Hậu trường livestream 100 tỷ đồng: Cặp đôi Tiktoker nhận về bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - Cặp vợ chồng Hà Nội gây xôn xao với phiên livestream (bán hàng trực tuyến) kéo dài 18 tiếng, đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Với số tiền "khủng" trên, họ được nhận thù lao bao nhiêu tiền?
Ngày 5/5, anh Lã Quốc Quyền (29 tuổi) và chị Nguyễn Lan Anh (32 tuổi, sống tại Hà Nội) mở phiên livestream (bán hàng trực tuyến) dự định kéo dài 14 tiếng, kỳ vọng đạt tổng doanh thu 100 tỷ đồng.
Trước đó, phiên livestream hồi tháng 3 của cặp vợ chồng này đã đạt tổng doanh thu hơn 75 tỷ đồng chỉ sau 13 giờ, tạo ra kỷ lục mới cho ngành thương mại điện tử.
Khoảng 50 người đến từ các nhãn hàng, KOC, KOL... có mặt hỗ trợ phiên livestream được cho là "khủng" nhất từ trước đến nay.
Anh Quyền cho biết đây là lần đầu nền tảng tài trợ 1 triệu USD (khoảng 26 tỷ đồng) cho một phiên livestream.
Trong một tháng chuẩn bị cho phiên livestream, vợ chồng anh đã di chuyển nhiều tỉnh thành trong cả nước để đàm phán với 100 nhãn hàng của 5 ngành hàng hàng đầu. Cặp đôi cho biết đã chơi lớn "thuê du thuyền trị giá 500 tỷ đồng" để quay video quảng bá chương trình.
Một phiên livetream cơ bản có 5-6 người livestream chính, ngoài ra còn nhân sự kỹ thuật, làm việc nhãn hàng, điều phối và hỗ trợ livestream (hô hào, hỗ trợ sản phẩm). Đặc biệt, những phiên 12 tiếng, 24 tiếng, số lượng nhân sự lớn hơn nhiều lần.
Đội hỗ trợ livestream (góc phải) liên tục hô hào, tạo năng lượng cho phiên bán hàng trực tuyến.
Phiên livestream 100 tỷ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn bùng nổ diễn ra trong 3-4 tiếng đầu, với những mặt hàng best - seller (bán chạy nhất), số lượng giới hạn.
"Đây là thời điểm nền tảng "bơm" những voucher rẻ nhất", anh Quyền nói.
Thế mạnh của vợ chồng anh là mặt hàng gia dụng, nhà cửa và đời sống. Với những mảng không phải là lợi thế, họ sẽ được những người bán hàng hàng đầu của nhãn hàng hỗ trợ.
Anh Vũ Hoàng Hải (ngoài cùng bên trái, hàng trên) được mời đến phiên livestream để quảng bá đặc sản quê hương. Anh livestream 20 phút, chia làm 4 lần xuất hiện.
"Đây là cơ hội đưa hàng hóa, nông sản của bà con lên sàn thương mại điện tử. Chúng tôi chấp nhận giảm giá sâu, thậm chí lỗ để quảng bá sản phẩm", anh Hải nói.
Một năm gần đây, anh Hải bắt đầu bán hàng trực tuyến, phiên livestream lâu nhất kéo dài 36 tiếng. Theo anh, một phiên livestream thành công đòi hỏi đội ngũ 40-50 người, mỗi người luân phiên livestream 30 phút.
"Dù cũng hơi khản cổ, nhưng khi vào livestream, năng lượng của tôi lại tràn trề", anh cho biết.
Ngoài anh Hải, 10 người đại diện các nhãn hàng, nền tảng trong và ngoài nước cũng có mặt để "chăm sóc" trực tiếp sự kiện này.
Chị Quỳnh, đại diện một nhãn hàng mẹ và bé, cho biết cũng từng tổ chức phiên livestream 12 tiếng, doanh thu lớn nhất là 7 tỷ đồng.
Anh Hải cũng cho hay doanh thu lớn nhất anh từng đạt được khoảng vài tỷ đồng, nhưng thực nhận là tiền hoa hồng từ nhãn hàng, con số này khoảng 10%.
Sau một tiếng, phiên livestream đạt doanh thu 20 tỷ đồng. Người xem luôn duy trì đều đặn từ 25.000 - 36.000 người, đỉnh điểm đạt 60.000 lượt theo dõi.
Đến 0h ngày 6/5, phiên bán hàng trực tuyến cán mốc 95 tỷ đồng, chưa đạt mục tiêu đề ra ban đầu nên cặp đôi đã "quyết chiến" đến khi nào "về số" thì thôi. Đến 3h, vợ chồng anh Quyền chính thức đạt kỷ lục 100 tỷ đồng.
Sau khi tính toán tổng doanh thu từ các đơn hàng hoàn tất, các đơn hoàn hoặc hủy, gia đình anh Quyền được trích nhận hoa hồng. Số tiền thu về có thể là tiền tỷ nhưng còn trừ tiền quảng cáo, tiền thuế và rất nhiều chi phí khác.
"Chúng tôi xác định đi đường dài, vì thế chỉ nhận % hoa hồng rất nhỏ và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Do đó, chúng tôi có thể tự tin công bố doanh thu của mỗi phiên livestream", anh Quyền nói.
Chị Lê Khánh Linh, Giám đốc một công ty agency, người thường xuyên kết nối với các KOL, KOC, cho biết tính xác thực của doanh thu tiền tỷ khó kiểm chứng, tuy nhiên mang lại hiệu ứng truyền thông "khủng".
Theo chị, việc livestream liên tiếp trong 11-12 giờ đồng hồ được coi là khoảng thời gian đủ dài để níu chân người xem và kích cầu, tăng doanh thu. Trên thực tế, không nhiều người bán có khả năng livestream liên tục từ 8 tiếng trở lên.
Chị Khánh Linh cho hay, thông thường khi các KOC, KOL hợp tác với nhãn hàng sẽ đưa ra mức cát-xê và hoa hồng tùy vào từng nhãn.
Trên thực tế, mặt hàng đồ mẹ và bé có mức hoa hồng tương đối thấp, vì chủ yếu KOC, KOL làm việc trực tiếp với nhãn hàng, không qua trung gian. Với mặt hàng bỉm trẻ em, mức hoa hồng phổ biến cho KOC, KOL dao động 3-5%.
"Những KOC, KOL tự tin doanh số livestream thường sẽ không cần cát-xê mà yêu cầu nhãn hàng trả hoa hồng cao. Tùy vào độ lớn của từng thương hiệu, KOC, KOL sẽ đưa ra mức yêu cầu hoa hồng cụ thể, không có con số chính xác, thông thường từ 10-15%", chị Linh nói.