Vợ chồng Hà Nội gây xôn xao khi tuyên bố livestream doanh thu 100 tỷ đồng
(Dân trí) - Cặp vợ chồng TikToker hơn 4 triệu người theo dõi gây xôn xao khi thông báo mở phiên livestream (bán hàng trực tuyến) 100 tỷ đồng.
Xôn xao phiên livestream 100 tỷ đồng
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao đoạn video cặp vợ chồng hot TikToker ở Hà Nội thông báo mở phiên livestream (bán hàng trực tuyến) doanh thu 100 tỷ đồng, được cho là "lớn nhất Đông Nam Á".
Trong video, cặp đôi đứng trên du thuyền hạng sang ở Hạ Long, tuyên bố phiên livestream sẽ kéo dài 15 tiếng vào ngày 5/5, "phá đổ mọi kỷ lục".
"Nền tảng sẽ tài trợ 26 tỷ đồng tiền voucher, miễn phí toàn bộ đơn hàng. Trong khi nhãn hàng cam kết giá độc quyền rẻ nhất mọi nền tảng", chủ kênh cho hay.
Đoạn video nhanh chóng thu hút hơn 21 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt tương tác và bình luận. Nhiều người dùng mạng mong chờ phiên livestream để "săn" hàng hóa, song cũng có người hoài nghi về tính xác thực của sự kiện này.
Theo tìm hiểu, chủ kênh bán hàng này là anh Lã Quốc Quyền (29 tuổi) và vợ Nguyễn Lan Anh (32 tuổi), sống tại Hà Nội. Trước đó, phiên livestream hồi tháng 3 của cặp đôi đã đạt tổng doanh thu hơn 75 tỷ đồng chỉ sau 13 giờ, tạo ra kỷ lục mới cho ngành thương mại điện tử.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Quyền xác nhận ngày 5/5 vợ chồng anh sẽ mở phiên livestream "siêu khủng", kỳ vọng đạt doanh thu 100 tỷ đồng.
Anh Quyền cho biết đây là lần đầu nền tảng tài trợ 1 triệu USD (khoảng 26 tỷ đồng).
Trong thời gian chuẩn bị, vợ chồng anh đã di chuyển nhiều tỉnh thành trong cả nước để đàm phán với các nhãn hàng. Cặp đôi cho biết đã chơi lớn "thuê du thuyền trị giá 500 tỷ đồng" để quay video quảng bá chương trình.
Đằng sau những phiên livestream doanh thu hàng tỷ đồng
Theo chủ kênh, có rất nhiều yếu tố quyết định sự thành công của một phiên livestream, mang về doanh thu tiền tỷ, như: mức giá rẻ, truyền thông trước sự kiện, lựa chọn nhãn hàng, sản phẩm, hỗ trợ từ chính nền tảng, kỹ năng livestream, cũng như sự kết hợp của ekip.
Một phiên livetream cơ bản có 5-6 người gồm nhân sự kỹ thuật, làm việc nhãn hàng, điều phối và hỗ trợ live (hô hào, hỗ trợ sản phẩm). Đặc biệt, những phiên 12 tiếng, 24 tiếng, số lượng nhân sự lớn hơn nhiều lần.
Ngoài ra, uy tín, thương hiệu cá nhân của chủ kênh cũng là một trong những yếu tố "then chốt".
Trong phiên livestream hơn 75 tỷ đồng hồi tháng 3, sau khi tính toán tổng doanh thu từ các đơn hàng hoàn tất, gia đình anh Quyền được trích nhận hoa hồng. Số tiền thu về có thể là tiền tỷ nhưng còn phải trừ tiền quảng cáo, tiền thuế và rất nhiều chi phí khác.
"Chúng tôi xác định đi đường dài, vì thế chỉ nhận % hoa hồng rất nhỏ và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Vì thế, chúng tôi có thể tự tin công bố doanh thu của mỗi phiên livestream", anh Quyền nói.
Trước khi lấn sân livestream bán hàng, anh Quyền làm bất động sản, còn vợ kinh doanh. Cả hai xuất phát điểm bình thường, từng làm nhiều công việc tay chân như bưng bê, chạy bàn.
Gia đình anh trở nên nổi tiếng sau một lần "hữu duyên" anh đăng tải đoạn video chị Lan Anh dạy con gái lớn Bánh Bao (5 tuổi) học bài lên mạng xã hội.
"Trong thời gian dịch Covid-19, có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi quay video để ghi lại những câu chuyện về cuộc sống gia đình, vô tình được nhiều người yêu mến. Các video trên kênh nhận nhiều sự ủng hộ, đạt hàng triệu lượt xem", anh nói.
Buổi livestream đầu tiên của cặp vợ chồng vào tháng 5/2023, đạt doanh số "bùng nổ" 4,6 tỷ đồng.
Để chuẩn bị phiên livestream đầu tiên, vợ chồng anh đã mất ngủ cả tuần, thậm chí bàn tính sẽ bỏ ra 300 triệu đồng tiền túi trả lại cho nhãn hàng nếu như không bán được hàng.
Trong buổi hôm đó, anh Quyền thừa nhận còn non nớt, không hiểu nhãn hàng. Chị Lan Anh không biết điều chỉnh cảm xúc và giọng nói. Sau đó, cặp đôi livestream nhiều hơn, lắng nghe góp ý của khách hàng để dần điều chỉnh lại như giảm bớt ánh sáng, tông giọng nhỏ nhẹ hơn.
Trong bối cảnh người người nhà nhà đổ xô livestream, anh Quyền nói nếu người ta thấy dễ thì dễ, còn thấy khó thì sẽ rất khó, tùy vào uy tín, thương hiệu cá nhân của mỗi chủ kênh.
Trước anh Quyền và chị Lan Anh, nhiều cái tên được mệnh danh là "chiến thần livestream" nổi lên như: Võ Hà Linh, Phạm Thoại, Long Chun… Hình thức bán hàng qua livestream ngày càng trở nên phổ biến, nhưng trên thực tế nghề này không hề "màu hồng".
Một trong những điều khiến Thanh Phong (25 tuổi, ở TPHCM) cảm thấy áp lực, chính là việc livestream liên tục, không có thời gian nghỉ giữa các phiên. Thậm chí, có những hôm, anh không kịp ăn uống, đi vệ sinh trước khi bắt đầu những phiên bán hàng.
Từ những sự cố bản thân, Thanh Ngọc (26 tuổi) rút ra kinh nghiệm sâu sắc ngồi livestream đến đơ cả lưng cũng không dám tựa người nghỉ ngơi. Hôm nào quên trang bị nước uống thấm giọng, mà ở nhà không có ai để nhờ, cô cũng đành chịu khát. Không ít người cho rằng nhiều người đã chọn livestream làm công việc chính, nên độ cạnh tranh khá gắt gao.
Vậy nên streamer muốn có "đất sống", phải chịu đầu tư về ngoại hình, nội dung, vắt kiệt chất xám để gây chú ý với người xem. Tuy nhiên, nhiều người đang theo đuổi công việc bán hàng trực tuyến này thừa nhận, không phải cứ nói chuyện hay, có kiến thức, có sản phẩm tốt sẽ tạo ra được những phiên live "chấn động" với doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Để trở thành streamer có tiếng trong giới, có thu nhập khổng lồ, đâu đó còn cần có sự may mắn.