DNews

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví "vua diều Việt Nam"

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Với người ta, thả diều chỉ là bộ môn chơi trong mùa nắng đẹp, gió nhiều (tháng 3 - tháng 6), nhưng với ông Nguyễn Thanh Vân thì khác, ông chơi diều xuyên suốt 365 ngày, bất kể nắng mưa.

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví "vua diều Việt Nam"

Cứ đều đặn 15h mỗi ngày, người đàn ông 75 tuổi với dáng người nhỏ nhắn lại có mặt ở khu vực gần chân cầu Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với chiếc diều trên tay. Mỗi lần xuất hiện, ông lại mang theo một con diều có hình dáng, kiểu cách khác nhau. Diều của ông thường gây chú ý vì có thiết kế đặc sắc, kích thước lớn, nổi bật.

Những người buôn bán ở khu vực này đều quen mặt, gọi ông bằng cái tên thân thương là bác Hai Vân. Còn người sành chơi diều thì quen gọi ông là thầy Vân. Ông chính là nghệ nhân diều Nguyễn Thanh Vân (SN 1949) - người được mệnh danh là "vua diều" tại TPHCM, từng được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân dân gian ở bộ môn Diều nghệ thuật.

Gần 70 năm cuộc đời "bay" cùng cánh diều  

75 năm cuộc đời, ông Vân đã có 69 năm gắn bó với cánh diều. Từ năm lên 6 tuổi, ông đã say mê bộ môn thả diều. Trong khi những đứa trẻ cùng xóm thường chóng chán, ông Vân lại "bỏ ăn, bỏ uống" vì... mê diều.

Từ một đứa trẻ rong ruổi với cánh diều, ông mày mò làm con diều đầu tiên cho mình khi lên 10 tuổi. "Ngày xưa đâu có game hay điện tử mà chơi, chúng tôi chỉ có chơi diều, đá cầu... Hồi nhỏ tôi hay bị cha mẹ đánh đòn vì mải mê chơi diều. Cứ hết giờ học là tôi mang diều ra đồng thả đến tối, quên luôn giờ cơm", ông kể. 

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 1

Khi xã hội ngày càng phát triển, phố xá được mở rộng, nhà cao tầng mọc lên san sát, sân chơi diều ngày càng ít dần, ông Vân vẫn lụi cụi đạp xe tìm những khu đất trống để thả diều.

Nghệ nhân tiết lộ ông chính là một trong những người đầu tiên đặt chân đến khu đồng diều lớn nhất miền Nam thời đó (nằm ở quận 8, TPHCM). 

Theo ông Vân, khu đất đó ban đầu là cánh đồng lúa vắng vẻ. Sau mỗi mùa gặt, ông thường mang diều ra thả rồi tập hợp thêm những người có cùng sở thích với mình. Số lượng người kéo đến thả diều ngày càng đông, từ đó nhiều người gọi nơi đây là "khu đồng diều". 

Ông Vân nói, những cánh đồng diều lớn ngày xưa ở TPHCM như Phú Mỹ Hưng, Trung Sơn hay Châu Tấn đều có sự hiện diện của ông. Khi khu đất này bị quy hoạch, ông lại đi tìm khu đất mới để chơi...

Công việc chính của ông Vân là làm thợ bảo trì ở khách sạn nhưng ông luôn tranh thủ thời gian chăm chút cho những cánh diều của mình.

"Cứ mỗi chiều tan làm, tôi lại mang diều lên sân thượng của khách sạn để thả. Lúc đó vẫn chưa có luật cấm thả diều trên nóc nhà. Đồng nghiệp, bạn bè ban đầu khá ngỡ ngàng với sở thích này của tôi, nhưng họ cũng dần quen", ông kể. 

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 2
Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 3

Khi được hỏi về đam mê "thả diều bất chấp nắng mưa" của mình, ông Vân cho rằng với dân chơi diều, thời tiết giống "người bạn" hơi thất thường nhưng chỉ cần hiểu ý là có thể chinh phục được.

"Miền Nam chỉ có mùa mưa, mùa nắng, nhưng mùa mưa hiếm khi mưa dai dẳng cả ngày. Những ngày mưa, tôi đợi tạnh rồi mang diều đi thả. Khi diều bay lên cao, tôi cột vào xe và ngồi ngắm, thấy trời có dấu hiệu mưa thì tôi kéo dây xuống. Nói chung, tôi thả diều suốt 365 ngày trong năm, trừ những khi mưa dai dẳng cả ngày thì mới nghỉ", ông nói.

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 4

Theo ông Vân, dân chơi diều phải biết khảo sát địa hình và nghiên cứu hướng gió. Nếu muốn thả diều, dĩ nhiên phải có gió. Ngoài ra, địa hình không thuận lợi cũng dễ gây ra tai nạn. Bản thân ông cũng từng gặp không ít tai nạn "dở khóc dở cười" khi diều đứt dây. 

Nói chuyện hồi lâu, ông Vân chỉ tay lên bầu trời, nói: "Nhiều người hỏi tôi, thả diều có gì đặc biệt mà say sưa đến thế. Bạn nhìn xem, hình ảnh diều sải cánh trên bầu trời có thể giúp ta quên hết mọi gánh nặng, không còn suy nghĩ hay buồn phiền. Khi ngắm nhìn mỗi con diều do mình làm ra được bay lên cao, tôi cảm thấy mình vừa hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật". 

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 5

"Vua diều" TPHCM vươn ra thế giới

Theo năm tháng, cánh diều của ông Vân dần được nhiều người biết đến hơn. Từ một người chơi vì đam mê, ông Vân đã mang cánh diều của mình vươn ra thế giới với nhiều thành tích nổi bật.

Năm 2006, người ta lần đầu biết đến cái tên Nguyễn Thanh Vân khi con diều rồng dài 100m của ông được tổ chức Vietbook xác lập kỷ lục ở Festival biển Vũng Tàu.

Tại Festival diều nghệ thuật quốc tế năm 2009 tổ chức ở Trung Quốc, con diều sáo (sải cánh 4m, dài 3m) của ông đã mang về giải Bạc. Sau đó 1 năm, ông xuất sắc giành được giải Nhất nhờ con diều chim phượng hoàng (sải cánh 6m, dài 12m) tại Festival diều nghệ thuật quốc tế năm 2010 tổ chức ở Ấn Độ.

Với loạt thành tích đáng nể, ông đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân dân gian ở bộ môn Diều nghệ thuật. 

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 6
Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 7

Để có được những thành tựu ấy, ông từng trải qua không ít thăng trầm với bộ môn này. Dù thế, chưa một lần ông nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ những con diều của mình. Ông nói, làm diều thỏa đam mê chứ không có nhu cầu phải kinh doanh.

Nghệ nhân cho biết, hiện nhà ông có hơn 500 mẫu diều tự chế. Trong đó, có những mẫu diều được ông lấy cảm hứng từ địa danh nổi tiếng như chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng, chùa Một Cột, cột cờ Hà Nội…

"Tôi làm diều tùy hứng, thích gì sẽ làm đó. Tôi làm diều chủ yếu vì đam mê chứ không phải muốn bán cho ai. Trừ khi tôi thấy có người thật sự thích diều thì sẽ tặng họ", ông nói. 

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 8
Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 9

Hiện tại, ông Vân đã ở tuổi về hưu nhưng vẫn miệt mài chế tác diều. Vào các mùa lễ hội diều trong năm, ông luôn được các đơn vị trong nước và quốc tế ngỏ lời mời tham dự.

"Ở tuổi này, tôi còn mong gì hơn ngoài việc có sức khỏe để chơi diều. Một ngày của tôi trôi qua đơn giản và chỉ xoay quanh mấy con diều. Buổi sáng, tôi tập thể dục, ăn uống xong là bắt tay vào làm diều. Đến chiều là tôi lại xách đồ đi thả diều đến tối mới về (cười)", nghệ nhân bộc bạch.

Với ông, mùa thả diều đẹp nhất trong năm là khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 vì trời nắng đẹp, gió nhiều. Đặc biệt, đó cũng là thời điểm có đông người dân tham gia thả diều, nhờ thế mà cánh diều của ông cũng đỡ cô đơn hơn.

"Vua diều" nói ở tuổi 75, ông vẫn thích ngắm những đứa trẻ thả diều vì thấy được hình ảnh lúc nhỏ của mình trong đó...

Người đàn ông tự chế hơn 500 con diều, được ví vua diều Việt Nam - 10