DNews

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Khi xây nhà, nhiều người dân Nam Phương Tiến đều tôn cao sân và nền mong cơ ngơi của mình an toàn trong lũ. Tuy nhiên, như chị Năm, không ít người đành đóng cửa nhà đi nơi khác khi lũ về.

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ

Nhà cửa khang trang cửa đóng then cài

Nghe cán bộ thôn thông báo có đoàn cứu trợ tới phát nước, anh Nguyễn Văn Trọng (xóm Đồng Rạch, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Hà Nội) vội tháo chiếc thuyền tôn đang buộc ở hiên nhà rồi chèo ra khu vực nhà văn hóa.

22 ngày cô lập, người Hà Nội thấp thỏm chờ nước rút, đưa tang bằng máy cày (Video: Hồng Hạnh - Hà Nam; Biên dựng: Cẩm Tiên).

Nước ở sân nhà ngập 1m, ngoài đường có đoạn vẫn cao từ 1,4 đến 1,5m, không phân biệt được đâu là đường, đâu là bờ ruộng, anh Trọng lấy những chiếc cột điện làm mốc. Chiếc thuyền nhôm chòng chành len lỏi qua vài ba con ngõ đưa anh Trọng ra tới đường lớn.

"Tháng 7 cả thôn chìm trong nước. Nước chưa rút được mấy hôm thì lũ lại đổ về sau bão số 3. Lần này nước dâng cao hơn mức tháng 7 khoảng 40-50cm, đến nay vẫn rút rất chậm", anh Trọng chia sẻ.

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 1

Biệt thự, nhà cao tầng ở giữa xóm cô lập vì lũ (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

Hơn 20 ngày, nhiều người dân tại thôn Nhân Lý chật vật sống cùng nước lũ. Từ ngày sinh ra ở rốn lũ tới nay đã gần 40 năm, anh Trọng chưa từng chứng kiến trận lụt nào dai dẳng đến vậy.

Gia đình anh Trọng có 6 thành viên nhưng đang phải sống ở 3 nơi. Cuộc sống 3 không: Không điện, không nước sạch, không có đường đi buộc họ phải tạm rời ngôi nhà của mình.

Mẹ anh Trọng sau một thời gian tránh trú ở địa điểm do chính quyền xã sắp xếp đã chuyển về ở cùng người con trai út. Vợ anh đưa các con về sống tại nhà bố mẹ đẻ.

Anh Trọng ở lại nhà để trông coi đồ đạc, vật nuôi. Với chiếc thuyền nhỏ, thi thoảng anh di chuyển đi nhận đồ ăn cứu trợ, xin nước sạch hoặc chạy qua nhà hàng xóm hỏi han, xem xét tình hình.

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 2

Đến ngày 1/10, anh Trọng vẫn phải dùng thuyền để làm phương tiện đi lại trong xóm (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Chở phóng viên Dân trí đi một vòng quanh xóm, anh Trọng chỉ vào căn biệt thự, nhà cao tầng được xây dựng khang trang. "Người dân nơi đây xây nhà to đẹp lắm nhưng lũ lụt, nhiều nhà cũng đành đóng cửa để đấy rồi đi nơi khác ở. Thi thoảng, họ đi thuyền về nhà dọn dẹp bùn rác rồi lại đi", người đàn ông cho hay.

Xóm Đồng Rạch có hơn 20 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu. Tuy nhiên, những ngày lũ về, số người dân hiện ở lại thôn chỉ khoảng 20 người.

Lội bì bõm trên nền ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện, chị Năm (thôn Nhân Lý) thở dài: "Khi xây nhà, gia đình đã cố gắng tôn cao nền nhưng tầng 1 vẫn bị ngập sâu".

Sống giữa "rốn lũ" của Thủ đô, chị Năm đã chủ động xây sân và nhà cao hơn hẳn mặt đường trên 1m. Chị cứ ngỡ sẽ an tâm sống trong căn nhà cao ráo nhưng qua "phép thử cơn bão số 3", chị Năm lo lắng, căn nhà tiền tỷ sẽ bị cô lập mỗi khi lũ về.

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 3

Chị Năm cho biết mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân Nam Phương Tiến (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

"Hôm trước xác một con chó còn theo nước trôi vào nhà bốc mùi hôi thối. Tôi về nhà nhìn mà ngao ngán. Rác rưởi ngập ngụa, không biết nên bắt đầu dọn dẹp từ đâu. Nhìn cái nhà chẳng ra cái nhà nữa", chị Năm nói.

Nhiều hộ dân tại 4 thôn thường xuyên ngập lụt của Nam Phương Tiến - Nam Hài, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, Nhân Lý - khi xây mới nhà cửa đều tôn cao sân và nền nhà mong cơ ngơi của mình an toàn trong lũ dữ.

Tuy nhiên, như chị Năm, nhiều người cũng đành đi tránh trú nơi khác. Gần phía cuối thôn, căn biệt thự 2 tầng nổi bật giữa nước lũ mênh mông nhưng xung quanh cửa đóng then cài, không một bóng người.

Do ảnh hưởng của lũ lụt, hệ thống điện nước tạm dừng hoạt động. Chị Năm và nhiều người dân được hỗ trợ nước để uống. Nước sinh hoạt không có, họ nhịn tắm hoặc tranh thủ trời mưa hứng nước để sử dụng một cách tiết kiệm.

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 4

Ngập từ hơn 20 ngày trước, nước ở khu vực này rút rất chậm. Vết tích của mực nước dâng vẫn còn in trên tường một ngôi nhà (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

Cứ ngập lụt mãi, người nông dân như "đánh bạc với trời"

Gia đình bà Đinh Thị Thịnh (thôn Hạnh Bồ) do ở sát mặt đường nên nước rút nhanh hơn những nhà trong xóm. Chồng và con bà cũng mới trở về nhà cách đây ít hôm. Trước đó, họ phải đi ở nhà người họ hàng ở xã kế bên. Mỗi lần cần về nhà, họ phải gửi xe ở một điểm an toàn, thuê thuyền đi về nhà với giá 30.000 đồng/chuyến.

Quá trình đi lại vất vả, tốn kém trong khi kinh tế gia đình bà Thịnh mấy năm qua bị ảnh hưởng do mưa lụt triền miên. Chỉ vào dãy chuồng trại bà Thịnh kể, bà không nuôi lợn nữa bởi cứ mưa lại phải đem đi gửi ở nơi khác. Việc vận chuyển khó khăn, đi về lợn lại yếu, sinh bệnh kém ăn rồi chết nên thành công cốc.

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 5

Bà Đinh Thị Thịnh (thôn Hạnh Bồ) khuấy bùn trong sân nhà (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

 Phía sau nhà ông Nguyễn Văn Tho (thôn Nhân Lý), cánh đồng vẫn mênh mông nước. Trước cơn bão số 3, ông Tho cùng các con khấp khởi mừng thầm vì mấy sào dưa cả gia đình trồng đang đến kỳ thu hoạch. Ấy vậy mà, chỉ sau 1-2 ngày, cánh đồng dưa chìm trong nước, ông Tho nhăn nhó nói với vợ con: "Vậy là mất trắng".

Con trai ông Tho ước tính số tiền thiệt hại từ cánh đồng hoa màu của gia đình là 20 triệu đồng. "Đã chăm đến ngày thu hoạch rồi mà còn không được ăn. Trong vòng 1,5 tháng, nhà tôi mất liền 2 vụ dưa. Thật chẳng còn biết nên trồng tiếp hay không, như đánh bạc với trời", con trai ông Tho trăn trở.

Quá ám ảnh vì cứ mấy năm lại phải sống chung với lũ cả tháng trời, một số hộ dân từng đề xuất được cấp đất ở khu vực khác để lập làng mới, xóm mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, phương án này không dễ thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, thời điểm năm 2008, khi Nam Phương Tiến hứng chịu đợt ngập sâu nhiều ngày, Hà Nội đã đưa ra phương án di dân toàn bộ 3 thôn Nam Hài, Hạnh Bồ, Nhân Lý.

Tuy nhiên, việc di dân toàn bộ gần 1.000 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu không đơn giản là việc chuyển con người từ nơi ở này đến nơi ở khác mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác từ hạ tầng xã hội đến kế sinh nhai, quỹ đất. Vì vậy, qua đánh giá, nghiên cứu, Thành phố nhận định giải pháp này không khả thi.

"Hiện chúng tôi đang đề nghị phương án xây dựng con đường bao khu dân cư này dài khoảng 2,6km. Con đường sẽ cao khoảng 7,5m, không làm ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ, chống lũ của Hà Nội.

Nếu nước dâng sẽ chỉ ngập bên ngoài đồng ruộng, không tràn vào khu dân cư. Giải pháp này không gây xáo trộn tập quán, đời sống của bà con nhân dân. Người dân vẫn sinh sống, canh tác bình thường. Tôi được biết, Thành phố đang giao cho các sở ban ngành nghiên cứu phương án này", ông Thắng nói.

22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 6
22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 7
22 ngày cô lập vì ngập: Người Hà Nội bỏ biệt thự, nhà cao tầng đi ở nhờ - 8

Cảnh tượng khiến những người dân Nam Phương Tiến ngao ngán. Suốt nhiều ngày, họ đã sống với nước bẩn, rác và chất thải của vật nuôi (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh - Nguyễn Hà Nam).

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cũng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Bùi dâng cao, lũ trên ngàn dồn về nên 4 thôn trong xã là Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ và Hạnh Côn bị ngập sâu nhiều ngày, ảnh hưởng nặng nề tới 427 hộ với 2006 nhân khẩu.

Khoảng 150ha lúa bị đổ, 25ha hoa màu thiệt hại. Hiện tại nước vẫn ngập sâu tại nhiều điểm thôn gây xáo trộn cuộc sống và ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người dân.

UBND xã Nam Phương Tiến đã bố trí điểm sơ tán tập trung tại trụ sở Ban chỉ huy Quân sự và Nhà văn hóa thôn Đồi Mít, điểm thôn Đồi Miễu, Đông Nam, thiết lập 1 điểm tập trung tại trạm y tế B để đón học sinh sơ tán từ các địa phương khác về sinh sống và học tập. Ngoài ra, xã cũng cắt cử lực lượng vận chuyển nhu yếu phẩm cấp phát cho các hộ dân bị ảnh hưởng do ngập úng.