DMagazine

"Tôi phải thành công để không bị cười chê một đứa pê đê chẳng tích sự gì"

(Dân trí) - Uyên Mi đã lén lấy áo dài của mẹ ướm thử từ khi còn là một cậu nhóc. Lớn lên, Mi là thầy giáo tiếng Anh, là võ sư với thân hình vạm vỡ nhưng sâu bên trong, Mi muốn sống cuộc đời của một cô gái.

"Tôi phải thành công để người đời không cười chê một đứa pê đê chẳng ra tích sự gì"

(Dân trí) - Uyên Mi lén lấy áo dài của mẹ ướm thử từ khi còn là một cậu nhóc. Lớn lên, Mi là thầy giáo tiếng Anh, là võ sư với thân hình vạm vỡ nhưng sâu bên trong, Mi muốn sống cuộc đời của một cô gái.

Cô gái trong hình hài nam giới

Sáng sớm, Nguyễn Võ Uyên Mi, 36 tuổi ở Gò Vấp thay bộ váy, trang điểm thật đẹp, mang túi xách đi gặp khách hàng. Mái tóc dài nhuộm vàng, nụ cười tươi, Mi tự tin trò chuyện.

Đã 7 năm sau khi chuyển giới từ nam sang nữ, nhiều người nhìn Mi đã không tỏ ra ngạc nhiên như trước. Nhưng với Uyên Mi, mỗi ngày trôi qua, được làm con gái đều là ngày đặc biệt và hạnh phúc. 

"Biết cuộc sống sau khi chuyển giới sẽ vui như thế này, tôi đã cố gắng mạnh mẽ để làm con gái sớm hơn. Tôi đã có thêm vài năm thanh xuân vui vẻ", Mi cười.

Đó là tâm sự của Mi sau khi cô vượt qua mọi khó khăn, định kiến của người thân và xã hội để sống với giới tính thật. Trước khi trở thành con gái, Mi đã mất gần 30 năm tự đấu tranh với bản thân, đi tìm câu trả lời: "Tôi thật sự là nam hay nữ"?

Tôi phải thành công để không bị cười chê một đứa pê đê chẳng tích sự gì - 1

Khi quyết tâm chuyển giới, Mi giảm cân từ 92kg xuống còn 69kg (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Uyên Mi vốn là cậu út trong gia đình có hai anh em, bố mẹ làm trong ngành giáo dục. Khi còn là một cậu bé, Mi được bố định hướng sẽ học để trở thành thầy giáo. Ngoài ra, ông còn cho con trai học võ thuật để rèn luyện sức khỏe, trở thành một chàng trai mạnh mẽ. Mi cũng chơi cùng nhóm bạn nam trong lớp, những trò chơi bắn bi, đuổi bắt, Mi đều thành thạo. Trước mặt người thân, bạn bè, Mi chưa bao giờ thể hiện những hành động gây nên sự hoài nghi về giới tính của mình. 

Chỉ có duy nhất một điều, cứ mỗi lần cả nhà đi vắng, cậu nhóc lại lục tủ áo dài của mẹ, lấy hết bộ này đến bộ khác để ướm thử. Một vài lần mẹ không để ý, nhưng sau nhiều năm như thế, dần Uyên Mi biết, mình không giống anh trai hay những cậu bạn đồng trang lứa. 

Lên cấp 3, Mi lần đầu đi tìm câu trả lời: "Tôi là ai" trên Internet. Thời điểm đó, khái niệm về những người LGBT ở Việt Nam còn chưa phổ biến. Tất cả những gì cô thường nghe về một người đàn ông muốn trở thành phụ nữ đó là hai từ: "pê đê", với vẻ miệt thị, coi thường.

Vốn yêu thích và học khá tiếng Anh, Mi tìm đến các tài liệu nước ngoài. "Ở đó, tôi đã biết mình là ai, nhưng chưa biết mình nên làm gì. Điều vui nhất là tôi biết cũng có nhiều người giống mình, tôi không khác biệt", Mi hồi tưởng.

Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Mi trở thành thầy giáo. 25 tuổi, Mi trở thành giám đốc học vụ của một trung tâm Anh ngữ. Cái danh một ông thầy, một người luyện võ níu Mi lại, cô không dám thể hiện giới tính thật. Mi sợ bố mẹ buồn, sợ học trò và đồng nghiệp chê cười, sợ nếu công khai giới tính sẽ mất tất cả. 

Tôi phải thành công để không bị cười chê một đứa pê đê chẳng tích sự gì - 2

Mi không ngại mà rất thích được mặc áo dài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhưng khao khát được sống là chính mình luôn hiện hữu trong đầu cô kể cả trong giấc mơ. Mi bắt đầu mặc những chiếc áo may đường eo ôm khít cơ thể, sơn móng tay màu trắng trong để thấy mình có chút nữ tính. Cô cũng tìm đến những người tiêm hormone chui, sau đó nhờ chính bạn gái của mình tiêm hộ.

Người bạn gái ấy vì thương Mi, đã từng đi mượn cho cô bộ áo dài nữ sinh để cô thỏa mong ước làm con gái. Dù trước đây từng nhiều lần ướm thử áo dài của mẹ, nhưng được khoác lên mình bộ áo dài trắng nữ sinh, Mi mới cảm thấy mình thật sự là một cô thiếu nữ.

"Bảng tên trên bộ áo dài có tên Lê Uyên, tôi vốn thích tên Mi vì đó là tên một nữ diễn viên phim kiếm hiệp tôi yêu thích. Từ đó, tôi tự đặt lại tên cho mình là Lê Uyên Mi", cô tâm sự.

"Tôi phải thành công"

Khao khát được sống là chính mình quá lớn, những lần lén mặc đồ nữ, trang điểm để ra đường dạo phố nhiều hơn. Màn hình điện thoại cũng đặt ảnh cô trong hình hài con gái khiến bạn bè, học trò ngầm hiểu. Có lần, một học trò đã tặng cho cô cây son môi và nói: "Thầy nhớ dùng nha".

Nhận món quà, Mi như được tiếp thêm động lực, bỏ hết những nỗi lo sợ trong nhiều năm. Đêm giáng sinh năm 2016, cô quyết định công khai giới tính, khi đã 30 tuổi. 

Trước đó ít hôm, trong ngày họp lớp cấp 3, Mi đã mặc bộ đồ nam giới đẹp và "bảnh" nhất đến tham gia. Cô quyết tâm từ đó về sau, sẽ luôn xuất hiện với những bộ trang phục nữ giới, sẽ sống thật với bản thân. Trở về nhà, Mi tự tay đốt hết những hình ảnh của mình trước đây để chôn đi quá khứ.

Hôm sau, thay vì nhờ bạn đến trang điểm hộ trước khi ra ngoài, Mi tự lên mạng học cách làm dù phải loay hoay mất cả tiếng, lông mi giả gắn méo xệch.

"Mỗi tối, chị Mi lại ghi âm giọng nói gửi sang cho tôi nghe, nhờ góp ý để chỉnh sửa giọng nói nữ tính hơn, nhẹ nhàng hơn", anh Vinh, 29 tuổi, một người bạn biết Mi từ hồi cô còn là con trai chia sẻ.

"Từ năm 2015, tôi được Liên Đoàn Võ cổ truyền TPHCM cấp giấy chứng nhận huấn luyện võ cổ truyền trợ giáo 4 đẳng, đã đạt cấp đai 16/18 võ phái Thiếu Lâm Hồng Gia. Chuyển giới, tôi ngừng đến võ đường. Bỏ hết sự nghiệp để chuyển giới, tôi đâu còn con đường nào khác ngoài phải thành công. Nếu không, người nhà phải xấu hổ, bị người đời cười chê khi có một đứa con bị pê đê chẳng ra tích sự gì", Mi nói.

Không chỉ quyết tâm trở thành con gái, sống thật với bản dạng giới của mình, Mi còn muốn phải khẳng định giá trị bản thân. 

Tôi phải thành công để không bị cười chê một đứa pê đê chẳng tích sự gì - 3

Uyên Mi thường được nhiều doanh nghiệp mời đến dạy các khóa học tự vệ cho nhân viên với tư cách là một võ sư (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi không còn là một giáo viên tiếng Anh, là một võ sư nữa, Mi theo đuổi một đam mê khác của mình đó là học và trở thành một chuyên gia về phong thủy. Cô lập công ty chuyên tư vấn, thiết kế phong thủy nhà ở và các công trình kiến trúc. Ngoài ra còn viết báo và thường xuyên chia sẻ những câu chuyện về hành trình "đi tìm chính mình" trên truyền thông.

Sau một phóng sự ghi hình Mi hướng dẫn võ thuật cho phụ nữ tự vệ trên đài, nhiều học trò, bạn bè đã liên lạc với Mi. Họ nhìn những thế võ, đoán ra là thầy, là sư đệ của mình nhưng vẫn ngờ ngợ vì ngoại hình cô đã thay đổi nhiều. 

Nhiều người chúc mừng, ủng hộ khiến cô dần cảm thấy quyết định của mình là đúng. Kể từ đó,  cô gái mới dám tự tin chính thức quay lại nghiệp võ sư. 

Tuy vậy, nhưng trong lòng Mi vẫn canh cánh nỗi lo khi nghĩ về gia đình. Cô biết, dù không mắng mỏ, hay chối bỏ nhưng bố mẹ và anh trai cũng chưa bao giờ hoan nghênh và tỏ ra vui vẻ khi Mi chuyển giới. 

Ngày 12/12/2018, ngày sinh nhật của bố Mi, cô tham dự tiệc như mọi năm. Trước khi thổi nến, bố đã gọi tên cô và cho biết sẽ thông báo một quyết định quan trọng. Tim Uyên Mi như ngừng đập, những suy nghĩ tiêu cực nhảy nhót trong đầu. 

Nhưng khác với những gì cô lo lắng, bố Mi nói: "Lê Uyên Mi là cái tên con tự đặt, bố mẹ sinh con thì phải đặt cho con một cái tên, từ nay con sẽ là Nguyễn Võ Uyên Mi nhé"!

"Kể từ đó, khi gặp ai bố đều giới thiệu tôi là con gái út của ông ấy", Mi chia sẻ.

Tôi phải thành công để không bị cười chê một đứa pê đê chẳng tích sự gì - 4

Sau khi gây dựng lại sự nghiệp, Mi dành thời gian mở lớp dạy võ tự vệ miễn phí (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm 2020, Uyên Mi mở một lớp dạy võ tự vệ, phòng thân cho nữ giới hoàn toàn miễn phí. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên hiện tại lớp võ ngưng hoạt động, Mi đang tìm một địa điểm khác để bắt đầu lớp võ trong vài tháng tới. 

"Tôi chuyển giới là vì bản thân. Nhưng chỉ khi bạn thành công, bạn đóng góp cho xã hội được nhiều thì những định kiến về người đồng tính, người chuyển giới mới dần được xóa bỏ. Tôi không thích những lời nói tỏ ra thương hại", Uyên Mi khẳng định. 

Diệp Phan