DNews

Số phận cư dân "vô thừa nhận" ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản

Minh Nhân

(Dân trí) - Nhiều cư dân tại chung cư CT6C Kiến Hưng nói mong chờ phiên tòa xét xử ông Lê Thanh Thản ngày 10/8 tới, song cũng lo lắng "không biết số phận căn hộ của mình sẽ đi về đâu".

Số phận cư dân "vô thừa nhận" ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản

Nhận được thông báo triệu tập đến phiên tòa xét xử ông Lê Thanh Thản với tư cách bị hại, chị Lê Thị Dung (37 tuổi) nói "đã đợi ngày này từ lâu". Chị Dung - một trong gần 500 khách hàng mua căn hộ tại chung cư CT6C Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) - mong mỏi phiên tòa từ năm 2019, thời điểm ông Thản bị khởi tố về tội Lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật hình sự 2015.

"Tôi rất mong chờ phiên tòa, song cũng lo lắng không biết số phận căn hộ của mình sẽ đi về đâu", chị nói.

TAND Hà Nội thông báo ngày 10/8 sẽ xét xử ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mương Thanh, về tội Lừa dối khách hàng liên quan dự án CT6 Kiến Hưng. 

Cùng hầu tòa với ông Thản có 6 người là các cựu cán bộ phường Kiến Hưng và quận Hà Đông, bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tạm trú trong chính căn nhà của mình

Năm 2010, chị Dung (quê Lào Cai) cùng chồng (quê Hải Dương) xuống Hà Nội lập nghiệp, sống trong căn phòng trọ nhỏ suốt 2 năm. Khi người vợ mang thai 3 - 4 tháng, được bố mẹ hai bên động viên, cặp đôi quyết định mua nhà để có chỗ an cư, sinh con. 

Vợ chồng chị tiết kiệm được 200 triệu đồng, liều vay thêm người thân và bạn bè khoảng 80% tiền mua nhà.

"Biết tin ông Lê Thanh Thản quảng cáo dự án chung cư CT6 Kiến Hưng giá rẻ, phục vụ được phần đông những người lao động thu nhập thấp, chúng tôi phấn khởi và có nhiều động lực phấn đấu", người phụ nữ nhớ lại.

Thời điểm đó, dự án này được đánh giá "hot", đã thành hình, tiến độ nhanh nên người dân xếp hàng chờ mua. Giữa tháng 5/2012, chị Dung bỏ ra 1,1 tỷ đồng mua căn hộ hơn 62m2 thông qua sàn giao dịch bất động sản, ký hợp đồng trực tiếp với Chủ đầu tư - Công ty Bemes.

Tại đây, ông Thản và Chủ đầu tư cung cấp cho các khách hàng những văn bản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thiết kế căn hộ và thiết kế công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất.

"Họ hứa hẹn sau khi hoàn thiện các thủ tục, sẽ cấp sổ hồng cho chúng tôi", chị Dung nói.

Tháng 12/2012, gia đình chị chuyển đến sống tại tầng 11, chung cư CT6C Kiến Hưng. Công an phường đến xác nhận khai báo, hỗ trợ chị làm hộ khẩu.

Khi đã ổn định cuộc sống, chị và nhiều hộ dân nhiều lần ý kiến bằng văn bản đề nghị ông Thản và Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng). Tuy nhiên, "đại gia điếu cày" đã tìm mọi cách trì hoãn, kéo dài, thậm chí phớt lờ khiếu nại của cư dân.

Chị Dung lên phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng bị trả về với lý do "dự án không được cấp phép". Những năm sau, chị cùng các hộ dân khác liên tục làm đơn khiếu nại, cầu cứu khắp nơi nhưng không có kết quả.

"Đến năm 2019, ông Thản bị khởi tố, tôi mới vỡ lẽ đã bị ông ấy lừa dối. Cả một tòa nhà cao 32 tầng nhưng xây dựng trái phép", chị nghẹn lời.

Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 1

Chị Dung chỉ những vết nứt trong phòng ngủ.

Cáo trạng của cơ quan công tố cáo buộc ông Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ...

Từ đó, VKS cáo buộc ông Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng (không được cấp sổ hồng), thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng. 

Nhớ lại những lời quảng cáo của chủ đầu tư năm đó: "CT6C Kiến Hưng là chung cư cao cấp, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, môi trường sống văn minh, tiện ích", anh Nguyễn Trọng Tuệ (cư dân tầng 8, kiêm ban đại diện cư dân) chua xót nhìn vào thực tế cay đắng.

CT6C Kiến Hưng bị rớt giá thảm hại sau "sự cố ông Thản" dù giới thiệu là "chung cư cao cấp"; không đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy, tường xuống cấp, bong tróc nhưng cư dân không dám sửa chữa. Họ cũng không thể thực hiện giao dịch chuyển nhượng hay mua bán.

Cư dân không được chấp thuận hộ khẩu đăng ký thường trú, thế hệ con cháu phải xin hộ khẩu ở quê, hoặc chấp nhận học trái tuyến, học trường tư thục ở xa, đắt đỏ.

"Do sai trái của ông Thản mà chúng tôi phải chịu đựng điều kiện sống khổ cực hơn 10 năm qua", anh Tuệ nói. Trong khi đó, chị Dung nhiều lần bức xúc: "Tôi phải tạm trú trong chính căn nhà của mình".

Nếu nhiều người chấp nhận bán rẻ hoặc cho thuê nhà, thì những "số phận" như chị Dung hay anh Tuệ quyết bám trụ, chờ "tia hy vọng cuối cùng" vào phiên tòa ngày 10/8 tới.

Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 2
Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 3

(Hệ thống hút khói phòng cháy chữa cháy tạm bợ cùng vết nứt dọc tường ngoài hành lang chung cư)

"Nhà của mình thật, nhưng vô thừa nhận"

Căn nhà hơn 62m2 với 2 phòng ngủ là nơi sinh sống của vợ chồng chị Dung và 2 con nhỏ. Một đêm mấy tháng trước, khi đang ngủ, tường phòng bỗng nứt toác, gạch vữa rơi trúng mặt một thành viên trong gia đình.

Sáng hôm sau, chị Dung kiểm tra, bóc lớp vữa, phát hiện một vết nứt to, chạy dọc bức tường. Phản ánh lên nhóm cư dân, chị nhận ra nhiều hộ gia đình khác cũng xuất hiện tình trạng mảng tường "rơi rụng" nhưng ít người muốn sửa sang.

"Khoản tiền sửa chữa ước tính 100 triệu đồng, tôi không đủ chi trả, cũng không biết sửa xong thì có giữ lại được căn nhà hay không", chị nói.  

Vết nứt trong phòng ngủ nhà chị Dung ngày càng lan rộng ra phòng khách, nối liền ra ngoài hành lang, cạnh hệ thống phòng cháy chữa cháy "chắp vá" do chủ đầu tư bổ sung. Đó là một hệ thống hút khói hành lang trên trần nhà mà như chị Dung nói "không biết hoạt động nổi không mỗi khi có sự cố".

Không sổ hồng, vợ chồng chị cũng không thể vay vốn đầu tư, trả nợ hay kinh doanh buôn bán. Cuộc sống khó khăn, người phụ nữ nói sống tạm bợ qua ngày, "nhà của mình thật, nhưng vô thừa nhận".

Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 4
Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 5
Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 6

(Nhiều nơi trong căn hộ của chị Dung xuất hiện những vết nứt dài)

Trái ngược chị Dung, ông Trương Mạnh Thắng (73 tuổi, cán bộ về hưu) bỏ ra 100 triệu đồng thuê thợ sửa chữa toàn bộ căn nhà 63m2 tầng 28 sau khi tường xuất hiện những vết nứt dài. Trớ trêu thay, một thời gian sau, những vết nứt mới lại "nhô" lên từ chính lớp sơn mới đó.

"Lần này, tôi đành bất lực, chấp nhận sống chung với lũ", ông Thắng nói.

Nghỉ hưu, ông Thắng bàn với vợ, bán căn nhà ở Yên Bái, mua một căn chung cư ở Hà Nội làm động lực cho con gái út. Năm 2007, khi CT6 Kiến Hưng bắt đầu làm móng, ông Thắng đóng 241 triệu đồng tiền "giữ chỗ". Từ đó, ông nộp tiền theo tiến độ căn nhà, tổng hết 1,2 tỷ đồng.

Cuối năm 2012, công trình hoàn thành, bàn giao cho cư dân vào sinh sống. Ông Thắng tự hào là một trong những cư dân đầu tiên về CT6C Kiến Hưng.

Sau năm 2019, ông Thắng vẫn không có sổ hồng, lại không có hộ khẩu, khiến cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Mọi sinh hoạt Đảng, lương hưu, bảo hiểm xã hội,... của ông đều ở Yên Bái. Đứa cháu ngoại 11 tuổi cũng bất đắc dĩ nhập hộ khẩu ở Yên Bái, học trái tuyến ở Hà Nội.

"Tôi bỏ tiền thật mua nhà, nhưng không có hộ khẩu. Không riêng tôi, 10 năm qua, 488 hộ dân đều không có hộ khẩu, không được hưởng chế độ, chính sách nào", ông Thắng cho hay.

Theo ông, "99,99% hộ dân tại CT6C Kiến Hưng đều là người từ các vùng tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp". Nhiều người chắt chiu cả cuộc đời, bán nhà ở quê, vay ngân hàng, vay người thân mới đủ tiền mua nhà ở Thủ đô, nhưng rồi cuối cùng chỉ nhận được một "cuộc chiến pháp lý" mãi chưa có hồi kết.

"Có những ông bà 80 tuổi mua nhà cho con ở Hà Nội chỉ vì tin tưởng Chủ đầu tư. Nhưng khi người vợ qua đời, nhà vẫn chưa được cấp sổ hồng", ông Thắng kể.

Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 7

Vết nứt trong phòng khách nhà ông Thắng đã sửa chữa, nhưng nay xuất hiện trở lại.

"Nếu tiếp tục đòi sổ hồng 5 - 10 năm nữa, chúng tôi không chịu nổi"

Trong số 488 bị hại, nhiều cư dân tại CT6C Kiến Hưng đã thành lập một ban đại diện, thường xuyên trao đổi thông tin, tổng hợp ý kiến cư dân để tìm ra tiếng nói chung. Họ cũng thuê luật sư để được tư vấn về mặt pháp lý.

Trước phiên tòa ngày 10/8, ban đại diện đã có buổi gặp gỡ để nắm bắt nguyện vọng của cư dân. Ngoài ra, 210 hộ dân cũng đã có đơn kêu cứu. 

Anh Nguyễn Trọng Tuệ, Ban đại diện cư dân CT6 Kiến Hưng cho biết, việc cơ quan chức năng đưa ông Thản ra xét xử là "một tín hiệu đáng mừng, đem lại niềm vui lớn cho cư dân", bởi họ đã theo đuổi vụ án từ năm 2019.

Theo anh Tuệ, cư dân mong đợi cơ quan chức năng cấp sổ hồng cho các căn hộ tại tòa nhà CT6C thuộc dự án CT6 Kiến Hưng, để người dân có thể sinh sống ổn định, lâu dài.

Trong trường hợp các căn hộ tòa CT6C không được cấp sổ hồng, các bị hại mong muốn ông Lê Thanh Thản và Công ty Bemes phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người dân để khắc phục hậu quả do hành vi sai phạm gây ra.

"Chúng tôi hy vọng tòa không tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người dân thành vụ án dân sự riêng mà cần được giải quyết triệt để ngay trong bản án hình sự của TAND Hà Nội", anh Tuệ nói.

Theo anh Tuệ, cáo trạng của VKS nêu ông Thản bị khởi tố trong vụ án hình sự Lừa dối khách hàng, còn giải quyết quyền lợi hợp pháp của 488 hộ dân đòi sổ hồng thì không có. Trong khi 10 năm qua, họ đã phải sống khốn khổ từ hệ lụy không có sổ hồng.

"Nếu tiếp tục đòi sổ hồng 5 - 10 năm nữa, chúng tôi không chịu nổi. Chúng tôi chỉ muốn giải quyết dứt điểm trong một phiên tòa", anh Tuệ nói.

Số phận cư dân vô thừa nhận ở Hà Nội trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản - 8

Vết bong tróc trong một căn hộ khác ở CT6C Kiến Hưng.

Chị Dung từng mong bán được căn nhà để chuyển đến một nơi khác hợp pháp hơn, nhưng giá nhà rớt thảm hại, thậm chí không ai dám mua khi nghe đến "chung cư ông Thản". Dù nhiều người nói phiên tòa sắp tới là "tia hy vọng cuối cùng", nhưng chị không thực sự hy vọng.

Còn với anh H. - người vừa mua lại một căn hộ tầng 11 CT6C Kiến Hưng hồi tháng 9/2021, dường như nằm ngoài "cuộc chiến pháp lý". Anh bỏ ra 1,2 tỷ đồng để sở hữu căn hộ 70m2 không sổ hồng, nhiều bất cập, đã xuống cấp.

"Con cái học trường tư đắt đỏ, nhà không có giấy tờ, nhưng cũng không quá ảnh hưởng cuộc sống gia đình. Chúng tôi chấp nhận mua căn hộ này, miễn có nhà Hà Nội", người đàn ông nói.

Cáo trạng thể hiện Công ty Bemes được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng ông Lê Thanh Thản với cương vị là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bemes đã chỉ đạo thi công vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng.

Ông Thản tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Lê Thanh Thản bị cáo buộc từ tháng 3/2011 đã chỉ đạo cấp dưới quảng cáo thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật.

Nhiều khách hàng tin tưởng nên đã ký hợp đồng mua bán nhà với Công ty Bemes.

Tại các hợp đồng này, ông Thản với vai trò Tổng giám đốc đã trực tiếp ký với khách hàng, cam kết các điều khoản với mục đích để họ tin tưởng nộp tiền mua căn hộ theo tiến độ thi công. Việc kinh doanh, ấn định giá bán căn hộ tại dự án đều do ông quyết định.

Tổng cộng, ông Thản đã bán 488 căn hộ khi không được công nhận quyền sử dụng đất và qua đây thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng, theo phía công tố.

Ảnh: Minh Nhân