tình cờ mà trở nên đặc biệt trong làng nhạc Việt
Hà Myo vốn là một cô gái người Mường ở Ba Vì, Hà Nội. Nơi đây không phải là cái nôi của xẩm nên cô từng rất xa lạ với những làn điệu xẩm hay tiếng đàn nhị réo rắt.
Tuy nhiên, từ nhỏ Hà Myo đã sớm bộc lộ khả năng ca hát khi có thể tự tin đứng trên những sân khấu quần chúng hát những bài hát mình yêu thích.
Tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ mong muốn Hà Myo thi vào ngành sư phạm để sau này có công việc ổn định. Tuy nhiên, sau đó, cô thuyết phục gia đình cho thi vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Ra trường, Hà Myo trúng tuyển vào Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Tại đây, cô tham gia một số đợt tập huấn tìm hiểu sâu hơn về ca trù, quan họ, chèo, nhất là xẩm…. Từng nghĩ "đi nghe giảng" cho có vì bản thân xác định theo nhạc nhẹ, nhưng rồi cô dần bị cuốn hút bởi những làn điệu truyền thống da diết, mộc mạc, thấm đẫm tinh thần Việt.
Từ đây, Hà Myo nhận ra, âm nhạc truyền thống, đặc biệt là xẩm rất hay nhưng lại không có nhiều cơ hội tiếp cận với khán giả đương đại.
Khi tham gia cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2020, từ một ca sĩ nhạc nhẹ, Hà Myo gây bất ngờ với một tiết mục nhạc dân gian đương đại. Ở vòng chung kết, ban tổ chức xếp cô vào dòng nhạc dân gian. Sự sắp xếp ấy từng khiến Hà Myo cảm thấy "bất lợi".
Song cô nghĩ "nếu không có cơ hội giành giải nhất thì phải làm một tiết mục thật đặc biệt". Lần ấy, Hà Myo quyết định đưa xẩm lên sân khấu bằng cách kết hợp với rap và nhạc điện tử (EDM).
Tuy nhiên, làm mới xẩm nhưng vẫn phải giữ đúng "chất xẩm" là điều cô vô cùng trăn trở. Hà Myo "cậy nhờ" đến các chuyên gia và các nghệ sĩ gạo cội như nghệ sĩ ưu tú Văn Ty, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nguyễn Quang Long, NSƯT Trường Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam...
"Tôi vẫn giữ nguyên cách hát nói, giai điệu của xẩm cũng như tiếng nhị bởi đó là những điều làm lên hồn cốt xẩm. Cái mới ở đây là hình thức thể hiện và hơi thở của thời đại qua âm nhạc. Nếu như trước đây xẩm giúp người nghèo kiếm sống mưu sinh, người hát chỉ ngồi một chỗ thì giờ đây tôi kết hợp xẩm với vũ đạo để đưa lên sân khấu", nữ ca sĩ nói.
Lần ấy, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã gấp rút biên soạn lại lời bài "Xẩm chợ Đồng Xuân" cho cô đọng, phù hợp hơn và đặt tên là "Xẩm Hà Nội".
Tiết mục này giúp Hà Myo giành giải nhì cuộc thi và giành giải Hát ca khúc về Hà Nội hay nhất. Từ một ca sĩ nhạc nhẹ ít người biết đến, Hà Myo dần trở nên đặc biệt nhờ âm nhạc truyền thống.
"Thử thách luôn đi liền với cơ hội"
Sự nỗ lực và thử nghiệm mở đường có phần "liều lĩnh" của Hà Myo khiến nhiều người bất ngờ, bởi việc làm mới những gì thuộc về truyền thống, dân gian luôn gặp những ý kiến nhiều chiều.
"Xẩm Hà Nội" hay sau này là hát xoan "Trò chơi í a trời cho" của Hà Myo cũng vậy. Có người nói cô "làm hỏng xẩm", "nhảy nhót nhố nhăng trên giai điệu dân gian"… Song đa số các ý kiến lại ngợi khen bởi thực sự qua cách hát, cách thể hiện của Hà Myo, những làn điệu tưởng kén người nghe, bị nhiều người lãng quên lại đến gần được với công chúng và được đón nhận.
Sau cuộc thi, Hà Myo lấy số tiền tiết kiệm mua nhà bấy lâu của 2 vợ chồng để làm MV (video âm nhạc) "Xẩm Hà Nội" với ý định lưu giữ kỷ niệm. Tuy nhiên, khi ra mắt, MV lại được mọi người đón nhận một cách tích cực ngoài mong đợi.
"Xẩm Hà Nội" tạo thành "cơn sốt", thu về gần 2 triệu lượt xem trên Youtube và đưa Hà Myo đến nhiều sân khấu lớn.
Hà Myo đưa các làn điệu truyền thống Việt Nam đến gần với công chúng trong nước và trên thế giới.
Điều đó giúp Hà Myo nhận ra, việc kết hợp làn điệu xẩm truyền thống với âm nhạc hiện đại là một cách tuyệt vời để giúp xẩm đến gần với người nghe hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Có được thành công ngay từ lần đầu ra mắt nhưng để làm ra sản phẩm âm nhạc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Hà Myo phải trải qua rất nhiều thử nghiệm, sự thất bại và những khó khăn. Cô và cộng sự đã phải sửa tới 48 lần mới cho ra được MV cuối cùng.
"Tuy nhiên, tôi luôn tự động viên mình, thử thách luôn đi liền với cơ hội. Nếu biết tận dụng cơ hội thì mình sẽ có được quả ngọt", Hà Myo chia sẻ.
Ngoài xẩm, Hà Myo còn dành nhiều tâm huyết cho hát xoan, hát chầu văn, dân ca Nam Bộ, dân ca dân tộc Mường.
Cô khai phá nhiều chất liệu dân gian và cho ra mắt hàng loạt MV như hát xoan "Trò chơi í a trời cho", dân ca dân tộc Mường "Đập nàng Khọt", dân ca Nam Trung Bộ với ca khúc "Ký sự Trường Sa"… Mỗi lần tìm cách để tôn vinh các "di sản", Hà Myo luôn thận trọng tìm đến bậc thầy của những làn điệu này.
Cô kể: "Tôi nhiều lần tìm về nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch, "bà trùm" phường xoan An Thái, một trong 4 phường xoan cổ ở Phú Thọ để tìm hiểu về hát xoan. Tôi vẫn giữ hồn cốt của hát xoan nhưng kết hợp với đó là âm nhạc hiện đại và những hình ảnh đẹp, được thực hiện rất kỳ công".
Bất ngờ khi Việt Nam có những làn điệu hay đến vậy
Nhiều MV sử dụng các làn điệu hát xoan, hát xẩm, chầu văn của Hà Myo khi phát hành trên các nền tảng đã nhận về hàng triệu lượt nghe. Cô nhận được không ít bình luận, tin nhắn của những khán giả quốc tế, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài.
Ngay dưới MV "Xẩm Hà Nội", nhiều người đã phải thốt lên ngỡ ngàng: "Quá tuyệt vời. Nữ ca sỹ làm mình muốn tới ngay Bờ Hồ, nhớ quán xá vỉa hè, nhớ không khí rộn ràng ở khu trung tâm quá. Phong cách nhạc hiện đại hòa quyện với làn điệu truyền thống tạo nên một sự tổng hòa thú vị, không gây nhàm chán, đưa người nghe vào một không khí đậm chất Hà Nội. Cảm ơn các bạn!".
Hay: "Quá đặc sắc, đậm chất dân tộc, MV sẽ là sản phẩm giúp Việt Nam tự hào lắm đây"; "Một sản phẩm hiện đại nhưng vẫn mang nét đặc trưng của âm nhạc xưa. Đây đúng là sự kết hợp độc đáo giữa giá trị truyền thống và hiện đại góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống đang bị mai một".
Hà Myo 2 lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, là top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2021; giành giải thưởng "Thanh niên sống đẹp 2022", "Quảng bá tác phẩm nghệ thuật theo phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023..."
Hà Myo kể rằng, có người nhắn tin chia sẻ, nhờ nghe "Xẩm Hà Nội", "Xẩm theo Đảng trọn đời", "Hát xoan Trò chơi í a trời cho"… họ mới biết Việt Nam có những làn điệu hay đến vậy.
Nhiều kiều bào ở Mỹ, châu Âu bày tỏ sự xúc động khi nghe các MV ở nơi xa xứ. Âm nhạc dân tộc giúp họ cảm nhận thấy văn hóa, tinh thần Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu. Có người nghe là người nước ngoài chia sẻ "nhờ tác phẩm mới biết đến Hà Nội, Việt Nam đẹp và có âm nhạc hay đến thế".
Một số nhóm sinh viên người Việt ở Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí đã xin phép được sử dụng "Xẩm Hà Nội" để biểu diễn trong các sự kiện giao lưu văn hóa với sinh viên, trường đại học...
Có thể thấy với rap và nhạc điện tử, những làn điệu hát xẩm, hát xoan đã có cơ hội vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Hà Myo có nhiều cơ hội để có thể đưa xẩm đến với sân khấu quốc tế trong các chương trình giao lưu văn hóa.
Hà Myo đã mang sự sáng tạo, tâm huyết của mình đến với sân khấu của thủ đô Viêng Chăn, Lào trong dịp Lào và Việt Nam kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm hai nước ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác.
Cô cũng biểu diễn xẩm tại lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc Khánh Việt Nam ở Hồng Kông (Trung Quốc), Liên hoan Thanh niên thế giới 2024… hay nhiều sự kiện đón tiếp các phái đoàn khách quốc tế của các cơ quan ban ngành Việt Nam trong nước.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Hà Myo đưa âm nhạc dân gian đến gần với công chúng qua các video ngắn, qua những buổi biểu diễn đường phố. Nữ ca sĩ trẻ còn phủ sóng xẩm tới nhiều bạn trẻ khi thực hiện dự án cá nhân có tên "Di sản", đưa xẩm đi trình diễn ở hơn 40 trường học ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận.
Hà Myo đưa âm nhạc dân gian đến các trường học.
"Tôi đã, đang và sẽ từng bước đưa sản phẩm âm nhạc của mình đến với đông đảo khán giả quốc tế. Qua mỗi tác phẩm, tôi mong muốn sẽ giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới thấy rằng, âm nhạc của Việt Nam, văn hóa của Việt Nam luôn tạo cho chúng ta và tạo cho những người nghệ sĩ sự khác biệt.
Tôi hy vọng không chỉ riêng tôi mà ngày càng có nhiều nghệ sĩ trẻ mang văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với khán giả trong và ngoài nước để bạn bè quốc tế thấy rằng, Việt Nam không chỉ có phong cảnh đẹp, con người đẹp mà văn hóa nghệ thuật truyền thống cũng rất tuyệt vời", nữ ca sĩ cho hay.
Âm nhạc Việt Nam cần những nghệ sĩ trẻ như Hà Myo
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu âm nhạc, thành viên sáng lập nhóm Xẩm Hà thành Nguyễn Quang Long chia sẻ, Hà Myo đã góp phần lan tỏa giá trị truyền thống, đem lại màu sắc mới cho giá trị truyền thống và góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc đại chúng. Điều này rất tốt và hiệu quả đã được chứng minh bởi sự đón nhận của công chúng, đặc biệt là những khán giả trẻ.
"Hà Myo hát các bài hát cổ truyền hoặc hát các sáng tác mới theo lối cổ truyền trên nền nhạc EDM có kết hợp với rap. Đây là cách làm nhiều chông gai hơn, dễ gặp thất bại hơn so với những ca sĩ nhạc trẻ thị trường khác, nhưng lại cần thiết cho âm nhạc truyền thống. Nữ ca sĩ đã dám chấp nhận những thử thách để làm tăng giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống âm nhạc hiện nay", nhà nghiên cứu này nhấn mạnh.
Ảnh: Thanh Thúy, Nhân vật cung cấp
Bài 3: Nghệ nhân ẩm thực Hà thành Ánh Tuyết - người mang nộm hoa chuối vào quốc yến