(Dân trí) - Ở trung tâm "đất vàng" quận 1 (TPHCM), có những hộ gia đình đã đợi nhiều năm để lắng nghe quyết định về việc tiếp tục định cư hay phải di dời đi nơi khác. Khu vực Mả Lạng là một trong số đó.
12 người chen chúc trong căn nhà 10m2 ở TPHCM
Từ đợt sập căn gác tầng 2, toàn bộ cầu thang hành lang nhà bà Tư (ngụ hẻm 245 Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM) cũng đã mục nát. Người phụ nữ này không bao giờ dám bước chân lên tầng trên lần nào nữa.
Khi con gái đã chuyển đi nơi khác, bà Tư tận dụng toàn bộ không gian phía dưới để ăn ngủ, sinh hoạt cho bà cùng đứa cháu. Chiếc đệm đặt giữa sàn vương vãi đồ đạc.
Bà Tư nhớ, năm 1982, gia đình bà đã chuyển về sinh sống tại khu vực Mả Lạng (quận 1, TPHCM). Thời điểm đó, mỗi căn nhà chỉ bao gồm nền đất và 2 vách mê bồ tre. Không có tiền, bà và chồng phải dùng gỗ dựng thêm căn gác. Thế nhưng, cứ khoảng chục năm căn nhà của bà lại sập một lần.
"Đến nay đã hơn 10 rồi nhưng hết tiền nên mình cứ bơ đi thôi. Đợi con nó đi làm về, nếu có cho tiền thì mới tiếp tục sửa", bà Tư nói.
12 thành viên chen chúc trong căn nhà 10m2 từ dự án "treo"
Năm 2000, TPHCM đã chủ trương giải tỏa khu vực Mả Lạng với diện tích 6,8ha giới hạn trong 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh (quận 1) để chỉnh trang đô thị.
Theo đó, ban đầu công trình này được giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai nhưng không làm được. Sang năm 2007, Tập đoàn Bitexco tiếp tục tiếp nhận dự án để xây dựng khu phức hợp khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại. Tổng số nhà cần giải tỏa là 1.424 hộ, sẽ di dời và tái định cư từ tháng 6/2018.
Đằng đẵng hơn 2 thập kỷ, dự án này đến nay không còn được triển khai. Người dân ở Mả Lạng vẫn sống trong những ngôi nhà siêu nhỏ dưới 10m2 đã xuống cấp trầm trọng, ngột ngạt, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Trong đó, không ít gia đình phải chen chúc hơn 10 thành viên thuộc 3-4 thế hệ.
Giữa trưa, bà Hồng (59 tuổi, ngụ hẻm 245 Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM) đang ngồi quạt cho cháu ngủ. Đứa con gái trước giờ đi làm vẫn lướt nhoay nhoáy chiếc điện thoại, trong khi những thành viên còn lại thì vui vẻ đập con heo đất tiền tiết kiệm. Gần 40 năm nay, căn chừng 9,9m2 (ngang 2,2m, dài 4,5m) cứ vậy bỗng chốc trở thành nơi sinh hoạt, vui đùa, nghỉ ngơi của đại gia đình 12 thành viên.
"Lúc này một vài đứa đã đi làm, chứ tối về đông lắm! Tôi có 4 đứa con, dựng vợ gả chồng, thêm dâu rể, cháu nữa là 12 người, cứ chia ra mỗi thành viên một chút mà ở. Tối 6 đứa ngủ ở gác, dưới đủ dựng 2 chiếc xe và thêm vài người ngủ, chiếc nào còn dư thì khóa cổ dựng bên ngoài…", bà Hồng chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình.
Năm 1982, sau thời gian tham gia kinh tế mới, chồng bà Hồng quyết định quay lại TPHCM và chọn Mả Lạng làm nơi lập nghiệp. Thời điểm đó, căn nhà chỉ được che chắn mấy tấm mê bồ. Vợ chồng bà chắt chiu lắm nhưng vẫn không đủ tiền sửa sang.
Một thời gian sau, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, cả hai mới dám mơ về căn nhà bằng tường gạch chắc chắn. "Đó là lần duy nhất tôi dám xây nhà. Ở đây tôi hay nói với mọi người là nhà tôi là nhà cổ", bà Hồng cười nói.
Cạnh đó, bà Tám (Tổ trưởng khu phố) cũng chia sẻ, thời điểm trước, nhà bà chỉ lợp bằng gỗ đơn sơ. Bao nhiêu năm qua, bà sợ nhất vào mùa mưa, nước liên tục tạt vào nhà khiến gỗ ẩm mốc, mục nát.
"23 năm nằm trong dự án treo khiến việc xin giấy phép xây dựng và sinh hoạt đều trở nên khó khăn. Đến giờ cô mới xin sửa chữa một lần, nhưng vẫn phải cam kết sửa theo hiện trạng cũ, không được nâng tầng, làm đúng vật liệu quy cách cho phép nên ván gỗ chỉ được lót thêm ván xi-măng thôi, cầu thang cũng không được đúc...", bà Tám nói.
Buồn vui trước quyết định mới của TPHCM
Ngày 17/3, quận 1 (TPHCM) đã thống nhất hủy bỏ hơn 1.400 thông báo thu hồi đất đã ban hành. Đồng thời, thành phố cũng giao chính quyền địa phương sớm thu hồi các văn bản liên quan đến dự án trước đó.
Như vậy, sau khi quyết định thông qua, nhiều quyền lợi của cư dân Mả Lạng sẽ được phục hồi bao gồm quyền mua bán, cho tặng, thừa kế, cầm cố. Thông tin này nhanh chóng gây xôn xao cộng đồng cư dân Mả Lạng. Thế nhưng, bên cạnh những người vui cũng có không ít người buồn.
Bà Hồng kể, năm 2000, khi biết về thông báo thu hồi đất làm dự án chỉnh trang quận 1, bà đã thấp thỏm không yên. Thế nhưng, mãi một thời gian sau đó, dự vẫn chưa triển khai, cả gia đình không biết sẽ được tiếp tục định cư hay phải di dời đi nơi khác.
"Quá nhiều lần thay đổi quyết định nên chúng tôi giờ đây đã cảm thấy bình thường. Bản thân tôi thì mong mỏi sẽ ở đây. Thứ nhất, sang chỗ khác không đủ tiền. Thứ hai, nếu đền bù chung cư thì 12 thành viên sao đủ chỗ sống. Và thứ ba thì con cháu chúng tôi sinh hoạt, học tập, làm việc ở đây nên chuyển đi nơi khác không biết sẽ phải như thế nào", bà Hồng tâm sự.
Đồng quan điểm với bà Hồng, bà Tư cho biết, bản thân cũng có nguyện vọng tiếp tục định cư ở khu Mả Lạng, mặc dù căn nhà đã sập sệ. Bởi lẽ với bà, sau thời điểm lực lượng chức năng càn quét hết các tệ nạn xã hội, Mả Lạng trở nên an toàn hơn bao giờ hết. Tuy đời sống người dân còn nghèo khó, nhưng khu vực luôn nhận sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền, Nhà nước.
"Chưa bao giờ chúng tôi thiếu ăn, ngay cả trong đợt dịch Covid-19. Hàng xóm thì vui vẻ, hòa đồng, Nhà nước luôn quan tâm. Bởi vậy, nếu có trúng số, cô vẫn sẽ ở đây", bà Tư quả quyết.
Những ngày TPHCM ra quyết định hủy bỏ thông báo thu hồi đất, bà Tám vẫn theo dõi thường xuyên trên báo đài. Đối với bà, vấn đề được chuyển sang khu tái định cư mới là mong chờ từ lâu. Trong đó, bà chia sẻ chính không gian nhỏ hẹp, ẩm thấp gây ra rất nhiều bất tiện cho đời sống của gia đình bà và người dân.
"Hy vọng Nhà nước sẽ vẫn giải tỏa. Nói trung tâm quận 1 nhưng vô đây (khu Mả Lạng - PV) mà như cái hang thì làm sao cho được?", bà Tám chia sẻ thêm.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Quang Ninh