Viện Hòa bình Mỹ tổ chức hội thảo về khắc phục hậu quả Chiến tranh Việt Nam
Ngày 3/8, Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Khắc phục hậu quả Chiến tranh Việt Nam: Chặng đường phía trước".
Hội thảo được tổ chức sau khi Lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước vừa ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác tìm kiếm, qui tập và xác định danh tính hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh, nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Các đại biểu dự hội thảo trực tuyến Khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam. Các đại biểu dự hội thảo trực tuyến Khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam.
Hội thảo mở đầu với lễ ra mắt Dự án khắc phục hậu quả chiến tranh và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VMIA) do Viện Hòa bình phát động.
Trong phát biểu dẫn đề, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ khẳng định, Dự án thể hiện mong muốn của phía Mỹ đáp lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc hỗ trợ Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích hơn 40 năm qua.
Thượng nghị sĩ đánh giá cao sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng hai nước trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh và cho biết: "Phía Mỹ hiểu rằng nhiều gia đình Việt Nam có thể không bao giờ tìm lại được hài cốt của những người thân yêu. Mỹ sẽ làm những gì có thể để cung cấp bất kỳ thông tin lưu trữ và kiến thức chuyên môn, kỹ thuật mà chúng tôi có, qua đó giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ."
Về phần mình, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Việt-Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích. Thượng tướng đề nghị phía Mỹ tái khẳng định cam kết và tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam về rà phá bom mìn, xử lý chất dioxin, trước mắt là huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý, tẩy độc sân bay Biên Hòa.
Phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là việc tìm kiếm bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh đối với quá trình hòa giải, xây dựng lòng tin, qua đó thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ phát triển toàn diện. Đại sứ nêu rõ, trong khi hợp tác với Chính phủ Mỹ để tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến. Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: "Đến nay, hơn 200.000 trường hợp bộ đội Việt Nam mất tích vẫn chưa tìm được và hơn 300.000 hài cốt đã được quy tập song chưa xác định được danh tính. Các bước tiếp theo sẽ khó khăn và phức tạp hơn do thiếu thông tin, sự thay đổi địa hình, thiếu thiết bị và công nghệ và các nhân chứng qua đời. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận hợp tác mới đạt được sẽ tạo động lực cho những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam."
Đại sứ Hà Kim Ngọc mong muốn Chính quyền, Quốc hội, các tổ chức cựu chiến binh, báo chí và người dân Mỹ tiếp tục quan tâm, ủng hộ và hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam nói chung và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh nói riêng. Đại sứ đề nghị các cơ quan hữu quan của Mỹ, nhất là Cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) dành thêm nguồn lực xây dựng tại Việt Nam Trung tâm Công nghệ cao hỗ trợ xác định danh tính bộ đội Việt Nam mất tích.
Cũng trong cuộc hội thảo, Đại sứ Hà Kim Ngọc cùng ông Tim Rieser, Cố vấn cao cấp về đối ngoại của Thượng nghị sỹ Leahy và bà Lise Grande, Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ đồng chủ trì tọa đàm báo chí về sự hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước và các vấn đề liên quan. Tọa đàm ghi nhận những chia sẻ chân thành, tâm huyết về việc hai nước cùng chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lòng tin để hướng về tương lai tươi sáng.
Hội thảo là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy công tác tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Hội thảo cũng góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các giới ở Mỹ, nhất là thế hệ trẻ, về trách nhiệm đóng góp vào việc xử lý hậu quả chiến tranh và thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước./.