(Dân trí) - Cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng hàng nghìn hình ảnh, hiện vật tái hiện gần như đầy đủ khí thế của những ngày hành quân thần tốc và chiến thắng hào hùng 30/4, thống nhất đất nước.
Những hình ảnh, hiện vật vô giá tái hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Hàng nghìn hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tái hiện gần như đầy đủ khí thế của những ngày hành quân thần tốc và chiến thắng hào hùng 30/4, thống nhất đất nước.
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh nằm trên đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM là nơi lưu giữ hàng nghìn hình ảnh, hiện vật của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Toàn bộ bảo tàng được chia làm 2 phần gồm khu trưng bày trong nhà có diện tích mặt bằng 1.000m2 và khu trưng bày ngoài trời 2.000m2.
Khu trưng bày trong nhà có 2 tầng, cấu trúc thành 6 chuyên đề theo dòng thời gian lịch sử của toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh, bao gồm: "Từ Hiệp định Paris tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975", "Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 3/4/1975)", "Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ 5/3 đến 29/3/1975)", "Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975)", "Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh" và "Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn".
Đặt tại vị trí trung tâm bên trong bảo tàng là sa bàn điện tử rộng 60m2, mô phỏng lại những ngày cuối của chiến dịch ở Sài Gòn. Khi sa bàn hoạt động, hệ thống đèn nhấp nháy mô tả hướng tiến quân.
Những bức ảnh nhuốm màu thời gian đã trở thành lịch sử của cuộc chiến như bức ảnh chụp hai chiếc xe tăng T59, số hiệu 390 (gồm trưởng xe là trung úy Vũ Đăng Toàn, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, lái xe Nguyễn Văn Tập) và xe T54B, số hiệu 843 (của đại đội trưởng Bùi Quang Thận). Trong đó, chiếc xe tăng số hiệu 390 được xác nhận là chiếc húc đổ cổng Dinh Độc lập.
Bức điện mật đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Quân đoàn 2, hiện vật của các tướng lĩnh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh được lưu giữ trong Bảo tàng.
Bộ lễ phục của Đại tướng Lê Đức Anh dù đã ngả màu nhưng vẫn còn nguyên vẹn giá trị lịch sử.
Bộ quân phục mùa hè, sổ tay ghi chép và chiếc kính lúp dùng để xem bản đồ của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chân dung các vị tướng trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Những chiếc xe đạp thồ của Tiểu đoàn 49 dùng để vận chuyển gạo, đạn dược phục vụ Chiến dịch đường 14 - Phước Long năm 1973. Chiếc xe Honda 90 được quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ dùng để chuyển công văn mệnh lệnh chiến đấu từ Bộ Chỉ huy Miền đến các đơn vị (từ 1965 - 1975).
Sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Hình ảnh tái hiện Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng trưa ngày 30/4/1975.
Ở khuôn viên ngoài trời trưng bày những xác xe tăng, xác máy bay của quân Mỹ bị quân Giải phóng bắn hạ.