DMagazine

Vị tướng đặc biệt kể trận "điểm huyệt" mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975

(Dân trí) - Sau này, ông Khảm mới được biết, đánh Buôn Ma Thuột là một quyết định vô cùng sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân ngụy.

Vị tướng đặc biệt kể trận "điểm huyệt" mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975

Sau này, ông Khảm mới được biết, đánh Buôn Ma Thuột là một quyết định vô cùng sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân ngụy.

Không qua trường lớp, chỉ "đánh nhau" mà lên trung đoàn trưởng

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam là một trong những vị tướng đặc biệt trong quân đội.

Đặc biệt là bởi từ chiến sĩ ông lên đến trung đoàn trưởng, chỉ có "đánh nhau" ở chiến trường mà lên. 

Khi ông làm đến Phó chính ủy Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, cấp trên thấy "anh này đánh nhau tốt quá" liền bổ nhiệm ông sang chỉ huy quân sự đảm nhiệm chức trung đoàn phó quân sự 1, rồi lên trung đoàn trưởng.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 1

Ông Khảm chụp ảnh cùng anh em chiến sĩ trên chốt ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (Ảnh: N.H.K)

Ông tâm sự với PV Dân trí rằng, thời chiến tranh, có lẽ, tiêu chí để cấp trên bổ nhiệm ông lên mỗi chức vụ là phải qua một trận đánh. Thậm chí, một chiến dịch cứ phải lập công và hoàn thành tốt nhiệm vụ mới được cất nhắc, bổ nhiệm.

Từ chiến sĩ lên đến trung đoàn trưởng, ông Khảm không được học ở bất cứ trường lớp nào, dù chỉ là được bổ túc hay bồi dưỡng, tập huấn.

Mãi sau này, khi chiến tranh tháng 2/1979 ở phía Bắc nước ta kết thúc, ông mới được cử đi học, học trường cao nhất quân đội - Học viện Quân sự cấp cao, nay là Học viện Quốc phòng, lớp đào tạo chỉ huy tham mưu chiến dịch, chiến lược.

Học xong, ông Khảm được bổ nhiệm lên Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng. Rồi ông lại dẫn quân lên chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang, mặt trận đầy sự ác liệt, hi sinh - để bảo vệ Tổ quốc, chống chiến tranh xâm lược biên giới nước ta.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 2

Ông Khảm kiểm tra bữa ăn tại Trường Sỹ quan lục quân 1.

Tháng 5/1989, ông Nguyễn Hữu Khảm được bổ nhiệm lên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 - một trong 5 sư đoàn được thành lập sớm nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 9 năm sau, ông về làm Phó cục trưởng Cục Quân huấn, rồi lên Cục trưởng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, có lúc kiêm cả Cục trưởng Cục Quân huấn…. Lúc này, ông lại làm quan "giáo đầu" - phụ trách huấn luyện, giáo dục, đào tạo toàn quân.

Có thời gian, ông Khảm còn được giao phụ trách cả công tác đối ngoại và khoa học quân sự của Bộ Tổng tham mưu. Nhiều lần, ông chủ trì hội thảo khoa học hoặc nghiệm thu các đề tài khoa học quân sự.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 3

Trận đánh "then chốt" mở ra thắng lợi

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại không khí hào hùng mà ông đã trải qua trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Thời điểm đó, ông Khảm đang là Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Cuối năm 1974, ông cùng một bộ phận đi trước của sư đoàn từ Nghệ An bí mật hành quân vào thẳng Gia Nghĩa để chuẩn bị chiến trường. Nhiệm vụ của ông và đồng đội là trinh sát thật kỹ để khi sư đoàn vào sẽ tiến công đánh chiếm thị xã Gia Nghĩa.

Trinh sát xong, đang đắp sa bàn thì đơn vị ông nhận lệnh của cấp trên quay lại Nam Đắk Lắk chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 4

Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau này, ông Khảm mới được biết, sự cân nhắc và đi tới quyết định bỏ, không đánh Gia Nghĩa mà đánh vào Buôn Ma Thuột là một quyết định vô cùng sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Thực tế đã diễn ra, việc thất thủ ở Buôn Ma Thuột đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân ngụy Sài Gòn ở Tây Nguyên, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng và sự tan rã nhanh chóng của địch.

Ông Khảm kể lại, Sư đoàn 316 là lực lượng chủ yếu đánh vào Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh "then chốt" mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời cũng là trận mở màn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 5

Nhắc tới trận đánh lâu nay được đánh giá như đòn "điểm huyệt" chiến lược khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm mùa xuân năm 1975, ông Khảm kể tiếp, Sư đoàn 316 của ông sử dụng Trung đoàn 174 và Trung đoàn 148 đánh từ hướng Tây Nam và Tây Bắc Buôn Ma Thuột, trước mắt đánh chiếm căn cứ pháo binh và căn cứ thiết giáp cùng các hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch. Tiếp theo, các đơn vị tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy Sài Gòn, phối hợp với các đơn vị bạn giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột.

Rạng sáng ngày 10/3/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công. Địch dựa vào công sự vững chắc và các dãy phố có hỏa lực mạnh chi viện chống trả quyết liệt, đẩy lùi hai đợt tiến công của ta. 

Đến 9 giờ sáng, trên hướng Trung đoàn 148 mà ông Khảm tham gia, ta vẫn chưa chiếm được hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch. Lực lượng của ta chịu không ít thương vong.

Trước tình hình đó, cấp trên quyết định đưa xe tăng của Trung đoàn xe tăng 273 vào tiến công. Trên hướng của ông Khảm có 3 xe tăng gầm rú, nã hỏa lực và cùng bộ binh xông thẳng vào trận địa địch. Sự xuất hiện của xe tăng là bất ngờ lớn với quân địch. Địch hoảng loạn tháo chạy ra các hướng, một bộ phận ẩn nấp vào trong nhà dân ở các dãy phố lẻ tẻ chống cự.

Thừa thắng, ta đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. 11 giờ trưa cùng ngày, lá cờ quân giải phóng đã tung bay trên sở chỉ huy sư đoàn này.

Về cơ bản, đến 14 giờ chiều, các lực lượng của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột bị tan rã hoàn toàn.

"Tôi vô cùng xúc động và ấn tượng khi nhìn những lá cờ giải phóng tung bay trên nhiều tuyến phố", ông Khảm nói. Khi ấy, nhân dân đổ ra đường ngày càng đông cùng các lực lượng du kích và cán bộ hoạt động hậu địch đến giúp đỡ bộ đội, tặng quà và cùng giải quyết các hậu quả còn lại. Lần đầu tiên đơn vị ông Khảm giải phóng một thị xã lớn, có rất nhiều việc phải làm nhưng những hình ảnh này luôn khắc sâu trong tâm trí ông.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 6

Xe tăng của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273 bắn sập và húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 23/3, nhận được lệnh của trên, ông Khảm cùng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148 khẩn trương cơ động bằng xe ô tô xuống Gia Nghĩa, phối hợp cùng Trung đoàn 271 để tiến công giải phóng thị xã này trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sài Gòn hoa lệ đêm 30

Trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 316 biên chế vào đội hình Quân đoàn 3 vừa được thành lập. Nhiệm vụ của quân đoàn 3 là từ hướng Tây Bắc đánh vào Sài Gòn.

Ông Khảm kể: "Trung đoàn 148 đánh chia cắt Quốc lộ 22 từ Tây Ninh về Sài Gòn, điểm chia cắt từ thị trấn Bàu Bàng đến cầu Bàu Nâu, không cho Sư đoàn 25 của ngụy từ Tây Ninh về chi viện, co cụm ở Sài Gòn. Đánh chia cắt thường là đánh trước để vừa hình thành thế chia cắt, vừa hình thành thế bao vây quân địch. Do vậy cuộc chiến đấu ở đây vô cùng cam go, quyết liệt, dai dẳng nhiều ngày.  

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 7
Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 8
Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 9

Bị chia cắt, địch hiểu rõ ý đồ của ta nên lập tức phản kích quyết liệt từ hướng Tây Ninh xuống và từ hướng Sài Gòn ra, đồng thời sử dụng máy bay và pháo binh đánh phá liên tục hòng đánh bật các điểm chốt chặn để chia cắt của ta. Các tiểu đoàn đã đánh hàng chục trận để đẩy lùi các đợt tiến công của địch".

Với ý chí quyết tâm giữ vững trận địa, rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. "Chúng tôi đã phải bổ sung liên tục lực lượng chiến đấu. Có đại đội cán bộ bị thương và hi sinh, phải thay 5 lần đại đội trưởng và chính trị viên đại đội", ông Khảm xót xa nhớ lại.

Nhớ lại ngày 30/4/1975 lịch sử, Tướng Khảm kể rằng, hôm ấy, vì mải chiến đấu, đơn vị ông qua 11 giờ 30 vẫn tiếp tục nổ súng, một số đồng chí vẫn còn hi sinh, cả ta và địch đều không nhận được thông tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Đến 12 giờ cùng ngày, bỗng nhiên quân ta thấy địch giương cờ trắng, vứt vũ khí xuống hai bên đường giơ tay xin hàng. Lúc đó, đơn vị mới nhận được thông tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ta đã đánh chiếm được Dinh Độc lập, Sài Gòn được giải phóng.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 10

Mọi người xúc động vỡ òa nhưng trước mặt bộ đội ta là cả một trung đoàn địch xếp hàng hai bên đường dài hai ba cây số đứng chờ lệnh của quân giải phóng.

Giữa Quốc lộ 22, dòng người đi xe máy, xe lam, xe đạp bỗng nhiên từ Tây Ninh đổ về như mắc cửi. Họ chạy về hướng Sài Gòn.

Ông Khảm nói, đó là giây phút tràn đầy xúc động trong niềm vui khôn tả, nhưng cũng đọng lại trong ông không ít ám ảnh. Ông vẫn nhớ mãi những khuôn mặt đồng đội mừng vui nhưng không giấu nổi sự mệt mỏi, căng thẳng sau nhiều ngày chiến đấu; những khuôn mặt vừa ngơ ngác vừa lo sợ của những người lính ngụy ra đầu hàng đang xếp hàng dài ngồi chờ lệnh; những khuôn mặt của người dân vừa lo lắng vừa vội vã đi xe máy, đi bộ trên đường vì những lý do khác nhau…

Và ngay sau những giờ phút đó, nhân dân đổ ra đường đón chào quân giải phóng, có cả cờ hoa và nước mắt. Tất cả là những hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong ông.

Dù công việc tiếp theo bộn bề, ông Khảm vẫn nhanh chóng ghi vội mấy dòng để gửi thư qua đường bưu điện về cho bố mẹ báo tin vui và đặc biệt là tin ông còn sống.

Vị tướng đặc biệt kể trận điểm huyệt mở đầu Đại thắng mùa xuân 1975 - 11

Ngay trong đêm 30/4/1975, ông Khảm và 3 cán bộ một tổ trinh sát được cử vào Sài Gòn để chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ tiếp theo.

Qua ngã tư Bảy Hiền, các dãy phố rực rỡ cờ hoa, đèn điện sáng lung linh, đường phố vẫn nhộn nhịp người xe qua lại.

Thành phố Sài Gòn không đổ nát sau chiến tranh mà nguyên vẹn, vẫn đẹp và hoa lệ như xưa.

 Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ