DMagazine

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về

(Dân trí) - "Sự ác liệt và dữ dội của cuộc chiến buộc chúng tôi tạm rời xa Ukraine", anh Trần Thọ (30 tuổi) nhớ lại. Hơn 9 tháng đã trôi qua nhưng với anh, hành trình chạy loạn dưới bom đạn như mới hôm qua.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về

"Sự ác liệt và dữ dội của cuộc chiến buộc chúng tôi tạm rời xa Ukraine", anh Trần Thọ (30 tuổi) bật khóc xúc động chia sẻ với Dân trí. Anh vốn sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Kiev (Ukraine). Do ảnh hưởng của chiến sự giữa Nga và Ukraine, gia đình anh Thọ phải di tản sang Đức.

Hơn 9 tháng đã trôi qua nhưng với anh Thọ, hành trình ám ảnh, chạy loạn dưới bom đạn vẫn như mới hôm qua.

"Tôi buộc phải đến nơi tôi không biết bất cứ một điều gì"

Anh Thọ nhớ rõ, 6h sáng 24/2 - ngày đầu tiên Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, anh thấy khung cửa sổ trong nhà rung nhẹ. Anh chỉ nghĩ là gió mạnh hoặc một sự cố nào đó, cho đến khi kiểm tra tin nhắn mới biết rằng Nga nã pháo, không kích và đưa quân vào Ukraine, kiểm soát một sân bay cách trung tâm Kiev 25km.

"Tôi cảm thấy hoang mang, không biết nên làm gì và như thế nào", anh nhớ lại khung cảnh người và phương tiện chen chúc khắp đường phố để di tản, Kiev khi đó hiển thị đỏ rực trên bản đồ Google Maps.

Các cửa hàng và hiệu thuốc đông nghẹt người. Đồ ăn, nước uống, các loại nhu yếu phẩm cạn kiệt từ sớm. Lo lắng, mẹ anh đã dự trữ gạo và thực phẩm, dù chưa biết chiến tranh toàn diện có thể xảy ra.

"Khi đó, chúng tôi chưa có ý định di tản sang các quốc gia láng giềng. Tuần đầu tiên của cuộc chiến, mỗi lúc có báo động tấn công, chúng tôi trú ẩn bằng cách nằm ngoài hành lang", người đàn ông kể.

Những ngày đầu, thấy một số người bạn tham gia đoàn lính tự vệ của thành phố và lực lượng vũ trang, anh Thọ cũng mong muốn gia nhập hàng ngũ. Tuy nhiên, số lượng đăng ký quá lớn, hơn nữa anh không mang quốc tịch Ukraine, nên không thể ghi danh.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 1

Đường phố Kiev những ngày đầu của cuộc chiến.

Trước tình hình chiến sự nghiêm trọng, giới chức Ukraine đã áp lệnh giới nghiêm, cấm người và phương tiện di chuyển ngoài khu dân cư từ 21h đến 7h hôm sau. Cứ như vậy, cho đến khi vài quả tên lửa rơi xuống khu vực gần nhà anh Thọ, một xe bọc thép của Nga tiến vào quận Obolon (cách nhà anh 8km), gia đình 6 người gồm bố mẹ, vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ bàn bạc và quyết định di tản sang Ba Lan.

"Đúng lúc này, Nga có kế hoạch vây quanh Kiev nên một số cây cầu bị phá hủy khiến việc di tản trở nên khó khăn hơn, nhất là với gia đình đông thành viên như chúng tôi", anh Thọ cho hay.

Trước ngày họ rời đi, báo động đánh bom ngày càng nhiều. Mỗi lần như vậy, cả gia đình phải chui ra hành lang nằm, kể cả nửa đêm khi hai đứa trẻ đang ngủ cũng được bế đi tránh bom đạn.

"Sự ác liệt và dữ dội của cuộc chiến buộc chúng tôi tạm rời xa Ukraine", anh nói. Kế hoạch di tản bắt đầu được vạch ra, họ xác định sang đến Ba Lan rồi sẽ tính tiếp.

Anh Thọ gọi thêm một số gia đình bạn bè cùng di tản, ban đầu tính khoảng 4 ô tô. Nhưng sáng 28/2, do phát sinh thêm người, số lượng phương tiện tăng lên 13. Anh làm chủ đoàn, xuất phát từ Kiev hướng Uman rồi rẽ sang Vinnytsia.

Thông thường từ Kiev đến cửa khẩu Ba Lan chỉ mất khoảng 7 giờ đồng hồ, nhưng hành trình di tản của họ kéo dài 40 giờ, đi qua nhiều trạm kiểm tra và buộc phải đi đường vòng do cầu bị phá hủy.

Trên đường, họ dừng chân ở thành phố Vinnytsia. Tại đây, một người bạn của anh Thọ đã giúp đoàn xe tăng lên 20 chiếc, tìm điểm nghỉ ngơi, ăn tối và ngủ qua đêm tại một công ty của người Ukraine chuyên giúp đỡ người tị nạn.

"Điều tôi tiếc nuối nhất khi di tản là phải bỏ lại cuộc sống quen thuộc, bạn bè, ước mơ của mình ở Ukraine để sang một chân trời mới  - nơi tôi không biết bất cứ một điều gì", anh tâm sự.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 2

Đoàn xe của anh Thọ dừng chân tại thành phố Vinnytsia.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 3
Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 4

Họ đã nghỉ ngơi tại đây một đêm trước khi tiếp tục hành trình di tản.

Sau hành trình kéo dài 4 ngày, cả đoàn từ Ba Lan đến Đức. Gia đình anh Thọ được cộng đồng người Việt giúp đỡ nhiệt tình, nhất là gia đình ông Vinh Dung tại chợ Đồng Xuân ở Berlin, người Việt tại thành phố Gießen.

Đầu tiên, anh đăng ký thông tin gia đình tại trung tâm điều phối, đợi được chuyển đến các thành phố có thể nhập trại tị nạn. Về sau, họ được chuyển xuống khu Gießen (thuộc bang Hessen, Đức), anh Thọ cho biết cảm giác như "bị nhốt trong trại giam".

10 ngày sau, trung tâm xã hội đã thuê giúp gia đình anh Thọ một căn hộ tại một vùng quê cách thành phố Frankfurt am Main 50km, nơi họ sinh sống đến hiện tại.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 5

Gia đình tổ chức sinh nhật một tuổi cho con gái anh Thọ tại trại tị nạn ở Gießen.

Cũng giống các trường hợp tị nạn khác, gia đình anh được nhận một khoản trợ cấp từ Chính phủ Đức. Người lớn tập trung học tiếng, bé trai 2 tuổi được gửi đến nhà trẻ, bé gái chưa đầy 1 tuổi ở nhà cùng ông bà, bố mẹ.

"Chúng tôi đang hòa nhập với cuộc sống mới, xác định tạm thời sinh sống tại Đức vì không biết đến khi nào chiến sự mới kết thúc", anh Thọ cho hay.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 6

Bố mẹ anh Thọ (ở giữa) cùng những người bạn di tản từ Kiev sang Đức.

Trong khi anh Thọ duy trì công việc từng làm ở Ukraine, thì để kiếm thêm thu nhập, vợ anh học nghề làm nail. Theo anh, đa số người Việt di tản từ Ukraine sang Đức đều chọn nghề làm bếp hoặc làm nail, số ít người đã trở về Ukraine.

Ngoài rào cản ngôn ngữ, anh Thọ nhận thấy chi phí sống khá đắt đỏ tại Đức cũng là một trong số nhiều khó khăn. Hơn nữa, do khu vực anh sinh sống là vùng thôn quê nên hệ thống vận tải cũng không mấy thuận lợi.

Điều anh Thọ lo ngại nhất là chính sách y tế tại đây. Để được khám bệnh, họ phải có bảo hiểm. Nhưng khi đã được cấp bảo hiểm, họ chưa thể đi khám ngay, mà phải đặt lịch hẹn trước 2-3 tuần.

"Đương nhiên một số người di tản sang Đức coi đây là cơ hội đổi đời vì cuộc sống nhìn về khía cạnh kinh tế và giá trị con người đều hơn Ukraine. Nhưng tôi lại cảm thấy cuộc sống tại Đức không thoải mái", anh tâm sự.

Cuộc sống "3 không"

Cũng giống như gia đình anh Thọ, bà Lê Bích Hải (62 tuổi) là một trong số những người Việt buộc phải rời Ukraine di tản sang Đức tị nạn. 

Vì không biết tiếng Đức nên mỗi lần đi đâu bà đặc biệt chú ý đến các bảng hướng dẫn ở ga tàu hay các điểm lên, xuống. Bà mở sẵn chức năng dịch trên Google, hỏi lại một vài người xung quanh về lộ trình để chắc chắn mình không bị lạc đường.

Bà Hải cho biết, từ tháng 9 trở lại đây, mỗi lần cần đi đâu xa bà thường cân nhắc thật kỹ lưỡng vì bản thân không còn được miễn phí hay hỗ trợ tiền vé như những ngày đầu sang Đức.

"3 tháng đầu vé đi lại được miễn phí, 3 tháng sau vé chỉ có 9 Euro/tháng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó chúng tôi không đi đâu vì đang đợi giấy tờ. Từ tháng 9 vé bán trở lại giá cũ. Những người ăn trợ cấp, chi phí đi lại sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày nên tôi phải tiết kiệm để cân đối chi tiêu", bà Hải cho hay.

Bà Hải thường chỉ đi ra ngoài đôi ba lần một tháng khi cần tới thăm con gái lớn ở Berlin hoặc đi mua vài món đồ châu Á. Vé tàu thường được con gái mua cho qua ứng dụng trực tuyến.

Khoảng thời gian 9 tháng sống ở Đức, phần lớn thời gian, bà quanh quẩn trong căn hộ 3 phòng ngủ ở một thị trấn cách thủ đô Berlin chừng 60km.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 7

Khu nhà bà Hải hiện sinh sống tại Đức.

Sang Ukraine lập nghiệp từ năm 1989, đến thời điểm nổ ra chiến sự, bà Hải đã có cơ nghiệp ổn định ở quốc gia này. Con gái lớn của bà đi thực tập ở một công ty thuộc Ba Lan trước khi chiến sự nổ ra nên may mắn tránh được cảnh chạy loạn.

Tháng 3/2022, bà Hải đưa con gái thứ hai đi tị nạn. Bà dự định sang Hà Lan nhưng rồi lại dừng chân ở nước Đức. Người chồng bám trụ lại Ukraine ít ngày nhưng thấy tình hình căng thẳng nên cũng buộc phải rời đi.

Gia đình 4 người sau đó đoàn tụ và được cấp một căn hộ 3 phòng ngủ. Nhớ lại ngày được cấp nhà vào tháng 5/2022, bà Hải vẫn chưa thôi nghẹn ngào: "Căn nhà bên trong trống trơn, duy chỉ có phòng tắm có vài thiết bị vệ sinh cơ bản. Bước vào căn nhà, tôi cảm giác vừa mừng, vừa lo, vừa buồn. Mừng vì sau bao nhiêu ngày chờ đợi, chúng tôi cũng được cấp nhà. Nhưng buồn, lo vì đã ở tuổi này rồi, tôi lại một lần tha hương, trong tay gần như chẳng có gì".

Căn nhà sau đó được trang bị các đồ dùng, tiện nghi cơ bản miễn phí. Bà Hải kể: "Ở Đức, mỗi căn nhà khi được bàn giao đều trong trạng thái trống trơn. Những người ở trước đó khi dọn đi đều phải chuyển hết đồ đạc và trả lại hiện trạng ban đầu. Chính vì vậy, có rất nhiều đồ đạc còn dùng được bị vứt ra đường. Thị trấn thường cho xe đi thu gom, tập hợp về một kho để lưu trữ lại, cấp phát cho những người dân tị nạn. Gia đình tôi đã đến đó lựa các vật dụng cơ bản như tủ, bàn ghế, giường, bếp nấu ăn… Đồ không mới nhưng vẫn dùng rất tốt".

Theo bà Hải, nhiều người Việt sau khi sang Đức đã lựa chọn đi làm nail, làm phục vụ hàng ăn cho các chủ người Việt hay cuốn sushi cho các siêu thị Đức. Con gái bà nhờ biết tiếng Anh nên đã tìm được một công việc ở Berlin. Chồng của bà Hải vì đã có tuổi nên chỉ nhận làm một công việc "mini", làm việc 2-3 tiếng một ngày.

Khoản tiền lương này cộng với hơn 1.000 Euro Chính phủ Đức trợ cấp cho 3 người (vợ chồng bà và con gái út) là nguồn sống của cả gia đình.

"Số tiền này đủ để gia đình tôi ăn uống. Cháu lớn có việc làm nên không được nhận trợ cấp. Cũng may nhờ có cháu lớn mà chúng tôi được hỗ trợ phần nào. Đôi khi cần đi đâu, tôi được cháu mua vé cho. Cháu cũng giúp bố mẹ giải quyết các thủ tục giấy tờ khi cần", bà Hải cho hay.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 8
Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 9
Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 10

Ga chính Berlin nơi giúp đỡ những người Ukraine lánh nạn.

Bà Hải bảo mình không thể tham gia các lớp học tiếng Đức, cũng không thể đi làm phần vì đã có tuổi, phần vì phải chăm sóc con gái thứ hai. Đại dịch Covid-19 khiến con gái bà bị ảnh hưởng nặng về tâm lý, "cú sốc về cuộc chiến" khiến cho tình trạng của cô bé càng thêm phức tạp, thường có những hành vi chống đối. Vì vậy, mỗi ngày, bà Hải phải ở bên cạnh chăm sóc và canh chừng con.

"Không biết tiếng nên tôi chẳng thể nói chuyện cùng ai, đi ra ngoài cũng không hiểu người ta nói gì. Xe không có nên như cụt chân, chẳng thể đi đâu. Nói chung cuộc sống ở đây rất buồn", bà Hải thở dài kể về cuộc sống "3 không" những ngày tị nạn.

Xung quanh nơi bà Hải sống, ai cũng đi làm, những người đồng hương sang Đức cũng bận rộn mưu sinh. Có lần bà đến một cửa hàng của người Việt gần đó, nhưng người bạn mà bà quen cũng luôn tay luôn chân gần như chẳng có thời gian để tiếp chuyện. Các cửa hàng luôn làm việc suốt tuần, mỗi ngày mở từ 10h sáng đến 9-10h đêm.

Nhìn cuộc sống hối hả cứ ngày một trôi qua, lòng bà Hải nặng trĩu. Càng buồn hơn khi bà nghe tin khu chợ có cửa hàng của mình ở Ukraine bị bom đánh tan tành.

"Giờ thì có 1 cửa hàng cũng mất mà 10 cửa hàng cũng mất. Hơn nữa, chúng tôi rời đi lâu ngày, không đóng thuế thì nhà nước cũng sẽ thu lại", bà Hải chia sẻ.

Người Việt rời Ukraine bật khóc kể cuộc sống tị nạn, mong ngóng ngày về - 11

Niềm an ủi lớn nhất với bà Hải trong những ngày tháng tị nạn là nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của một số bạn bè cùng các nhân viên xã hội của Chính phủ Đức. "Những ngày đầu sang Đức, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ. Khi cấp bách về chỗ ở, con gái tôi còn được cho ở khách sạn 5 sao miễn phí. Thực sự, chúng tôi rất biết ơn nước Đức đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi trong tình cảnh loạn lạc này".

Cũng như bao người, bà Hải đang từng ngày mong ngóng chiến sự kết thúc để quay trở lại Ukraine. Người phụ nữ 62 tuổi tâm sự: "Nếu cuộc chiến kéo dài thì tôi phải tính đến phương án về Việt Nam. Nhiều gia đình trẻ tị nạn sang Đức đang cố gắng học tập, hòa nhập vì nghĩ đến tương lai con cái. Nhưng tôi có tuổi rồi, con cái cũng đã lớn, nhu cầu cuộc sống đơn giản nên về nước cũng không phải là một lựa chọn khó khăn".

Về phần mình, anh Trần Thọ cho biết, mỗi ngày, anh đều cập nhật thông tin chiến tranh, gọi điện hỏi thăm bạn bè, biết được cuộc sống tại Ukraine đang rất bất tiện vì mất điện theo giờ, một số khu vực còn bị cắt nước. Dẫu vậy, rất nhiều người Ukraine đã trở về nhà sau thời gian di tản.

Anh cũng lo lắng và trăn trở khi bản thân được sống tại nơi an toàn và ấm no, thì nhiều người bạn đang ngoài mặt trận, chấp nhận hy sinh bất cứ lúc nào.

"Tôi ước giúp đỡ họ nhiều hơn, nhưng điều duy nhất tôi có thể làm là duy trì trang báo thông tin và ủng hộ các quỹ quyên góp cho Ukraine.

Tôi hy vọng Ukraine sớm giải phóng được lãnh thổ, để mọi người được trở về căn nhà thân yêu của mình", người đàn ông nghẹn ngào.

Thực hiện: Hồng Hạnh - Minh Nhân

Ảnh: Nhân vật cung cấp