PhotoStory

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM

Thực hiện: Hoàng Lê - Nam Anh

(Dân trí) - 650 vận động viên đến từ các cơ quan, ban, ngành, đơn vị công an, quân đội trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận đã mang đến Lễ hội sông nước TPHCM giải đua thuyền vô cùng sôi động và hấp dẫn.

Sôi nổi ngày hội đua thuyền rồng trên sông Sài Gòn (Video: Cao Bách).

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 1

Sáng 5/8, giải Vô địch Đua thuyền truyền thống TPHCM mở rộng năm 2023 khai mạc tại Cầu cảng số 4 (cột cờ Thủ ngữ, đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Sự kiện do Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp Sở Du lịch TPHCM tổ chức.

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 2

Giải đua thuyền năm nay nằm trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất, hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ giai đoạn 2021-2030", cũng là dịp để chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/09/1945-02/09/2023).

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 3

Giải Vô địch Đua thuyền truyền thống TPHCM mở rộng 2023 có 25 đoàn tham gia, với 650 vận động viên đến từ các ban, ngành, tổ chức xã hội, Trung tâm thể dục thể thao TP Thủ Đức, các quận, huyện, các đơn vị lực lượng vũ trang công an, quân đội trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành như An Giang, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Bình.

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 4

Các đội tranh tài với 6 nội dung thi đấu, chia làm 2 hạng A và B. Mỗi hạng gồm các nội dung thuyền 10 tay chèo nam, thuyền 20 tay chèo nam và thuyền 20 tay chèo nam nữ phối hợp.

Trong đó, hạng A dành riêng cho các tỉnh, thành và những địa phương trực thuộc TPHCM. Hạng B dành  cho các đơn vị lực lượng vũ trang công an, quân đội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Về cự ly, các thuyền sẽ thi đấu 500m và xuất phát đồng hàng.

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 5

Ngay từ sáng sớm, không khí tại khu vực bến Bạch Đằng đã rất náo nhiệt. Nhiều du khách nước ngoài đến theo dõi giải đua và đồng thời cũng là VĐV tham dự, trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn của lễ hội sông nước lần đầu tiên tổ chức ở TPHCM.

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 6

Bên cạnh giải đua thuyền, công chúng cũng được thưởng thức các hoạt động biểu diễn thể thao dưới nước đặc sắc như trình diễn thuyền buồm Sailing, trình diễn bay bằng ván phản lực Flyboard, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao…

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 7

Đến sáng 6/8, hoạt động trình diễn đua thuyền truyền thống từ các vận động viên chuyên nghiệp, biểu diễn cano, tổ chức hoạt động tương tác chèo Sup (chèo ván đứng)… phục vụ cho người dân và du khách sẽ diễn ra.

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 8

Thông qua các hoạt động trải nghiệm trên sông nước, ban tổ chức lễ hội mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền rộng khắp trong cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường kênh rạch, sông ngòi trên địa bàn TPHCM, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến TPHCM "hấp dẫn, sống động - hiện đại".

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 9

Trước đó, Lễ hội sông nước TPHCM lần 1 đã khai mạc vào sáng 4/8. Đến với Lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; trải nghiệm không gian "Trên bến dưới thuyền" tại kênh Nhiêu Lộc (quận 1), bến Bình Đông (quận 8).

Công an, quân đội đua thuyền rồng sôi nổi tại Lễ hội sông nước TPHCM - 10

Người dân và du khách cũng có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở bến Bạch Đằng, công viên Lam Sơn.

Điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội là Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện", tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 300 năm qua của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM có dấu ấn quan trọng của các dòng sông.

Dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn, một đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.

Những dòng sông chảy vào lòng thành phố cũng ghi dấu ấn trong lịch sử của Sài Gòn - TPHCM khi dọc theo đó là các di tích lịch sử cách mạng đặc biệt như bến Nhà Rồng, nhà máy đóng tàu Ba Son, chiến khu Rừng Sác.

Do vậy, "Trên bến dưới thuyền" không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế TPHCM mà còn là nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.