Cuộc gọi bất ngờ và chuyến xe cuối cùng của cô gái về quê ngày cận Tết
(Dân trí) - Ngày cuối năm, anh Nguyễn Thu Bính đang ăn cơm thì nhận được điện thoại xin chuyến xe chở cô gái bị đột tử ở phòng trọ tại Bắc Ninh về quê nhà tại Bá Thước, Thanh Hóa.
Gần một thập kỷ, anh Nguyễn Thu Bính (49 tuổi, Hưng Yên), lặng lẽ lái xe cứu thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và đưa tiễn những người xấu số về nơi an nghỉ, hoàn toàn miễn phí.
Những chuyến xe đặc biệt
Ngày cuối năm, anh Nguyễn Thu Bính đang ăn cơm thì nhận được điện thoại xin chuyến xe chở cô gái bị đột tử ở phòng trọ tại Bắc Ninh về quê nhà tại Bá Thước, Thanh Hóa.
Nhận điện thoại, anh Bính ăn vội bát cơm, nhanh chóng thay quần áo lên đường đến bệnh viện đa khoa huyện Tiên Du để đưa cô gái về nhà an táng.
"Đây là chuyến xe cuối cùng của bạn ấy, tôi muốn sớm một chút đưa bạn ấy về nhà với người thân", anh Bính nói.
Xe cấp cứu tới viện, như mọi khi, anh Bính đẩy xe cáng xuống, vào bệnh viện đón người đã khuất. Dù đã quen với việc đưa đón các thi thể về quê nhà, nhưng nhìn thấy những giọt nước mắt của cha mẹ nạn nhân, anh Bính cũng không giấu nổi tiếng thở dài.
Xe lăn bánh, sau 5 tiếng chạy ròng rã, nửa đêm anh Bính đưa được cô gái về quê nhà. Người nhà gửi lời cảm ơn chân thành tới anh, thắp cho cô gái nén nhang, anh vội lên xe trở về Hưng Yên để kịp công việc ngày mai, nếu có ai cần xe còn kịp thời giúp đỡ.
"Tôi làm chuyến xe 0 đồng này đến nay cũng gần 10 năm rồi", anh Bính nói.
Anh Bính kể, chuyến xe yêu thương của anh bắt đầu lăn bánh từ năm 2015, khi anh còn là một công chức nhà nước. Thời điểm đó, sau giờ làm việc, anh thường lái chiếc xe 7 chỗ của gia đình để chở miễn phí những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn sau mỗi đợt hóa, xạ trị từ viện về quê. Ban ngày làm việc, ban đêm anh chạy xe xuyên tỉnh, chỉ nghỉ 1-2 tiếng rồi quay lại công sở vào sáng hôm sau.
"Có những người không chỉ kiệt quệ về tài chính mà còn bế tắc cả tinh thần. Tôi thấy mình phải làm gì đó để san sẻ gánh nặng với họ", anh tâm sự.
Nhiều lần chở bệnh nhân, anh chứng kiến những gia đình có người thân qua đời, hoàn cảnh khó khăn nhưng phải chi số tiền lớn để đưa thi thể về nhà. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, anh Bính chứng kiến tình trạng nhiều gia đình bị "chặt chém" bởi dịch vụ xe cứu thương. Có trường hợp vận chuyển thi thể với giá lên tới 30 triệu đồng, anh bắt đầu suy nghĩ giúp đỡ những hoàn cảnh ấy.
Nói là làm, anh nhận chở thêm các bệnh nhân hấp hối về nhà lần cuối, thậm chí những bệnh nhân đã tử vong.
"Nhu cầu vận chuyển thi thể thường bị các dịch vụ bên ngoài "hét giá" 20-30 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Gia đình họ đã khổ lắm rồi, tôi không đành lòng nhìn họ phải trả thêm chi phí cao như vậy", anh Bính nói.
Năm 2021, anh Bính quyết định bán chiếc xe 7 chỗ của gia đình để mua một chiếc xe cứu thương chuyên dụng.
"Khiêng bệnh nhân bằng xe 7 chỗ không an toàn, bất tiện trong lúc cấp cứu. Tôi muốn họ được chăm sóc tốt hơn, dù đó là chuyến xe cuối cùng", anh chia sẻ.
Trên chiếc xe cứu thương ấy, anh trang bị thêm bình oxy, để những bệnh nhân còn chút sức có thể duy trì về đến nhà, nhìn người thân lần cuối. Từ đó, anh không chỉ chở bệnh nhân nghèo mà còn tiễn đưa nhiều người đã khuất.
"Hiện số người tôi chở 90% là người chết, chỉ có 10% là những bệnh nhân còn sống", anh Bính nói.
Anh Bính kể, chuyến xe dài nhất mà anh từng đi là từ Yên Bái đến Huế, dài gần 900km, để đưa thi thể hai anh em tử nạn do sạt lở đất về quê. Đó là một hành trình kéo dài 17 tiếng xuyên đêm, từ 15h đến 8h ngày hôm sau.
"Tôi không dám nghỉ ngơi nhiều vì sợ gia đình họ không kịp làm tang lễ", anh hồi tưởng.
Chi phí cho chuyến đi ấy lên tới gần 10 triệu đồng, bao gồm cả xăng xe và ăn uống. Nhưng anh không lấy một đồng nào từ gia đình.
"Nếu thuê xe dịch vụ, họ phải trả 55-60 triệu đồng. Tôi chỉ mong họ bớt được một gánh nặng", anh nói.
Không chỉ giúp đỡ bệnh nhân, anh Bính còn nhiều lần mua sẵn quan tài hoặc túi bọc thi thể cho những gia đình quá nghèo. Nhiều người đưa phong bì cảm ơn, nhưng anh đều từ chối. "Tôi giúp họ vì cái tâm, không phải để nhận lại gì", anh nói.
"Miễn còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục"
Những năm đầu, anh Bính tự lái xe trong mọi chuyến đi, bất kể ngày đêm.
"Mới đầu tôi dự tính mỗi tháng hết 10 triệu tiền xăng, nhưng số tiền này càng ngày càng tăng vì số người cần hỗ trợ quá lớn, tuyến đường cũng xa hơn", anh Bính chia sẻ.
Ít năm gần đây, khi hành trình trở nên xa và nguy hiểm hơn, anh đã kết nối với một mạng lưới tài xế thiện nguyện trên cả nước để thay phiên hỗ trợ.
Một trong những người đồng hành cùng anh Bính là anh Nguyễn Thành Đô (41 tuổi, Hưng Yên). Anh Đô cho biết, nhà anh chỉ cách nhà anh Bính khoảng 500m. Từ khi biết đến chuyến xe từ thiện của anh Bính, anh luôn mong muốn được tham gia để giúp đỡ các bệnh nhân dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, anh chỉ có thể hỗ trợ lái xe khi cần.
"Chuyến nào anh Bính bận, mình sẽ lái hộ. Nhóm anh em có hơn 10 người luôn hỗ trợ lẫn nhau", anh Đô chia sẻ.
Anh Đô bày tỏ sự khâm phục đối với anh Bính vì việc lái xe miễn phí chở bệnh nhân hoặc người đã khuất bất kể ngày đêm là điều không phải ai cũng làm được.
Gia đình anh Bính cũng là nguồn động lực lớn. Ban đầu, vợ con anh không quen với việc cả nhà phải đi đâu cũng dùng xe cứu thương. Nhưng sau khi hiểu được ý nghĩa của việc làm này, họ dần ủng hộ anh hết mình.
"Nếu không có sự đồng hành của vợ con, tôi không thể duy trì công việc này suốt 10 năm qua", người đàn ông chia sẻ.
Để duy trì những chuyến xe 0 đồng, anh Bính chủ yếu sử dụng thu nhập từ công việc buôn bán thuốc Nam.
Anh thường đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm người có nhu cầu đi xe. Đồng thời, anh xây dựng kênh YouTube "Người Phụng Sự" để chia sẻ các chuyến xe thiện nguyện, lan tỏa yêu thương đến mọi người.
"Trước đây tôi đăng lên mạng, nhưng giờ nhiều người biết đến họ toàn chủ động liên hệ", anh Bính nói.
Dù đã dành phần lớn thời gian, sức lực và tiền bạc cho những chuyến xe 0 đồng, anh Bính vẫn không có ý định dừng lại. Còn khỏe thì anh tự lái, hôm nào ốm, có việc, thì nhờ người lấy xe của mình chở người bệnh về, mọi chi phí xăng xe đều do anh tự bỏ ra.
"Miễn tôi còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục công việc này. Mỗi chuyến đi là một cách để tôi sống ý nghĩa hơn", anh tâm sự.
Đại diện công an huyện Tiên Du, Bắc Ninh, cho biết anh Bính thường xuyên hỗ trợ chở miễn phí các nạn nhân gặp nạn, tử vong tại địa phương về quê. "Anh Bính rất nhiệt tình, để lại số điện thoại tại cơ quan và nhờ liên hệ khi cần hỗ trợ", đại diện công an chia sẻ.