Cô gái làm nghề livestream kể góc khuất: Không hào nhoáng như trên mạng
(Dân trí) - Livestream bán hàng đang trở thành một nghề hấp dẫn với thu nhập cao, nhưng không dễ dàng. Để thành công, người làm nghề phải đối mặt với nhiều thách thức như thu hút người xem và tối ưu doanh số.

Nếu trước đây, bán hàng trực tuyến chủ yếu xoay quanh các bài quảng cáo hình ảnh sản phẩm hay các đoạn video ngắn, thì hiện nay, livestream đang dần chiếm ưu thế. Hình thức này giúp người bán tương tác trực tiếp với khách hàng, giải đáp thắc mắc ngay lập tức và tạo ra trải nghiệm mua sắm chân thực hơn.
Không chỉ "lên sóng" mà phải có chiêu giữ chân khách
Lê Thị Diễm Quỳnh (24 tuổi, Tuyên Quang) là một trong những người theo đuổi nghề livestream bán hàng thời trang hơn 2 năm nay.

Từ một người mẫu thời trang, Diễm Quỳnh rẽ hướng sang làm livestream chuyên nghiệp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ban đầu, Quỳnh từng làm mẫu ảnh, người mẫu, nhưng sau đó nhận ra livestream không chỉ giúp cô thể hiện niềm yêu thích với thời trang, mà còn là cơ hội để kết nối trực tiếp với khách hàng.
"Tôi bắt đầu từ con số 0. Thời gian đầu, tôi không biết cách nói chuyện sao cho cuốn hút, không biết làm sao để giữ chân người xem. Có những buổi livestream chỉ có vài người theo dõi, thậm chí chẳng ai bình luận hay chốt đơn", Diễm Quỳnh cho biết.
Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, Diễm Quỳnh dần hiểu cách vận hành một buổi livestream chuyên nghiệp, từ việc lên kịch bản, chọn trang phục phù hợp, tạo không khí vui vẻ, hài hước để giữ chân người xem cho đến cách chốt đơn hiệu quả.
Hiện tại, mỗi ngày Quỳnh livestream từ 2 đến 3 ca, mỗi ca kéo dài khoảng 2,5 tiếng. Trước khi lên sóng, cô phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ make-up, kiểm tra ánh sáng, góc quay, đến việc sắp xếp sản phẩm sao cho bắt mắt.
"Nhiều hôm tôi phải đứng cả buổi, nói liên tục, có khi khàn cả giọng. Vào các dịp lễ Tết, mình thậm chí livestream liên tục 5-6 tiếng, ăn uống vội vàng để kịp lên sóng. Nhưng bù lại, lượng đơn hàng cũng tăng mạnh, thu nhập tốt hơn", Quỳnh kể.

Phương Anh (đeo kính) và ê-kíp luôn chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi phiên livestream (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Không chỉ có những người kinh doanh thời trang, livestream cũng là công cụ bán hàng hiệu quả cho nhiều lĩnh vực khác.
Nguyễn Phương Anh (27 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm chuyên viên marketing tại một doanh nghiệp viễn thông và đảm nhận vai trò livestream giới thiệu các sản phẩm công nghệ như camera, wifi…
Ban đầu, Phương Anh chỉ livestream nhằm hỗ trợ gia đình kinh doanh online, nhưng sau khi nhận thấy tiềm năng của hình thức này, cô đã nghiêm túc đầu tư thời gian để học hỏi.
"Hồi mới bắt đầu, tôi thường đứng trước gương tập nói sao cho cuốn hút. Dần dần, tôi rút ra kinh nghiệm về cách tạo dựng một buổi livestream hiệu quả, làm sao để giữ chân người xem và tăng tỷ lệ chốt đơn thành công", Phương Anh nói.
Với lĩnh vực công nghệ, mỗi buổi phát sóng của Phương Anh không chỉ đơn giản là giới thiệu sản phẩm, mà còn phải giải thích các tính năng phức tạp theo cách dễ hiểu nhất.
Cô kể: "Trước mỗi buổi live, tôi thường dành nửa ngày để chuẩn bị kịch bản chi tiết, nghiên cứu cách dẫn dắt câu chuyện và tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách hàng. Một phiên livestream thường bắt đầu từ 20h và kéo dài đến khoảng 23h-0h".

Luôn có đội ngũ túc trực trong phòng điều hành để đảm bảo chất lượng mỗi buổi livestream (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Không chỉ có nội dung, các yếu tố kỹ thuật cũng được cô và ê-kíp đặc biệt chú trọng. Phương Anh chia sẻ: "Chúng tôi luôn kiểm tra kỹ góc quay, ánh sáng, thiết bị ghi hình để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, việc sắp xếp sản phẩm sao cho bắt mắt cũng là một phần quan trọng giúp thu hút người xem".
Livestream - Cơ hội kiếm tiền không giới hạn, nhưng không dễ để trụ vững
Dù mang lại cơ hội kiếm tiền hấp dẫn, nhưng cả Diễm Quỳnh và Phương Anh đều cho rằng, thu nhập từ nghề livestream không hề dễ dàng.
"Những người mới vào nghề có thể kiếm từ 10-20 triệu đồng/tháng, nhưng nếu có kinh nghiệm, thu nhập có thể tăng lên 50-100 triệu đồng. Một số streamer nổi tiếng còn kiếm hàng triệu đồng mỗi giờ livestream, chưa kể tiền hoa hồng từ doanh số", Diễm Quỳnh cho biết.

Theo Diễm Quỳnh, người bán hàng cần liên tục cải thiện kỹ năng, đầu tư vào hình ảnh và nội dung mới có thể đạt được thành công lâu dài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ, mức thu nhập này không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng người xem, khả năng chốt đơn và sự kết nối với khách hàng. Những ngày cao điểm như lễ, Tết, công việc trở nên bận rộn hơn, nhưng cũng là cơ hội để kiếm thu nhập tốt hơn.
Không ít người nghĩ rằng livestream là công việc dễ dàng, chỉ cần nói chuyện giỏi là có thể thành công. Nhưng thực tế, streamer (người làm nghề livestream) phải đối mặt với nhiều thử thách.
"Có hôm tôi đang livestream thì mất mạng đột ngột, khách hàng chờ lâu quá bỏ đi hết. Có lần khác, đang livestream tôi gặp khách hàng khó tính, bình luận tiêu cực ngay trên sóng, phải xử lý rất khéo léo để giữ không khí buổi livestream", Diễm Quỳnh kể.
Về phía Phương Anh, cô cho biết, nếu livestream trên các sàn thương mại điện tử như TikTok, Shopee, cô sẽ phải gắn giỏ hàng sẵn để khách có thể đặt mua ngay. Khi khách hàng cảm thấy hào hứng và có các ưu đãi hấp dẫn, họ sẽ chốt đơn nhanh chóng, giúp tối ưu doanh số đáng kể.
Ngoài ra, do đặc thù công việc phải nói liên tục, đứng lâu, áp lực duy trì hình ảnh nên streamer phải chăm sóc sức khỏe, giữ giọng nói tốt và luôn xuất hiện với diện mạo chỉn chu…
Để giữ chân người xem, Phương Anh và ê-kíp còn kết hợp các hoạt động giải trí như hát, nhảy múa, kể chuyện hài hước.
"Vào những ngày đặc biệt như 1/1, 2/2, 3/3… lượng người theo dõi tăng mạnh và số đơn hàng cũng nhiều hơn. Có những hôm tôi phải live suốt nhiều tiếng đồng hồ", Phương Anh bộc bạch.

Nhảy múa, ca hát là một trong những bí quyết giữ chân khán giả trong các buổi livestream bán hàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Có những ngày tôi kiệt sức vì lịch làm việc dày đặc, nhưng nếu thực sự nghiêm túc và đầu tư bài bản, livestream là một cơ hội nghề nghiệp rất đáng cân nhắc. Livestream không chỉ giúp tôi có thu nhập tốt mà còn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống linh hoạt", Phương Anh kể.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Dương Vũ, nhà sáng lập DEVEE Entertainment, đơn vị quản lý và vận hành livestream cho nhiều người nổi tiếng, cho rằng, livestream không phải là con đường dễ dàng.
Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi người bán phải có nội dung hấp dẫn, chiến lược rõ ràng và nắm bắt xu hướng nền tảng. Ngoài ra, những yếu tố như sản phẩm phù hợp, quảng cáo bài bản và phương thức truyền thông cũng quyết định thành công của một buổi livestream
"Thu nhập từ livestream có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, nhưng không phải ai cũng đạt được con số này. Người bán cần hiểu rõ hành vi khách hàng, tối ưu nội dung và nắm bắt xu hướng để tạo lợi thế cạnh tranh", ông Vũ phân tích.