Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về công tác xã hội trong bệnh viện

(Dân trí) - Hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương đã thành lập bộ phận phụ trách công tác xã hội trong bệnh viện. Tuy nhiên, tại các bệnh viện nhìn chung vẫn còn thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về công tác xã hội (CTXH)…

Định hướng phát triển CTXH của ngành y tế

Công tác xã hội ở Việt Nam có thể được coi là một nghề và chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010. Trong ngành Y tế, công tác xã hội đã được hình thành ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020”.

Với Đề án này, Bộ Y tế đã đề ra những kế hoạch cụ thể nhằm định hướng phát triển công tác xã hội với mục tiêu của Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020 là đến hết năm 2020 sẽ có 60% các bệnh viện tuyến tỉnh, 30% các bệnh viện tuyến huyện và 40% số xã/phường/thị trấn triển khai hoạt động công tác xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã xây dựng hành lang pháp lý về nghề CTXH trong ngành y tế (Thông tư số 43/TT-BYT ngày 25/11/2015).

Theo Thông tư, công tác xã hội trong bệnh viện có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người bệnh), Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; Vận động tiếp nhận tài trợ; Hỗ trợ nhân viên y tế; Cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị; Đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội của bệnh viện và tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng (nếu có).

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến quận huyện đã và đang thành lập Phòng/tổ công tác xã hội, góp phần đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về công tác xã hội trong bệnh viện - 1
Nhóm hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ y tế thuộc Tổ CTXH, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám, chữa bệnh – Nguồn ảnh: http://baoquangninh.com.vn

Việc thực hiện thành công “Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế” đã và đang góp phần đáng kể cải thiện năng lực của hệ thống Y tế Việt Nam.

Thiếu người được đào tạo bài bản về công tác xã hội trong bệnh viện

Công tác xã hội trong bệnh viện có một đặc thù riêng không giống như công tác xã hội ở những lĩnh vực khác. Công tác xã hội góp phần cải thiện tinh thần người bệnh, làm cho họ tin tưởng hơn, gắn bó hơn với bệnh viện, những rào cản giữa người bệnh và nhân viên y tế được tháo gỡ, người bệnh thấy thoải mái, hài lòng hơn và qua đó giúp cho quá trình điều trị bệnh cũng rút ngắn bớt so với bình thường. Từ chỗ ít ai biết đến, nhân viên công CTXH đã và đang định hình, phát huy vai trò của mình trong bệnh viện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khối lượng công việc dành cho phòng CTXH trong bệnh viện là khá lớn, không mấy nơi thực hiện trọn vẹn được đầy đủ 7 nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BYT.

Và rào cản trở lớn nhất vẫn là thiếu người làm chuyên nghiệp. Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo phòng CTXH không phải là người có chuyên môn và kinh nghiệm lĩnh vực này, mà là bác sĩ kiêm nhiệm lấy từ các khoa. Nhân viên CTXH trong bệnh viện cũng vậy, rất ít người được học bài bản CTXH từ trường đại học, phần lớn họ vừa học, vừa làm.

Không chỉ hạn chế chất lượng, đội ngũ CTXH ở các bệnh viện còn thiếu cả số lượng. Theo quy định của bộ Y tế, nhân sự làm CTXH tối thiểu phải chiếm 1 – 2% tổng số nhân lực bệnh viện. Trong khi, phần lớn hiện nay các bệnh viện đều gặp khó khăn trong việc đáp ứng được yêu cầu này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các bệnh viện vẫn đang tìm phương án để xử lý được bài toán tự chủ tài chính và nhân sự.

Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về công tác xã hội trong bệnh viện - 2

Nhân viên CTXH hướng dẫn người bệnh làm thủ tục khám chữa bệnh tại bệnh viện Bà Rịa.

Có thể thấy, CTXH trong bệnh viện hiện nay là một nghề nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng để đáp ứng được yêu cầu thực có lẽ còn cần nhiều giải pháp khác nhau, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến nguồn nhân lực.

Hiện tại có trên 50 trường cao đẳng, đại học tham gia đào tạo cử nhân CTXH (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Lao động và Xã hội…). Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có trường ĐH Y tế công cộng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước đào tạo mã ngành cử nhân công tác xã hội định hướng trong y tế, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện hiện nay.

Song Anh