(Dân trí) - TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc có nhiều cơ hội để cùng nhau phát triển ngành du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn trong hành trình khám phá Việt Nam của du khách.
TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc liên kết, thúc đẩy du lịch
TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc có nhiều cơ hội để cùng nhau phát triển ngành du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn trong hành trình khám phá Việt Nam của du khách.
Chiều 14/11, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 chủ đề "Liên kết phát triển bền vững" do UBND TP HCM và UBND tỉnh Phú Thọ đồng chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, đã diễn ra tại tỉnh Phú Thọ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết chương trình liên kết giữa TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nhằm phát huy tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết; hình thành nhiều sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch.
Vì sao phải “bắt tay” nhau?
Tại hội nghị, lãnh đạo TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng thảo luận, ký kết Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2021- 2025 và Kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định: “Liên kết là xu hướng tất yếu và cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia cũng như mỗi địa phương, liên kết để tạo ra sự bức phá, liên kết để vươn lên và liên kết để cùng nhau phát triển.
Đặc biệt, đối với ngành du lịch TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc, liên kết càng có ý nghĩa quan trọng hơn - bởi lẽ 10 tháng đầu năm 2020, tổng số du khách đến TPHCM chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ, và tổng số du khách đến 8 tỉnh Tây Bắc chỉ đạt 7,6 triệu lượt, giảm 40% so với cùng kỳ”.
"Đây sẽ là cơ hội để mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn mà các bên sẽ gặt hái được những trái ngọt từ hoạt động liên kết phát triển du lịch mang lại", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Phương án của TPHCM
Thực tiễn liên kết hợp tác có hiệu quả phải được đo lường trên một số tiêu chí cơ bản, đó là: du khách đến ngày càng nhiều hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và tỷ lệ quay lại cao hơn.
Ông Nguyễn Thành Phong nhận thấy cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào 6 nội dung trọng tâm.
Một là, tập trung phục hồi ngành du lịch, hiện nay các doanh nghiệp du lịch đang chịu tác động nặng nề, nhiều khách sạn công suất phòng dưới 8% trong khi trước dịch bệnh là trên 80%.
Hai là, cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hệ thống kết cấu hạ tầng. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong vùng Tây Bắc còn hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch như: thiếu đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, thiếu cơ sở lưu trú, chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi giải trí,…
Ba là, liên kết trong công tác quảng bá, truyền thông và xúc tiến, cần phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung. Cần hình thành các sản phẩm truyền thông chung về du lịch của vùng, tăng cường các hoạt động xúc tiến chung giữa TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng ở trong nước và quốc tế.
Từ sau Hội nghị này, TPHCM sẽ bố trí một gian hàng chung giới thiệu du lịch vùng Tây Bắc tại Hội chợ do thành phố tổ chức, như đã thực hiện với Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ trong Ngày hội du lịch tháng 7 vừa qua; đã mang về 9.300 giao dịch cho các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành.
Bốn là, phát triển du lịch trong xu hướng của du lịch thông minh và du lịch xanh. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số và du lịch thông minh, trong đó 67% du khách tự tìm kiếm thông tin và lựa chọn điểm đến cũng như thiết kế chuyến đi thông qua các thông tin trực tuyến.
Năm là, đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch. Với đặc điểm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc cần nghiên cứu kỹ, có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của từng địa phương, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng thực hành.
Cuối cùng, sự liên kết phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững. Phát triển du lịch không tách rời nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương, hỗ trợ người dân tham gia cùng làm du lịch; bảo vệ môi trường sống, bảo tồn các di sản, văn hoá và hình thành nếp sống văn minh để mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân thực sự trở thành đại sứ du lịch, thực hiện sứ mệnh quảng bá du lịch vùng, chào đón du khách.
Muốn đi du lịch thì phải an toàn
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết hội nghị liên kết này là bước mở đầu cho sự hợp tác thực chất, tăng cường hơn nữa thu hút du khách, kêu gọi các nguồn lực đầu tư đến với vùng Tây Bắc.
UBND tỉnh Phú Thọ cam kết sẽ chỉ đạo các sở ngành, đơn vị để tích cực hợp tác, hoàn thành mục tiêu đề ra; tăng cường đầu tư kết nối hạ tầng với các địa phương; xây dựng nhiều hơn nữa sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để kết nối tour tuyến với những điểm đến trong vùng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sáng kiến liên kết hợp tác phát triển của TPHCM với các địa phương trên cả nước trong ngành du lịch, trước đó là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và giờ là vùng Tây Bắc mở rộng.
Bởi lẽ, liên kết vốn là điểm yếu của các địa phương và cả doanh nghiệp nhiều ngành, trong đó có du lịch, đặc biệt trong bối cảnh ngành này đang nỗ lực phục hồi thị trường nội địa giai đoạn dịch Covid-19.
Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng dự báo ít nhất phải tới năm 2021 mới có thể lạc quan, Phó Thủ tướng cho rằng ngành du lịch nói chung và các ngành liên quan, đặc biệt là ngành hàng không, phải cần nhiều năm nữa mới phục hồi được như trước.
"Lúc khó khăn này, cần làm gì để tồn tại và chuẩn bị thế nào cho bước tiếp theo? Dù Việt Nam có mở cửa trở lại mà cả thế giới vẫn còn dịch bệnh thì cũng không ai đi du lịch. Muốn đi du lịch thì phải an toàn và dù có đón khách quốc tế trở lại cũng phải qua các quy trình nghiêm ngặt" – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.