PhotoStory

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ

Thực hiện: Tiến Thành

(Dân trí) - Gần Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị, có một ngôi nhà hết sức đặc biệt, được làm từ vỏ của hàng trăm quả bom, đạn và rất nhiều kỷ vật chiến tranh.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 1

Chủ nhân của căn nhà độc đáo này là ông Trần Công Chức (54 tuổi), trú tại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Căn nhà làm bằng vỏ bom được ông Chức xây dựng trên thửa đất bên đường mòn Hồ Chí Minh, gần đường vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 2

Theo ông Chức, ý tưởng làm nhà bằng vỏ bom được ông nhen nhóm từ khi mới hơn 20 tuổi. Từ đó đến nay, ông Chức đã lặn lội khắp nơi, sưu tầm khoảng 1.000 kỷ vật chiến tranh và vỏ bom, đạn các loại, mang về cất giữ để thực hiện ý tưởng của mình.

"Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trên miền "đất lửa", năm 1967 từng mất đi 6 người thân vì bom đạn, bởi vậy những mất mát, ký ức chiến tranh vẫn luôn hằn sâu. Tôi muốn sưu tầm kỷ vật chiến tranh để lưu giữ ký ức lịch sử của đất nước, nhắc nhở các thế hệ không bao giờ được quên công lao của cha anh đi trước", ông Chức chia sẻ.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 3
Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 4

Sau hơn 20 năm tiến hành sưu tầm vỏ bom, đạn và kỷ vật chiến tranh, đầu năm 2023, ông Chức bắt tay vào xây dựng "Căn nhà bom - ký ức Trường Sơn". Đến nay, công trình đã hoàn thiện khoảng 60%. Ngôi nhà của ông Chức được làm từ khoảng 300 vỏ bom, đạn các loại, rộng gần 200m2, được thiết kế theo lối kiến trúc nhà rường cột phương Đông với 18 cột, lợp mái lá.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 5

Mỗi cột được kết nối, hàn lại chắc chắn bởi 3-4 vỏ bom có kích thước từ lớn đến nhỏ, với tổng chiều cao 4-6m. Vỏ quả bom nặng nhất (nằm dưới cùng) thuộc loại AN M66A2, nguyên bản nặng hơn 900kg. Riêng vỏ cũng đã nặng hơn 380kg, đường kính gần 60cm, chiều dài gồm cả đuôi bom là 2,35m.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 6

Tất cả vỏ bom, đạn được ông Chức lựa chọn kỹ, nhờ người có chuyên môn thẩm định để không còn thuốc nổ, kíp nổ. Các vỏ bom được hàn với nhau thành trụ, tính toán kích thước rồi dùng máy cẩu dựng lên. Số vỏ bom còn lại được ông trưng bày quanh ngôi nhà, sắp tới ông cũng sẽ làm hàng rào xung quanh bằng vỏ bom.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 7
Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 8

Sau khi ngôi nhà được hoàn thiện, ông sẽ đưa toàn bộ "gia tài" kỷ vật đã dày công thu thập hơn 20 năm qua vào trưng bày. Bên cạnh đó, ông Chức cũng sẽ tái hiện khuôn viên 1.000m2 thành một Trường Sơn thu nhỏ với bếp Hoàng Cầm, rừng đoác, hố bom…

Dự kiến, ngôi nhà được làm từ vỏ bom của ông Chức cũng như toàn bộ khuôn viên sẽ hoàn thiện trước dịp 27/7, nhằm phục vụ du khách tham quan.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 9

"Tôi xây dựng căn nhà bằng vỏ bom và trưng bày nhiều kỷ vật chiến tranh ở gần Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn với mong muốn trở thành một "mảnh ghép", kết nối ký ức chiến tranh với hòa bình. Để ai đến đây cũng có cái nhìn trực quan về bom đạn, để thấu hiểu hơn về những gian khổ, sự hy sinh của bộ đội trong những năm tháng chiến tranh", ông Chức cho biết thêm.

Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 10
Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 11
Người đàn ông mất 6 thân nhân, làm căn nhà đặc biệt bên nghĩa trang liệt sĩ - 12

Với sự độc đáo của căn nhà làm từ vỏ bom cũng như gần 1.000 kỷ vật chiến tranh, hứa hẹn căn nhà của ông Chức sẽ thu hút sự quan tâm và trở thành điểm đến của nhiều người dân, du khách, đặc biệt là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ khi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.