Tâm điểm
Trương Nguyện Thành

Phóng sinh và phóng tử

Lần trở về Việt Nam và trải nghiệm lễ Vu Lan trong tháng Bảy âm lịch này, tôi hạnh phúc vì được đón nhận những năng lượng tích cực của tình cảm gia đình và của đạo hiếu mà mọi người chia sẻ. Ba mẹ tôi đã qua đời từ lâu nên tôi cũng như nhiều người Việt khác muốn tích đức để vong hồn ba mẹ được sống thảnh thơi.

Nhưng, tôi cũng thấy ngạc nhiên và phiền lòng khi chứng kiến các nghi lễ phóng sinh được thực hiện ở khắp nơi, không chỉ cá nhân mà nhiều tổ chức cũng đứng ra làm lễ phóng sinh.

Tôi quan sát thấy đa phần mọi người mua cá, chim… ở chợ rồi về thả ra ao hồ, bụi cây mà không cần biết những con vật đó sẽ sống chết như thế nào. Nhiều người hân hoan khi phóng sinh, nhưng tôi lại nhìn thấy đó như một "hủ tục" chứ không phải phóng sinh với nghĩa nguyên thủy là để tích đức mà chúng ta hiểu với nhau.

Phóng sinh và phóng tử - 1

Chim phóng sinh bán trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, tháng 8/2022 (Ảnh: Toàn Vũ)

Trong thực tế những năm qua, nhiều vị tu hành khi phát ngôn trên truyền thông cũng đã khuyên không nên phóng sinh trong điều kiện hiện nay. Vì theo nghĩa nguyên thủy thì phóng sinh là một truyền thống tốt đẹp của nhà Phật, nhưng hiện nay các loại cá, chim… mà chúng ta mua ở chợ về khi thả ra môi trường tự nhiên nhiều khả năng sẽ trở thành "phóng tử" vì chúng không thể thích nghi được, vô hình trung việc phóng sinh khiến hệ sinh thái ô nhiễm hơn. Hình ảnh cá chết phơi đầy bờ sông, ao hồ sau ngày lễ Vu Lan đã được phản ánh trên báo chí.

Tôi được biết hiện nay cá phóng sinh bán ở chợ đa phần là cá nuôi nên xác suất chúng sống sót trong môi trường tự nhiên rất thấp. Ngoài ra, việc phóng sinh cũng dẫn đến nguy cơ chim, cá… đang sinh sống ở môi trường tự nhiên bị bắt về bán. Chưa kể những hình ảnh rất phản cảm, đó là chỗ này mọi người thả cá phóng sinh thì chỗ kia gần đó lại có những người chờ bắt lại để đưa ra chợ bán. Vòng tròn luẩn quẩn.

Chúng ta có nghĩ rằng khách du lịch nước ngoài khi nhìn vào cảnh chim, cá vừa thả ra bị bắt lại để bán thì sẽ cho rằng đây là một hành động chẳng những thiếu văn minh và phản cảm, mà còn vi phạm quyền động vật (Animal Rights) trầm trọng. Những hình ảnh này đủ để nhiều người trong số họ quyết định không bao giờ quay lại Việt Nam.

Tôi còn nhớ vào những năm cuối thập niên 1970 và đầu 1980 làn sóng người Việt định cư vào Mỹ khá đông. Khi người Việt vừa đến Mỹ thì các cơ quan bảo lãnh đều cảnh báo là không được đánh bắt chim, cá ở công viên vì đó là hành vi phạm pháp và sẽ bị phạt nặng. Không phải tự nhiên họ đưa ra cảnh báo này vì trước đó khá nhiều người Việt thích ra công viên bắt chim, vịt trời, cá… Những việc làm không thể hiểu nổi đối với người bản xứ.

Phóng sinh và phóng tử - 2

Cá vừa phóng sinh đã bị chích điện vớt lên thuyền sau lễ phóng sinh của một ngôi chùa trên địa bàn quận Bình Thạnh, TPHCM, tháng 8/2022 (Ảnh: Hoàng Giám)

Đời sống của người Việt trong nước ngày nay đã được nâng cao hơn nhiều so với trước, đây là điều kiện để nhiều người thực hiện nghi lễ phóng sinh, nhiều nghi lễ tổ chức rất rình rang, năm sau to hơn năm trước. Cứ đến dịp tháng Bảy âm lịch này hoặc một số ngày lễ truyền thống là chim, cá… phóng sinh lại bày bán đầy chợ, thậm chí bán tràn ra cả vỉa hè. Câu chuyện này sẽ không bao giờ chấm dứt nếu không có sự thay đổi tư duy và chung tay hành động vì một xã hội Việt Nam văn minh và hội nhập.

Trước hết là những nơi thực hành tín ngưỡng của người dân hãy nói không với nghi lễ phóng sinh. Chúng ta có nhiều cách tốt đẹp và văn minh hơn để "phóng sinh" như trồng cây hay dọn dẹp vệ sinh môi trường, giữ gìn môi trường tự nhiên cho vạn vật chứ không chỉ riêng con người. Các tổ chức có thể thay thế những nghi lễ phóng sinh rình rang bằng phong trào trồng rừng.

Những người có ảnh hưởng trong xã hội, nhân vật nổi tiếng không nên tham gia vào các lễ phóng sinh, qua đó tạo hiệu ứng truyền thông quay lưng với các nghi lễ hình thức và phản cảm này.

Hệ thống pháp luật và quy chế nếp sống văn hóa cần có những quy định theo hướng không khuyến khích và dần đi đến chấm dứt việc phóng sinh tràn lan như hiện nay; phạt nặng những ai vi phạm.

Thay đổi một thói quen, một xu hướng trong xã hội là điều không dễ dàng, nhất là có những nhóm hưởng lợi ích từ thói quen đó. Nhưng mỗi người trong chúng ta thử bình tâm suy nghĩ, vì sao chúng ta phóng sinh và việc phóng sinh đó là để tích đức bằng cách thả một chúng sinh (ở đây thường là chim, cá…) về môi trường tự nhiên hay thực chất là cái vòng luẩn quẩn như tôi đề cập ở trên.

Thiện tâm không thể gắn liền sự sát sinh, một hệ quả trực tiếp hoặc gián tiếp của phóng sinh.

Tác giả: Giáo sư Trương Nguyện Thành có bằng Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota năm 1990. Ông nhận học bổng hậu tiến sĩ từ National Science Foundation. Năm 2002, ông trở thành giáo sư chính giảng dạy môn Hóa học ở Đại học Utah. Năm 2017, ông tạm nghỉ và về Việt Nam làm Hiệu phó Đại học Hoa Sen, rồi Hiệu phó tại Đại học Văn Lang ở TP HCM.  Hiện ông dành thời gian tư vấn cho các tổ chức giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!