Từ chối nhảy việc lương cao vì tiếc thưởng Tết gần 100 triệu đồng

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Dù được công ty khác mời với mức lương cao, nhưng anh Hải từ chối ở lại làm để lấy thưởng Tết gần 100 triệu.

Chật vật làm việc chờ thưởng Tết

Đỗ Hải, một kỹ sư IT 33 tuổi ở TPHCM, trải qua những ngày làm việc cuối năm đầy áp lực. Công việc hiện tại đã không còn mang lại hứng thú hay đáp ứng kỳ vọng ban đầu của anh.

Hải chia sẻ, anh nhận việc với mức lương khởi điểm 18 triệu đồng, kèm lời hứa sẽ được tăng lương và thăng chức nếu đạt được nhiều hợp đồng lớn. Trong suốt hai năm, anh không ngừng nỗ lực, viết ra nhiều chương trình mang lại lợi nhuận lớn cho công ty. Thế nhưng, vị trí của anh vẫn không thay đổi, và hai lần đề xuất tăng lương chỉ mang lại thêm vài triệu, còn lời hứa thăng chức thì "bặt vô âm tín".

"Tôi chỉ mong năng lực của mình được công nhận. Không cần thăng chức, nhưng ít nhất phải được tăng lương xứng đáng", Hải nói.

Từ chối nhảy việc lương cao vì tiếc thưởng Tết gần 100 triệu đồng - 1

Dù muốn nghỉ việc, tìm kiếm nơi làm mới, nhưng nhiều người vẫn không muốn từ bỏ khoản thưởng Tết bằng 3-4 tháng lương (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Những ngày cuối năm, Hải thường xuyên làm việc đến tận khuya để hoàn thành dự án. Dù về đến nhà lúc 23h, anh vẫn không thể thư giãn khi những email, tin nhắn từ đồng nghiệp và cấp trên liên tục gửi tới. Sự bất công trong mức lương khiến anh cân nhắc việc tìm môi trường mới.

Một tháng trước, một công ty công nghệ mời Hải với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời điểm gần Tết khiến anh khó đưa ra quyết định. Nếu nghỉ ngay, Hải sẽ mất khoản thưởng Tết 70-80 triệu đồng mà anh đã làm việc cật lực cả năm để đạt được. Nhưng ở lại, anh có thể vuột mất cơ hội chuyển sang công ty tốt hơn.

"Tôi đã vất vả cả năm, thức trắng nhiều đêm để hoàn thành dự án. Khoản thưởng Tết là điều tôi xứng đáng nhận được. Nếu chuyển công ty mới, tôi không có thưởng Tết vì là nhân viên mới, trong khi khoản thưởng ở đây bằng ba tháng lương ở nơi mới", Hải chia sẻ.

Sau nhiều suy nghĩ, tham khảo ý kiến bạn bè và gia đình, Hải quyết định ở lại để nhận thưởng Tết, sau đó sẽ chuyển sang một công ty tốt hơn. Tin tưởng vào năng lực của bản thân, anh cho rằng mình có thể tìm được môi trường phù hợp.

Tuy nhiên, khi quyết định rời đi đã rõ ràng, Hải giảm hẳn động lực làm việc. Anh chỉ hoàn thành công việc được giao, không còn tâm huyết cống hiến hay đưa ra những ý tưởng mới. Đôi lúc còn mất tập trung, tinh thần luôn trong trạng thái uể oải, chỉ chờ ngày được giải thoát.

Minh Anh (23 tuổi), nhân viên phụ trách mạng xã hội của một công ty truyền thông, bất ngờ nhận được thông báo từ cấp trên về việc chuyển sang bộ phận làm việc khác cách đây 2 tháng. Công việc mới yêu cầu cô ngoài phát triển nội dung trên mạng xã hội, phải sản xuất thêm các video ngắn, thực hiện các buổi quay quảng cáo và nhiều nhiệm vụ khác.

Ban đầu, Minh Anh khá hào hứng vì nghĩ mình sẽ có cơ hội thử sức và thu nhập tăng lên khi khối lượng công việc gấp đôi. "Tôi phải trực 4 buổi/tuần và thường xuyên chạy các chương trình cùng phòng quảng cáo để đảm bảo chất lượng sản phẩm", cô chia sẻ.

Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ không như mong đợi. Trước đây, mức lương cố định của Minh Anh khoảng 10 triệu đồng/tháng, cộng thêm thu nhập từ việc hỗ trợ các ban khác, tổng thu nhập đạt 13-14 triệu đồng. Nhưng khi chuyển sang công việc mới, sếp thông báo sẽ tính lương theo sản phẩm thay vì mức lương cố định.

Từ chối nhảy việc lương cao vì tiếc thưởng Tết gần 100 triệu đồng - 2

Dù không hài lòng với đãi ngộ của công ty, nhưng Minh Anh vẫn quyết định trụ lại để nhận thưởng Tết (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ban đầu, Minh Anh không quá lo lắng vì nghĩ khối lượng công việc tăng thì thu nhập cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, tháng đầu tiên nhận lương, cô bất ngờ khi thu nhập không những không tăng mà còn giảm đi.

"Khi kiến nghị với sếp, tôi chỉ nhận được câu trả lời rằng đây là chỉ đạo từ cấp trên, nếu không hài lòng thì nghỉ việc", Minh Anh ấm ức chia sẻ.

Câu nói như một gáo nước lạnh dội vào lòng nhiệt huyết với công việc bao lâu nay của cô gái trẻ. Minh Anh rời khỏi phòng làm việc và lập tức viết đơn xin nghỉ, sẵn sàng dừng công việc ngay hôm sau.

Tuy nhiên, khi tâm sự với bạn bè và người thân, mọi người khuyên cô suy nghĩ lại. Chỉ còn ít thời gian nữa là đến Tết, nếu nghỉ việc, cô sẽ mất khoản lương tháng 13 và thưởng Tết Âm lịch, 30-40 triệu đồng. Hơn nữa, Minh Anh vẫn chưa tìm được công việc mới.

Sau một đêm suy nghĩ, Minh Anh quyết định tạm gác ý định nghỉ việc để nhận được khoản thưởng. Thế nhưng, những ngày đi làm sau đó trở thành chuỗi ngày đầy áp lực và chán nản. Khối lượng công việc tăng gấp đôi, trong khi mức lương không xứng đáng khiến cô không còn tâm trí làm việc. Tất cả chỉ như "đối phó" để chờ đến ngày nhận thưởng.

Minh Anh chia sẻ, mỗi sáng thức dậy như một cuộc chiến. Dù đồng hồ báo thức reo, cơ thể cô chỉ muốn nằm lì trên giường.

Thường xuyên mệt mỏi, uể oải, dù không thức khuya, Minh Anh kể: "Có ngày tôi đến công ty nhưng ngồi trước màn hình cả tiếng mà chẳng làm được gì. Mọi thứ trở nên vô nghĩa, chỉ còn cảm giác chán chường và kiệt sức".

Từ chối nhảy việc lương cao vì tiếc thưởng Tết gần 100 triệu đồng - 3

Việc cầm cự chờ thưởng Tết có thể làm bạn bỏ lỡ cơ hội có việc làm tốt hơn (Ảnh minh họa: Baidu)

Chờ thưởng Tết có thể đánh mất cơ hội tốt

Những người trẻ như Minh Anh và Hải không phải là trường hợp hiếm hoi. Rất nhiều người ở độ tuổi lao động rơi vào trạng thái tương tự: Không hài lòng với công việc nhưng vẫn cố gắng cầm cự vì trách nhiệm, vì những mục tiêu tài chính ngắn hạn hoặc đơn giản là vì sự ổn định tạm thời. Điều này tạo nên một vòng lặp luẩn quẩn, khiến họ ngày càng kiệt quệ và mất phương hướng.

Chị Thúy Vân (29 tuổi - phụ trách nhân sự một công ty xuất nhập khẩu đồ bảo hộ lao động ở Hà Nội) cho biết, tâm lý cố làm để nhận thưởng Tết là một hiện tượng phổ biến.

Đối với phần lớn người lao động, mức lương hàng tháng chỉ đủ để duy trì cuộc sống. Thưởng Tết trở thành khoản tiền đặc biệt quan trọng, thường được dành dụm để thực hiện những mục tiêu đã phấn đấu cả năm, như mua xe, trả nợ, hoặc biếu tặng người thân. Vì vậy, dù phải chịu nhiều áp lực trong công việc hay mong muốn tìm kiếm môi trường mới, quyết định thay đổi thường bị chi phối, đặc biệt với những người có mức lương thưởng cao.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, nhận định: "Việc cố gắng cầm cự với một công việc không còn yêu thích trong thời gian dài, đặc biệt là những tháng cuối năm, có thể gây ra những tác động tiêu cực lên cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Người lao động dễ rơi vào trạng thái kiệt quệ, mất ngủ, chán ăn, thậm chí có nguy cơ mắc các vấn đề như lo âu hoặc trầm cảm. Đây là biểu hiện của hội chứng 'chán việc mãn tính' (chronic job burnout), khi cơ thể và tâm trí liên tục phải chịu áp lực mà không có động lực tích cực để bù đắp".

Chuyên gia cũng cho rằng, những người rơi vào tình trạng này cần dành thời gian để tự đánh giá lại các mục tiêu cá nhân và sức khỏe của mình.

"Nếu việc cầm cự chỉ vì một khoản thưởng ngắn hạn, bạn cần cân nhắc xem giá trị của nó có đáng để đánh đổi sự cân bằng tâm lý và sức khỏe hay không. Đôi khi, nghỉ việc sớm và tìm kiếm một công việc mới phù hợp hơn có thể giúp bạn giải tỏa áp lực và lấy lại động lực trong cuộc sống", bà Thu chia sẻ.