DMagazine

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ

(Dân trí) - Nhìn Bảo ngủ ngon trên đùi mình suốt chuyến bay từ Hà Nội về Sài Gòn sau cuộc thi đấu muay Thái, Nguyễn Xuân Bằng, 29 tuổi, chợt nhân ra việc nhận nuôi đứa trẻ là điều đúng đắn.

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ

Nhìn Bảo ngủ ngon trên đùi mình suốt chuyến bay từ Hà Nội về TPHCM sau cuộc thi đấu muay Thái, Nguyễn Xuân Bằng, 29 tuổi, chợt nhận ra việc nhận nuôi đứa bé là điều đúng đắn. 

Nghe tiếng dừng xe ở cửa, những đứa trẻ lớn nhỏ đang ngồi trong phòng tập đồng thanh chào: "Sư phụ!". 

Nguyễn Xuân Bằng, 29 tuổi, một huấn luyện viên môn boxing, muay Thái bước vào giục đám trẻ bắt đầu khởi động tập luyện. Các bé đều có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, có đam mê thể thao được Bằng nhận nuôi, lo ăn học, huấn luyện miễn phí.

Có đứa đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi đấu cấp thành phố, được vào đội tuyển tỉnh, có lương hàng tháng. Đứa nhỏ nhất mới 12 tuổi, được anh nhận nuôi giữa năm nay. Tất cả cùng sống và tập luyện với nhau trong phòng tập Bằng thuê mỗi tháng 15 triệu đồng ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 2

"Quen biết Bằng từ năm 2014, tôi thấy được tấm lòng của anh dành cho những đứa trẻ khó khăn. Không chỉ nuôi ăn ở mà cậu ấy còn xin cho các em đi học chữ, học nghề. Song song với đó, anh còn giúp các bé tiếp cận với võ thuật sớm, ươm mầm tài năng cho tương lai võ thuật nước nhà", "nữ hoàng muay Thái" Nguyễn Thị Thanh Trúc cho biết. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 4

Xuân Bằng quê ở Lâm Đồng, lên TPHCM học ngành báo chí năm 2011, nhưng chỉ được nửa năm thì phải nghỉ. Gia đình có biến cố, sợ ba mẹ không lo nổi học phí cho mình suốt 4 năm đại học, nên anh quyết định học đầu bếp. Chàng sinh viên hồi đó nghĩ nghề này sẽ giúp bản thân sớm kiếm được tiền hơn. 

Tháng 8/2012, một đêm đi làm về khuya không thể vào phòng trọ, anh đến công viên định ngủ lại. Vừa đặt lưng xuống ghế đá, đám trẻ bụi đời xuất hiện, đuổi anh đi vì lý do đây là địa bàn của chúng. Anh nghĩ ngay đến việc nếu sau này có điều kiện nhất định sẽ làm điều gì đó giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 6

Sau một thời gian làm nghề bếp, Bằng thấy không hợp. Vốn có nền tảng học võ cổ truyền từ năm 6 tuổi và được một số anh chị em võ sĩ động viên, anh quyết định theo đuổi nghiệp võ thuật. Thân hình nhỏ con, Bằng biết mình sẽ không tiến xa nếu trở thành vận động viên.

Vì thế, anh chuyển sang học huấn luyện bộ môn boxing và muay Thái. Thấy nghề võ có thể nuôi sống bản thân và có thể giúp lại những đứa trẻ khó khăn như anh từng ao ước, chàng trai quyết định nhận nuôi trẻ khó khăn. 

Cái "duyên" để chàng trai trẻ quê Lâm Đồng trở thành người cha, người thầy của bọn trẻ bắt đầu từ năm 2015. Lúc này, anh chỉ nhận nuôi bán trú, giúp đỡ một phần. Đến cuối năm 2016, anh quyết định nhận nuôi nội trú, lo hết toàn bộ chi phí ăn ở, học tập và huấn luyện các đứa trẻ trở thành võ sĩ. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 8

Đứa trẻ anh nhận nuôi đầu tiên là Phan Vũ Bảo, quê Lâm Đồng. Bé mồ côi cha và được anh trai đem đến gửi gắm cho Bằng khi mới 13 tuổi. Tiếp cận muay Thái một thời gian, Bảo có dịp được sư phụ dẫn ra Hà Nội tham gia một giải đấu giao lưu. 

Tiết trời thủ đô đầu năm 2017 se lạnh. Trong trí nhớ của Bằng, Vũ Bảo lúc bấy giờ còn là một cậu bé nhỏ, nằm cuộn tròn trong lòng mình khi ở chung phòng khách sạn trước ngày thi đấu. Khi trở về, hàng ghế trên máy bay còn trống một chỗ, Vũ Bảo nằm ngủ, gối đầu lên chân Bằng suốt chuyến bay. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 10

Sáng dạ trong thể thao, năm 14 tuổi, tỉnh Bình Dương chiêu mộ Vũ Bảo về đội tuyển trẻ. Đến giờ, Bảo đã có được HCV muay trẻ TPHCM, HCB muay trẻ toàn quốc, HCB kick boxing trẻ toàn quốc...  

Trong tổng số 13 đứa trẻ mà Bằng đang nhận nuôi và huấn luyện miễn phí, ngoài Vũ Bảo còn có Dương Đức Bảo, Trần Văn Được đạt nhiều thành tích ở đấu trường trong và ngoài nước. Cả hai đều là thành viên của đội tuyển Bình Dương. Lương cơ bản mỗi tháng 6 - 7 triệu đồng. Khi trên 18 tuổi, họ đã có thể mua xe máy, trích một phần nhỏ gửi về gia đình. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 12
Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 14

Đằng sau sự trưởng thành của những đứa trẻ trong 6 năm qua là sự hy sinh tuổi trẻ của Nguyễn Xuân Bằng. 

Thu nhập từ việc đi dạy các khóa võ thuật và buôn bán thêm của anh đều dành hết để lo cho các học trò. Ngoài tiền thuê nhà 15 triệu/tháng, Bằng còn phải lo thêm tiền ăn, chi phí học tập, học thêm tiếng Anh… 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 16

Những đứa trẻ nhiều độ tuổi, nhiều nơi tụ họp về ban đầu chưa hiểu, chưa đoàn kết với nhau nên thường xảy ra cãi vã và vi phạm kỷ luật. Mỗi lần như thế, Bằng thường gọi riêng từng bé ra để phân tích đúng sai, sau đó họp các bé lại để nói chuyện. 

"Bọn em ở đây giờ xem như anh em một nhà", Dương Đức Bảo, 19 tuổi quê ở Đắk Lắk sống với Bằng được 5 năm chia sẻ. 

Lo cho 13 đứa trẻ, thời điểm khó khăn nhất với chàng trai độc thân là hồi dịch Covid -19 năm ngoái. Khi đó, anh phải xin chủ nhà cho nợ tiền thuê nhà, hứa sau dịch sẽ kiếm tiền để trả. Đồ ăn và những chi phí sinh hoạt khác, Bằng nhờ sự giúp đỡ của người thân ở Lâm Đồng gửi lên. 

Khi đó, chàng trai đã phải gửi một số bé về lại địa phương vì kinh tế khó khăn. Giờ xin cho các bé vào lại không được nữa, đó là điều trăn trở nhất với anh. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 18

Niềm vui của anh là được nhìn "những đứa con" của mình được tỏa sáng trên võ đài. "Thân hình mình nhỏ con, mình không thể tiến xa nếu trở thành võ sĩ thi đấu. Bù lại, các em đã thay thế mình, thực hiện ước mơ tỏa sáng trên võ đài giúp mình đó là điều tuyệt vời", Bằng nói.

11h, sau giờ tập luyện xong, thằng út Tí Em, 13 tuổi, đi tắm rồi ngồi vào bàn làm bài tập. Đức Bảo, 19 tuổi, thì vào bếp kho thịt để em út ăn kịp giờ đi học. Những đứa trẻ đã biết giúp đỡ, bảo ban nhau mà không cần sư phụ phải nhắc nhở. 

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 20

Chị Tuyết Nhung, 40 tuổi, quê Tiền Giang lên TPHCM lập nghiệp 20 năm. Sau khi ly hôn, chị làm mẹ đơn thân nuôi con. 3 năm trước, khi con trai đang học lớp 5, chị Nhung bệnh nặng.

Qua người quen, chị biết và gửi con trai Hoàng Long của mình đến ở với Bằng, còn mình thì thuê nhà trọ ở riêng và làm nghề dán xe ở quận Tân Bình. Người mẹ sợ bản thân có mệnh hệ gì thì con trai không còn chỗ dựa. 

"Tôi an tâm vì con có chỗ dựa tinh thần, có người kèm cặp và bảo ban hàng ngày. Tôi cảm thấy may mắn khi được thầy Bằng giúp đỡ. Thầy luôn bảo tôi thu nhập hàng ngày cứ giữ để lo chữa bệnh, chi phí nuôi Long cứ để cậu ấy lo. Nhưng với trách nhiệm của một người làm mẹ, thỉnh thoảng tôi đến thăm con, cũng mua cho con một vài vật dụng cá nhân", người mẹ nói. 

Từ ngày có "đàn con", Bằng cũng ít tụ tập bạn bè hay mua sắm cho bản thân những món đồ xa xỉ. Ngoài tiền bạc, thời gian, chàng trai chưa vợ còn trở thành một ông bố trẻ khi phải chăm sóc những trẻ nhỏ mới đến ở. Bằng lắng nghe tâm tư tình cảm của các bé, trò chuyện để họ vơi nỗi nhớ nhà.

Chàng trai hy sinh tuổi xuân để làm cha, làm thầy 13 đứa trẻ - 22

Diệp Phan