(Dân trí) - Mức lương tại Nhật của anh Manabu là khoảng 1,2 -1,4 tỷ đồng/năm, nhưng khi sang Việt Nam, thu nhập giảm chỉ còn 1/5. Tuy nhiên, anh vẫn rất hài lòng và không muốn rời xa Việt Nam.
Cuộc sống của chàng cảnh sát Nhật bỏ việc lương tiền tỷ đến Việt Nam sinh sống
Mức lương tại Nhật Bản của anh Manabu là hơn 100 triệu đồng/tháng, nhưng khi sang Việt Nam, thu nhập giảm chỉ còn 1/5. Tuy nhiên, anh vẫn rất hài lòng với cuộc sống hiện tại và không muốn rời xa Việt Nam.
Dù đã ở Việt Nam 7 năm nhưng anh Kaneya Manabu (42 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) vẫn liên tiếp nhận được nhiều câu hỏi về lý do anh đến Việt Nam sinh sống. Những người thắc mắc có cả người Nhật và người Việt Nam. Ai cũng tỏ ra ngạc nhiên và hiếu kỳ.
Họ càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, anh đã từ bỏ công việc thu nhập tiền tỷ nhiều người mơ ước ở Nhật Bản để làm công việc có mức lương thấp hơn nhiều, sống cuộc sống ít tiện nghi, hiện đại so với trước đây.
Có tình yêu đặc biệt với Việt Nam
Là con út trong một gia đình công chức có bố làm cảnh sát ở Nhật Bản, anh Kaneya Manabu vốn có cuộc sống khá yên bình và đầy đủ. Tốt nghiệp cấp 3, anh thi vào ngành cảnh sát, đơn giản là để theo nghiệp bố chứ không hẳn vì yêu thích.
Sau khi ra trường, anh về công tác tại phòng cảnh sát hình sự tỉnh Saitama, phụ trách các vụ án liên quan đến người Việt. Quá trình công tác là những chuỗi ngày làm việc với cường độ cao.
Vì trong tỉnh chỉ có duy nhất anh Manabu là cảnh sát biết tiếng Việt nên bất kể ngày đêm, cứ có vụ án liên quan đến người Việt xảy ra, anh đều phải có mặt. Đôi khi anh còn phải hỗ trợ giải quyết các vụ án ở cấp cao hơn.
Khoảng thời gian đó, anh thường xuyên ngủ mơ thấy việc báo án. Anh Manabu kể: "Tôi thường xuyên giật mình tỉnh giấc giữa đêm vì mơ thấy tiếng chuông điện thoại triệu tập giải quyết vụ án. Có khi, tôi mơ đến những lần hỏi cung, thẩm vấn, lấy lời khai căng thẳng".
Anh Manabu luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng đi làm 24/24h suốt 365 ngày. Có khi đang trong ngày nghỉ lễ, Tết, anh cũng phải đến cơ quan để thẩm vấn người Việt trộm cắp hay cư trú bất hợp pháp. Có hôm đã mua vé xem phim đi hẹn hò với bạn gái, anh lại nhận được cuộc điện thoại báo tin có người Việt bị bắt vì gây gổ đánh nhau cần giải quyết.
Những ngày có án bận đã đành. Nhưng những ngày thường dù đã giải quyết hết các hồ sơ, sổ sách, anh cũng không thể nghỉ ngơi hay về nhà sớm.
Anh Manabu kể: "Thời ấy, tôi thường xuyên không được về nhà ngay khi hết giờ hành chính. Dù công việc của bản thân đã kết thúc nhưng tôi thường phải chờ người khác xong việc mới có thể đi về. Khoảng thời gian chờ đợi có thể là 2-3 tiếng. Sở dĩ tôi phải chờ đợi như vậy bởi đó là thói quen công sở ở Nhật Bản, bạn không thể về khi đồng nghiệp hay sếp của bạn chưa về. Khi về đến nhà, vì quá mệt nên tôi chỉ còn thời gian cho việc ngủ. Đến sáng hôm sau, lại tiếp tục lao đến công sở".
Cứ như vậy, mỗi ngày ở Nhật Bản với anh Manabu chỉ có công việc và công việc. Mỗi sáng tỉnh dậy, người đàn ông này luôn quẩn quanh với suy nghĩ nặng nề "hôm nay có điều gì đang chờ đợi mình?". Đặc biệt, khi chen chân lên những chuyến tàu chật cứng người, anh lại càng thêm mệt mỏi vì trước mắt mình là những khuôn mặt lúc nào cũng thiếu ngủ, căng thẳng.
Việc làm cảnh sát hình sự đem lại cho anh Manabu khoảng 1,2 -1,4 tỷ đồng/năm. Đây là mức thu nhập khá ở Nhật. Với số tiền này, anh đủ chi tiêu cho các nhu cầu cuộc sống, mua một chiếc xe ô tô và dành ra chút ít tiết kiệm hàng tháng.
Nói thêm về công việc này, anh Manabu chia sẻ: "Tại Nhật Bản, công chức nhà nước là công việc rất được ưa chuộng và đánh giá cao. Rất nhiều người Nhật mơ ước được làm công việc này. Mức lương cam kết tăng theo hàng năm cho tới lúc nghỉ hưu và đặc biệt không có chuyện sa thải".
Bố mẹ của anh Manabu luôn cảm thấy tự hào và an tâm khi con trai làm cảnh sát tại tỉnh Saitama. Chính vì vậy, năm 2016, khi nghe con trai nói sẽ nghỉ việc và sang Việt Nam sinh sống, bố mẹ anh đã rất buồn. "Thời điểm ấy, bố mẹ tôi không thể hiểu được khát khao thay đổi và mong muốn của tôi. Bố tôi liên tục khuyên tôi nên suy nghĩ lại, mẹ thì khóc rất nhiều", anh nói.
2 tháng thay đổi cuộc đời
Năm 2016, anh Kaneya Manabu chính thức từ bỏ công việc mình gắn bó 9 năm để sang Việt Nam. Tuy nhiên, người đàn ông này chia sẻ, ý định chuyển đến Việt Nam đã nhen nhóm trong anh từ trước đó rất lâu.
Anh kể, do yêu cầu công việc, năm 2010, anh bắt đầu tham gia học tiếng Việt. Đến năm 2011, anh tới TPHCM du lịch để kiểm tra khả năng nói tiếng Việt của mình và tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, chàng cảnh sát Nhật Bản lập tức bị ấn tượng bởi những con người hiền hậu, vui tính và luôn nở nụ cười.
Manabu nhớ lại: "Trước đó, 100% người Việt tôi gặp đều là người phạm tội. Khi đối diện với cảnh sát, nhiều người thường tỏ thái độ chống đối, rất khó chịu. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên bởi những người tôi gặp đều rất thân thiện, tốt bụng, luôn cười khi giao tiếp. Cuộc sống và con người ở TPHCM tạo cho tôi cảm giác thoải mái, dễ chịu, khác xa với cuộc sống luôn tuân thủ theo nguyên tắc và ngột ngạt bởi công việc ở Nhật Bản".
Những năm sau đó, Manabu tiếp tục duy trì các chuyến du lịch đến Việt Nam. Năm 2014, chàng cảnh sát Nhật Bản được cử sang Trường Đại học Bách Khoa để tham gia khóa học bổ trợ tiếng Việt 2 tháng. Lúc này, anh được sống chậm lại và có thời gian cảm nhận cuộc sống thực sự của người Việt.
"Sau mỗi buổi học, tôi có nhiều thời gian dành cho bản thân, làm những việc mình thích. Trở về Nhật, tôi có ý nghĩ mình không thể gắn bó với công việc cảnh sát cả đời, lựa chọn tốt nhất cho mình lúc ấy là quay lại Việt Nam và sống ở Việt Nam lâu dài hơn", anh Manabu nói.
Thời điểm ấy, dù rất thích Việt Nam, muốn được quay lại nơi đây ngay lập tức nhưng anh Manabu không lựa chọn nghỉ việc ngay. Bởi theo anh, nếu bản thân làm như vậy là vô trách nhiệm. Anh vẫn lựa chọn gắn bó với phòng cảnh sát hình sự tỉnh Saitama thêm 2 năm nữa và luôn làm việc một cách chỉn chu, toàn vẹn nhất.
Những ngày "vỡ mộng", lương một tháng vừa cầm đã hết veo
Hai tháng sau khi nghỉ việc, bất chấp sự phản đối từ gia đình, người đàn ông này mang theo khoản tiền tiết kiệm khoảng 1,2 tỷ đồng đến Hà Nội sống trong một căn nhà thuê trên phố Lý Nam Đế. Rời nơi mình đã sinh sống suốt 35 năm, người đàn ông sinh năm 1981 không tránh khỏi cảm giác chông chênh, lo lắng. Tuy nhiên, anh tự động viên mình: "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!".
Anh Kaneya Manabu lấy tên tiếng Việt là Học vì "Manabu" có nghĩa là "học" và bắt đầu đi làm ngay sau đó. Nhờ giữ mối quan hệ với giáo viên dạy tiếng Việt cho mình nên anh xin vào một công ty về công nghệ thông tin có khách hàng là người Nhật Bản. Thường ngày, anh Manabu có nhiệm vụ phiên dịch, chăm sóc khách hàng người Nhật.
Được đến Việt Nam sinh sống và làm việc, anh Manabu gần như đã thực hiện được ước mơ của mình. Tuy nhiên, khi ấy, anh chia sẻ với bạn bè rằng, bản thân vẫn chưa thật sự hài lòng. Thậm chí, những ngày đầu, anh gần như "vỡ mộng" với áp lực từ "gánh nặng cơm áo gạo tiền".
Anh Manabu kể với Dân trí: "Tôi sống ở Việt Nam nhưng vẫn làm việc với người Nhật, theo phong cách Nhật nên chưa thể thoát hẳn khỏi bầu không khí của công sở Nhật Bản. Thêm nữa vì quá tin tưởng vào người bạn kết nối nên tôi không hỏi rõ về mức lương. Đến cuối tháng cầm trong tay 20 triệu đồng, tôi rất sốc. Sốc hơn là số tiền ấy đã nhanh chóng hết veo chỉ trong một vài ngày. Riêng tiền thuê nhà đã hết 14 triệu đồng.
Hàng ngày, người đàn ông Nhật đi làm, đi chơi bằng xe máy.
Xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè người Nhật. Họ thường rủ tôi đi ăn ở các nhà hàng Nhật, đi đánh golf… Chi phí cho mỗi lần đi ăn, đi chơi như thế là 1-2 triệu đồng. Vậy nên, 6 triệu đồng còn lại chỉ đủ cho 3-4 lần đi ăn của tôi cùng bạn bè. Bất đắc dĩ, tôi phải lấy tiền tiết kiệm ra tiêu và lo các chi phí sinh hoạt khác".
Sau đó, người đàn ông Nhật Bản quyết định hạn chế đi giao du cùng bạn bè. Tuy vậy, mức lương 20 triệu đồng vẫn không đủ để anh trang trải cuộc sống. Dù cố gắng nâng cao thành tích thì số tiền lương của anh cũng chỉ tăng thêm 10 triệu đồng. Khoản tiền tiết kiệm vì thế cứ hao hụt dần.
Mức lương tại Nhật của anh Manabu là hơn 100 triệu đồng/tháng, nhưng khi sang Việt Nam, thu nhập giảm chỉ còn 1/5. Đang sở hữu ô tô, đi lại thuận tiện, sang Việt Nam, anh Manabu chỉ có thể đi xe máy hay thuê taxi đi lại khi cần. Cuộc sống có nhiều đảo lộn.
Ngoài vấn đề về thu nhập, người đàn ông Nhật còn cảm thấy sốc về thói quen "cao su" của không ít người Việt. Anh chia sẻ: "Tôi luôn đặc biệt chú trọng việc đúng giờ, luôn đến trước cuộc hẹn. Nhưng với người Việt Nam, việc chậm 5-10 phút không thành vấn đề. Điều này khiến tôi thực sự stress", anh nói.
Giao thông hay ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề khiến người đàn ông Nhật cảm thấy có nhiều bất ổn. "Việc lái ô tô tham gia giao thông với tôi là một trở ngại. Ở Nhật Bản, đường sá được thiết kế chuẩn chỉ và việc lái ô tô trên đường không quá khó khăn. Nhưng ở Việt Nam, khi ra đường, tôi luôn bị ám ảnh bởi cảnh xe cộ đông đúc và đặc biệt là hình ảnh các bà mẹ chở con nhỏ nhưng không có biện pháp an toàn. Phải mất một thời gian khá dài tôi mới quen với giao thông ở Việt Nam, song chỉ dám đi xe máy", anh Manabu cho hay.
Yêu tiếng Việt, thích bún chả, phở bò, "hãnh diện" với bạn bè Nhật vì được ngủ trưa
Anh Kaneya Manabu duy trì công việc phiên dịch suốt một năm đầu. Sau đó, anh nghỉ việc, cùng hai người bạn mở công ty công nghệ thông tin. Một năm sau anh rút lui, cùng một người khác mở trung tâm dạy tiếng Nhật. Tuy nhiên, được một thời gian, trung tâm phải đóng cửa vì hoạt động kém hiệu quả.
Khoảng thời gian 3 năm đầu, ngoài thời gian đi làm, anh Manabu đăng ký các khóa học tiếng Việt chuyên sâu và học thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Anh coi đây là những mục tiêu phải chinh phục nếu xác định sống lâu dài ở Việt Nam.
Sau nhiều tháng ngày khổ luyện, anh Manabu cũng lấy được tấm bằng thạc sĩ ngành Việt Nam học. Từ đây, nhiều cơ hội đã mở ra với anh. Tháng 3/2019, anh được mời về làm Phó giám đốc tại một công ty chuyên xuất khẩu lao động ở Gia Lâm. Công việc mới đã giúp anh cải thiện đáng kể thu nhập.
Trong suốt cuộc trò chuyện với Dân trí, Kaneya Manabu liên tục nhắc đi nhắc lại ấn tượng về nụ cười và những gương mặt hạnh phúc mà anh gặp khi đến Việt Nam. Điều mà anh không thể tìm thấy trên những chuyến tàu ken đặc người ở Nhật.
Bữa trưa vui vẻ cùng các đồng nghiệp người Nhật và người Việt Nam của anh Manabu.
Anh Manabu tâm sự: "Tôi đã từng hỏi một số người Việt là tại sao trông họ hạnh phúc đến vậy và nhận được câu trả lời là "vì có gia đình bên cạnh". Do hầu hết người Nhật có tinh thần độc lập nên tôi nghĩ không nhiều người có suy nghĩ như vậy.
Cách nghĩ "gia đình là quan trọng", "chỉ cần có gia đình là hạnh phúc" đã làm thay đổi nhân sinh quan của tôi rất nhiều. Một điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc khi sống ở Việt Nam nữa đó là bản thân không phải giấu giếm cảm xúc, thoải mái thể hiện quan điểm mà không lo ánh mắt của người bên cạnh".
Món ăn Việt Nam như bún chả, phở bò, thói quen ngủ trưa tại công sở, các địa điểm du lịch đẹp khắp Bắc - Trung - Nam… cũng là điều khiến anh Manabu không muốn về nước.
"Bạn bè người Nhật khi nghe tôi kể thì cảm thấy rất ghen tị với cuộc sống của tôi, đặc biệt họ rất "ngưỡng mộ" việc tôi được ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày", cựu cảnh sát Nhật bật cười.
Anh Nguyễn Nam Hà, đồng nghiệp của anh Manabu cũng chia sẻ rằng: "Người Việt Nam thường nói người Nhật rất lạnh lùng. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu tiên gặp anh ấy, tôi đã thấy Manabu là một người dễ gần, thoải mái và rất thuần Việt. Tôi từng tiếp xúc với khá nhiều người Nhật, cũng đã sang Nhật công tác nhiều chuyến nhưng chưa gặp người nào có quyết định táo bạo như anh Manabu".
Theo anh Nam Hà, hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng, Nhật Bản là đất nước có điều kiện sống, sinh hoạt, chế độ phúc lợi rất tốt. Nhiều người Việt sang Nhật sống còn không muốn về nước. Vậy nên, để một người Nhật từ bỏ đất nước của mình sang Việt Nam sinh sống với điều kiện khó khăn hơn, môi trường cuộc sống xã hội thay đổi thì chắc hẳn họ phải có một tình yêu rất lớn với Việt Nam. Nếu không yêu thích con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam thì chắc chắn họ không đủ kiên trì để gắn bó và đưa ra quyết định táo bạo ấy.
Về phần mình, khi được hỏi về mong ước lớn nhất của bản thân, anh Manabu không ngần ngại chia sẻ "đó là được sống ở Việt Nam mãi mãi".
"Tôi sinh ra ở Nhật Bản. Tôi vẫn rất yêu Nhật Bản. Nhưng nếu lựa chọn cuộc sống hợp với mình thì tôi lựa chọn Việt Nam. Tôi rất yêu con người Việt Nam, tiếng nói Việt Nam. Chỉ cần nghĩ đến việc đi trên phố mà không nghe thấy tiếng Việt, lòng tôi lại buồn khó tả…
Nếu có một lý do nào đó khiến tôi bắt buộc phải quay về Nhật thì đó là gia đình. Bởi bố mẹ tôi đã có tuổi, chị gái tôi thì sinh sống ở Nga, anh trai sống ở Nhật nhưng cách xa bố mẹ", anh Manabu trầm ngâm.
Hiện tại, ngoài việc đi làm tại công ty xuất khẩu lao động, anh Manabu còn mở một kênh Youtube có tên "HocTV" để đăng tải các video về kinh nghiệm học tiếng Nhật cho người Việt. Đặc biệt, anh còn chia sẻ những câu chuyện, kiến thức hữu ích liên quan đến văn hóa, pháp luật Nhật Bản cho những người Việt có ý định đến Nhật Bản lao động, sinh sống. Anh coi đó như cách để cảm ơn đất nước và con người Việt Nam, nơi đã đem đến cho anh một cuộc sống hạnh phúc.
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Minh Hoàng