PhotoStory

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng

Thực hiện: Hạnh Linh

(Dân trí) - Bị trói chân, đứng làm cò mồi, tiếng kêu yếu ớt để nhử đồng loại sa bẫy, những con cò, vạc mồi co ro trong cái lạnh mùa đông giữa cánh đồng khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 1

Ngày 22/11, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn 1, phường Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa, tận mắt chứng kiến những chú cò, vạc... bị trói chân bằng dây cước, đậu trên các thân cây gỗ dưới cánh đồng để dụ đồng loại (Ảnh: Hạnh Linh).

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 2

4 chú chim bị trói chân, đứng co ro giữa đầm nước với dáng vẻ mệt mỏi.

Chim mồi bị trói chân, không thể cất cánh bay. Những đàn chim hoang dã khi thấy đồng loại của mình, sẽ tin tưởng mà sà xuống và dính bẫy. Nhiều con chim mồi bị cọc từ ngày này qua ngày khác mòn mỏi nhìn đồng loại chịu chung số phận (Ảnh: Hạnh Linh).

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 3

Không chỉ đặt bẫy, người dân còn dùng lưới căng ngoài đồng. Đây được gọi là những chiếc lưới tàng hình, là loại bẫy được dùng phổ biến nhất bởi khi giăng lên, nhiều loài chim bị dẫn dụ bởi các thiết bị nhân tạo của người bẫy sẽ lao xuống mà không nhìn thấy có một màn lưới đang hứng sẵn. Trong ảnh là cơ quan chức năng đang đi thu dọn lưới (Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp).

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 4

Những chiếc bẫy bằng tre, buộc cước được ngụy trang dưới lùm cây (Ảnh: Hạnh Linh).

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 5

Chim mồi đứng dụ đồng loại (Ảnh: Hạnh Linh).

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 6

Một túp lều ở thôn 1, phường Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn của người dân dùng để ở, mai phục bẫy cò (Ảnh: Hạnh Linh).

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 7

Mùa bẫy chim, cò bắt đầu từ đầu tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Thường tháng 10 nhiều chim, cò nhất. Mỗi con cò, vạc có giá bán 30.000 đồng/kg, các loại chim thì rẻ hơn. Với nhiều lao động không có công việc ổn định thì xem đây là một nghề mang nguồn thu nhập trong lúc nông nhàn.

Theo lãnh đạo UBND phường Quảng Hùng, địa phương đã nhiều lần thông báo, tuyên truyền đến người dân bảo vệ động vật hoang dã, bắt những người vi phạm ký cam kết; phân công cán bộ kiểm tra, theo dõi tình trạng giăng lưới, đặt bẫy chim hoang dã, chim di cư. Song một số người dân vẫn lén lút đặt bẫy chim, cò (Ảnh: Hạnh Linh).

Ám ảnh chim trời bị trói chân, đứng làm mồi nhử đồng loại giữa cánh đồng - 8

Từ tháng 9 đến nay, Hạt kiểm lâm ven biển Thanh Hóa tháo dỡ, tiêu hủy 19.280m lưới, 43 lều cò, 862 bẫy, 16 loa dẫn dụ, 1.230 cò xốp, 235 cọc tre, thả về tự nhiên 368 cá thể chim các loại. Đơn vị xử phạt 17 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ động vật rừng, thu nộp ngân sách  61 triệu đồng (Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp).

Ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư.