(Dân trí) - Chồng làm cứu nạn trực tiếp ngoài biển, vợ tiếp nhận thông tin kết nối giữa ngoài khơi và đất liền. Công việc đặc thù nên dù làm cùng cơ quan nhưng cả 2 chưa bao giờ được đón giao thừa cùng nhau.
Chồng làm cứu nạn trực tiếp ngoài biển, vợ tiếp nhận thông tin kết nối giữa ngoài khơi và đất liền. Công việc đặc thù nên dù làm cùng cơ quan nhưng cả 2 chưa bao giờ được đón giao thừa cùng nhau.
Đó là vợ chồng anh Nguyễn Thế Anh (SN 1980, quê Thái Bình) - sĩ quan vận hành máy tàu SAR 412 và chị Phan Thị Kim Loan (SN 1983, quê Đà Nẵng) - Phó Trưởng phòng Cứu nạn, cùng công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 đóng tại Đà Nẵng.
Tốt nghiệp ngành khai thác máy tàu thủy - Trường Cao đẳng hàng hải 1 (Hải Phòng), sau 4 năm đi tàu hàng, năm 2004, anh Thế Anh chuyển về công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2. Còn chị Loan tốt nghiệp ngành hàng hải - Trường Đại học Nha Trang rồi về Trung tâm công tác từ năm 2007.
Anh chị chính thức yêu nhau sau khi chị vừa trải qua cú sốc tình cảm. Anh là người đã quan tâm, động viên chị vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hồi đó, 2 anh chị đều là những đoàn viên năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động của cơ quan. Chính vì vậy, cả hai có nhiều cơ hội để hiểu hơn về đối phương.
"Việc quen và yêu Loan là một quá trình dài, khi cả 2 chúng tôi tham gia các hoạt động Đoàn, có nhiều cơ hội để hiểu nhau hơn", anh Thế Anh nói và cho biết anh thấy vợ mình là một người phụ nữ có tính tự lập, chịu khó học hành, năng động trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Theo anh Thế Anh, thuận lợi của anh trong công việc là vợ cùng cơ quan, hiểu được công việc của chồng. Biết anh ra khơi nhưng không bao giờ chị nói ra nói vào, dù là những chuyến đi có thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm. Nếu gặp nhau ở cơ quan, chị sẽ nói "Đi nhớ giữ gìn sức khỏe".
Chị còn là một người vợ đảm đang, biết quán xuyến việc gia đình nên anh rất yên tâm công tác. Dù những chuyến đi 2-3 ngày hay cả 1-2 tháng trời anh cũng không phải lo lắng chuyện ở nhà.
Hiện anh chị đã có 3 con là các cháu Nguyễn Phan Hoài Anh (SN 2010), Nguyễn Phan Trúc Quỳnh (SN 2013) và Nguyễn Hải Đăng (SN 2018).
Do đặc thù công việc nên việc 2 vợ chồng cùng ca trực là chuyện bình thường, có khi một tuần 3-4 buổi cùng ca trực. May mắn là anh chị sống gần nhà ngoại nên có việc là chị Loan đưa con qua nhờ bà và các bác trông hộ.
Chính vì thường xuyên phải gửi con nên mỗi lúc ở nhà, vợ chồng anh Thế Anh thường dành nhiều thời gian cho con cái. Anh chị thường dẫn các cháu đi chơi nhà người thân, hàng xóm để các cháu có thể thích nghi khi không có ba mẹ bên cạnh.
"Hai cháu lớn đã hiểu chuyện, chỉ cần nói ba mẹ đi cứu nạn, các cháu sẽ hiểu và tự học bài, tự chăm sóc nhau", chị Loan cho hay.
Sau mỗi chuyến ba mẹ đi cứu nạn trở về, các cháu thường hỏi "Ba có cứu được người không? Họ có bị nguy hiểm không?"
Ở trường, khi cô giáo ra đề tả về người thân hoặc công việc em yêu thích, các cháu thường tả về ba mẹ và công việc của ba mẹ.
Theo chị Loan, mặc dù là làm việc cùng cơ quan nhưng 2 vợ chồng chưa bao giờ được đón giao thừa cùng nhau. Tết, chị thường đón giao thừa cùng các con ở nhà, còn chồng chị đón giao thừa ngoài biển. Năm vừa rồi, chị đón giao thừa ở cơ quan thì chồng chị đón giao thừa ở nhà.
Chị Loan chia sẻ trong công việc, sự liên lạc giữa 2 vợ chồng là không có vì anh bên bộ phận máy. Trong khi đó, trên tàu chỉ bộ phận boong mới liên lạc với trên bờ. Dù không liên lạc với nhau nhưng hiểu được công việc của chồng và linh tính của người vợ nên nhiều chuyến đi của anh khiến chị không khỏi lo lắng.
Chị nhớ, có một lần, anh cùng các đồng nghiệp đi cứu nạn các thuyền viên trên tàu hàng bị trôi dạt ở Quảng Bình do ảnh hưởng của bão.
Tàu bị mắc cạn, lực lượng tại bờ và các lực lượng khác không thể tiếp cận tàu để hỗ trợ cứu nạn. Trung tâm điều tàu SAR 412 đi cứu nạn. Do tàu SAR 412 không thể tiếp cận được tàu hàng nên anh Thế Anh cùng 2 đồng nghiệp phải lên xuồng cứu nạn để tiếp cận tàu hàng và cứu các thuyền viên.
Lúc này, thời tiết mưa to, sóng lớn, trời tối. Thuyền trưởng tàu SAR 412 báo về Trung tâm là không liên lạc được với anh em trên xuồng và có khả năng xuồng chìm.
"Hôm đó là ca trực của tôi, thuyền trưởng gọi điện về nhưng một đồng nghiệp khác nghe máy. Đồng nghiệp không dám nói với tôi có chồng tôi trên xuồng nhưng tôi chắc chắn có chồng mình ở trên đó. Lúc đó, tôi rất lo lắng nhưng cũng cố gắng hết sức giữ bình tĩnh", chị Loan nhớ lại.
Thời điểm đó, xuồng bị lật, may mắn các anh bám được vào phao rồi lật xuồng lại, trèo được lên và vào bờ được an toàn.
Hay có lần tàu anh đi cứu nạn ở Hoàng Sa, hôm đó cũng là ca trực của chị Loan. Tàu SAR 412 bị mất liên lạc do tàu nước ngoài phá sóng. Mọi người ở nhà đều lo lắng không yên. Chị Loan cũng thấp thỏm ngóng tin ngoài khơi. Đến khi tàu ra khỏi khu vực đó và liên lạc được với đất liền, chị Loan mới thở phào nhẹ nhõm.
Từng đi tàu hàng, có những chuyến lênh đênh trên biển hàng tháng trời nhưng khi về công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2, trực tiếp đưa tay kéo người gặp nạn từ dưới biển lên, anh Thế Anh mới cảm nhận được nghề cứu nạn là như thế nào.
Anh kể, cuối năm 2004, con tàu Sông Thương gặp nạn tại Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên Huế). Nước tràn vào hầm hàng và tàu bị nghiêng và chìm dần. 28 thuyền viên phải rời tàu bằng phao cứu sinh, dập dềnh trên biển. Anh Thế Anh cùng các đồng nghiệp nhận được lệnh lên đường cứu nạn. Thời điểm này sóng to, gió lớn nhưng với sự nỗ lực của lực lượng cứu nạn, 28 thuyền viên lần lượt được vớt lên tàu.
"Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận về ngành cứu nạn. Và cứ thế, những chuyến sau đó, sau đó nữa, mỗi lần cứu thành công ai đó, chúng tôi đều rất vui. Còn khi chúng tôi đã cố gắng nhưng vẫn không thể cứu được họ, chúng tôi cũng rất đau buồn như chính người thân mình mất vậy", anh Thế Anh tâm sự.
Anh Thế Anh chia sẻ mặc dù anh ở bộ phận máy nhưng khi ra hiện trường đều tham gia trực tiếp vào công tác cứu nạn như những đồng nghiệp khác.
"Khi ra hiện trường, chỉ có 2 người dưới khoang máy và 2 người trên boong, còn lại mọi người đều tham gia công tác cứu nạn. Trên tàu, ai cũng biết làm hô hấp, ai cũng biết sơ cấp cứu, ai cũng biết băng bó", anh Thế Anh nói.
Còn với chị Loan, chị đến với nghề này như là một cái duyên. Lúc đăng ký thi đại học, chị Loan có nguyện vọng thi ngành kinh tế nhưng lại viết nhầm ký hiệu mã ngành hàng hải.
"Tôi có một người bạn học cùng lớp, đăng ký nguyện vọng thi vào ngành đại dương học - Trường Đại học Nha Trang. Khi xem chỉ tiêu tuyển sinh của trường, chúng tôi nói với nhau: ngành hàng hải không tuyển nữ đâu. Thế nhưng khi đăng ký, tôi lại ghi nhầm mã ngành hàng hải vào nguyện vọng của mình", chị Loan nhớ lại.
Chị Loan kể, khi đậu ngành hàng hải, chị rất lo lắng. Trong khi ngành đại dương học của bạn chị có ít người đăng ký nên mọi người đã chuyển qua học cùng lớp ngành hàng hải.
"Đây là lần đầu tiên trong khoa có sinh viên nữ nên các thầy cô giáo, bạn bè rất quan tâm, hỗ trợ chúng tôi. Thầy giáo chủ nhiệm động viên chúng tôi cứ học đi, nếu không hợp, sang năm học thứ 2, thầy sẽ chuyển cho sang ngành khác. Tuy nhiên, khi học chúng tôi thấy rất thú vị nên không chuyển nữa", chị Loan nhớ lại.
Công việc vất vả, luôn phải ở tư thế sẵn sàng, Trung tâm gọi 15 phút là phải có mặt và khi muốn rời khỏi địa bàn thành phố đều phải xin phép, thế nhưng 2 vợ chồng luôn yêu thích công việc của mình và chưa bao giờ có ý định từ bỏ.
Nội dung: Khánh Hồng
Thiết kế: Tuấn Huy