DMagazine

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng

(Dân trí) - Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, Hữu Khoa lăn xả giữa tâm dịch cùng đội mai táng 0 đồng. Từ nhiều góc máy khác nhau, anh đã ghi lại khoảnh khắc ám ảnh về những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng

Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, Hữu Khoa lăn xả giữa tâm dịch ở TPHCM cùng đội mai táng 0 đồng. Từ nhiều góc máy khác nhau, anh đã ghi lại không ít khoảnh khắc ám ảnh về những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch.

Còn rất nhiều những hình ảnh xót xa chưa được chia sẻ

Tối 21/6, tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), tác giả Trần Hữu Khoa - Báo Dân trí đã vinh dự nhận giải B Giải báo chí Quốc Gia lần thứ XVI. Phóng sự đưa Hữu Khoa đứng trên bục vinh danh thành quả lao động của người cầm bút trong đúng ngày kỉ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam có tên "Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM" .

Ít ai biết rằng, trước khi phóng sự này lên trang là những tháng ngày đeo bám nhân vật bền bỉ, bất chấp hiểm nguy, đi đến từng ngõ ngách TPHCM trong những ngày đỉnh dịch của tác giả.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 1

Một bức ảnh trong bài viết "Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM" (Ảnh: Hữu Khoa).

Từ những góc máy khác nhau, Hữu Khoa đã ghi lại những khoảnh khắc ám ảnh, khiến người đọc nghẹn ngào, xúc động. Ở đó, người ta thấy được những phận đời ra đi lặng lẽ giữa đại dịch, những phút chia ly khắc khoải của đôi ngả dương gian và hơn tất cả là sự hi sinh thầm lặng của những người trẻ hết mình vì cộng đồng.

Hữu Khoa chia sẻ, anh từng tham gia tác nghiệp ở nhiều địa bàn khó khăn, từng chứng kiến những cái chết thương tâm do tai nạn, lũ lụt hay sạt lở đất gây ra.

Nhưng dẫu sao, những con người ấy, khi ra đi vẫn được người thân tổ chức đám tang chu đáo, sắm cho tấm áo liệm, đặt trong cỗ áo quan chắc chắn, dâng cúng hương hoa, quả lễ đầy đủ. Còn những cái chết do Covid-19, theo Hữu Khoa cảm nhận, thực sự ám ảnh và cô độc.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 2

Tác giả Trần Hữu Khoa. (Ảnh: Mạnh Quân)

Những hình ảnh xuất hiện trong bài phóng sự chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng nghìn bức ảnh Hữu Khoa đã bấm máy khi đi theo đội mai táng 0 đồng. Còn rất nhiều những hình ảnh xót xa khác chưa được chia sẻ.

Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, khi Hữu Khoa thực hiện bài phóng sự này, TPHCM bước vào giai đoạn đỉnh dịch. Mỗi ngày, TPHCM xuất hiện hàng nghìn ca nhiễm. Ngày đỉnh điểm, thành phố này ghi nhận trên 300 người tử vong do Covid-19, lệnh phong tỏa được siết chặt.

Ra đường khi ấy chỉ có lực lượng y tế, quân đội, nhân viên trực chốt… Từ một thành phố sôi động không ngủ, TPHCM gần như đóng băng vì "sát thủ giấu mặt mang tên Covid-19".

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 3
Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 4
Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 5
Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 6

Để bảo toàn tính mạng, nhiều người lựa chọn cố thủ trong nhà, người thì tìm cách rời bỏ TPHCM để về quê tránh dịch…

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo Báo Dân trí đã liên tục nhắc nhở phóng viên cần giữ gìn sức khỏe, đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu.

Hữu Khoa có thể lựa chọn ở nhà làm việc hoặc tác nghiệp qua điện thoại, nhưng vốn là một phóng viên xông xáo, yêu nghề, anh không thể ngồi yên một chỗ.

Cứ như vậy, mỗi ngày, Hữu Khoa vác máy ảnh ra đường ghi nhận những diễn biến nóng bỏng trong "cuộc chiến" với Covid-19 của TPHCM. Khoảng thời gian này, anh ở các bệnh viện dã chiến và khu phong tỏa… nhiều hơn ở nhà. 

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 7
Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 8

Tôi đã từng do dự trước "sát thủ giấu mặt" mang tên Covid-19

Một lần tình cờ, anh xem được đoạn livestream (phát sóng trực tiếp) quay cảnh các tình nguyện viên đến từng nhà tẩm liệm rồi đưa những người dân không may qua đời vì Covid-19 đi hỏa thiêu.

Các tình nguyện viên có người là nhân viên ngân hàng, tiếp viên hàng không, sinh viên… Họ làm mọi việc đều từ tâm và hoàn toàn miễn phí, không vì một lợi ích gì. Hữu Khoa nảy ra ý tưởng sẽ theo chân đội mai táng 0 đồng này.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 9

Đội mai táng 0 đồng và những chuyến xe phục vụ miễn phí. (Ảnh: Hữu Khoa)

Hữu Khoa xác định, theo chân đội thiện nguyện là bản thân sẽ tiếp xúc với những tình nguyện viên trực tiếp tẩm liệm cho người nhiễm Sars-CoV-2, sẽ tác nghiệp ở cự li rất gần với các thi thể… nguy cơ nhiễm bệnh chắc chắn còn cao hơn nhiều khi anh đến các bệnh viện dã chiến hay các khu phong tỏa trước đây. Nếu không may nhiễm bệnh, anh có thể sẽ lây lan virus cho vợ và cô con gái mới hơn 1 tuổi.

Hữu Khoa băn khoăn giữa một bên là đam mê nghề nghiệp, một bên là sức khỏe của bản thân và gia đình. Tin tức về số ca tử vong do Covid-19 tăng cao mỗi ngày và việc liên tục nghe tin bạn bè cùng một số người thân của họ qua đời vì Covid-19… khiến anh có đôi chút do dự.

Một buổi tối, Hữu Khoa lại ngồi xem những hình ảnh phát trực tiếp của đội mai táng 0 đồng. Hôm đó, đội đến một ngôi nhà có hai người tử vong vì Covid-19. Hai người họ sống cùng nhau, dường như không có người thân thích.

Cả hai qua đời khi nào hàng xóm cũng không hay biết. Đến khi hai xác chết bốc mùi phân hủy, những người sống xung quanh mới gọi điện nhờ đội mai táng 0 đồng đến đưa thi thể đi.

"Xem xong clip ấy và nghĩ đến cảnh những bác sĩ làm việc lúc nào cũng như chạy trong các bệnh viện, những con người đang lao vào tâm dịch, tôi đã quyết định mình phải theo chân đội 0 đồng và ghi lại những khoảnh khắc hi sinh thầm lặng của họ. Vợ tôi lúc đầu  phản đối, nhưng sau khi xem buổi livestream, cô ấy đã ủng hộ tôi", tác giả Hữu Khoa kể lại.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 10
Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 11

Nhiều anh em, bạn bè nghe tin Hữu Khoa đi theo chân đội mai táng 0 đồng đã hết lời ngăn cản. Anh kể: "Bạn tôi nói, nếu không may tôi xảy ra chuyện, chỉ có gia đình, vợ con tôi khổ, còn nếu không có bài báo của tôi thì... cũng không ai chết cả.

Tôi thực sự đã có những phút chần chừ, do dự. Nhưng rồi tôi nghĩ, là một người làm báo, tôi có trách nhiệm phải ghi nhận lại những điều này để cho nhiều người biết rằng, trong thời điểm thành phố gặp khó khăn vẫn có những con người nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, hết lòng vì cộng đồng. Những nghĩa cử cao đẹp ấy, nếu mình không truyền tải thì làm gì còn có ai khác nữa?".

Tuy nhiên, khi tiếp cận các thành viên của đội mai táng, Hữu Khoa không dễ dàng nhận được sự hợp tác. 

Ngày đầu tiên gặp mặt, Hữu Khoa cất hết đồ nghề tác nghiệp vào một góc. Anh dành gần một ngày đồng hành, tâm sự để hiểu hơn tâm tư của các thành viên trong đội. Từ đó, anh quyết định lựa chọn cách thức theo chân trong nhiều ngày để phản ánh chân thực và toàn diện nhất công việc của những tình nguyện viên thầm lặng này.

Tác phẩm chạm đến trái tim người đọc

Quá trình tác nghiệp, Hữu Khoa càng hiểu thêm về các tình nguyện viên. Trong đội tình nguyện ấy, có người tham gia vì không thể ngồi yên khi ngoài kia đang có quá nhiều người kiệt sức vì dịch bệnh. Có người vì từng được đội mai táng giúp đỡ tẩm liệm người thân mắc Covid-19 nên đã tham gia hoạt động này để trả nghĩa cho đời…

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 12

"Tôi nhớ mãi câu chuyện của cô gái tên Uyển Nhi ở quận 4. Tám người thân của Nhi qua đời vì Covid-19 trong vòng chưa đầy 1 tháng. Cô gái xót xa, đau đớn không còn thiết sống và chỉ nghĩ đến chuyện tự tử.

Tuy nhiên, sau đó, Nhi nghĩ rằng, dẫu có chết mình cũng phải chết cho ý nghĩa. Vì vậy, cô tham gia đội mai táng 0 đồng để trợ giúp các thành viên trong đội chuẩn bị đồ tẩm liệm cho các thi thể. Nhi nghĩ, nếu mình không may mắc Covid-19 và qua đời thì đó cũng là một cái chết có ích", Hữu Khoa xúc động nhớ lại.

Trong quá trình tác nghiệp, Hữu Khoa luôn tuân thủ các quy định về bảo hộ, khử khuẩn. Để có được những bức ảnh đầy ắp thông tin, có những hôm, anh theo chân đội thiện nguyện cả một ngày trời, có hôm lại thức trắng đêm cùng họ.

Anh ăn lương khô để có cảm giác no lâu. Khi đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, dù khát mấy anh cũng không uống nước… để không phải đi vệ sinh, tiết kiệm đồ bảo hộ. Sống và tác nghiệp nơi tâm dịch, Hữu Khoa cảm thấy vô cùng may mắn khi mình không bị nhiễm bệnh, vẫn mạnh khỏe để có thể xông pha đi khắp thành phố.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 13
Còn rất nhiều những hình ảnh xót xa chưa được chia sẻ. Đó là cảnh những chuyến xe chất tới 4-5 thi thể chồng chéo lên nhau, vòng vèo trên nhiều tuyến phố trước khi đi đến lò hỏa thiêu; là hình ảnh cận cảnh những đôi bàn chân, bàn tay nhũn nhão sau nhiều ngày tử vong khiến những tình nguyện viên vốn thường ngày chỉ tiếp xúc với máy tính, sổ sách phải lấy hết can đảm mới vượt qua nỗi sợ để tẩm liệm cho người đã khuất…
PV Hữu Khoa

Hữu Khoa kể có quá nhiều khoảnh khắc ám ảnh đọng lại trong anh những ngày ấy. Lần đầu tiên bấm máy, anh đã không kìm được xúc động, nước mắt làm nhòe cả ô ngắm trên máy ảnh.

Hôm ấy, gia đình anh đến có một cụ ông qua đời vì Covid-19. Trước khi đội mai táng có mặt, gia đình để cụ ông nằm nguyên trên giường trong căn phòng nhỏ rồi đắp cho ông chiếc chăn mỏng.

Trong nhà lúc này còn có một người con trai và một người con gái. Sau khi làm thủ tục khâm liệm, người con trai đã mặc chiếc áo mưa - coi đó như bộ đồ bảo hộ rồi quỳ lạy ở một khoảng gần hơn để tiễn biệt cha. Nhà chỉ có một chiếc áo mưa nên người con gái đành phải đứng từ xa khóc nghẹn.

"Khi xuống đến đường, họ vẫn quỳ ở dưới đường vái lạy khi chiếc xe chở thi thể cha đã đi xa. Nhìn cảnh tượng ấy, tay tôi run run. Tôi cố trấn tĩnh và tự nhủ cần giữ vững tâm lý, lựa chọn góc chụp để có được những bức hình chân thực nhất", tác giả Hữu Khoa chia sẻ.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 14

Những hình ảnh xót xa thắt lòng qua ống kính của Hữu Khoa. (Ảnh: Hữu Khoa)

Một lần khác, anh lại cảm thấy ám ảnh vì mâm cúng người quá cố quá mức đơn sơ của một gia đình. Khi đội mai táng đến, người thân trao cho các tình nguyện viên một nải chuối nhỏ chừng chục quả nhờ làm "mâm cúng".  Trong bối cảnh giãn cách ngặt nghèo, hàng quán khắp nơi đóng cửa, thực phẩm khan hiếm, nải chuối ấy có lẽ là món đồ cúng tươm tất nhất mà gia đình chuẩn bị được. Những gia đình Hữu Khoa đến sau này, người chết gần như không có một chút đồ cúng nào.

Trong khoảng 2 tháng trời, Hữu Khoa đã chứng kiến rất nhiều khoảnh khắc tiễn biệt chóng vánh, xót xa như thế. Thậm chí, có những con người đã đi cùng nhau cả cuộc đời nhưng đến giây phút cuối, họ cũng chẳng thể nói với nhau lời từ biệt.

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 15

Cuộc chia ly không lời của cụ ông với người thân. (Ảnh: Hữu Khoa)

Anh xúc động kể: "Tôi nhớ mãi hình ảnh cụ bà nằm trên tấm nệm mỏng trên lầu 2 một ngôi nhà ở huyện Bình Chánh. Khi đội tình nguyện đến, họ đeo cho cụ bà một đôi vớ trắng, cuốn tấm ga giường và đặt cụ vào chiếc "túi ngủ" rồi chuyển xuống tầng 1. Cạnh cầu thang, nơi thi thể di chuyển ngang qua là chỗ cụ ông nằm liệt giường vì bị bệnh. Thấy đông người mặc đồ trắng kín mít, đưa vợ đi, cụ ông chỉ biết ú ớ. Cụ với tay theo như muốn níu kéo điều gì…".

Sau những ngày tháng lăn xả, sau rất nhiều những trăn trở, nhân dịp TPHCM tổ chức đại lễ cầu siêu, tưởng niệm và tri ân các nạn nhân tử vong do Covid-19, Hữu Khoa đã quyết định tái hiện lại "đoạn cuối con đường" của những phận người xấu số giữa đại dịch thông qua bài phóng sự ảnh .

Nhận được sự định hướng của Ban biên tập Báo Dân trí, sự đóng góp, hỗ trợ của đội ngũ thư ký, biên tập viên… phóng sự ảnh của Hữu Khoa đã thực sự chạm đến trái tim người đọc, góp phần truyền  đi thông điệp đầy nhân văn về tình người, tinh thần tương thân tương ái của người Việt nói chung và người TPHCM nói riêng trong những ngày tháng nhọc nhằn, tang thương khó quên…

Hai tháng lăn xả của phóng viên Dân trí và ám ảnh đau thương ở điểm nóng - 16

Tác giả Trần Hữu Khoa (đoạt giải B) Giải Báo chí Quốc gia (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tác phẩm của Hữu Khoa sau đó đã lọt vào vòng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI và xuất sắc đoạt giải B. 

Trần Hữu Khoa là Phó trưởng khối Media Báo điện tử Dân trí tại Văn phòng Miền Nam. Anh vào nghề báo năm 2012 và thường khai thác mảng đời sống, dân sinh.

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh

Ảnh: Mạnh Quân, Tiến Tuấn