Nghĩa địa tận diệt chim trời Hà Nội: Vấn nạn nhiều năm nhưng khó ngăn chặn?

Viên Minh Hồng Anh
Tận diệt chim trời

(Dân trí) - Chuyên gia cho biết khu buôn bán chim trời ven Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đã hoạt động 5-6 năm nay nhưng vẫn chưa bị dẹp bỏ.

Vấn nạn "tận diệt chim trời"

Sau phản ánh của báo Dân trí về "Nghĩa địa chim trời ở Hà Nội - nơi "xử tử" hàng trăm con chim mỗi ngày", ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành xử lý tình trạng này. 

Theo ông Khải, hàng tháng chính quyền địa phương cùng lực lượng đô thị, thanh tra giao thông của huyện ra quân xử phạt tiểu thương vi phạm hành lang giao thông, bày bán vật nuôi trên vỉa hè đường gom Đại lộ Thăng Long, song không thể dứt điểm. 

"Vào thời điểm gieo mùa, thị trường chim trời trở nên sôi động. Tuy nhiên, các tiểu thương này không phải người dân địa phương, buôn bán không cố định, nên khó xử lý triệt để", ông Khải thừa nhận. 

Nghĩa địa tận diệt chim trời Hà Nội: Vấn nạn nhiều năm nhưng khó ngăn chặn? - 1

"Chợ cóc chim trời" bày bán công khai trên đường gom Đại lộ Thăng Long (Ảnh: Khôi Vũ).

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái Tài Nguyên sinh vật, cho biết khu buôn bán chim trời ven Đại lộ Thăng Long đã hoạt động 5-6 năm nay nhưng vẫn chưa bị dẹp bỏ. Khu chợ này hoạt động sôi nổi nhất vào mùa chim di cư (giữa tháng 8 đến tháng 11 và đầu tháng 3 đến giữa tháng 5).

"Chúng tôi thực sự bức xúc khi hoạt động buôn bán chim hoang dã diễn ra công khai nhiều năm ven một con đường lớn ở Hà Nội", ông Hùng nói.

Theo chuyên gia, để xảy ra tình trạng buôn bán chim hoang dã ngay tại Thủ đô, thì trách nhiệm thuộc về lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương.

Đại diện Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam cho hay các văn bản liên quan đến bảo vệ chim hoang dã đều đã có, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn còn triển khai theo kiểu chống chế, "ném đá ao bèo".

Theo vị này, hoạt động đánh bắt động vật hoang dã, chim hoang dã đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, do người dân nhiều nơi còn giữ tập quán khai thác từ tự nhiên, coi thịt thú rừng, chim rừng là món ăn quý nên dẫn đến nạn "tận diệt chim trời".

"Việc đánh bắt chim trời vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, ảnh hưởng đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, phá vỡ chuỗi thức ăn, đe dọa nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim và tạo ra dịch bệnh", vị đại diện nói. 

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định thực trạng người dân săn, bẫy bắt chim trời rồi đem bán thu lời diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, không riêng Hà Nội.

"Nếu săn bắt chim hoang dã với tần suất gia tăng và số lượng lớn như hiện nay có thể gây ra tình trạng tuyệt chủng ở một số loài chim, mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh", ông Tiền cho hay. 

Nghĩa địa tận diệt chim trời Hà Nội: Vấn nạn nhiều năm nhưng khó ngăn chặn? - 2

Tiểu thương ra giá 700.000 đồng cho một con chim diệc xanh khoảng 1,2kg (Ảnh: Khôi Vũ).

Bẫy chim trời có thể bị xử phạt cao nhất 12-15 năm tù

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết tất cả loài chim hoang dã, chim di cư đều được xác định là động vật hoang dã thuộc nhóm loài động vật trên cạn khác (nếu không phải là động vật rừng thông thường).

Mỗi người dân có trách nhiệm bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư theo quy định Điều 5 Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Theo đó, hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của các loài đó trong tự nhiên.

Chỉ thị 04 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ người săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của các loài chim trong tự nhiên, thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính: Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP quy định tùy theo tên loài và giá trị của chim bị săn bắt, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ một đến 400 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân. 

Về xử lý hình sự: Người bẫy chim có thể bị truy tố về "Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Mức hình phạt tùy theo Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, giá trị chim săn bắt và số tiền hưởng lợi bất chính, thấp nhất là từ 50 triệu đồng, hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù. 

Hoặc người bẫy chim có thể bị truy tố về "Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Mức phạt thấp nhất là từ 500 triệu đồng, hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. 

Nghĩa địa tận diệt chim trời Hà Nội: Vấn nạn nhiều năm nhưng khó ngăn chặn? - 3

Tất cả chim, vịt, gà đều còn sống nhưng con bị trói chân, buộc cánh, con bị khâu mắt và nhồi trong những chiếc lồng sắt chật hẹp (Ảnh: Khôi Vũ).

Đại diện Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam cho biết đơn vị đã từng có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Chi cục kiểm lâm của Hà Nội kêu gọi chung tay bảo vệ chim hoang dã.

Tuy nhiên, tình trạng bẫy bắt, buôn bán chim hoang dã vẫn diễn ra âm thầm hoặc công khai tại một số quận, huyện.

"Từ bài viết của báo Dân trí, chúng tôi sẽ kiến nghị tới địa phương để các cơ quan ban ngành liên quan quyết liệt xử lý, xóa sổ chợ cóc buôn bán chim trời tại đường gom Đại lộ Thăng Long", vị này nói, nhấn mạnh biện pháp tăng cường hoạt động thực thi pháp luật ở chính quyền địa phương.

Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến nghị sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của các cơ quan ban ngành liên quan, chính quyền địa phương và sự chung tay của người dân để ngăn chặn tình trạng săn bắt chim trời. 

Cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân săn bắt, buôn bán trái phép các loài chim tự nhiên; đồng thời xử lý các hình thức quảng cáo, kinh doanh trực tuyến trái pháp luật về các loài chim.

Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức của bản thân bảo vệ các loài động vật hoang dã; không săn bắt, không giăng bẫy chim tự nhiên; góp phần bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống.

"Nếu phát hiện các cá nhân, tổ chức săn bắt, giăng bẫy, buôn bán chim hoang dã… người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm này", ông Tiền kêu gọi. 

Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu "chợ cóc" chim hoang dã hoạt động công khai trên đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn nút giao Thạch Thất, Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km.

Tại đây, các tiểu thương bày bán đủ loại chim trời, kể cả loại hiếm có như cò hương, chim diệc, chim giang sen, vạc...

Cả trăm lồng nhốt chim, vịt, gà bày la liệt trên vỉa hè, bốc mùi tanh hôi khó chịu. Mỗi khi khách dừng xe để mua hàng, các loại chim trong lồng quẫy đạp tán loạn. 

Dòng sự kiện: Tận diệt chim trời