Ngăn chặn tin đồn thất thiệt
Cách đây ít ngày, mạng xã hội chấn động với một số dòng trạng thái tưởng như vu vơ, đồn thổi việc Chủ tịch Tập đoàn Vingroup bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm xuất cảnh.
Tin đồn tung ra buổi tối thì ngày hôm sau, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên lần này, Bộ Công an đã sớm lên tiếng bác bỏ, dập tắt những bàn tán không có cơ sở. Theo đó, dù VN-Index vẫn bị thiệt hại 16 điểm trong phiên 11/7 nhưng tình trạng bán tháo đã không xảy ra. Các đối tượng tung tin thất thiệt lập tức được khoanh vùng và bị xử phạt hành chính.
Có thể thấy, phản ứng kịp thời của cơ quan chức năng giúp "hãm phanh" đà giảm cổ phiếu nhóm Vingroup và tránh được ảnh hưởng tiêu cực mang tính "domino" trên thị trường. Bằng chứng là phiên sau đó (12/7), VN-Index tăng mạnh gần 20 điểm, nút thắt nghi ngại trong cộng đồng nhà đầu tư dường như đã được gỡ bỏ.
Với vốn hóa lớn của VIC và VHM (hơn 260.000 tỷ đồng, lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3 về quy mô vốn hóa ), thử hỏi nếu như không bác bỏ tin đồn thất thiệt một cách kịp thời thì thị trường sẽ còn bị ảnh hưởng tiêu cực đến thế nào trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vốn dĩ đã rất mong manh, sức kháng cự của thị trường yếu ớt sau một đợt giảm dài và sâu.
Bởi vậy, các hình phạt với hành vi tung tin liên quan đến doanh nghiệp niêm yết cần phải bị xử lý mạnh tay hơn, có tính răn đe hơn so với mức phạt hơn 7 triệu đồng như hiện tại.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên, mới 3 tháng trước, cơ quan chức năng đã khởi tố một bị can vì hành vi đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội. Theo đó, các thông tin này hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự và đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư.
Gương tày liếp còn đó, nhưng rồi tình trạng tung tin đồn thất thiệt vẫn tái diễn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thiết lập cơ chế giúp xã hội, thị trường ứng phó tốt nhất với tin đồn?
Bài học qua sự việc nêu trên cho thấy, điều đầu tiên là phải có sự phản ứng nhanh nhạy, kịp thời của cơ quan chức năng. Ở đây tin đồn liên quan đến hoạt động của cơ quan công an (cấm xuất cảnh), vì vậy điều dư luận chờ đợi nhất vẫn là phát ngôn chính thống và đã được đáp ứng nhanh. Ngoài ra, khi xuất hiện tin đồn, thiết nghĩ cần sự lên tiếng của cá nhân hoặc tổ chức liên quan, phản hồi trực diện và quyết liệt trước những thông tin thất thiệt, qua đó chủ động bảo vệ lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư.
Thực tế thời gian qua, một số luồng thông tin ban đầu bị cho là "ngoài luồng", nhưng sau một thời gian lại được xác thực. Điều này có thể do diễn biến sự việc trùng hợp, do quy trình xử lý hoặc nguyên nhân khách quan nào đó. Để tránh tình trạng dư luận nửa tin nửa ngờ, không biết liệu tin đồn có thành sự thật hay không, cần nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó về phản ứng với thông tin, người viết cho rằng cùng với "phản ứng nhanh" thì cần có cơ chế "phản ứng liên tục". Nghĩa là phải xác lập nhất quán vấn đề minh bạch thông tin, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân theo luật định. Khi thông tin chính thống được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ và thường xuyên thì tin đồn sẽ không còn "đất sống"; diễn biến các sự việc cũng sẽ được cập nhật, giải thích rõ ràng với công luận.
Giai đoạn đại dịch Covid bùng phát, lãnh đạo các cấp ở TPHCM đã livestream trên mạng xã hội và một số kênh khác để giải đáp thắc mắc của người dân. Qua đó không chỉ cung cấp những thông tin thiết thực, hữu ích mà còn lan tỏa năng lượng tích cực, những nghĩa cử cao đẹp của tổ chức, cá nhân trong cuộc chiến chống dịch tại thành phố. Thiết nghĩ các cuộc họp báo, các buổi livestream định kỳ và khi cần thiết của cấp có thẩm quyền sẽ vừa giải đáp vấn đề nóng, vừa giúp minh định thông tin.
Chúng ta đang ở trong thời đại bùng nổ thông tin và có rất nhiều cách để chống "tin giả", đưa "tin thật" đến với đại chúng, có khi chỉ là một thông báo trên trang web doanh nghiệp, trên cổng thông tin của Bộ ngành, hay một bức ảnh, một cuộc họp… Nguồn lực để ngăn chặn tin đồn kịp thời sẽ nhỏ hơn rất nhiều hậu quả tin đồn có thể gây ra cũng như chi phí xử lý nó.
Từ góc độ người dùng mạng xã hội, tin đồn thất thiệt không thể lây lan nếu mỗi chủ tài khoản đều có ý thức với những lời bình phẩm, chia sẻ của mình, qua đó giúp bản thân tránh được vòng xoáy "fake news" và cả những rắc rối có thể đến. Bớt đi một lời không hay, cuộc sống sẽ tích cực và nhẹ nhàng hơn. Thử đặt mình vào vị trí của người bị nói xấu, bị đặt điều, liệu có ai cảm thấy dễ chịu không?!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!