Xóa bỏ sự mập mờ trong xã hội hóa y tế
"Chúng ta không thể xã hội hóa bằng cách cho tư nhân bỏ tiền mua máy đặt trong bệnh viện công rồi khai thác, chia nhau lợi nhuận". Phát biểu đáng chú ý này của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đưa ra tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm 8/9 vừa qua.
Ông Hiếu đề xuất bỏ từ "xã hội hóa y tế" khi góp ý kiến vào "điều khoản quan trọng nhất và cũng đang vướng nhất" trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) về hợp tác công - tư trong y tế. Vị đại biểu đồng thời đề nghị nên quy định 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế là: Cho vay; cho thuê và phi lợi nhuận.
Đề xuất này của ông Nguyễn Lân Hiếu được đưa ra vào thời điểm ngành y tế đang có nhiều vấn đề, đặc biệt là sự thiếu thốn trang thiết bị vật tư, sinh phẩm. Nhiều bệnh viện lớn, tuyến đầu xảy ra tình trạng thiếu thuốc cả trong và ngoài danh mục bảo hiểm. Thậm chí có lãnh đạo một bệnh viện hàng đầu chia sẻ nỗi bức xúc của một bác sĩ ngoại khoa rằng trước đây dùng dao mổ tốt không có vấn đề gì, nay mua dao rẻ phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh.
"Xã hội hóa" hiểu theo nghĩa khuyến khích các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư vào y tế là chủ trương đúng đắn, qua đó chia sẻ bớt gánh nặng, áp lực đối với khu vực công. Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi vượt bậc không chỉ trong lĩnh vực y tế sau khi thực hiện "xã hội hóa". Người dân được lựa chọn đa dạng hơn trong học tập, điều trị sức khỏe…; cơ sở vật chất ở nhiều nơi cũng được sửa sang, mua sắm mới khang trang hơn.
Nhưng xã hội hóa cần minh bạch, tránh công - tư lẫn lộn để rồi có thể dẫn đến lạm dụng trong chỉ định sử dụng trang thiết bị, sinh phẩm; có thể dẫn đến những tiêu cực về tài chính… Một vị từng là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã vướng vòng lao lý vì vi phạm quy định pháp luật trong quá trình triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa, ký hợp đồng liên danh liên kết là bài học nhãn tiền.
Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, thay vì sử dụng khái niệm "xã hội hóa y tế", các cơ quan có thẩm quyền nên quy định rõ 3 hình thức hợp tác công - tư như nêu trên.
Đầu tiên là cho vay, có ưu đãi, để giúp các bệnh viện mua sắm đầu tư. Với hình thức này, bệnh viện có thể đứng tư cách pháp nhân vay của các tổ chức tín dụng, của tổ chức quốc tế và có trách nhiệm tương tự một doanh nghiệp.
Thứ hai là cho thuê (thuê hai chiều giữa bệnh viện công và bệnh viện tư), giảm áp lực tài chính trong mua sắm thiết bị đắt tiền với bệnh viện công.
Thứ ba là hợp tác công - tư phi lợi nhuận, tức là các nhà hảo tâm, các quỹ từ thiện xây dựng bệnh viện rồi cho bệnh viện công vận hành, lợi nhuận (nếu có) không chia mà giữ lại đầu tư để phát triển cơ sở y tế.
Tóm lại, Nhà nước cần có hành lang pháp lý rõ ràng để huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào y tế, đảm bảo sự minh bạch, không nên "gian gian díu díu mập mờ" công - tư.
Vấn đề bỏ khái niệm "xã hội hóa y tế" ở đây không phải là phủ nhận vai trò xã hội (được hiểu là các thành phần ngoài khu vực công, bao gồm người dân, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài) trong lĩnh vực y tế, mà nên hiểu là xóa bỏ sự lấp lửng, lập lờ về mặt khái niệm dẫn đến tiêu cực, lãng phí, thiếu hiệu quả. Thiết nghĩ không chỉ riêng lĩnh vực y tế cần làm rõ điều này.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!