Du khách kể chuyện dở khóc dở cười tìm nhà vệ sinh ở trung tâm TPHCM

Diệp Bình

(Dân trí) - Nhiều du khách đã rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi tìm nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm TPHCM.

Đào Kim Quy (27 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) hẹn nhóm bạn uống trà chanh tại công viên bến Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ lúc 20h.

Cuộc trò chuyện rôm rả kéo dài đến gần 23h thì Quy có nhu cầu đi vệ sinh. Tuy nhiên, cả hai nhà vệ sinh dưới hầm phố đi bộ Nguyễn Huệ đã đóng cửa từ 22h. Không còn cách nào khác, anh đành đi bộ sang tòa nhà Bitexco gần đó. 

"Nhà vệ sinh tòa nhà nằm ở tầng 1 chỉ dành cho nhân viên nên tôi phải năn nỉ bác bảo vệ cho vào đi nhờ. Lần khác, tôi phải đi bộ lên các quán cà phê lân cận, mất tiền mua nước chỉ để đi vệ sinh", Kim Quy cho biết.

Bên cạnh đó, anh cũng từng gặp khó khăn khi tìm nhà vệ sinh quanh khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1), phải xin đi nhờ nhà vệ sinh của các quán cháo, phở gần đó.

Du khách kể chuyện dở khóc dở cười tìm nhà vệ sinh ở trung tâm TPHCM - 1

Nhà vệ sinh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Ảnh: Ngọc Ngân).

Sasha Mai (31 tuổi) thừa nhận, trong 6 năm ở Việt Nam, số lần cô dùng nhà vệ sinh công cộng tại trung tâm TPHCM chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2009, cô đến Việt Nam lần đầu tiên và có trải nghiệm khá tệ tại nhà vệ sinh công cộng chợ Bến Thành. Tuy nhiên, 7 năm sau đó, cô quay trở lại Việt Nam du lịch và cảm thấy nhà vệ sinh công cộng đã cải thiện, tốt, sạch sẽ hơn nhiều. 

Tuy nhiên, nó vẫn còn một số hạn chế về số lượng nhà vệ sinh tại các quận trung tâm. Tình trạng này khiến Sasha lựa chọn đi vệ sinh tại sảnh các khách sạn, quán bar, nhà hàng, quán cà phê.

"Thông thường, tôi sẽ phải mua đồ ăn, thức uống hoặc thứ gì đó để đổi lại việc đi vệ sinh", cô nói. Thi thoảng, cô gái người Mỹ vẫn phải dùng khăn giấy để mở cửa và bật bồn rửa. Việc một số người ngồi đạp lên thành bệ xí khiến cô ám ảnh khá nhiều.

"Tôi làm việc ở TPHCM, tận hưởng cuộc sống của một thành phố hiện đại, nền ẩm thực phong phú và người dân thì vô cùng thân thiện. Tuy nhiên, khi dẫn bạn bè đi dạo ở trung tâm TPHCM, tôi không phủ nhận rằng nhà vệ sinh là một vấn đề hạn chế.

Thậm chí, trong trường hợp tệ hơn, người ta có thể tiểu ở nơi công cộng. Tôi thường nghĩ về những người công nhận vệ sinh sẽ phải dọn sạch nhà vệ sinh hay những bức tường bị phóng uế. Họ sẽ rất vất vả", cô nói.

Du khách kể chuyện dở khóc dở cười tìm nhà vệ sinh ở trung tâm TPHCM - 2

Nhà vệ sinh công cộng tại công viên 23/9 (Ảnh: Ngọc Ngân).

Theo khảo sát ngẫu nhiên 30 khách du lịch quốc tế tại TPHCM, có 51% ý kiến cho rằng khu vực trung tâm thành phố khá khó khăn để tìm nhà vệ sinh công cộng. Bên cạnh đó, có 27% ý kiến bày tỏ bản thân đã từng gặp phải tình trạng nhà vệ sinh bốc mùi, giấy vệ sinh vứt không đúng chỗ, hỏng chốt cửa…

Dựa trên bảng khảo sát về mật độ phân bố của nhà vệ sinh công cộng (tính trên 1km2) của các thành phố du lịch được công bố vào tháng 1/2023, có thể thấy TP.HCM đang xếp 67/69, chỉ trên Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập). Cũng theo tờ Nikkie Asia, TPHCM đã thể hiện tốt tiềm năng du lịch, cung cấp mọi thứ mà khách du lịch cần: thức ăn ngon, văn hóa, lịch sử, kiến trúc lâu đời, người dân thân thiện; ngoại trừ nhà vệ sinh.

Du khách kể chuyện dở khóc dở cười tìm nhà vệ sinh ở trung tâm TPHCM - 3

Sasha Mai đã sống tại TPHCM được 6 năm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Aluska Jansen Van Vuuren (29 tuổi, người Nam Phi) cho rằng, những trải nghiệm về nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm thành phố của cô không quá tệ. "Tôi thường đi dạo ở khu vực công việc, nhà vệ sinh ở đó có đầy đủ nước, xà phòng… Thậm chí, người trực nhà vệ sinh đã đưa tôi khăn giấy khi tôi bước vào. Tôi nghĩ, chúng cần đặt ở gần trạm xe buýt, xe khách… sẽ thuận tiện hơn cho người sử dụng".

Tương tự, Phương Linh (21 tuổi, ngụ TPHCM) là thành viên của Saigon Hotpot - một tổ chức dẫn tour miễn phí cho khách nước ngoài tại Việt Nam. Cô đã từng đưa khách đi city tour quanh khu vực trung tâm. Tuy nhiên, Linh thường khuyến khích khách có nhu cầu nên đi vệ sinh trong điểm tham quan hơn là nhà vệ sinh công cộng.

"Mặt bằng chung, nhà vệ sinh công cộng còn nhiều hạn chế. Đôi lúc, mình đi ngang nơi ấy vẫn thấy tình trạng người ta không xả nước sạch sau khi dùng, bốc mùi…

Vì thế, mình cũng không muốn khách du lịch có trải nghiệm không hay, không được trọn vẹn. Ví dụ, khi đưa khách đi quanh khu vực Bưu điện thành phố, mình thường đưa khách vào trung tâm thương mại gần đó. Mình mong rằng sắp tới, TPHCM sẽ có nhiều hơn những nhà vệ sinh tọa lạc ở vị trí tốt, sạch sẽ, hiện đại và văn minh", cô nói.