Lựa chọn phóng sinh
Trưa rằm tháng Bảy, tôi đến bờ sông xem cảnh phóng sinh, có một nhóm thanh niên đang ngồi trên bờ và trước mặt họ rất nhiều cá trong các chậu thau, túi nylon. Tôi hỏi những con vật này có biết bơi không? Mọi người nhìn tôi cười. Họ nghĩ tôi đùa.
Tiếp tục đi, không xa về phía hạ nguồn, tôi lại thấy một nhóm đàn ông và phụ nữ đánh bắt cá bằng lưới và vợt, họ đang rất vui vẻ.
Hai cảnh tượng làm cho tôi nhận thấy, cuộc sống có sự sắp đặt thật vi diệu, chỉ một đàn cá làm cho ba nhóm người vui vẻ. Người nuôi cá vui vẻ, người mua cá về thả vui vẻ, người đánh bắt cá cũng vui vẻ. Nhưng tôi lại buồn. Tôi buồn vì những con cá không may mắn. Chúng bị nuôi nhốt từ lúc sinh ra, rồi được thả, rồi bị bắt lại ngay sau đó để làm thịt. Những con cá này được nuôi kinh doanh theo phương pháp công nghiệp, là giống cá sinh sản nhiều và lớn rất nhanh, nhưng thả ra sông sẽ chết do không thích nghi được với môi trường tự nhiên.
Nhiều năm trước, trong một lần đến sông Hồng thả cá vào mùa Đông trong Tết ông Công ông Táo, có người đứng trên bờ nhìn tôi cười nhạo. Hôm đó tôi chỉ có ít tiền trong túi. Tôi ra chợ mua mớ cá, cảm nhận được nỗi đau của những con vật nhỏ bé, vừa thả xong thì tôi phát hiện có những người đàn ông cầm vợt xúc cá và giăng lưới ở hạ nguồn. Dĩ nhiên là tôi không thể ngăn được việc làm của họ.
Một số người cho rằng không nên phóng sinh ở thượng nguồn khi có người đánh bắt ở hạ nguồn. Thậm chí là đánh bắt để bán phóng sinh, rồi mua về thả, rồi lại đánh bắt bán phóng sinh, cái vòng luẩn quẩn năm bảy lần. Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Cuộc sống phải có người dọn rác và người vứt rác, nếu không vứt rác thì không còn gì để dọn, nghĩa là người dọn rác sẽ mất việc. Hơn 20 năm trước, bệnh nhân của tôi là một tử tù, trước giờ ra pháp trường bị thủng dạ dày, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, nếu không mổ chắc chắn sẽ chết. Bác sĩ như tôi sẽ chọn điều gì? Chắc chắn ai cũng mổ, tìm mọi cách cứu sống bệnh nhân, cho dù sau đó anh ta vẫn phải ra pháp trường. Phóng sinh cũng vậy. Theo tôi, sẽ không phù hợp khi quan niệm rằng, không nên thả cá chỉ vì ai đó đánh bắt cá. Chúng ta làm việc thiện là phóng sinh, không có nghĩa chẳng ai làm việc giăng lưới; chưa kể bắt cá không phải là việc ác, thậm chí bắt cá và thả cá đều mang lại hạnh phúc.
Dù mục đích phóng sinh là rất rõ ràng, nhưng cách thực hành lại muôn vẻ. Dường như trong chuyện này thì hành động tùy thuộc vào chúng sinh, miễn là tâm hồn mỗi người thấy thanh thản, vì thế mới có những cách thức phóng sinh mà người này ủng hộ trong khi người khác phản đối.
Về phần mình, tôi nghĩ rằng, cá trong tự nhiên, mua ngoài chợ về, thả ra sông hồ còn có cơ hội sống. Ngược lại, cá nuôi nhân tạo trông khỏe mạnh và rất đẹp, mua về thả xuống sông hồ, do không thích nghi với môi trường tự nhiên nên về cơ bản cá nóng vào mùa hè và chết cóng vào mùa đông, chết đói trong tất cả các mùa, nếu thủy vực quá bẩn thì cá chết vì nhiễm độc.
Phóng sinh như vậy không hạnh phúc chút nào. Giải phóng cuộc sống, trên thực tế, có nghĩa là trân trọng sự sống của những sinh linh khác. Nhưng khi quan sát xung quanh, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều người không quan tâm cá sống hay chết sau khi thả.
Dù giữ cách tiếp cận không phán xét, nhưng ở góc độ nào đó, dường như mục đích phóng sinh hay làm việc thiện như vậy chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm lí của bản thân, hoặc tích đức nhằm đổi lấy vận may. Muốn trúng lô đề cũng đi phóng sinh. Muốn làm ăn phát đạt cũng đi phóng sinh. Thăng quan tiến chức, sinh con trai, sức khỏe không tốt hay thậm chí bị ung thư cũng đi phóng sinh. Việc phóng sinh hôm nay đang trở thành phong trào. Nhiều người phóng sinh ban ngày, đêm vào nhà hàng giết những con vật quý hiếm để ăn thịt, họ không hiểu được rằng điều quan trọng nhất của hành động phóng sinh là kiêng sát sinh để gieo lòng nhân ái.
Liệu chúng ta có thể làm điều gì đó để thay đổi văn hóa phóng sinh được không?. Câu trả lời tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!