(Dân trí) - Trận động đất xảy ra tại 10 tỉnh phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cộng đồng người Việt.
Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ: Ám ảnh kinh hoàng, đêm tang thương sau động đất
Trận động đất xảy ra tại 10 tỉnh phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cộng đồng người Việt.
Ngày tang thương bao trùm
Sống tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), cách tâm chấn động đất khoảng 700km, chị Thảo vẫn chưa hết bàng hoàng trước thảm họa thiên nhiên khiến hơn 5.000 người thiệt mạng (tính đến tối 7/2).
Trận động đất 7,8 độ richter xảy ra rạng sáng 6/2 đã làm rung chuyển biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây là một trong những trận động đất mạnh nhất tại khu vực này trong gần một thế kỷ qua.
"Thủ đô Ankara cũng xuất hiện dư chấn rung lắc nhẹ. Mọi người đều hoảng sợ và lo lắng", người phụ nữ nhớ lại.
Chị Thảo kể, từ chiều tối 6/2, trung tâm thành phố Ankara trở nên vắng vẻ. Các công ty, văn phòng, cửa hàng đều đóng cửa sớm; học sinh được nghỉ học hết tuần.
Hơn 2 năm sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, từng một lần trải qua động đất tại một thành phố khác, nhưng người phụ nữ Việt vẫn chưa thể tin lại xuất hiện một trận động đất "như tận thế", cướp đi hàng nghìn sinh mạng.
"Một ngày tang thương bao trùm. Mỗi lần đọc tin tức, tôi vẫn rất bàng hoàng", chị nói.
Trong hai nhóm cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ mà chị Thảo tham gia, các thành viên liên tục nhắn tin, hỏi thăm lẫn nhau và sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết.
Sau khi nhận hàng loạt tin nhắn từ bạn bè và người thân, chị đăng tải bài viết lên tài khoản mạng xã hội, thông báo "cả gia đình đều bình an" và cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ sớm bước qua thảm kịch.
Chị Phạm Thị Kim Nguyên, 38 tuổi, sống tại Thổ Nhĩ Kỳ gần 4 năm, cảm thấy đau buồn và suy sụp tinh thần sau khi đọc những thông tin liên quan đến trận động đất kinh hoàng tại 10 tỉnh phía Đông Nam.
"Nguyên và gia đình may mắn vẫn ổn do không ở trong vùng nơi hai trận động đất xảy ra liên tiếp", chị viết lên trang cá nhân sau những lời hỏi thăm dồn dập từ người quen.
Theo chị Nguyên, tuyết rơi tại khu vực thảm họa khiến những người mắc kẹt dưới các đống đổ nát không thể cầm cự lâu, đồng thời cản trở các nỗ lực cứu hộ. Đấy chính là lý do số người thiệt mạng tăng nhanh.
Trong khi đó, chị Vũ Nam Phương Anh, 39 tuổi, sống tại TP Eskişehir, nghẹn ngào nói: "Quá bàng hoàng và khủng khiếp. Con số thương vong vẫn không ngừng tăng lên".
Khoảng 6h ngày 6/2 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), khi đang ngủ, chị nhận được tin nhắn từ bố ở Việt Nam hỏi có bị ảnh hưởng bởi động đất không? Chị bật dậy, đọc tin tức mới biết Thổ Nhĩ Kỳ vừa hứng chịu một thảm kịch.
"Nơi tôi sống cách xa vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1200km nên không cảm nhận thấy sự rung lắc. Tuy nhiên, tôi lo lắng cho người bạn sống tại tâm chấn", chị Phương Anh nói.
Chị nhanh chóng liên lạc với một người bạn sống tại TP Diyarbakır, nơi chịu ảnh hưởng lớn từ trận động đất. Người bạn cho biết vẫn bủn rủn chân tay vì vừa thoát khỏi vùng nguy hiểm. Người này kể trong lúc ngủ cảm thấy rung lắc mạnh, vội bế con lao ra giữa trời tuyết lạnh, đến lánh nạn tại nhà người quen.
Thoát nạn nhờ hoãn lịch công tác
Chị Kiều Anh, sống tại TP Eskişehir, nhớ lại sáng 6/2, trong lúc chồng làm việc online cùng nhiều đối tác ở khu vực phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận động đất, thì đường dây bên kia bất ngờ bị cắt đứt liên lạc.
Khi đó, tin tức về trận động đất tràn ngập các kênh thông tin khiến người phụ nữ bàng hoàng. Do không thể liên lạc với đối tác, người chồng đã hoãn lịch công tác đến các thành phố trong tâm chấn động đất, may mắn thoát nạn.
"Tôi thật sự buồn và đau xót khi nhiều nạn nhân là trẻ em", chị nói.
Kiều Anh cố gắng liên hệ với bạn bè, người thân và được biết mẹ của một người bạn không may qua đời, một số khác chưa thể kết nối.
Sang ngày 7/2, sau nhiều nỗ lực liên lạc, bạn bè thông báo may mắn chạy thoát nạn, nhưng nhiều tài sản bị hư hại do dư chấn gây rung lắc.
"Tôi đã sống tại Thổ Nhĩ Kỳ 2 năm, trước cũng từng cảm nhận động đất nhẹ. Động đất lần này thiệt hại quá lớn. Một phần do cơ sở hạ tầng không được kiên cố nên những căn nhà đổ sập dễ dàng", chị nói.
Người phụ nữ cho biết tất cả trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa. Chính phủ thông báo đang đối mặt với trận động đất lớn nhất kể từ năm 1939. Thời tiết rất lạnh vào mùa đông khiến những người chờ được giải cứu dưới đống đổ nát có nguy cơ chết cóng. Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian.
"Tình hình hiện tại chưa thể nói là ổn định, do những căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào", chị cho hay.
Anh Dương Nam Phương (33 tuổi) cùng người vợ Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Istanbul. Anh cho biết cuộc sống của một số người thân và bạn bè bị đảo lộn, chịu nhiều mất mát từ thảm họa.
Theo thói quen đọc báo mỗi sáng, anh giật mình khi tin động đất chiếm trọn các trang chủ sáng 6/2.
"Khi ấy, tôi nhanh chóng gọi điện cho gia đình chị vợ sống ở TP Mersin, cách nơi xảy ra động đất 150km. Người chị kể lại, khoảng 4h sáng, gia đình đang ngủ thì cảm nhận rung chấn nên tỉnh giấc. Cả nhà nháo nhào chạy ra ngoài. Đến chiều cùng ngày, họ lại lần nữa cảm nhận được trận động đất thứ hai, không dám quay về nhà, nên đã di chuyển về trang trại riêng và trú tạm trên xe ô tô", anh thuật lại.
Theo anh Phương, từ khi trận động đất xảy ra, các phương tiện thông tin tại Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cập nhật về công tác cứu nạn và số người thương vong. Điều đáng buồn là con số này vẫn liên tục tăng lên.
"Trận động đất diễn ra vào ban đêm nên gây mất mát lớn. Chính phủ đã thông báo 7 ngày quốc tang để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng. Không khí tang thương, rối bời đang bao trùm khắp nơi", anh Phương cho hay.
Người đàn ông cũng vừa hay tin bố mẹ của một người bạn thân không may thiệt mạng do bị vùi lấp trong đống đổ nát ở TP Hatay.
Người bạn làm việc cùng anh tại TP Istanbul, sáng 6/2 do không liên lạc được với gia đình nên đã phóng xe, vượt 2000km về Hatay. Đến nơi, anh mới hay bố mẹ đều đã thiệt mạng do chung cư nơi họ sinh sống bị sụp đổ hoàn toàn. Anh trai thì bị đa chấn thương, được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
"Rất xót xa. Tôi chỉ biết cầu mong mọi điều bình an sẽ đến với người thân còn lại của anh ấy và động viên bạn mạnh mẽ hơn", anh Phương buồn rầu nói.
Theo anh Phương, một tuần trước khi xảy ra trận động đất kinh hoàng, một số chuyên gia đã cảnh báo về cơn địa chấn này. Tuy nhiên, không ai ngờ, thảm họa lại mạnh đến mức như vậy và cùng lúc sau khoảng 8 tiếng lại xảy ra một trận mạnh không kém.
Anh Phương sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều năm, từng trực tiếp cảm nhận những trận động đất nhẹ từ 4-5 độ richter - chỉ khiến đồ đạc, nhà cửa rung lắc, không gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa, tính mạng con người.
"Chúng tôi đều sinh sống ở trong khu nhà cao tầng, khi động đất xảy ra thì sẽ rất khó chạy thoát. Cũng không biết các trận động đất xảy ra lúc nào, trong bao lâu. Nếu ban ngày thì mọi người còn biết nhà đang rung lắc để chạy được, còn ban đêm thì rất khó phán đoán", anh nói.
Chung tay giúp đỡ đồng bào Thổ Nhĩ Kỳ
Anh Dương Nam Phương hiện là một trong 3 quản trị viên của trang "Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ". Anh cho biết, khoảng 100 người Việt Nam đang sinh sống tại đây, bao gồm sinh viên, cựu sinh viên và một số chị em phụ nữ lấy chồng người nước này.
Ngay sáng 6/2, cộng đồng người Việt đã kết nối để cập nhật tình hình. Anh Phương cũng đã đăng tải các thông tin từ Đại sứ quán lên nhóm để các thành viên tiện liên lạc.
Theo anh Phương, qua chia sẻ của các đồng hương, hai mẹ con người Việt ở Diyarbakır đã kịp thời chạy khỏi nhà, một phụ nữ Việt khác sinh sống ở Adana tính đến 12h giờ ngày 7/2 theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa liên lạc được.
Nguyễn Thị Ngọc Huyền, 22 tuổi, thực tập sinh kinh doanh tại một công ty ở Istanbul, về Việt Nam đón Tết, thời gian tới sẽ quay lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong ngày 6/2, cô liên tiếp nhận được nhiều tin nhắn từ bạn bè, đồng nghiệp và công ty về tình hình động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những đoạn video, hình ảnh khiến cô gái trẻ cảm tưởng như "ngày tận thế".
"Gia đình một người bạn của tôi sống gần tâm chấn động đất, nhưng may mắn không sao", Huyền nói.
Hiện ở Istanbul, người Việt cập nhật thường xuyên tình hình miền Nam qua báo đài, nhiều kênh truyền hình tập trung đưa thông tin từ hiện trường. Những người có người thân hay bạn bè đi công tác tại khu vực này cũng đều hồi hộp xem tin tức.
"Vì là công dân Việt Nam ở nơi xa, nên khi nghe tin, tôi vừa lo vừa sợ, cầu nguyện Thổ Nhĩ Kỳ sớm vượt qua thảm kịch", Huyền nói.
Chị Hoàng Ngọc An (sống tại Ankara) vừa đáp chuyến bay từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. Dọc đường di chuyển từ sân bay tại TP Istanbul về nơi mình sinh sống, chị thấy các đoàn xe cứu trợ hối hả đi về phía các thành phố xảy ra động đất.
Theo chị, hiện khắp nơi trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung quyên góp và chuyển nhu yếu phẩm đến những thành phố tâm chấn. Hưởng ứng công tác cứu hộ, chị vận động mọi người gửi áo ấm tới các vùng chịu ảnh hưởng.
Hội nhóm cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phát đi lời kêu gọi "cùng chung tay giúp đỡ đồng bào Thổ Nhĩ Kỳ". Họ ủng hộ tư trang, vật dụng như quần áo, giày dép, thay vì tiền mặt.
Gia đình Kiều Anh đã cùng một nhóm bạn quyên góp sữa, chăn, lò sưởi và một số mặt hàng khác, đóng gói và chuyển đến vùng gặp nạn, hy vọng tiếp thêm sức mạnh cho các nạn nhân và lực lượng cứu hộ.
Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sáng 6/2 đã phát đi thông báo quan trọng: "Trận động đất sáng 6/2 xảy ra tại 10 tỉnh phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều người thương vong. ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền địa phương của 10 tỉnh thành nói trên để hỏi về thông tin người Việt".
Trao đổi với PV Dân trí tối 7/2, ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có ít người Việt sinh sống tại 10 tỉnh thành phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 6/2.
Theo Đại sứ quán, tính đến chiều 7/2, chưa ghi nhận trường hợp người Việt nào bị thiệt mạng, nhưng có một vài người bị ảnh hưởng về mặt vật chất và hoảng loạn về tinh thần (như nhà cửa đổ nát, phải ôm con nhỏ tháo chạy ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm giữa trời tuyết,...).
ĐSQ vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong trường hợp cần bất kỳ hỗ trợ nào, hay có biết ai cần hỗ trợ tại khu vực gặp nạn, đồng bào cần liên hệ ngay tới ĐSQ thông qua hotline: 0545 785 85 48.
"Trong mấy ngày tới, ĐSQ sẽ cử cán bộ đến một số địa phương nơi có bà con bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ", ĐSQ trả lời báo Dân trí.
Thực hiện: Phạm Hạnh - Minh Nhân
Ảnh: Reuters, AFP