Khách quốc tế xúc động khi tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TPHCM
(Dân trí) - Dịp lễ 30/4 và 1/5, lượng khách nước ngoài đến tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại TPHCM tăng khá mạnh. Nhiều người xúc động trước những tư liệu chủ đề chiến tranh được trưng bày tại đây.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM). Đây là điểm đến thu hút khá đông du khách, nhất là dịp lễ, Tết.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được thành lập ngày 4/9/1975, hiện là thành viên trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.
Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh về chiến tranh, hậu quả từ các cuộc chiến tranh xâm lược đối với Việt Nam.
Hai du khách Anh tham quan pháo tự hành M107-177mm được trưng bày ở bảo tàng. Đây là loại pháo nòng dài, được mệnh danh là "vua chiến trường" với tầm bắn trên 32km. Đạn pháo có sức công phá cực mạnh ở độ sâu 35m, rộng 95m.
Phía trong tòa nhà Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh có 3 tầng trưng bày, triển lãm tư liệu với nhiều chủ đề như: tội ác chiến tranh xâm lược, thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến, hậu quả chất độc da cam, những sự thật lịch sử...
Khách tham quan tại tầng trệt bảo tàng. Đây là khu vực trưng bày, giới thiệu hình ảnh với chủ đề "Các nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)".
Nhiều bài báo quốc tế phản đối chiến tranh tại Việt Nam, hình ảnh người dân các nước biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam...
Tầng 1 bảo tàng là nơi trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về chiến tranh
"Chiến tranh là sự chết chóc, đau đớn. Mong những chuyện lịch sử sẽ giúp con người yêu hòa bình. Ai cũng cần được sống và hạnh phúc", anh Jean (du khách Pháp) chia sẻ.
Bảo tàng hiện thu hút khá đông du khách, trong đó khoảng 2/3 là khách quốc tế chủ yếu đến từ các nước như: Mỹ, Pháp, Đức... và nhiều nước châu Á. Theo báo cáo từ Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, trước khi có dịch Covid-19 mỗi năm nơi đây thường đón trên 1 triệu lượt du khách.
Du khách tham quan khu vực trưng bày hình ảnh hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Nhân vật trong ảnh là bà Bùi Thị Lâm cùng con gái bị mù bẩm sinh. Nguyên nhân được xác định do di chứng chất độc da cam vì chồng bà có thời gian chiến đấu ở các vùng bị rải chất độc hóa học. Ảnh chụp tại Hà Nội, năm 1981.
Hình ảnh nạn nhân chất độc da cam được trưng bày ở tầng 1 ở bảo tàng.
Nhiều loại súng mà các thế lực xâm lược dùng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam được trưng bày ở tầng 1.
Một số kiểu trang phục quân đội Mỹ từng dùng ở Việt Nam được trưng bày ở tầng 2.
"Tôi đã vài lần được xem bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út. Nhưng mỗi lần như thế tôi đều rất xúc động. Thật đớn đau cho những đứa trẻ trong chiến tranh", một du khách Anh nói.
Nhiều hình ảnh, hiện vật như khăn thêu, thư... của những người tù cách mạng Việt Nam được sưu tầm và giới thiệu.
"Đọc những lá thư, những tấm khăn thêu của những người tù yêu nước gửi cho người thân và đồng đội, tôi không cầm được nước mắt. Chiến tranh luôn là nỗi đau, là sự mất mát vô bờ bến", chị Chi (quận 6, TPHCM) xúc động.
Nhiều du khách nước ngoài cho biết, họ thật sự xúc động khi tham quan bảo tàng. "Mọi người cần có ý thức giữ gìn hòa bình, hữu nghị với bạn bè quốc tế để cùng nhau trải nghiệm cuộc sống tươi đẹp, ý nghĩa", một du khách chia sẻ.