DNews

Giải mã thuyền cổ ở Bắc Ninh: Thuyền chiến hay thuyền buôn?

Trần Thành Công

(Dân trí) - Liên quan đến 2 thuyền cổ phát lộ ở Bắc Ninh, các chuyên gia đang nghiêng về khả năng thuyền được dùng để chở hàng hóa và niên đại có thể trong giai đoạn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14.

Giải mã thuyền cổ ở Bắc Ninh: Thuyền chiến hay thuyền buôn?

Sáng 26/3, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ, thông tin bước đầu về 2 thuyền cổ được tìm thấy ở khu phố Công Hà (phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành).

Thay mặt nhóm khai quật, Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học đã cung cấp các thông tin quan trọng liên quan di tích này.

Thời nhà Lê và nhà Nguyễn không có kiểu thuyền song thân

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, dựa trên các tư liệu đang có, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được chính xác niên đại của thuyền, phải chờ kết quả phân tích đồng vị phóng xạ Carbon-14 (C14) trong 20-25 ngày tới. Tuy nhiên, thời nhà Lê và nhà Nguyễn không có kiểu thuyền song thân như thế này. 

"Qua nghiên cứu các tài liệu sử (Việt sử Lược và Đại Việt sử ký toàn thư), dưới triều đại nhà Lý, có 2 năm, nhà vua yêu cầu đóng thuyền 2 đáy.

Sách Việt sử lược ghi, năm 1106, vua cho đóng thuyền Vĩnh Long 2 đáy. Trong khi đó, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi, năm 1124, vua cho đóng thuyền Tường Quang 2 lòng. Trong tiếng Hán, chữ đáy và lòng có cách viết như nhau. Việc gọi đáy hay lòng tùy theo cách gọi của người dịch", Tiến sĩ Phạm Văn Triệu thông tin. 

Giải mã thuyền cổ ở Bắc Ninh: Thuyền chiến hay thuyền buôn? - 1

Cặp thuyền ở Bắc Ninh được nối với nhau rất độc đáo, sử dụng đinh gỗ không dùng đinh kim loại (Ảnh: Trần Thành Công).

Hai thuyền được phát hiện ở đáy ao khi người dân địa phương cải tạo, đào đất để thả cá nên gần như cấu trúc vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Đất bên trong từng khoang đã được bóc tách, sàng lọc, lấy mẫu và đem đi phân tích. Đất hai bên được giữ lại để không làm hư hỏng cấu trúc. 

"Sông Dâu cổ chảy theo hướng Bắc - Nam ở mạn phía Tây thành Luy Lâu. Hai chiếc thuyền này nằm ngang dòng sông, theo hướng Đông - Tây. Trong đó, phần phía Đông là mũi thuyền, còn phần phía Tây là nơi gắn bánh lái. 

Mỗi thuyền dài 16,25m, chiều rộng là 2,25m. Khoang sâu nhất, tính từ mạn thuyền lên phần còn nguyên vẹn phía trên là 2,15m", ông Triệu cập nhật các số liệu mới nhất, sau khi nhóm nghiên cứu đo lại trên thực địa. 

Kết quả nghiên cứu bước đầu, cho thấy đáy thuyền không có các khớp nối nên phần này được làm từ một thân cây nguyên khối. Đây là cấu trúc đặc trưng của dạng thuyền độc mộc. Đường kính phần đáy là 95cm cho thấy cây gỗ được dùng để làm thuyền có kích thước rất lớn. 

"Các tấm gỗ ở hai bên mạn được gắn kết với nhau bằng đinh và mộng gỗ rất chắc chắn, không sử dụng đinh kim loại", Tiến sĩ Triệu khẳng định. 

Giải mã thuyền cổ ở Bắc Ninh: Thuyền chiến hay thuyền buôn? - 2

Thuyền cổ được phát lộ khi người dân cải tạo đất để thả cá (Ảnh: Trần Thành Công).

Trong 12 khoang, nhóm nghiên cứu không tìm thấy hiện vật như gốm sứ hay kim loại, chỉ phát hiện một số hạt quả. Tuy nhiên, các hạt này của loại cây nào vẫn cần được tiếp tục làm rõ.

Quá trình nghiên cứu tại hiện trường hé lộ 2 đầu thuyền được đấu nối với nhau bằng một thanh gỗ dài 6,4m, ván làm thuyền được kết nối bằng mộng rất kiên cố.

Chỉ tay vào khớp nối ở mạn thuyền, chuyên gia của Viện Khảo cổ học, thông tin các khớp nối nằm đối xứng nhau. Đây được cho là vị trí để đặt thanh đà giúp nối sàn của 2 thuyền. 

"Phát hiện này cung cấp cơ sở để nhận định đây là dạng thuyền song lòng, song đáy hay song thân", ông Triệu nhấn mạnh.

Về thắc mắc 2 thuyền này là dạng thuyền buồm hay là thuyền lầu, Tiến sĩ Phạm Văn Triệu cho rằng, trên sàn có thể là "lâu thuyền" (thuyền có tầng phía trên). Các ghi chép từ thời Lý và thời Trần có nhắc đến thuyền lầu hay thuyền ngự. Đặc điểm kiến trúc của dạng thuyền này là sàn rộng, phần phía trên có lầu cao 2-3 tầng. 

"Chiều dài mỗi thuyền hơn 16m, phần ván gỗ kết nối 6,4m, có nghĩa khi 2 thuyền được kết nối với nhau thì tổng diện tích lên đến 100m2 - một không gian rất lớn", ông Triệu bày tỏ sự ấn tượng. 

Ở phần mũi thuyền, nhóm khai quật còn tìm thấy các lỗ mộng. Giả thiết được đưa ra có thể đây là phần lan can trang trí.

Trên thực tế, Tiến sĩ Triệu và các cộng sự tìm thấy núm hình búp sen được làm bằng gỗ, hình thức bên ngoài rất tinh tế. Đây có thể là những món đồ được dùng để tô điểm cho thuyền. 

Một điểm độc đáo cho thấy kỹ thuật làm thuyền tiến bộ là vách khoang kết nối với nhau bằng lỗ mộng, đóng từ trên xuống dưới. "Đây là một kỹ thuật được cho là khác biệt so với các thuyền được tìm thấy ở một số nước khác", ông Triệu đánh giá.

Thuyền chiến hay thuyền buôn?

Tại hội thảo, các chuyên gia khảo cổ học, đánh giá việc tìm thấy 2 thuyền cổ có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm về quy mô của sông Dâu cổ chảy trên địa bàn Bắc Ninh và vai trò trong lưu thông hàng hóa.

Thực tế cho thấy, vị trí tìm thấy cặp thuyền chỉ cách thành cổ Luy Lâu 800m (tính theo đường chim bay). Xung quanh khu vực đang được khai quật, có dày đặc các di tích lịch sử như chùa Bút Tháp, chùa Dâu...

Giải mã thuyền cổ ở Bắc Ninh: Thuyền chiến hay thuyền buôn? - 3

Tiến sĩ Phạm Văn Triệu (đeo micro) giải đáp một số thắc mắc của các chuyên gia (Ảnh: Trần Thành Công).

Phát biểu tại hội thảo đầu bờ, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá đây là một cuộc khai quật thuyền cổ độc đáo. 

"Vấn đề mà giới nghiên cứu và công chúng quan tâm là 2 thuyền này thuộc nhóm thuyền chiến hay thuyền chở hàng. Qua các thông tin đang có, tôi cho rằng đây là thuyền chở hàng.

Mặc dù, nhóm khai quật còn phải nghiên cứu thêm nhưng các tư liệu từ thời Lý có nói đến thuyền 2 đáy. Cho nên, tôi nhận định có thể đây là thuyền của Việt Nam", PGS.TS Tống Trung Tín nêu ý kiến.

Về vấn đề niên đại, PGS.TS Tống Trung Tín, cho rằng ngoài phương pháp C14, nên mời cả các chuyên gia quốc tế vào cuộc và nghiên cứu tư liệu trong nước để xác định được chính xác.

"Nhóm khảo cổ đã tìm thấy núm bằng gỗ trong khoang thuyền. Nhìn bên ngoài, chiếc núm không có dấu hiệu gì đặc biệt nhưng được làm rất đẹp mắt, tinh xảo, gợi mở suy nghĩ về triều đại nhà Lý - thời kỳ có nghệ thuật phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc", vị Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định.

Giải mã thuyền cổ ở Bắc Ninh: Thuyền chiến hay thuyền buôn? - 4

Núm gỗ được phát hiện trong khoang thuyền được người xưa làm rất tinh tế, đẹp mắt (Ảnh: Trần Thành Công).

Đồng quan điểm với các chuyên gia đầu ngành của giới khảo cổ, PGS. TS Bùi Minh Trí - Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học - đánh giá việc phát hiện 2 thuyền cổ có ý nghĩa quan trọng giúp làm sáng tỏ vai trò của sông Dâu trong giao thương hàng hóa cũng như sự kết nối với biển và kinh thành Thăng Long từ xa xưa. 

Theo ông Trí, đây là dạng thuyền song thân hay song lòng. Đến nay, cấu trúc thuyền kiểu này vẫn còn tồn tại, chưa biến mất. 

"Loại hình thuyền này điển hình mang tính quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không phải chỉ có ở Việt Nam", ông Trí nói.

Qua trao đổi với các học giả quốc tế, PGS.TS Bùi Minh Trí, nhận định niên đại của 2 chiếc thuyền cổ không thể sớm hơn thế kỷ 10 hay không thể muộn hơn thế kỷ 15. 

"Niên đại của 2 thuyền cổ có thể nằm trong giai đoạn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Các tấm ván gỗ được kết nối bằng đinh gỗ, còn từ thế kỷ 15, đinh kim loại đã được sử dụng nên niên đại của thuyền không thể muộn hơn giai đoạn này", PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định.

Trong khi các chuyên gia nhận định cặp thuyền cổ được dùng để chở hàng hóa, vị Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước của Viện Khảo cổ học gợi mở nhận định đây có thể là thuyền được dùng cho nhà vua du hành.

"Sức chứa của thuyền này khoảng 30 người. Trong khi đó, sử liệu thời Lý có nhắc đến hành cung Ngự Thiên thuộc phủ Long Hưng xưa, nay thuộc đất Thái Bình. Sử liệu xưa mô tả trên thuyền du hành có người của triều đình, bếp nấu ăn... Cho nên, những suy đoán nghiêng về niên đại của thuyền vào thời nhà Lý cũng là có cơ sở và giá trị", PGS.TS Bùi Minh Trí bày tỏ.

Về câu hỏi cặp thuyền bị con người bỏ lại hay bị đắm xuống lòng sông, PGS.TS Bùi Minh Trí và các chuyên gia suy đoán, 2 thuyền này bị bỏ lại.

"Các bằng chứng về vết cát cho thấy có một thời kỳ nước không quá sâu, thuyền lắc lư khiến các cành cây bị cuốn vào và để lại những hạt tròn trong khoang. Tất cả đồ vật có thể đã được đưa ra khỏi thuyền trước khi bị bỏ lại", ông nhận định thêm. 

Công tác bảo tồn như thế nào?

Sau khi 2 thuyền được phát lộ tại khu đất ở phường Hà Mãn, công tác bảo tồn để giữ gìn được di tích là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Ban đầu, người dân cho biết, độ sâu của khoang thuyền chỉ khoảng 1m. Trong 1 tháng lên phương án khai quật, Tiến sĩ Phạm Văn Triệu cùng các cộng sự từng tính đến việc di dời đến nơi khác để nghiên cứu. Tuy nhiên, quá trình thăm dò, cho thấy độ sâu của khoang gấp đôi nên việc di dời là không khả thi, có thể khiến cho di tích bị hư hại nghiêm trọng.

"Với thuyền có kích thước lớn như thế này, việc đưa lên khỏi lòng ao là không thể. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học có thêm ý kiến đánh giá về bảo tồn", ông Triệu nêu ý kiến.

Giải mã thuyền cổ ở Bắc Ninh: Thuyền chiến hay thuyền buôn? - 5

Cách thức bảo tồn để giữ được cấu trúc thuyền thu hút sự quan tâm của các học giả (Ảnh: Trần Thành Công).

Nêu quan điểm cách bảo tồn, các chuyên gia, cho rằng có thể lấp đất để giữ nguyên trạng hiện vật. Địa phương có thể sử dụng công nghệ 3D để trình chiếu, giới thiệu cho du khách. Ngoài ra, một giải pháp khác là bảo tồn tại chỗ, xây dựng hệ thống bể, cho 2 thuyền nằm dưới nước. Cách bảo tồn này đòi hỏi kinh phí nhưng hiệu quả về lâu dài. 

"Đưa thuyền về bảo tàng không chỉ có thách thức về mặt tài chính mà cả việc giữ gìn hiện vật lâu dài", PGS. TS Bùi Minh Trí bày tỏ. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất tỉnh Bắc Ninh có thể mở rộng khu khai quật, tìm hiểu thêm trầm tích xung quanh khu đất tìm thấy 2 thuyền cổ cũng như lòng sông Dâu cổ.

Sau buổi hội thảo đầu bờ, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học vẫn tiếp tục công tác khai quật cho đến ngày 3/4/2025.