Mang dao lên máy bay
Làm thế nào mà một phụ nữ lớn tuổi có thể mang lên máy bay một con dao ăn và rồi khi vừa cất cánh, vô tư gọt trái cây ăn trong chuyến bay từ TPHCM tới Hà Nội sáng 18/7? Và làm thế nào mà an ninh mặt đất lại không soi chiếu được con dao đó?
Quy định về an ninh hàng không hiện hành nêu rõ các vật phẩm bị cấm mang vào khu vực hạn chế, khoang khách của máy bay bao gồm dao lam, dao rọc giấy, các loại dao có lưỡi (không bao gồm cán dao) dài trên 6cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10cm... Và theo quy định, trước khi lên máy bay, hành khách phải trải qua quy trình kiểm soát an ninh ngặt nghèo tại sân bay: Kiểm tra giấy tờ tùy thân, soi chiếu an ninh, thậm chí áp dụng kiểm tra trực quan trong trường hợp cần thiết...
Vậy mà câu chuyện kể trên vẫn xảy ra, khá hi hữu nhưng đáng giật mình. Bởi điều đó có nghĩa là nữ hành khách cao tuổi kia không biết rằng mang dao lên máy bay là điều bị cấm, còn an ninh soi chiếu thì vì một lý do nào đó, đã không thấy con dao trong hành lý xách tay hoặc trong người của bà. Đương nhiên, sau sự cố này, người ta sẽ điều tra kỹ hơn về lỗ hổng an ninh này, nhưng điều cần thiết là cũng nên tăng cường phổ biến lại việc không được những thứ gì lên máy bay, chẳng hạn những thứ được cho là nguy hiểm có thể trở thành hung khí hoặc công cụ khủng bố như những đồ dùng có bề mặt, cạnh sắc hoặc gây ra sát thương lớn như dao, kéo, dĩa…, các thứ có nguy cơ gây cháy nổ, các loại vũ khí…
Người phụ nữ vô tư mang dao lên máy bay mà không biết đó là thứ bị cấm. Nhưng cũng có những người để dao trong hành lý mà quên mất, không nhớ gì đến sự tồn tại của nó và rồi khi lên máy bay mới giật mình phát hiện ra. Và kết cục những câu chuyện đó cũng khác nhau.
Theo India Today, năm 2017, một hành khách người Ấn Độ bay trên chuyến New Delhi-Goa thông báo cho tiếp viên rằng, ông tình cờ phát hiện ra là mình đã vô tình mang con dao nhỏ của nhà bếp trong hành lý xách tay. Lúc ấy, máy bay đang đợi lệnh cất cánh ở đường băng chứ chưa bay. An ninh sân bay xuất hiện và bất chấp việc ông giải thích rằng mình quên khuấy mất, đồng thời đã chân thành thông báo cho tổ bay để họ thu con dao, ông vẫn bị giao cho cảnh sát để điều tra và không được bay chuyến đó.
Tháng 7/2019, một hành khách người Anh hạng thương gia của hãng British Airways giật mình khi phát hiện ra một con dao trong hành lý xách tay của mình, khi ông đang tìm tai nghe cho điện thoại. Ông đã để con dao đó vào valy xách tay của mình từ vài tuần trước và không hề nhớ ra. Điều mà ông không thể tin nổi là an ninh soi chiếu ở hai sân bay trong hành trình của ông, chiều đi từ Anh và chiều bay về Anh từ Ý, đều không phát hiện ra con dao ấy, dù nó được để trong ngăn trước của hành lý xách tay.
Sau chuyến bay, ông thông báo điều này cho an ninh hàng không của sân bay Heathrow để họ điều tra lỗ hổng an ninh. Ông cũng gửi một tấm ảnh chụp cái dao này khi ông mang vào toilet của máy bay để chứng minh. Phản hồi lại, sân bay Heathrow nói họ sẽ cho kíp an ninh soi chiếu hôm đó đi "đào tạo lại".
An ninh sân bay quên là chuyện lớn, còn hành khách quên hoặc không biết quy định thì thỉnh thoảng vẫn hay xảy ra. Lâu lắm rồi, tôi cũng đã từng có lần để quên một con dao đa năng nhỏ mua ở Basel (Thụy Sĩ) trong ngăn trước của valy xách tay và may nhờ gửi được một người quen ở sân bay, nên không bị thu mất. Câu chuyện của người phụ nữ trong chuyến bay từ TPHCM tới Hà Nội hôm 18/7 sẽ là một lời nhắc nhở đối với tất cả các hành khách, cũng như an ninh soi chiếu vốn làm việc khá căng thẳng (thường thì tôi ít thấy họ cười).
Hàng không Việt Nam đang "bùng nổ" sau đại dịch, với tốc độ phục hồi thị trường hàng không nội địa trong 6 tháng đầu năm được xếp vào nhóm nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%. Đây là những tín hiệu vui với ngành hàng không, đồng thời là áp lực lớn trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Câu chuyện người phụ nữ mang trót lọt con dao gọt hoa quả lên máy bay; hay mới đây là sự việc nữ hành khách cố tình tạo dáng quay Tiktok, bất chấp máy bay đang di chuyển đến gần; một số hành khách gắn điện thoại ở cửa sổ máy bay để quay ngoại cảnh…, một mặt cho thấy nhiều hành khách chưa có ý thức tốt trong việc chấp hành quy định khi di chuyển bằng đường hàng không, mặt khác là lời nhắc nhở về công tác kiểm soát an ninh, an toàn hàng không.
Mong rằng những sự việc như vậy sẽ không lặp lại.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!