DMagazine

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối

(Dân trí) - Bước ra khỏi căn phòng tối đen như mực, chị Sofie Wysmans choáng váng mất vài giây rồi thốt lên: "Amazing!" (Thật tuyệt vời!). Cảm giác phấn khích hiện rõ trên gương mặt chị sau bữa ăn tối kỳ lạ.

Đối với một bữa ăn thông thường, thực khách thường ưu tiên những nơi có không gian đẹp, món ăn ngon, được bài trí tinh tế…

Nhưng khi bước vào hành trình ăn trong bóng tối, mọi thứ đều trở thành ẩn số, các vị khách sẽ không thể biết trước điều gì đang chờ đón mình. Từ không gian cho đến món ăn, tất cả đều bị giấu kín trong bóng đêm.

Trải nghiệm ăn trong phòng tối, khách Tây "quên lối về" khi đến TPHCM (Video: Cẩm Tiên).

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 1

Thông qua một bài viết trên trang blog tiếng Hà Lan, anh Seppe Steegmans và chị Sofie Wysmans (du khách người Bỉ) đã tìm đến nhà hàng dạ thực Noir, nằm trong một con hẻm ở TPHCM.

Giữa lòng quận 1 đầy náo nhiệt, nơi đây như một ốc đảo bình yên với lối bài trí mang đậm phong cách cổ điển nhưng đầy tinh tế với vô số món đồ cổ mà chủ nhà hàng đã dày công sưu tầm từ khắp mọi nơi.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 3

Chuyến hành trình của hai vị khách nước ngoài bắt đầu bằng một trò chơi thú vị. Họ được bịt kín mắt lại, chỉ được dùng tay để mò mẫm, sắp xếp các khối gỗ vào đúng vị trí. Khi ánh sáng không còn dẫn lối, công việc này khó khăn hơn nhiều người nghĩ.

Những người tham gia thường mất khoảng 3 phút, hoặc có thể hơn, để hoàn thành thử thách này. Đó cũng là bước "khởi động" nhẹ nhàng cho hành trình đầy thú vị đang chờ đợi phía trước.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 5

Trước khi bước vào phòng tối, thực khách phải cất tất cả vật dụng cá nhân, đặc biệt là các thiết bị phát ra ánh sáng như điện thoại, đồng hồ thông minh, vào những tủ khóa riêng. Những chiếc tủ này được đánh số bằng ký tự nổi dành cho người khiếm thị.

Dẫn lối cặp du khách người Bỉ vào phòng ăn là Hà - một nhân viên khiếm thị. Đặt tay lên vai Hà, chị Sofie tỏ ra hồi hộp khi ánh sáng lùi dần về phía sau. Nữ du khách không ngờ rằng căn phòng tối lại… tối đen như mực, đến mức không thể nhìn thấy gì. "Đây chính là lúc các giác quan còn lại bắt đầu "lên tiếng" và chúng tôi phải đoán mò về mọi thứ thông qua những giác quan còn lại", vị khách phấn khích nói.

Xung quanh, tiếng trò chuyện với đủ loại ngôn ngữ của những vị khách nước ngoài, thỉnh thoảng đan xen tiếng muỗng nĩa va vào nhau vì khách phải múc thức ăn trong tình trạng "không thấy gì", tất cả trở nên sống động hơn bao giờ hết nhờ… bóng tối.

Các nhân viên phục vụ khiếm thị di chuyển nhẹ nhàng, thuần thục, đưa thức ăn và thậm chí rót rượu, rót nước với độ chính xác khó tin. Từng món ăn lần lượt được mang đến. Nhân viên nhẹ nhàng chỉ dẫn anh Seppe và chị Sofie vị trí bát đĩa, thìa nĩa trên bàn.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 7

Khi ánh sáng không còn, những giác quan khác dường như trỗi dậy mạnh mẽ. Khứu giác trở nên nhạy bén hơn với hương thơm của thức ăn, vị giác sắc sảo hơn để cảm nhận từng nguyên liệu thức ăn trong miệng, thính giác nắm bắt mọi âm thanh kể cả tiếng nhai giòn rụm và xúc giác cũng trở nên tinh tế hơn khi chạm vào từng vật dụng trên bàn.

Không gian tối đen khiến anh Seppe thậm chí không biết mình đã ăn xong hay chưa. "Khi tôi định xúc thêm một thìa nữa thì phát hiện hóa ra chẳng còn gì. Đồ ăn rất ngon nhưng vì không nhìn thấy gì nên bữa ăn đã kết thúc một cách bất ngờ như thế ", vị khách cười và nói.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 9
Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 11

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khách đến nhà hàng này đa phần là người nước ngoài. Bên cạnh đó vẫn có những người Việt ưa khám phá, trải nghiệm, tìm đến đây phần lớn vì tò mò. 

Từ sau 19h30, nhà hàng hầu như kín lịch và khách chỉ đến theo giờ đã hẹn. Nhân viên cho biết chỉ nhận khách từ 17h30 đến trước 21h30 để tránh việc khách bị sốc ánh sáng sau khi bước ra khỏi phòng tối.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 13

Tại đây, các vị khách có thể chọn thực đơn đặc biệt gồm 14 món hoàn toàn bí mật có giá hơn 1 triệu đồng/người. Ngoài ra còn có thực đơn hằng ngày với 11 món nhỏ, giá 860.000 đồng đối với món mặn và 720.000 đồng đối với món chay. Thực đơn được thay đổi mỗi 3 tháng, mang đến sự mới mẻ khi khách quay trở lại.

Sau bữa ăn, các vị khách được xem lại danh sách những món đã thưởng thức, so sánh với những phán đoán của họ trong suốt quá trình ăn. Cả anh Seppe lẫn chị Sofie đều liên tục reo lên thích thú khi đoán đúng được nhiều thành phần trong các món ăn.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 15

Chị Sofie mô tả: "Trải nghiệm này rất khác biệt so với những bữa ăn thường ngày, nơi mọi thứ đã bày ra và chúng ta chỉ cần ăn thôi. Ở đây, tôi không biết mình sẽ mong đợi gì, thực sự là không thể thấy gì cả. Bạn phải nếm và cảm nhận mọi thứ trong sự bí ẩn, từ món ăn đến nước uống".

Chị Ayumi Hara (du khách người Nhật) đến TPHCM để thực hiện tour ẩm thực của riêng mình. Với gợi ý từ những người bạn, chị một mình tìm đến nhà hàng. Trải nghiệm xong bữa ăn trong bóng tối, nữ du khách không giấu được sự hào hứng: "Bình thường khi ăn, tôi bị thị giác chi phối bởi rất nhiều thứ nhưng trong bóng tối, tôi trở nên tập trung hơn, các giác quan khác cũng nhạy bén hơn. Tôi nghe được tiếng mọi người trò chuyện và cả tiếng thức ăn giòn rụm trong miệng mình".

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 17

Anh Germ Doornbos (người Hà Lan, chủ nhà hàng) cho biết dù mô hình ăn uống trong bóng tối vốn không mới mẻ trên thế giới, nhưng vẫn mang đến những trải nghiệm hết sức đặc biệt cho thực khách khi đến Việt Nam. 

Ý tưởng này bắt đầu từ năm 1999, khi một nhà hàng ở Thụy Sĩ sáng tạo ra khái niệm bữa ăn trong bóng tối, kể từ đó, nhiều nhà hàng khác ở châu Âu đã bắt đầu học hỏi và lan rộng đến một số ít quốc gia tại châu Á.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 19

Anh Germ Doornbos và người đồng sáng lập là anh Vũ Anh Tú đã có dịp trải nghiệm mô hình này tại Kuala Lumpur (Malaysia) và ngay khi đó, họ nhận ra rằng đây sẽ là một hướng đi đầy tiềm năng. 

"Chúng tôi biết đây là mô hình kinh doanh hợp lý và có thể phát triển, nhưng thú thật, ở thời điểm đó, việc áp dụng mô hình này ở Việt Nam vẫn là một bước đi khá liều lĩnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro", anh Germ nhớ lại. 

Thực tế, hơn 10 năm trôi qua, nhà hàng "ăn trong bóng tối" vẫn duy trì lượng khách ổn định và trở thành một trong những điểm đến thú vị của du khách khi ghé thăm TPHCM. 

Anh Germ tâm sự: "Điều khiến chúng tôi tự hào không chỉ là mang đến cho thực khách một trải nghiệm mới lạ, mà còn là việc tạo cơ hội việc làm cho những người khiếm thị. Với khách hàng, đây là một bữa tối đáng nhớ nhưng với đội ngũ phục vụ của chúng tôi - những người khiếm thị - đây là cơ hội để họ chứng tỏ khả năng và sử dụng thế mạnh của mình một cách ý nghĩa".

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 21

Cô gái khiếm thị Phạm Thị Hương (Gia Lai) từng mang trong mình nỗi tự ti khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên phục vụ. Hương lo sợ tính cách khép kín và sự ngại ngùng trong giao tiếp sẽ cản trở mình trong công việc. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm làm việc tại đây, Hương đã có nhiều thay đổi tích cực khi không chỉ trở nên tự tin hơn trong giao tiếp mà còn cải thiện đáng kể tiếng Anh của mình.

Nhà hàng ở TPHCM tắt đèn, giấu thực đơn, khách hồi hộp ăn trong bóng tối - 23

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, Hương chia sẻ đầy tự hào: "Em cảm thấy mình đang được sống và làm công việc mình yêu thích. Công việc này giúp em có cuộc sống ổn định hơn, em có cơ hội làm quen với nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh, cùng nhau làm việc và chia sẻ cuộc sống".

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, khi điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của mỗi người, việc tạm gác lại những thông báo công việc, tin nhắn, cuộc gọi… để tập trung vào một bữa ăn và cảm nhận bằng tất cả giác quan lại trở thành một trải nghiệm khó quên.

 

Nội dung: Cẩm Tiên, Thiên Hương

Ảnh: Hân Chi, Ái Vy

Thiết kế: Patrick Nguyễn